Saudi Arabia hướng tới việc gia nhập câu lạc bộ năng lượng hạt nhân
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 11/11, truyền thông Trung Đông đưa tin, Saudi Arabia đã tiến hành những bước đi đầu tiên để hướng tới việc gia nhập câu lạc bộ năng lượng hạt nhân toàn cầu khi Thái tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz công bố những chương trình cải cách đầy tham vọng, “đặt nền móng” cho việc triển khai 7 dự án chiến lược mới, trong đó có một lò phản ứng hạt nhân.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: WSJ)
Tuần báo The Arab Weekly dẫn một tuyên bố chính thức nêu rõ những dự án này sẽ bao gồm các lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng nguyên tử, khử muối nước biển-giải pháp cho vấn đề thiếu nước sạch của Saudi Arabia, dược phẩm và ngành công nghiệp chế tạo máy bay tại thành phố Quốc vương Abdulaziz.
Theo kênh truyền hình Al Arabiya, trong số các dự án chiến lược mới của Saudi Arabia có dự án xây dựng một lò phản ứng hạt nhân phục vụ mục đích nghiên cứu đầu tiên và một trung tâm để đưa Vương quốc Hồi giáo này trở nhà sản xuất máy bay lớn nhất ở khu vực Trung Đông. Cơ sở hạt nhân trên ở Saudi Arabia sẽ được thiết kế để “phát triển ngành công nghiệp hạt nhân và chuyên phục vụ mục đích nghiên cứu.”
Video đang HOT
Ngoài ra, trong các mục tiêu triển khai dự án của chính quyền Riyadh có hạng mục xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân để sản xuất năng lượng hạt nhân. Lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019. Những mục tiêu dài hạn của Saudi Arabia là sẽ xây dựng khoảng 16 lò phản ứng hạt nhân trong 25 năm tới với chi phí ước tính lên tới 80 tỷ USD. Những dự án nêu trên phù hợp với định hướng phát triển đất nước được đề cập trong “Tầm nhìn Saudi Arabia 2030″-một chương trình cải cách kinh tế nhằm hiện đại hóa nền kinh tế của Saudi Arabia và giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực dầu khí của nước này.
Còn theo hãng tin Bloomberg, Saudi Arabia đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân với Pháp, Nga và Hàn Quốc. Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đang lên kế hoạch triển khai một nhà điện năng lượng mặt trời có công suất 1,8 gigawatt (GW) ở quốc gia Trung Đông này với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhà chức trách Riyadh đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện “Tầm nhìn Saudi Arabia 2030″ nhằm tái cơ cấu nền kinh tế để tránh phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu thô. Thông qua các dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai, cũng như các giải pháp, chính sách đa dạng hóa được đưa ra trong thời gian vừa qua cho thấy Saudi Arabia muốn tìm kiếm động lực phát triển lâu dài và bền vững cho nền kinh tế nước này. Hiện xuất khẩu dầu thô vẫn đang chiếm tới 70% nguồn thu ngân sách của Saudi Arabia./
Theo vietnamplus
Vụ Khashoggi tác động ra sao tới cuộc chiến ở Yemen?
Lãnh đạo Mỹ và Pháp thừa nhận, vụ Khashoggi có thể tạo ra "cơ hội cho một giải pháp chính trị" đối với cuộc xung đột tại Yemen.
Hơn 1 tháng trôi qua, tới nay, vụ nhà báo Saudi Arabia Khashoggi bị giết hại vẫn chưa được làm sáng tỏ, với nhiều câu hỏi chưa lời giải đáp, bất chấp sự hối thúc điều tra của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả đồng minh thân cận của Riyadh, là Mỹ. Những hệ lụy của vụ việc đã và đang tác động phần nào đến các hoạt động quân sự của Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen.
Các cuộc điều tra về vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại bên trong lãnh sứ quán Saudi Arabia vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Ảnh: DPA.
Các cuộc điều tra về vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại bên trong lãnh sứ quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa thể lí giải cho những câu hỏi mà dư luận quốc tế rất quan tâm, như: Ai, cấp bậc nào đứng ra chỉ thị vụ giết hại nhà báo; thi thể nhà báo đang ở đâu và đã bị xử lý như thế nào;... Một cuộc điều tra quốc tế cũng đã được Liên Hợp Quốc kêu gọi.
