Sau Brexit sẽ có Czexit, Frexit, Italexit, Finexit?
Kết quả trưng cầu dân ý ở Anh với thắng lợi thuộc về phe ủng hộ Anh rút khỏi EU ( Brexit) có thể là điểm khởi đầu cho xu hướng dẫn đến Czexit, Frexit, Italexit, Finexit…
Ảnh minh họa.
Sau khi kết quả trưng cầu dân ý ở Anh được công bố với việc các cử tri ủng hộ Brexit thắng thế, lãnh đạo một số quốc gia châu Âu khác là thành viên EU như Czech, Pháp, Italia, Phần Lan cũng đang tính đến phương án tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh.
Mặc dù xu hướng “domino” có thể sẽ không xảy ra vì khác với Anh, các nước này không có đủ cơ sở để có thể làm nảy sinh xu hướng này. Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo nước này đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về Czexit (đưa Czech rút khỏi EU) vì ông không có đủ thẩm quyền để quyết định tổ chức trưng cầu dân ý.
Cho dù bản thân ông Zeman là người ủng hộ giữ Czech ở lại trong thành phần EU nhưng ông cho rằng việc lắng nghe ý kiến của người dân và tạo cho họ cơ hội bày tỏ ý kiến của mình là điều cần thiết.
“Rất nhiều người chỉ đơn giản là muốn lắng nghe ý kiến của người dân và Milos Zeman đang cố gắng thực hiện động thái này nhưng điều đó sẽ không thể được thực hiện thông qua Quốc hội. Tôi nghĩ rằng Brexit đang khiến nhiều nước quan ngại, trong đó có Czech”- Tổng biên tập tạp chí “Praha Express” Irina Schulz nhận định.
Được biết, Tổng thống Czech Milos Zeman là chính trị gia có quan điểm thân Nga và đã không ít lần thực hiện các động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Moscow. Ngoài ra, Milos Zeman còn nổi tiếng như là “tổng thống của nhân dân”.
Rất nhiều người dân ủng hộ Milos Zeman nên nếu như Czech tổ chức trưng cầu dân ý thì sẽ có đến khoảng 62% cử tri tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ Czexit.
Ngoài Milos Zeman, thủ lĩnh đảng cánh hữu “Mặt trận dân tộc” Pháp Marine Le Pen cũng đã tính đến sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về Frexit. Marine Le Pen cho rằng Pháp có nhiều lý do để rời khỏi EU hơn Anh.
Bà Marine Le Pen được cho là đã theo đuổi mục đích này từ năm 2013 nên đã đưa ra lời hứa sẽ đứng ra tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này nếu như được bầu làm Tổng thống Pháp. Theo Marine Le Pen, nếu như kết quả cuộc trưng cầu dân ý này diễn ra theo hướng Frexit thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng sẽ làm nảy sinh một “châu Âu mới”.
Trên chính trường Pháp, Marine Le Pen có thể tìm được không ít đồng minh ủng hộ mình. Hiện tâm lý của người Pháp nói chung với EU là không mấy thiện cảm do những vấn đề nảy sinh từ cuộc khủng hoảng nhập cư. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận xã hội mới nhất, có đến 61% người dân Pháp có thái độ tiêu cực với EU.
Video đang HOT
Tuy nhiên, quan điểm của bà Marine Le Pen không nhận được sự ủng hộ của đương kim Tổng thống Pháp F.Hollande khi ông Hollande tuyên bố rằng “sự kiện Brexit là một tấm gương tiêu cực”. Bất chấp quan điểm này của ông Hollande, đảng “Mặt trận dân tộc” của bà Marine Le Pen sẽ vẫn đưa vấn đề về cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào trong chương trình vận động tranh cử của mình.
Liệu Pháp, Ý, Phần Lan… có nối gót Anh trưng cầu dây ý?.
Tình hình tương tự như ở Pháp cũng đang diễn ra ở Italia với sự khởi xướng của các chính trị gia có thái độ tiêu cực với EU đến từ đảng “5 ngôi sao”. Thủ lĩnh đảng này là Beppe Grillo đã không ít lần đưa ra các tuyên bố về sự cần thiết phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về Italexit. Đảng này đang nhận được khá nhiều lợi thế trong việc triển khai thực hiện ý tưởng của mình khi thành viên của đảng là Virzinio Radzi mới được bầu làm Thị trưởng Roma.
