Sáu lợi ích nếu trẻ được học chơi nhạc cụ
Học chơi một loại nhạc cụ có thể giúp trẻ cải thiện kết quả học tập, nâng cao kỹ năng xã hội và hiểu biết nhiều nền văn hóa.
Việc học âm nhạc hay chơi một loại nhạc cụ không thể giúp con bạn trở thành một Beethoven tiếp theo nhưng sẽ giúp chúng học toán dễ dàng hơn, cư xử tốt hơn hay kiên nhẫn hơn. Nếu bạn còn phân vân không biết có nên cho con tham gia một lớp học nhạc hay không, hãy xem những lợi ích cụ thể được tạp chí Parents chỉ ra dưới đây:
1. Cải thiện kỹ năng học tập
Lynn Kleiner, người sáng lập một trung tâm dạy nhạc ở thành phố Redondo Beach (California, Mỹ), cho biết âm nhạc và toán học có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Bằng cách hiểu phách, nhịp hay giai điệu, trẻ cũng học được cách phân chia, tạo ra các phân số và nhận biết về mẫu. Dường như âm nhạc là sợi dây kết nối não bộ, giúp trẻ hiểu các lĩnh vực toán học tốt hơn.
Mary Larew, giáo viên violin tại New Haven (Connecticut, Mỹ) nhận định khi trẻ lớn lên, chúng bắt đầu học và thuộc lòng các bài hát. Điều này giúp đánh thức trí nhớ ngắn hạn của trẻ và dần dần trở thành ký ức dài hạn. Điều này tốt cho những kỹ năng ghi nhớ khác.
Các lớp học nhạc cụ cũng giới thiệu tới trẻ kiến thức vật lý cơ bản, ví dụ chơi guitar hay violin dạy về hòa âm và rung động. Ngay cả những nhạc cụ không dây như trống cũng cho trẻ cơ hội khám phá các nguyên tắc khoa học này.
Học chơi nhạc cụ đem lại nhiều lợi ích cho trẻ. Ảnh: CMUSE
2. Phát triển kỹ năng về thể chất
Một số nhạc cụ ở bộ gõ giúp trẻ phát triển kỹ năng phối hợp và vận động. Chúng yêu cầu những chuyển động của bàn tay, cánh tay và bàn chân. “Đây là loại nhạc cụ tuyệt vời giúp trẻ có năng lượng cao”, Kristen Regester, trường Âm nhạc cộng đồng tại Columbia College Chicago, nói.
Video đang HOT
Những nhạc cụ như violin hay piano yêu cầu các động tác từ cả hai tay khiến trẻ phải nâng cao kỹ năng phối hợp đến độ tạo ra sự hoàn hảo. Vì vậy, tập luyện nhạc cụ trong thời gian dài cũng giúp trẻ dễ dàng tiếp cận với những môn cần sự phối hợp và vận động như khiêu vũ hay thể thao.
3. Nuôi dưỡng các kỹ năng xã hội
Các lớp học nhạc được hình thành theo nhóm và luôn đòi hỏi sự tương tác, giao tiếp của trẻ với các bạn. Điều này khuyến khích tinh thần đồng đội. Nếu một đứa trẻ đang chơi nhạc cụ và tạo ra những âm thanh quá to và quá nhanh so với phần còn lại, chúng sẽ cần tự điều chỉnh, từ đó trẻ sẽ biết và hiểu vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong một tập thể.
Khi chơi nhạc theo nhóm, trẻ dù chơi loại nhạc cụ nào cũng phải tương tác nhóm, giải quyết vấn đề để hướng tới một mục tiêu chung là tạo ra bản nhạc hay. Đây là kỹ năng và kinh nghiệm cần có trong xã hội.
4. Kỷ luật và kiên nhẫn hơn
Trước khi tạo ra được âm thanh đầu tiên, trẻ phải học cách cầm nhạc cụ, đặt nó trên chân như thế nào, cách đặt tay ra sao. Vì vậy, học chơi một nhạc cụ dạy trẻ phải kiên trì. Trẻ sẽ hiểu được phải thực hành trong nhiều giờ, nhiều tháng và thậm chí là cả năm mới mong đạt được mục tiêu cụ thể, chẳng hạn biểu diễn với một ban nhạc hoặc ghi nhớ cách chơi một tác phẩm solo.
Trong khi những bài học riêng và tập luyện ở nhà đòi hỏi sự chú ý thì bài học nhóm, trong đó trẻ phải chơi nhạc cụ trong một sự hòa hợp, cũng cải thiện sự kiên nhẫn khi chúng phải chờ đến lượt mình. Để làm được điều này, trẻ phải lắng nghe phần của các bạn khác, từ đó học được cách tôn trọng các bạn, ngồi yên lặng trong một khoảng thời gian nhất định và tập trung.
5. Tăng sự tự tin và lòng tự trọng
Chơi nhạc cụ trong một nhóm, trẻ có thể học được cách chấp nhận và đưa ra những lời phê bình, góp ý mang tính xây dựng. Việc chuyển đổi những phản hồi tiêu cực thành thay đổi tích cực giúp trẻ xây dựng sự tự tin. Đặc biệt, những bài học nhóm có thể giúp trẻ hiểu rằng không ai là hoàn hảo và mọi người cần cải thiện kỹ năng.
Trình diễn trước công chúng là kỹ năng quan trọng cho dù trẻ có trở thành một nhạc công chuyên nghiệp hay không. Điều này cũng giúp cải thiện kỹ năng nói trước đám đông của trẻ.
6. Hiểu biết về nhiều nền văn hóa
Bằng cách tìm hiểu và chơi nhiều loại nhạc cụ, trẻ có thể khám phá âm nhạc đóng vai trò quan trọng như thế nào trong các nền văn hóa khác, ví dụ trẻ sẽ biết guitar hay violin có nguồn gốc từ nước nào, được sử dụng phổ biến trong dịp nào và loại nhạc nào, loại nhạc đó có nguồn gốc ở nước nào…
Điều quan trọng là khi trẻ hiểu biết về nhiều nền văn hóa, chúng sẽ có tư tưởng cởi mở với thế giới và mong muốn được vươn ra ngoài thế giới.
Dương Tâm
Theo vnexpress.net
Ưu tiên đặc biệt cho bậc học mầm non
Lứa tuổi mầm non có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển cuộc đời của mỗi con người. Phát triển toàn diện giáo dục mầm non (GDMN) - đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển thể chất, trí tuệ tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ của trẻ em là vấn đề có tầm chiến lược lâu dài, ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển giáo dục phổ thông và các thế hệ tương lai của đất nước.
ảnh minh họa
Đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em
TS Trần Thị Ngọc Trâm, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GDMN, Viện Nghiên cứu GD Việt Nam cho rằng, khoa học đã chứng minh những năm đầu đời, đặc biệt hai năm đầu tiên, là thời kỳ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài của một con người, là tiền đề quyết định đứa trẻ sau này có sức khỏe, có khả năng học tập và biết cách ứng xử để thích nghi với môi trường xung quanh hay không.
Những tiến bộ hay tổn thương của trẻ và những tác động qua lại trong những năm đầu tiên sẽ mạnh mẽ hơn bất cứ giai đoạn khác của cuộc đời. Những vấn đề gây khó khăn cho trẻ khi đi học như sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng, tự ti, khả năng giao tiếp kém thường là do những nguyên nhân từ lứa tuổi mầm non của trẻ. Vì thế, GDMN có vai trò rất quan trọng.
Phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non chính là cơ sở cho sự phát triển lâu dài của trẻ để trở thành công dân có ích trong tương lai. Đầu tư cho phát triển trẻ em là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để phá vỡ vòng đói nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phát triển đầu tư cho trẻ mầm non đem lại lợi ích lớn hơn cho xã hội với khả năng lao động có hiệu quả hơn khi trẻ trưởng thành sau này. Ngoài ra các can thiệp phát triển trẻ em ở các trường mầm non tạo điều kiện giúp các bà mẹ có thời gian tiếp cận được với các cơ hội làm việc, học tập và phát triển bản thân ngoài xã hội.
Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều nước không đưa GDMN điều chỉnh trong Luật Giáo dục mà điều chỉnh trong lĩnh vực an sinh xã hội, vì GDMN chủ yếu là chăm sóc y tế, phát triển thể chất, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, thông qua vui chơi, giải trí để các cháu nhận biết xung quanh. Chính sách Nhà nước tập trung cho tạo điều kiện để người mẹ chăm sóc con trong tuổi mầm non đó là tăng thời gian nghỉ sinh và thực hiện chế độ phụ cấp bằng tiền cho người mẹ khi sinh đẻ và nuôi con.
Tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với dịch vụ chất lượng
Trong một báo cáo quốc tế mới đây về những lĩnh vực hành động mà bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng phải thực hiện để đương đầu với những thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì lĩnh vực đầu tiên là GDMN. Theo đó, chính phủ các nước phải hành động để bảo đảm rằng mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em thuộc đối tượng thiệt thòi, vùng sâu, vùng xa, được tiếp cận GDMN có chất lượng.
TS Trần Thị Ngọc Trâm cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đối với GDMN và phát triển trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em năm 1990. Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Một loạt các chiến lược quốc gia liên quan trực tiếp đến phát triển trẻ mầm non bao gồm dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, sức khỏe và giáo dục trẻ MN, chăm sóc và bảo vệ trẻ em được các bộ ngành xây dựng và thực hiện.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, GDMN hiện nay đang đứng trước những khó khăn thách thức. Thực tế hiện nay, quy mô phát triển GDMN chưa đồng đều giữa các vùng miền, cơ hội đến trường của trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn còn thấp và còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền trong cả nước; những khó khăn, bất cập trong quy hoạch mạng lưới, chính sách phát triển GDMN, các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN và các yêu cầu về nguồn lực, đặc biệt trong phát triển GDMN cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Ở một số nơi, GDMN còn thiếu cơ sở vật chất, trường lớp không đủ, mới chỉ ưu tiên phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi. Ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, tình trạng thiếu các cơ sở GDMN, người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo an toàn cho trẻ...
Nhấn mạnh phải quan tâm đặc biệt đến đối tượng này, song trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em độ tuổi mầm non có ý nghĩa quyết định đến phát triển GDMN theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng.
"Cần có chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập ở những nơi có nhu cầu cao, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp. Đối với doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, khi cấp giấy phép thành lập, nhà đầu tư phải cam kết xây dựng nhà trẻ và trường mẫu giáo cho con em của người lao động trong doanh nghiệp" - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan khuyến nghị; đồng thời lưu ý cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần ban hành các tiêu chuẩn thành lập cơ sở GDMN ngoài công lập phù hợp với từng loại cơ sở; quy định lao động trực tiếp chăm sóc trẻ phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức phù hợp.
TS Trần Thị Ngọc Trâm khuyến nghị, cần tạo mọi điều kiện để huy động tối đa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng - 6 tuổi đều được tiếp cận với dịch vụ mầm non có chất lượng. Mở rộng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở GDMN trên địa bàn dân cư, đảm bảo sự cân bằng trong thụ hưởng dịch vụ GDMN cho mọi trẻ em, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, khắc phục cơ bản sự chênh lệch về phát triển GDMN giữa các vùng miền.
Theo Giaoducthoidai.vn
Mười điều thú vị về Beethoven Nhà soạn nhạc nổi tiếng trải qua tuổi thơ khó khăn, mắc nhiều chứng bệnh, có đời sống tình ái phức tạp và sáng tác cả khi bị điếc. Nhân kỷ niệm 247 năm ngày sinh của Beethoven (1770 - 2017), The Local tổng hợp mười điều thú vị về tài năng và cuộc sống của nhà soạn nhạc lừng danh thế giới....