Trong một động thái mới nhất cho thấy quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa vụ việc ra trước ánh sáng, hôm qua (10/11), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thông báo, nước này đã chuyển các bản sao ghi âm liên quan tới vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại cho phía Saudi Arabia, Mỹ, Đức, Pháp và Anh.
Phát biểu trước khi lên đường tới Pháp dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Tổng thống Erdogan cho biết: "Chúng tôi đã đưa tất cả các đoạn băng ghi âm liên quan tới vụ việc cho Saudi Arabia, Mỹ, Đức, Pháp và Anh. Các quốc gia này đã nghe tất cả các cuộc hội thoại tại thời điểm xảy ra vụ việc. Không cần phải bóp méo vấn đề này, họ biết chắc chắn về kẻ giết người, hoặc kẻ giết người nằm trong số 15 người đã tới Thổ Nhĩ Kỳ".
Cùng ngày, tại Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron cũng đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng về vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, Saudi Arabia cần phải làm sáng tỏ hoàn toàn cái chết của nhà báo Khashoggi và không nên để vụ việc khiến tình hình Trung Đông thêm bất ổn. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo thừa nhận, vấn đề này có thể tạo ra "cơ hội cho một giải pháp chính trị" đối với cuộc xung đột tại Yemen.
Tuyên bố của 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Pháp được đưa ra là hoàn toàn có cơ sở khi mà hôm qua, chính phủ Na Uy cũng đã quyết định theo chân Đức, ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia - điều có thể tác động trực tiếp đến các hoạt động quân sự của Riyadh tại Yemen. Theo Bộ Ngoại giao Na Uy, quyết định được đưa ra sau khi nước này đã đánh giá kĩ lưỡng những diễn biến gần đây tại Saudi Arabia và tình hình chiến sự ở Yemen.Trước đó hồi cuối tháng 10, tại Mỹ, nhiều nghị sĩ tại Hạ viện nước này cũng đã kêu gọi chính phủ ngừng bán vũ khí cho phía Saudi Arabia để trừng phạt quốc gia đồng minh sau vụ giết hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, đến nay, chính phủ quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho phía Saudi Arabia vẫn đang "do dự", bởi lẽ điều này sẽ khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là thương vụ trị giá 110 tỷ USD.
Nhưng có lẽ không vì thế mà Mỹ có thể làm ngơ với đồng minh sau vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này. Mới đây, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng vụ việc để cùng gây áp lực lên phía Saudi Arabia nhằm khiến đồng minh ngừng các hoạt động quân sự tại Yemen, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn để có thể bước vào bàn đàm phán tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Hôm qua, Mỹ và Saudi Arabia cũng đã nhất trí về việc Washington sẽ ngừng hỗ trợ tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu của Liên quân Arab trong cuộc chiến tại Yemen. Với tuyên bố có đủ khả năng thực hiện hoạt động này, Saudi Arabia dường như đang không muốn "làm khó" đồng minh trước sức ép từ trong và ngoài nước sau vụ việc.
Rõ ràng, sau vụ giết hại nhà báo Khashoggi, Saudi Arabia đã và đang hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ dư luận quốc tế. Bên cạnh một số hợp đồng buôn bán vũ khí bị hủy bỏ và đình trệ, thế giới cũng đang gây áp lực lên cường quốc vùng Vịnh này để chấm dứt các hoạt động quân sự gây thương vong cho dân thường tại Yemen./.
Theo Đình Nam/VOV1 Tổng hợp
Riyadh nói gì khi Ankara đòi tự xét xử 18 nghi phạm vụ Khashoggi? Liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Riyadh dẫn độ 18 nghi phạm vụ hạ sát nhà báo Khashoggi để Ankara xét xử, ngày 27-10, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã chính thức lên tiếng. "Về việc dẫn độ, các nghi phạm và công dân Saudi Arabia và bị bắt giữ ở Saudi Arabia. Dù công cuộc điều tra đòi...