Ở Phần Lan, các đại diện của đảng theo chủ nghĩa dân tộc mới được thành lập “Người Phần Lan thực sự” cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Phần Lan ra khỏi EU (Finexit). Một thành viên tích cực của đảng này là Sebastian Triukkunen thậm chí còn đứng ra viết đơn thỉnh cầu với yêu cầu về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh.
Chủ tịch đảng “Người Phần Lan thực sự” Thimo Soini dù đã bác bỏ thông tin cho rằng cuộc trưng cầu dân ý về Finexit sẽ được tổ chức trong thời gian tới nhưng vẫn cam kết rằng sau 2,5 năm nữa, sau khi chương trình mới của Chính phủ được hình thành, “Người Phần Lan thực sự” sẽ đưa ra ý tưởng về tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này.
Quan điểm nước đôi này của Soini hoàn toàn có thể giải thích được. Sau khi “Người Phần Lan thực sự” giành được vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử vào Quốc hội Phần Lan, Soini được giao tiếp quản Bộ Ngoại giao nên không muốn thực hiện các chính sách đi ngược với chính sách của Chính phủ khi Chính phủ Phần Lan luôn ủng hộ quy chế thành viên của Phần Lan trong EU.
Theo Phó Giáo sư Nikolai Topornin, chuyên gia về luật châu Âu thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow, mặc dù xuất hiện một số quốc gia muốn tổ chức trưng cầu dân ý sau Brexit nhưng hiện vẫn là quá sớm để nói về khả năng sẽ xảy ra “domino”.
“Rõ ràng có tồn tại xu hướng này nhưng đó mới chỉ nằm trong các tuyên bố. Hiện ở tất cả các quốc gia thành viên EU đều có những người ủng hộ xu thế này và sự kiện Brexit đang gieo hy vọng cho họ. Tuy nhiên, không có bất cứ quốc gia nào trong số các quốc gia nói trên có đủ cơ sở thực sự để tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý. Phần lớn người dân các quốc gia này đều phản đối ý tưởng đưa đất nước họ ra khỏi EU”- Nikolai Topornin đánh giá.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Gazeta”.
Theo Infonet
Hai nữ tướng so kè để thành 'bà đầm thép' thứ hai của Anh
Một nữ bộ trưởng lão làng từng thuộc phe ủng hộ Anh ở lại với EU đang cạnh tranh ghế thủ tướng Anh với một gương mặt mới tích cực thúc đẩy Brexit.
Bộ trưởng Nội vụ Theresa May (trái) và Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom. Ảnh: BBC
Thủ tướng David Cameron đã từ chức sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng trước cho thấy người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), quyết định còn được gọi là Brexit. Cuộc đua vào ghế thủ tướng Anh hiện chỉ còn hai ứng viên là Theresa May và Andrea Leadsom. Kết quả cuối cùng dự kiến được công bố vào ngày 9/9 tới. Người chiến thắng sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Anh, sau "bà đầm thép" Margaret Thatcher.
Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, 59 tuổi, tốt nghiệp ngành địa lý, Đại học Oxford. Trước khi gia nhập chính trường, bà làm tư vấn tài chính tại ngân hàng. Bà đã lập gia đình được 36 năm và không có con.
Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom, 53 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Warwick. Trước khi gia nhập chính trường, bà cũng làm trong ngành ngân hàng. Bà đã lập gia đình được 23 năm, có hai con trai và một con gái.
Bà May thuộc phe những người ủng hộ Anh ở lại với EU, nhưng bà không phải là một trong những tiếng nói dẫn đầu chiến dịch và hiện bà chấp nhận quyết định của người dân, nói rằng "Brexit là Brexit". Trong khi đó, bà Andrea Leadsom là người rất tích cực thúc đẩy chiến dịch ra đi.
Để tranh cử cho vị trí thủ tướng Anh, bà May đặt mục tiêu rằng: "Chúng tôi có công việc trước mắt phải làm là khôi phục sự ổn định chính trị và sự chắc chắn kinh tế, đoàn kết đảng và đất nước, đồng thời thương thảo các điều kiện hợp lý cho cuộc chia tay EU. Nhưng hơn thế nữa, chúng tôi có nhiệm vụ làm cho Anh trở thành đất nước không chỉ dành cho các nhóm đặc quyền, không phải chỉ cho một số người, mà là cho tất cả người dân".
