Sau một tháng học trực tuyến, học sinh TP.HCM đã học như thế nào?
Dù gặp nhiều khó khăn về đường truyền, thiếu thiết bị, mua sách giáo khoa khó khăn… nhưng sau một tháng TP.HCM triển khai học trực tuyến, ở tất cả các cấp học đều đạt tỷ lệ trên 97% học sinh tham gia học trực tuyến.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM thì học sinh ở bậc tiểu học có tỷ lệ tham gia học trực tuyến thấp nhất với 97,73%. Là bậc học được xem là khó khăn nhất khi triển khai dạy trực tuyến nhưng theo thống kê của Sở GD-ĐT, tới thời điểm hiện tại thì 100% các trường tiểu học đã thực dạy trực tuyến ở tuần 3 của học kỳ 1.
Tỷ lệ học sinh tham gia ở TP.HCM khá cao sau khoảng một tháng học trực tuyến – NGUYỄN LOAN
Hiện tại, hoạt động dạy học trực tuyến của các nhà trường đã chuẩn bị khá tốt, được tổ chức ổn định và hiệu quả ở các lớp, học sinh các khối đã đi vào nề nếp. Học sinh nắm được cách thức vào học, quen dần với việc sử dụng các thiết bị, biết thực hành làm bài và tương tác với giáo viên trong quá trình học tập.
Đặc biệt đối với các lớp 1 và lớp 2, giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, theo dõi, nhắc nhở và giám sát việc học tập của các em; giáo viên đã có nhiều hình thức dạy học trực tuyến linh hoạt theo khung giờ khác nhau để tạo điều kiện cho học sinh của lớp được học tập; giáo viên đã gửi bài, video, giờ phát sóng kênh truyền hình để học sinh có môi trường học tập trên không gian mạng Internet; trao đổi nội dung, kiến thức và cách làm bài với phụ huynh và nhờ phụ huynh giảng dạy lại cho học sinh sau khi học trực tuyến.
Về phía giáo viên, theo đánh giá của sở ngoài việc tham gia tập huấn, giáo viên đã chủ động xây dựng video clip học tập hoặc phiếu giao việc, Google form, giải đáp thắc mắc, sửa bài, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức qua Facebook, Zalo, Viber, Skype, Enetviet, Azota,…
Video đang HOT
Dạy trực tuyến, giáo viên đã thực hiện tốt được vai trò của mình, thận trọng từng lời ăn tiếng nói vì trong lớp học trực tuyến sẽ có nhiều thành phần tham gia. Khi sửa sai cho học sinh cũng phải đúng chừng mực, phụ huynh sẽ cảm thấy hài lòng, an tâm khi con em học trực tuyến. Dù vậy, vẫn còn một số ít chưa sắp xếp hợp lý giữa thời gian tiết học và tinh gọn nội dung cốt lõi bài học.
Trong khi đó, là người học, sau khoảng 1 tháng, học sinh đã quen dần với việc học trực tuyến, các em đã biết mở hoặc tắt camera, loa…Học sinh phát biểu to rõ, tương tác tốt với giáo viên; tinh thần học tập của học sinh khá tốt, độ tập trung tiến bộ hơn nhiều so với khi bắt đầu học, giảm bớt sự lo lắng của phụ huynh.
Dù vậy, từ ngày 1.10 khi phần lớn cha mẹ học sinh đi làm lại sau thời gian giãn cách nên việc giám sát, hỗ trợ thiết bị điện thoại di động cho con cái học tập cũng gặp khó khăn; giáo viên đã chủ động chọn phương án phù hợp để dạy trực tuyến cho học sinh, đặc biệt các lớp 1, lớp 2 nói riêng và các khối nói chung.
Trong khi đó, ở hai bậc còn lại tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến cao hơn, lần lượt là 99,8% ở bậc THPT và 97,9% ở bậc THCS.
