Siêu chiến cơ F-35 bị “bà già” F-16 đánh gục
Viên phi công lái siêu chiến cơ F-35 đã phải kêu ca về sự vụng về, chậm chạp của nó khi đối đầu với “bà già” F-16 trong một trận không chiến.
F-35 là chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ, được coi là vũ khí đắt nhất trong lịch sử quân sự nước này, thế nhưng trong một cuộc diễn tập không chiến gần đây, chiếc siêu chiến cơ này đã bị một chiến đấu cơ “bà già” F-16 hơn 40 tuổi đời đánh gục.
Trận diễn tập không chiến này diễn ra trên Thái Bình Dương, nơi một chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 đọ sức về tốc độ, hỏa lực và độ linh hoạt với chiếc máy bay chiến đấu già cỗi F-16 được thiết kế, chế tạo từ thập niên 1970. Chiến đấu cơ F-16 (trước) và F-35 (sau) tham gia trận diễn tập không chiến
Trận diễn tập không chiến này được thực hiện gần căn cứ không quân Edwards của Mỹ nhằm kiểm tra khả năng cận chiến trên không của F-35 ở độ cao từ 3.000 mét tới 9.000 mét, trong đó phi công của cả chiếc F-35 và F-16 được phép sử dụng các loại vũ khí để “bắn hạ” lẫn nhau.
Tuy nhiên viên phi công lái chiếc F-35 đã báo cáo rằng màn thể hiện của chiếc siêu chiến cơ này “tồi tệ” đến mức anh ta coi nó hoàn toàn không phù hợp để không chiến với máy bay khác trong cự ly gần.
Theo đó, chiếc F-35 do hãng Lockheed Martin chế tạo này “thua xa đối thủ về khả năng cơ động” trong mỗi lần chạm trán cùng chiếc F-16, mặc dù chiếc F-16 này đã phải mang thêm 2 thùng dầu phụ để tăng thời gian hoạt động trên không, khiến trọng lượng của nó tăng lên đáng kể.
Theo viên phi công, chiếc F-35 này gặp nhiều vấn đề về khí động học, đặc biệt là ở phần mũi máy bay khi vọt lên, khiến nó trở nên vụng về, chậm chạp trong việc né tránh hỏa lực của máy bay địch. Tốc độ tối đa của F-35 là 1.930 km/h, đồng nghĩa với việc nó sẽ không thể chạy thoát được nếu bị một chiếc F-16 với vận tốc tối đa 2.120 km/h đuổi theo.
Viên phi công cho rằng F-35 quá chậm chạp khi không chiến
Ngoài ra, chiếc mũ bảo hiểm trị giá nửa triệu USD giúp phi công có cái nhìn 360 độ xung quanh máy bay đã khiến anh ta không thể nhìn được một cách thoải mái bên trong buồng lái chật hẹp, đến mức nhiều lần chiếc F-16 đã áp sát từ phía sau mà anh ta không hề hay biết.
Viên phi công này viết trong báo cáo: “Chiếc mũ bảo hiểm quá lớn so với không gian chật hẹp trong buồng lái khiến tôi không thể ngoảnh ra sau để quan sát”. Được biết chiếc mũ bảo hiểm đắt nhất thế giới này được kết nối với toàn bộ các cảm biến, camera trên F-35, giúp phi công có thể quan sát mọi góc độ xung quanh máy bay.
F-35 là chiếc máy bay đắt nhất, hiện đại nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, với tổng mức chi phí nghiên cứu, phát triển dành cho chiếc siêu chiến đấu cơ này đến nay là 263 tỉ USD. Thế nhưng, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển và thử nghiệm đã phần nào làm gia tăng sự nghi ngờ đối với hiệu quả của nó.
Chiến đấu cơ F-16 thể hiện tốc độ và sự linh hoạt trong một cuộc diễn tập
Tướng Không quân Chris Bogdan, người phụ trách chương trình F-35, cũng từng thừa nhận rằng chiếc chiến cơ này “đầy những lỗi vặt”, từ đèn ở đầu cánh không theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang, cho đến loại bánh không phù hợp cho việc hạ cánh. Hồi tháng 5, một chiếc F-35 đã bốc cháy trong khi cất cánh khi gặp phải sự cố về động cơ.
Mặc dù vậy, các chiến lược gia Không quân Mỹ vẫn đặt niềm tin vào chiếc chiến đấu cơ tàng hình đa năng thế hệ thứ năm này và cho rằng nó có nhiều điểm vượt trội so với các chiến đấu cơ thế hệ trước.
Video đang HOT
Tướng Thủy quân lục chiến Robert Schmidle từng ví chiếc F-35 với một “cỗ máy tính bay” có thể phát hiện ra kẻ thù nhanh gấp 5 đến 10 lần khả năng của đối phương. Trong khi đó, hãng Lockheed Martin thì quảng cáo rằng chiếc chiến cơ này “được kết hợp công nghệ tàng hình hiện đại với tốc độ, khả năng linh hoạt của chiến đấu cơ”.
Hiện Mỹ đang sản xuất 3 dòng F-35 chính, đó là F-35A cất hạ cánh thông thường, F-35B cất cánh ở đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, F-35C có khả năng cất cánh từ tàu sân bay. Công nghệ tàng hình được trang bị trên loại máy bay này cho phép nó tránh bị sóng radar phát hiện, khả năng mà các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư phải “ghen tị”.
Theo_Dân việt
Tiết lộ đáng sợ về vụ Su-27 Nga suýt va chạm với máy bay Mỹ
Theo tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga), đã rõ một số chi tiết vụ máy bay do thám RC-135U của Mỹ suýt va chạm với chiến đấu cơ Nga trên biển Baltic hôm 7/4 vừa qua.
Rossiyskaya Gazeta cho biết, theo giả thiết của Lầu Năm Góc, chiếc RC-135U đang thực hiện chuyến bay hết sức bình thường trong không phận quốc tế thì bị máy bay chiến đấu Su-27 Nga chặn đầu "theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp".
Truyền thông Mỹ cáo buộc Su-27 bay cách RC-135 không vũ trang chỉ 6 m và điều này có thể khiến hai chiếc máy bay va chạm trên không trung.
Do các phi công của RC-135U không muốn liều lĩnh nên đã quay đầu, đưa máy bay về căn cứ không quân tại Anh.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga lại đưa ra thông tin hoàn toàn khác.
Mỹ nói máy bay trinh sát nước này bị chiến đấu cơ Nga chặn đường
Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết:
Lúc 13h18 (theo giờ Moscow) ngày 7/4/2015, các radar phòng không Nga phát hiện trên vùng biển Baltic một chiếc máy bay lạ đang bay về phía không phận Nga.
Máy bay chiến đấu Su-27 ngay lập tức được lệnh xuất kích.
Chiếc Su-27 bay vòng quanh chiếc máy bay lạ vài lần để xác định số hiệu máy bay và đã nhận dạng được mục tiêu là máy bay do thám RC-135U của Không quân Mỹ.
Thông tin này ngay lập tức được báo về cho bộ chỉ huy.
Chiếc Su-27 không hề gây ra bất cứ tình huống nguy hiểm nào trên không.
Sau khi Su-27 bay vòng quanh RC-135U thì chiếc máy bay của Không quân Mỹ đã chuyển hướng và rút khỏi ranh giới không phận của Nga.
Theo ông Konashenkov, chiếc RC-135U đã tắt bộ phát đáp.
Về việc đánh giá độ chuyên nghiệp của các phi công Nga, ông Konashenkov cho biết, điều này liên quan tới thẩm quyền của Bộ chỉ huy Nga, không phải của Lầu Năm Góc.
Ông Konashenkov cũng nêu rõ rằng những chuyến bay "bình thường" của các máy bay trinh sát Mỹ chỉ có thể được thực hiện tại khu vực biên giới Mỹ.
Mỹ cho rằng Su-27 Nga đã chặn đầu chiếc RC-135U "theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp".
Ông Konstantin Kosachev, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Hội đồng Liên bang cho rằng, Lầu Năm Góc không nên bị kích động trước những máy bay chiến đấu của Nga.
