Siết chặt Thông tư 17, sẽ hạn chế các trường đại học mở ngành mới ồ ạt
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: “Điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất để mở ngành mới là chương trình đào tạo”.
Những năm gần đây, nhiều trường đại học công lập hướng tới đào tạo đa ngành do đó đã mở thêm rất nhiều ngành mới. Nhất là khi theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu bảo đảm đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau.
Dư luận lo ngại rằng các trường có mở ngành mới một cách ồ ạt thì liệu có đảm bảo chất lượng nhất là khi nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ mà mở thêm mã ngành kinh tế; nhiều trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành y tế khiến không ít người lo lắng.
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Đức Chính (ảnh: thầy Chính cung cấp)
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện mở ngành – đảm bảo chất lượng, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) – một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực giáo dục đại học cho rằng, mở ngành và đảm bảo chất lượng là 2 công việc của 2 chủ thể.
Mở ngành là chức năng, quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục đại học. Đảm bảo chất lượng đào tạo là nghĩa vụ của cơ sở đào tạo trước khi mở ngành và là chức năng quan trọng, quyết định việc mở hay không/chưa mở của cơ quan quản lí nhà nước.
Trước hết cần nói rõ việc mở ngành là chức năng, quyền và cũng là nghĩa vụ của cơ sở giáo dục đại học.
Khi nhân loại bước và kỉ nguyên thông tin, cách mạng công nghiệp lần thư tư với những tiến bộ to lớn và nhanh chóng tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, IoT, AI, Big Data, công nghệ robot…..đã và đang dần làm nhiều nghề trở nên lỗi thời, như nhân viên lễ tân, chuyển phát nhanh, thiết kế đồ họa, nhân viên ngân hàng, tài xế taxi….
Đồng thời nhiều ngành nghề mới đã và sẽ xuất hiện trong tương lai không xa, như truyền thông, thương mại quốc tế, công nghệ thông tin, kĩ thuật ôtô, trí tuệ nhân tạo, logistics…nhiều ngành nghề cũ vẫn tồn tại nhưng sẽ có những thay đổi to lớn, như giáo viên, bác sĩ, phát thanh viên…..
Trong bối cảnh đó mỗi quốc gia cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, có sức cạnh tranh về các ngành nghề đang và sẽ xuất hiện hoặc sẽ thay đổi ấy để ít nhất không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này.
Trong mọi quốc gia nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ…. đều được cung cấp bởi các cơ sở giáo dục đại học do đó muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và cạnh tranh như hiện tại cần không những cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu hiện tại của xã hội, mà còn dự báo nguồn nhân lực mới cho tương lai và có kế hoạch cung ứng nguồn nhân lực như vậy. Trong bối cảnh ấy thì mở ngành mới cũng là nhu cầu thiết yếu của mỗi cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên mở ngành mới không phải là việc đơn giản, muốn là được. Ở đây vai trò kiểm soát các điều kiện đảm bảo chất lượng việc mở ngành mới của cơ quan quản lí nhà nước mang tính quyết định.
Cần bổ sung 3 vấn đề trong chuẩn chương trình đào tạo
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: “Điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất để mở ngành mới là chương trình đào tạo”.
Theo thầy Chính, ngày 26/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021 qui định chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học, và có hiệu lực từ ngày 7/8/ 2021. Đây là văn bản mới nhất và cũng là quan trọng nhất để hướng dẫn xây dựng cũng như thẩm định chương trình đào tạo trước khi ban hành, cho phép tiến hành tuyển sinh và đào tạo nghề mới.
Video đang HOT
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: “Điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất để mở ngành mới là chương trình đào tạo”. (ảnh minh họa: Thùy Linh)
Mặc dù còn vài vấn đề cần bàn thêm, song đây là văn bản pháp quy đầy đủ nhất cho đến thời điểm này về quản lí tất cả các bước của chu trình phát triển chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Để mở ngành mới các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chương trình đào tạo như được quy định trong thông tư. Nếu được hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn thì đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các cơ sở giáo dục dại học cạnh tranh trong bối cảnh mới. Và đây cũng là điều kiện đảm bảo chất lượng quan trọng đầu tiên cho việc mở một ngành mới (nếu được thực hiện đúng và đủ).
Theo tinh thần và lời văn của Thông tư thì khái niệm chương trình đào tạo không chỉ bao gồm văn bản mô tả chương trình đào tạo với các thành tố của nó (mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, nội dung (các môn học), hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, các hình thức kiểm tra đánh giá….). Khái niệm chương trình đào tạo còn bao gồm cả những điều kiện đảm bảo thực thi chương trình đào tạo, như đội ngũ giảng viên, nhân viên cơ sở vật chất, công nghệ, học liệu….. chương trình đào tạo còn bao gồm cả khâu đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo.