Trước đó, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, TP.HCM đã quyết định cho học sinh toàn thành phố bước vào năm học mới hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến từ lớp 1 tới lớp 12. Cụ thể bậc THCS và THPT bắt đầu học chính thức từ ngày 6.9, còn bậc tiểu học từ ngày 20.9. Theo kế hoạch của TP.HCM, các em sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ 1 và dự kiến quay trở lại trường vào đầu năm sau khi trường học đảm bảo được các tiêu chí an toàn.
Sinh hoạt tổ chuyên môn - chìa khóa tạo nên chất lượng tiết học trực tuyến
Khi ngành GD&ĐT chuyển trang thái, xác định học trực tuyến là giải pháp ổn đinh, lâu dài trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay thì chất lượng dạy - học online rất được coi trọng.
Để tạo nên điều này, vai trò sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của các thầy cô giáo, các nhà trường đóng vai trò quyết định.
Tăng cường tập huấn chuyên môn và công nghệ
Trong giai đoạn học trực tuyến, các khóa tập huấn về công nghệ thông tin (CNTT) thường xuyên được tổ chức với sự tham gia của 100% giáo viên các trường học, cấp học. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, dạy trực tuyến khác học trực tiếp; và điểm khác biệt lớn nhất đó là ngoài nội dung truyền đạt thì còn liên quan đến yếu tố công nghệ, các phần mềm dạy học.
Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học- Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài nêu quan điểm: Đối với học trực tuyến, trường học sử dụng phần mềm dạy học nào thì nên có những buổi tập huấn công nghệ chuyên sâu cho giáo viên để thành thạo các phần mềm đó.
Thực tế, hầu hết giáo viên của các trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã được tham gia tập huấn phần mềm, kỹ năng dạy học trực tuyến để nắm được và linh hoạt sử dụng những ứng dụng dạy học trong các bài giảng trực tuyến. Tập huấn, tăng cường CNTT trong quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến; Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, của tổ chuyên môn và của giáo viên; phương pháp dạy kỹ năng viết cho học sinh THCS... là nội dung tập huấn được các đơn vị tổ chức thời gian qua với sự tham gia của đông đảo giáo viên các cấp học.
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tại buổi tập huấn trực tuyến: Phương pháp dạy kỹ năng viết cho học sinh THCS
Năm học 2021- 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với lớp 2 và lớp 6; vì vậy công tác tập huấn chuyên môn đối với chương trình GDPT được quan tâm kỹ lưỡng. Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn chương trình và SGK mới cho từng đơn vị. Ngoài ra, các trường học cũng xây dựng chương trình, kế hoạch sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn rất tích cực.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đại trà, chú trọng hơn đến chất lượng mũi nhọn, tổ Xã hội, trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình đã xác định đổi mới các tiết hội giảng, chuyên đề, tránh hình thức, đi sâu vào giải quyết các vấn đề nổi cộm trong nội dung môn học hoặc quản lí học sinh, nhất là quản lí học sinh trong các tiết học online. Theo đó, các buổi sinh hoạt chuyên đề được tổ chức dưới hình thức một tiết dạy học hoặc một buổi chia sẻ kinh nghiệm dạy học trong giáo viên. Tại buổi sinh hoạt chuyên môn về "Kĩ năng ra đề kiểm tra và Kinh nghiệm tổ chức các hoạt động dạy học online" được tổ chức đầu năm học mới đã thu được nhiều ý kiến góp ý của giáo viên trong tổ, đáp ứng tốt yêu cầu của dạy học phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, các buổi sinh hoạt chuyên môn khác cũng lồng ghép trao đổi về cách thức xây dựng giáo án để hoàn chỉnh hơn về phương pháp giảng dạy và soạn giáo án online.