"Liên quan tới sự việc xảy ra trên bầu trời khu vực biển Baltic, cần phải nhớ một chi tiết: Nga là đất nước thuộc vùng biển Baltic, còn Mỹ thì không", thượng nghị sĩ này tuyên bố.
Theo Rossiyskaya Gazeta, năm vừa qua, đã có không ít các chuyến bay thông thường tới Kaliningrad của máy bay vận tải Nga (chưa nói tới chiến đấu cơ) bị các tướng lĩnh Phương Tây sử dụng như lý do để cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận quốc tế.
Thực ra, không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh những lời nói của họ là có căn cứ.
Về cái gọi là chuyến bay "bình thường" của RC-135U trên vùng biển Baltic, Rossiyskaya Gazeta cho biết, ngay cả các phương tiện truyền thông Mỹ cũng thừa nhận rằng:
Những chuyến bay như vậy hoặc nhằm mục đích do thám lộ trình bay của Không quân Nga ở trong khu vực này, hoặc để tìm các vị trí đặt những tổ hợp tên lửa chiến thuật "Iskander-M" tại Kaliningrad.
Các máy bay do thám của Mỹ trong thời gian gần đây đã nhiều lần toan triển khai nhiệm vụ tương tự ở gần khu vực biên giới Nga.
Cuối tháng 4/2014, chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã khiến phi hành đoàn trên chiếc RC-135U đang bay trên vùng biển Okhotsk phát hoảng, khí tiếp cận ngay trước mũi máy bay này ở cự ly khoảng 30 mét.
Vụ việc tới tháng 6/2014 mới được Lầu Năm Góc tiết lộ.
Tiếp đó, tới tháng 8/2014, máy bay RC-135 của Mỹ đã buộc phải xâm phạm không phận Thụy Điển sau khi cố gắng bứt khỏi tiêm kích Nga.
Sau sự việc này mới phát hiện được rằng chiếc máy bay của Mỹ không được cấp phép để bay vào khu vực nói trên.
Rossiyskaya Gazeta cho hay, việc bám sát theo những máy bay lạ bay dọc theo hành lang không phận quốc tế và gần với biên giới của một quốc gia nào đó là điều hết sức bình thường.
Ví dụ, khi các máy bay mang tên lửa chiến lược của Nga Tu-160 và Tu-95MS thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không tại vùng biển Đại Tây dương và Thái Bình dương, ở một số tuyến sẽ có các máy bay chiến đấu của không quân các nước đi theo giám sát.
Dù các máy bay này của Nga có xuất hiện ở đâu đi chăng nữa thì cũng có hầu hết các loại máy bay chiến đấu của lực lượng không quân các nước cất cánh để giám sát, từ F-15, F-16, F-18 và F-22 cho đến Mirage của Pháp.
Có chiếc chỉ giám sát trong vòng vài phút, một số chiếc lại tiến gần đến các máy bay của Nga để chụp ảnh.
Có lần những máy bay chiến đấu Phantom của Mỹ đã theo các máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược của Nga gần 3,5 tiếng tại khu vực Alaska.
Song, không phải lúc nào sự việc tương tự cũng xảy ra.
Trong vòng 30 năm qua, Nga thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu tại các vùng biển, các khu vực xa xôi trên thế giới, các tổ lái đã gặp nhiều tình huống khác nhau - từ hành động gây rối cho đến gây hấn.
Theo Rossiyskaya Gazeta , có lần chiếc máy bay chiến đấu của Mỹ đã va phải cánh máy bay ném bom chiến lược của Nga khiến phi hành đoàn phải khó khăn lắm mới trở về được tới căn cứ.
Theo Trí Thức Trẻ
Trận không chiến nảy lửa giữa MiG-29 Triều Tiên và F-15 Hàn Quốc Dù thua kém rất nhiều, nhưng MiG-29SE của Triều Tiên đã áp đảo hoàn toàn F-15K của Hàn Quốc trên... phim. Không quân Triều Tiên hiện có trong biên chế khoảng 35 chiếc tiêm kích hạng nhẹ MiG-29SE, đây chính là máy bay chiến đấu mạnh nhất của họ. MiG-29SE Fulcrum-C - phiên bản xuất khẩu của MiG-29S là thế hệ thứ hai...