Vấn đề đặt ra ở đây là trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam, khi khoa học về phát triển chương trình đào tạo còn đang ở giai đoạn đầu, thiếu các chuyên gia về phát triển chương trình đào tạo, phần lớn các giảng viên đại học chưa có khái niệm đày đủ về chương trình đào tạo và phát triển chương trình đào tạo, nhất là chương trình đào tạo dựa trên năng lực và tiến tới khởi nghiệp sáng tạo, thì cần có văn bản hướng dẫn thực hiện các bước của chu trình phát triển chương trình đào tạo một cách chi tiết, cụ thể hơn, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, kiểm soát, đánh giá quá trình này thì mới có thể có những chương trình đào tạo đúng nghĩa của nó.
Muốn có văn bản hướng dẫn chi tiết như vậy thì Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho rằng Thông tư 17/2021 cần bổ sung 3 vấn đề để các trường đại học không chỉ để thiết kế chương trình đào tạo các ngành mới mà còn dùng để đánh giá cải tiến các chương trình đào tạo hiện hành.
Thứ nhất , Thông tư 17 cần bổ sung quy trình xác đinh mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Mặc dù trong Thông tư đã nêu 3 tiêu chí cần đạt của Mục tiêu, 7 tiêu chí cần đạt về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, nhưng cần hướng dẫn các trường qui trình thực hiện các công việc để mục tiêu và chuẩn đầu ra chắc chắn đạt được các tiêu chí ấy. Đây là công việc quan trọng nhất của quá trình phát triển chương trình đào tạo, vì mục tiêu, chuẩn đầu ra sẽ qui định việc lựa chọn và sắp xếp các môn học, lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, các hình thức kiểm tra đánh giá trong quá trình đào tạo.
“Rõ ràng, mục tiêu và chuẩn đầu ra quyết định chất lượng của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi cho thấy hiện nay, mục tiêu, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo là quá trình suy ra từ các môn học hiện có trong nhà trường, chứ chưa phải là kết quả của quá trình khảo sát, phân tích nhu cầu xã hội hiện tại và tương lai”, thầy Chính nhận định.
Thứ hai, Thông tư 17 cần bổ sung quy trình lựa chọn các môn học trên cơ sở mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Dù trong Thông tư đã qui định 4 tiêu chí cho cấu trúc trúc nội dung của chương trình đào tạo (mục 1: a, b, c, d). Tuy nhiên cần bổ sung các tiêu chí như: Số lượng môn học không quá 40 môn cho chương trình đào tạo 120 tín chỉ và không quá 50 môn cho chương trình đào tạo 150 tín chỉ; Số tín chỉ chuẩn cho một môn học là 3, các môn cơ sở ngành có thể là bội số của 3 (6; 9), các môn tự chọn có thể là ước số của 3 (3 ; 1.5); Qui định tỷ lệ giờ lý thuyết và thực hành cho mỗi loại môn học; Qui định bắt buộc các môn học phải có đề cương chi tiết tơi từng tuần học; Qui định bắt buộc mỗi môn học có ít nhất một giáo trình chính đã xuất bản và nhiều tài liệu tham khảo trong đó có sách tham khảo bắt buộc.
Thứ ba , Thông tư 17 cần bổ sung hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, các hình thức đánh giá trong đào tạo như: Bắt buộc phải có giờ xêmina (cho một số môn học cơ sở ngành và chuyên ngành) do trợ giảng hướng dẫn và qui định các hình thức đánh giá các giờ tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, ngoài kiểm tra giũa kì và thi cuối kì, tỉ lệ điểm của các hình thức này (đây là điều kiện đảm bảo chất lượng quan trọng nhất)
“Nếu bổ sung và làm tốt việc này thì sẽ không có chuyện mở ngành mới ồ ạt, dẫn tới dư thừa sinh viên sau tốt nghiệp”, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính nêu quan điểm.
Ồ ạt mở ngành đào tạo đại học theo thị trường làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, việc các trường chạy theo kinh tế, mở rộng đào tạo ngành "nóng" nhưng không phải lợi thế của trường chỉ là sự "ăn xổi, ở thì".
Những năm gần đây, nhiều trường đại học công lập hướng tới đào tạo đa ngành, nhưng điều mà dư luận xã hội quan tâm là chất lượng đào tạo thì vẫn luôn là một dấu hỏi lớn.
Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo mở. [1]
Năm 2021, nhiều trường đã mở thêm nhiều ngành mới để tuyển sinh, thậm chí trường dự định tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới.
Sự nở rộ này đặc biệt thấy rõ ở khối các trường công lập tự chủ và trường ngoài công lập.
Việc ồ ạt mở các ngành mới đào tạo bậc đại học trong năm học này thực ra đã được dự báo trước.
Tâm lý chạy theo ngành "nóng" có thể khiến cơ cấu nhân lực bị méo mó. Ảnh minh họa, nguồn: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Bởi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.
Tuy nhiên, việc các trường đại học liên tục mở các chuyên ngành mới đang dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như việc sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuyên ngành bị mai một và gây thiếu hụt chất lượng cao ở các chuyên ngành đặc thù.
Ở nhiều trường đại học những ngày truyền thống rất khó tuyển được thí sinh. Ví dụ như ngành địa chất học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chỉ tuyển được 29 sinh viên so với 100 chỉ tiêu; ngành hải dương học 24 sinh viên/50 chỉ tiêu.
Trường Đại học Nha Trang vốn là trường thủy sản duy nhất của cả nước trước năm 2006 nên có năm ngành truyền thống, đặc thù về thủy sản. Nhưng giờ thì có đến ba ngành rất khó tuyển. [2]
Điểm chuẩn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội theo xu hướng chung đều tăng ở hầu hết các ngành.
Tuy nhiên, tại nhóm ngành khoa học cơ bản như khí tượng và khí hậu học, hải dương học, địa chất học... điểm chuẩn vẫn "giậm chân tại chỗ", ở mức chỉ khoảng 6 điểm/ môn.
Hay tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, điểm chuẩn cho các ngành địa chất học, địa tin học, khoa học dữ liệu... cũng chỉ ở mức 5 - 6 điểm/ môn, thấp hơn nhiều so với các ngành vốn không phải thế mạnh đào tạo của trường như công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa,...[3]
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Đỗ Thơm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn nhưng việc nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ mà mở thêm mã ngành kinh tế; nhiều trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành y tế gây ra những lo ngại là có cơ sở.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phụ huynh, học sinh đang thiếu thông tin về nguồn nhân lực nên chỉ chạy theo những chuyên ngành được gọi là nóng, thời thượng... điều này rất nguy hiểm bởi nó có thể làm biến dạng cơ cấu về nhân lực của xã hội. Chỗ thừa thì thừa mà chỗ thiếu thì rất thiếu.
Các trường cứ chạy theo nhu cầu để thu hút thí sinh đào tạo cũng chỉ được cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ không bền vững. Bởi đào tạo ra nhiều nhưng các em không có việc sau đào tạo thì ngành đó sẽ không còn hấp dẫn nữa, thí sinh lại bỏ đi.
Nói về việc dự báo nguồn nhân lực, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói đến vai trò của các bộ ngành cần có sự phối hợp để dự báo về nguồn nhân lực, nhu cầu thật của nền kinh tế về nhân lực. Cần có sự thống kê về nhu cầu thật, để có thông tin đầy đủ cho phụ huynh, học sinh trong cả nước để có sự lựa chọn phù hợp.
Hiện tại, chúng ta vẫn nói là đào tạo nhân lực theo nhu cầu của xã hội, đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội mà cứ đào tạo tràn lan, đào tạo theo ý thích, thiếu định hướng như vậy sẽ gây ra lãng phí rất lớn.
Bên cạnh đó việc đào tạo những ngành mới như vậy mà thiếu kinh nghiệm, thiếu cơ cở vật chất, giảng viên... liệu chất lượng đào tạo có đảm bảo?
Điều này quyết định chất lượng của nguồn nhân lực, nếu khâu chuẩn bị không tốt thì nguồn đào tạo ra không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lao động
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những chấn chỉnh, tính toán sao cho hợp lý, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cho biết.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung. Ảnh: Zing.vn
Cũng bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hiện tượng các trường đại học mở rộng chuyên ngành mới, các ngành truyền thống thì khó tuyển sinh, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, ai thì cũng thích cái mới. Cái gì mới cũng thích, cái cũ không thay đổi cũng khó. Đó là xu hướng lựa chọn của người học.
Tuy nhiên, Giáo sư Dung cho rằng những trường mở ngành mới không phải lợi thế của mình thì việc đào tạo cũng chỉ là sự chắp vá, cóp nhặt, mới cái mới thì làm sao có truyền thống.
Mỗi trường đại học có một số ngành học có thế mạnh nhất định. Và đó cũng là truyền thống của trường. Ví dụ trường Luật, Bách khoa...Không có truyền thống thì không thể có 1 khoa học hoàn chỉnh để giảng dạy, nghiên cứu.
Việc cóp nhặt mỗi thứ 1 chút, dạy đi dạy lại thì khó có thể có được chất lượng trong đào tạo.
Nói về việc nhiều trường, các khoa phi truyền thống lại chính là những khoa thu hút nhiều sinh viên và đó chính là nguồn nuôi sống nhiều trường Đại học, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cho rằng việc này chỉ là "ăn xổi ở thì".
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tuyển sinh ở các trường đang thiếu sự định hướng, thiếu sự phát triển nên đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của học sinh, phụ huynh.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-nam-2020-den-nay-mo-562-nganh-dao-tao-moi-post220573.gd
[2]https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/nhung-nganh-hoc-la-tiep-tuc-e-thi-sinh-267431.html
[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nhung-nganh-hoc-tiem-nang-nhung-co-diem-chuan-thap-778170.html
Xét tuyển đại học: Ngành nào còn tuyển bổ sung? Năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tăng, điểm chuẩn vào ĐH nhiều ngành, nhiều trường cao kỷ lục. Nhưng ngược lại không ít trường (đặc biệt trường ngoài công lập) vẫn xét tuyển bổ sung, nhiều ngành số thí sinh trúng tuyển đếm trên đầu ngón tay. Thí sinh xem điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay - ĐÀO NGỌC THẠCH Một...