Sáng tạo trong sinh hoạt tổ, nhóm
Luôn đau đáu về các giải pháp trong dạy học trực tuyến, trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ đã xây dựng nếp sinh hoạt chuyên môn hàng tuần cho giáo viên vào thứ Bảy với tên gọi "Tối thứ Bảy yêu thương". Đây là diễn đàn, là không gian để giáo viên lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu về những khó khăn, những tình huống của các đồng nghiệp gặp phải trong các giờ học online và cùng nhau tìm cách tháo gỡ. "Những ngày đầu dạy trực tuyến, các cô giáo cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, lúng túng nhưng qua chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn; cùng học hỏi, rút kinh nghiệm; giờ đây, mọi vấn đề trong dạy trực tuyến đã được tháo gỡ, chất lượng các giờ học online của trường đã được nâng lên rất nhiều"- cô Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trường trường THCS Xuân La cho biết.
Theo cô Trần Thị Mỹ Lâm, đến nay, giáo viên, nhân viên nhà trường sử dụng thành thạo công cụ Microsoft Forms; 100% giáo viên biết vận dụng các ứng dụng trên Web giáo dục như: Kaloot, Quizizz, Liveworksheet, Padlet, Classdojo ... để tạo hứng thú và tăng khả năng tương tác với học sinh. 100% học sinh tham gia học trực tuyến và có các kỹ năng sử dụng công nghệ để hỗ trợ học tập. Bằng hình thức trực tuyến Live event, Webina ... trên nền tảng O365, nhà trường đã tổ chức các Hội thảo, tọa đàm các chuyên đề về "Ngày chuyên môn"... thu hút sự tham gia của 100% giáo viên, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảng dạy trực tuyến.
Học sinh trường THCS Thành Công, quận Ba Đình sử dụng các ứng dụng công nghệ trong học trực tuyến
Tại trường THCS Thành Công (quận Ba Đình), công tác sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đều đặn hàng tuần qua hình thức trực tuyến. Từ đầu năm học đến nay, ngoài việc sinh hoạt theo đúng kế hoạch, trường tập trung chủ đề sinh hoạt chuyên môn vào các tiết dạy mẫu của chương trình SGK mới lớp 6; cùng nhau rút kinh nghiệm, trao đổi về phương pháp dạy để cải tiến chất lượng tiết học.
Chia sẻ về giáo án online cũng là chủ đề thường xuyên được các tổ nhóm chuyên môn thảo luận, thiết kế trò chơi lồng ghép ra sao, các hoạt động tổ chức trong tiết học thế nào... được các cô bàn luận, học hỏi lẫn nhau để cải tiến và tăng chất lượng của từng giờ học trực tuyến - cô Trần Thị Quỳnh Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thành Công nói.
Được biết, để giúp khắc phục một số khó khăn trong việc tổ chức dạy các môn học tích hợp, hoạt động giáo dục với lớp 6, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Tổ tư vấn gồm chyên viên và giáo viên cốt cán các bộ môn: Lịch sử và Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc, Vật lý, Hóa học, Sinh học để tư vấn chuyên môn, giúp các nhà trường xây dựng kế hoạch môn học, đưa ra phương án sắp xếp thời khóa biểu phù hợp thực tế; tư vấn cho giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy, khung ma trận và bảng đặc tả đề kiểm tra môn học; gợi ý kiến thức trọng tâm trong kế hoạch bài dạy; tư vấn thường xuyên, tháo gỡ thắc mắc và hướng dẫn trực tiếp cho giáo viên và đơn vị qua zalo. Trên cơ sở đó, các quận, huyện cũng thành lập nhóm giáo viên cốt cán tham gia công tác chuyên môn từ đầu năm học 2021- 2022.
Gỡ 'rối' cho giáo viên khi dạy trực tuyến để không làm khó học trò Những phàn nàn về học trực tuyến quá tải do nhà trường và giáo viên "bê" nguyên thời khóa biểu, giáo án dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến hy vọng sẽ được chấm dứt sau khi giáo viên được tập huấn về dạy học "cách trở". Giáo viên tham gia khóa tập huấn về dạy học trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ...