Sẽ nhập thêm 100.000 tấn thịt heo
Từ nay tới hết quý I/2020, Việt Nam sẽ nhập thêm 100.000 tấn thịt heo để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thịt đang rất cao.
Thông tin này được ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Công Thương cho biết tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước, ngày 26/12.
Theo ông Hải, nguồn cung thịt heo đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Hiện bình quân giá thịt heo hơi tại các chợ đầu mối dao động 90.000-92.000 đồng một kg. Ông Hải thông tin, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá cách đây 2 ngày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt heo.
“Những việc có thể làm luôn là các doanh nghiệp cần tăng nhập khẩu, đưa hàng ra thị trường để giảm giá bán”, ông Hải đề nghị, và yêu cầu thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm nguồn hàng hợp lý, giá rẻ giới thiệu cho doanh nghiệp.
Giá thịt heo tăng như thế nào (Click vào ảnh để xem chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành
Video đang HOT
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, tổng đàn heo cung cấp cho thị trường miền Nam giảm khoảng 50% so với đầu năm 2019. Các tỉnh, thành lân cận cung cấp nguồn thịt chủ lực như Đồng Nai, Đồng Tháp cũng giảm mạnh, lần lượt 34% và 42%. Lượng thịt tiêu thụ tại TP HCM giảm 30% so với trước do thiếu nguồn cung và giá tăng cao.
Ngoài ra, giá mặt hàng này tại TP HCM tháng 12 đã tăng gấp ba so với tháng 3. Bà Trang dẫn chứng, giá thịt heo hơi trước đây khoảng 30.000-32.000 đồng một kg, hiện giá thịt hơi Công ty CP công bố là 83.000 đồng một kg, song giá thực tế trên thị trường trên 90.000 đồng.
“Với tình hình cung cầu như hiện nay, nếu chủ quan, khả năng cao thiếu thịt dịp Tết. Vì hiện nay, nguồn cung đáp ứng được song từ 23 tháng Chạp đến hết Tết, nhu cầu thịt heo sẽ tăng gần gấp đôi, tính chung 7 ngày Tết cần đến hơn 100.000 tấn thịt heo”, bà Trang nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp sản xuất cam kết nhập thêm thịt heo để bình ổn giá, song theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, thịt heo nhập về phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh…) nên giá đưa ra thị trường tương đương với thịt nóng, chưa cạnh tranh để người tiêu dùng chọn mua. Do đó, Sở Công Thương TP HCM đề xuất nên có cơ chế miễn, hoặc giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng thịt heo dịp cao điểm để tạo sức cạnh tranh.
Về điều này, Thứ trưởng Thắng Hải cho biết, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, giảm thuế nhập khẩu thịt heo để mặt hàng này có giá cạnh tranh hơn, kích cầu thị trường.
Theo vnexpress
Vì sao chưa đưa thịt heo vào danh mục hàng dự trữ quốc gia?
Theo lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, mặt hàng thịt heo chưa đưa vào danh mục hàng dự trữ quốc gia, tuy nhiên sẽ xem xét và cân nhắc trong thời gian tới.
Ngày 26-12, tại cuộc họp về cấp hàng dự trữ quốc gia, ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã lý giải vì sao thịt heo chưa được đưa vào danh mục hàng dự quốc gia. Vấn đề này được đặt trong bối cảnh Việt Nam thiếu thịt heo trong thời gian qua, cùng với đó là tình trạng giá thịt heo tăng cao.
Theo ông Thời, những băn khoăn của người dân về việc mặt hàng thiết yếu như thịt heo chưa có trong danh mục dự trữ là hợp lý với những diễn biến trên thị trường thời gian qua. Ông Lê Văn Thời cho biết, danh mục hàng dự trữ quốc gia được quy định cụ thể trong Luật Dự trữ quốc gia năm 2012.
Theo Luật, danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Nhiên liệu...
Việt Nam thiếu hàng chục ngàn tấn thịt heo vào các tháng cuối năm
"Trong nhóm hàng lương thực chưa có thịt lợn, hiện nay với chỉ có mặt hàng thiết yếu là gạo"- ông Lê Văn Thời cho hay. Theo vị Phó tổng cục trưởng, nhiều ý kiến cho rằng nước ta đang xuất khẩu lương thực lớn thì dự trữ những mặt hàng nào cho phù hợp, tại sao chưa đưa thịt heo vào danh mục dự trữ?
"Hiện nay Tổng cục đang tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, rà soát danh mục hàng dự trữ quốc gia để bổ sung. Những mặt hàng nào chưa thiết yếu, chưa cần thiết trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn thì chưa đưa vào. Hàng năm, chúng tôi có rà soát, đánh giá các mặt hàng trong danh mục để thay thế, bổ sung"- ông Thời cho hay.
Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, thì mặt hàng thịt heo chưa được đưa vào danh mục hàng dự trữ. Mặc dù vậy, Tổng cục Dự dữ Nhà nước cho biết sẽ cân nhắc, tính toán đến phương án này.
Chia sẻ về kinh nghiệm dự trữ ở các quốc gia trên thế giới, ông Lê Văn Thời cho biết, tại Nga, quốc gia này dự trữ thịt bò, thịt heo với số lượng lớn, khi cần xuất ra thị trường thì các sản phẩm này đã được chia nhỏ theo lạng, kg, rất thuận lợi.
"Hiện nay, nhiều mặt hàng cần được bổ sung vào danh mục dự trữ. Như ở Nhật Bản, họ dự trữ cả nhà vệ sinh di động. Tuy nhiên, chúng ta cần cân đối, xem xét để phù hợp với tình hình ngân sách"- ông Lê Văn Thời cho hay.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn cho nhu cầu dịp cuối năm. Song gần đây, Bộ Công Thương lại cho rằng có thể thiếu tới 300.000 tấn thịt. Bộ này cũng cho rằng, mất cân đối cung cầu cục bộ do dịch tả heo châu Phi đã đẩy giá tăng và có hiện tượng găm hàng, chờ giá lên cao mới xuất heo bán, ảnh hưởng tới thị trường.
Vừa qua, Trung Quốc đã đưa thêm vào thị trường gần 10.000 tấn thịt heo đông lạnh từ các kho dự trữ trung ương để ổn định giá cả và đối phó với khủng hoảng nguồn thịt. Theo báo chí đưa tin, quốc gia này có các kho dự trữ thịt heo khoảng 200.000 tấn.
Theo Người Lao Động
Tết 2020: Đảm bảo cung cấp hàng hoá, đặc biệt không lo thiếu thịt lợn Bà Trần Thị Lan Hương - Phó Giám đốc sở Tài Chính cho biết, hàng hoá tiêu dùng sẽ đảm bảo nhu cầu phục vụ dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới của người dân, đặc biệt người dân yên tâm không lo thiếu thịt lợn. Chiều 24/12, tại hội nghị giao ban báo chí do Thành uỷ Hà Nội...