Sáu lý do dạy thêm, học thêm tràn lan
Do chương trình học nặng nên có đến 80% học sinh đòi hỏi phải được học thêm.
Sáng 21/1, Tổ đại biểu QH gồm Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, ông Huỳnh Thành Đạt và ông Nguyễn Phước Lộc đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về “lạm thu, dạy thêm, học thêm” trên địa bàn quận 5. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5, cho biết do 100% học sinh (HS) trong quận đều được học hai buổi/ngày nên học thêm của HS không cao, nếu có thì chủ yếu do chương trình nặng, phụ huynh không có thời gian trông giữ con ở nhà.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, đúc kết lại có sáu nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan là: chương trình học nặng, phụ huynh nặng tâm lý muốn con thành tài, trường bị áp lực thi đua, tỉ lệ HS bán trú chưa cao, lương giáo viên quá thấp, sự phát triển của game online và tệ nạn xã hội.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Vĩnh Xuyên, nguyên giảng viên Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, do chương trình học nặng nên có đến 80% HS đòi hỏi phải được học thêm vì phụ huynh muốn con học giỏi, biết nhiều. Giáo viên thì lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Cả hai bên đều có nhu cầu dẫn đến dạy thêm, học thêm. “Mặc dù đã sửa đi đổi lại nhiều lần nhưng chương trình học của HS tiểu học vẫn quá nặng và dài, nhiều bài học không phù hợp với lứa tuổi các em. Có khi các em hỏi bài, phụ huynh cũng ngớ người vì vấn đề cao siêu quá. Trong khi khả năng tiếp thu của các em cao thấp khác nhau dẫn đến phải học thêm là điều tất yếu” – bà Võ Thị Lệ Thu, nguyên Phó phòng Giáo dục quận 5, bổ sung.
Về vấn đề lạm thu, ông Trần Xuân Nùng, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT quận 5, cho rằng những khoản thu mang tên “tự nguyện” chính là nguyên nhân tạo nên nạn lạm thu trong nhà trường. Vì đóng hay không, đóng ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tâm lý, gây phiền lòng phụ huynh.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ những người trực tiếp làm công tác giáo dục, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng nếu dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh HS với mục đích giúp các cháu học tốt, thầy cô dạy tốt thì đó là một việc hợp lý. “Dạy thêm, học thêm gây bức xúc trong dư luận hiện nay chỉ là phần ngọn của giáo dục. Cái gốc là chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Muốn thực hiện điều đó thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn bạc, thảo luận thật kỹ” – ông Hải nhấn mạnh.
Theo Pháp luật TPHCM
Muốn dạy thêm, học thêm phải đăng ký
Chiều 18/1, UBND TP đã họp phiên thường kỳ đóng góp ý kiến cho dự thảo Quy định Quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội, do Sở GD-ĐT Hà Nội đệ trình. Theo đó, nếu muốn dạy thêm, học thêm, các cá nhân liên quan phải đăng ký.
Công khai giấy phép dạy thêm
Trong đợt thanh tra, kiểm tra hồi đầu năm học 2012-2013, Thanh tra Bộ GD-ĐT và Ban Văn hóa - xã hội (HĐND TP) đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong dạy thêm, học thêm. Nhiều nhà trường, giáo viên đã bị phát hiện có sai phạm trong tổ chức dạy thêm, học thêm. Từ đầu năm học tới nay, UBND TP cũng đã nhiều lần đốc thúc việc xử lý nghiêm các sai phạm liên quan tới dạy thêm, học thêm đã được làm rõ. Do vậy, quy định mới về dạy thêm học thêm đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người kỳ vọng, quy định này sẽ khắc phục được những tồn tại, chấm dứt sự lộn xộn, làm giảm dần bức xúc xung quanh dạy thêm, học thêm.
Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, dự thảo quy định về quản lý dạy thêm học thêm nêu rõ, đối với tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học gửi đến nhà trường. Trong đơn, phải có chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ và hiệu trưởng nhà trường là người trực tiếp nhận đơn, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh. Tương tự, ở chiều ngược lại, giáo viên có nguyện vọng dạy thêm cũng phải có đơn đăng ký, cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Đối với tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Sở GD-ĐT nhấn mạnh, các tổ chức phải cam kết với UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm. Phải công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm các văn bản liên quan như giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm; danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu; mức thu tiền học thêm...
Hoạt động dạy - học thêm cần tránh gây áp lực cho học sinh
Tiền học thêm theo thỏa thuận
Liên quan tới vấn đề thu, sử dụng và quản lý tiền, Sở GD-ĐT đề xuất, trong nhà trường, sẽ thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm, chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm. Mức thu tiền sẽ do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo Nghị định số 43 của Chính phủ và các văn bản quy định hiện hành trong lĩnh vực tài chính.
Đối với tổ chức ngoài nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức này thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính. Về thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, Chủ tịch UBND TP sẽ ủy quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình THPT hoặc nội dung thuộc nhiều chương trình nhưng cao nhất là chương trình THPT. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện cấp hoặc ủy quyền cho Trưởng phòng GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc THCS. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ yêu cầu đối với người dạy thêm; cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép; trách nhiệm quản lý; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về dạy thêm, học thêm...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Sở GD-ĐT cần đi sâu hơn nữa, cụ thể hóa những vấn đề thuộc trách nhiệm của thành phố như quy định điều kiện để tổ chức dạy thêm; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép; thu chi tài chính của các tổ chức dạy thêm... Đặc biệt quan tâm việc thanh tra, kiểm tra xử lý, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, "phải giao rõ trách nhiệm cụ thể từng đơn vị. Về mức thu phí, tuy nói là do thỏa thuận giữa gia đình và nhà trường nhưng cần đưa ra mức trần cụ thể để không vượt quá. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục trao đổi với các cơ quan chuyên môn, cụ thể hóa các nội dung và hoàn thiện quy định trong thời gian sớm nhất, trình UBND TP xem xét, ban hành.
Theo Ngọc Khánh (An ninh Thủ đô)
Nhiều trường THPT trước nguy cơ giải thể Bên cạnh các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường THPT ngoài công lập tại Hà Nội trong những năm gần đây cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh do không đủ sức cạnh tranh với các trường công lập. Không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã buộc phải tạm ngừng hoạt động. Sau 20 năm hoạt động, các...