Còn bà Leadsom thì tuyên bố: "Tôi muốn đem sự thịnh vượng đến mọi ngõ ngách của đất nước, tôi muốn giúp tạo thêm việc làm, bởi vì chúng ta cần phải lắng nghe và chú ý đến hàng triệu đồng bào, những người lo sợ rằng các nhà lãnh đạo của đất nước không quan tâm đủ đến họ".
So kè
Bà May có thế mạnh là kinh nghiệm. Bà là một trong những bộ trưởng nội vụ giữ chức lâu nhất của Anh (từ năm 2010) và nổi tiếng với sự cứng rắn. Bà tự hào tuyên bố rằng bà không thuộc bất kỳ bè phái nào trong chính trị Anh hay nhóm đặc quyền nào trong đảng.
Tuy nhiên, bà Theresa May có điểm bất lợi là bà thuộc bên thua trong cuộc trưng cầu dân ý, làm cho một số người đặt câu hỏi liệu bà có là người thích hợp để đàm phán về việc ra đi của Anh. Thất bại trong việc kiềm chế nhập cư cũng là bất lợi của bà.
Trong khi đó, bà Andrea Leadsom có lợi thế là bà ủng hộ Brexit, giống như nhiều thành viên nòng cốt khác của đảng Bảo thủ. Xuất thân tương đối khiêm tốn của bà có thể là lợi thế khi các thành viên đảng Bảo thủ đang tìm kiếm luồng gió mới, khác với các Etonian - những người theo học tại Đại học Eton danh giá, ngôi trường cũ của rất nhiều chính trị gia Anh.
Tuy nhiên, bà Leadsome không có nhiều kinh nghiệm vì mới chỉ làm việc trong chính phủ được 6 năm và bắt đầu giữ chức bộ trưởng từ năm ngoái, mặc dù những người ủng hộ nói rằng bà có nhiều kinh nghiệm thực tế từ quãng thời gian trước khi gia nhập chính trường. Bà cũng phải đối mặt với nghi ngờ rằng liệu sự nghiệp ngân hàng của bà có thật sự thành công như bà tuyên bố hay không.
BBC đánh giá bà May là một trong những tiếng nói hiện đại của đảng Bảo thủ, Bà từng nói với các nhà hoạt động đảng Bảo thủ rằng họ được xem như một đảng "xấu tính" do thiếu quan tâm đến cộng đồng thiểu số. Bà là người ủng hộ hôn nhân đồng tính. Sau 6 năm làm bộ trưởng nội vụ, bà được kỳ vọng là một lãnh đạo tỉnh táo, nghiêm túc tại Số 10 phố Downing. Bà được suy đoán sẽ có quan điểm mạnh mẽ về luật pháp.
Với bà Andrea Leadsom, vì thời gian trong chính trường ít, phong cách lãnh đạo của bà vẫn còn là vấn đề các nhà nghiên cứu cần quan sát thêm. Nhưng bà được biết đến là bảo thủ hơn so với bà May. Bà nói rằng bà ủng hộ hôn nhân đồng tính, nhưng không thích luật hôn nhân đồng tính.
Quan điểm về 'bà đầm thép'
Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Ảnh: PA
Các nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ kế nhiệm bà Margaret Thatcher - người từng là thủ tướng Anh trong 11 năm, đều được các nhà hoạt động đem ra so sánh với "bà đầm thép". Và khi hai người phụ nữ đang cạnh tranh cho vị trí thủ tướng, việc so sánh là điều càng không thể tránh khỏi.
Bà May đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với bà Thatcher nhưng tuyên bố không có hình mẫu nào muốn noi theo trong chính trị. Bà thích tự tạo ra con đường riêng của mình. Cựu đồng nghiệp Ken Clarke mô tả bà là "người phụ nữ rất khó tính". Bà May dường như coi đó là lời khen, nói rằng bà sẽ "rất khó tính" với các lãnh đạo của EU trong các cuộc đàm phán Brexit.
Bà Leadsom thì nói rằng bà muốn noi gương bà Thatcher, bằng cách kết hợp sự cứng rắn với "sự ấm áp cá nhân". "Về mặt cá nhân, bà ấy luôn tốt bụng và lịch sự, nhưng khi là một nhà lãnh đạo, bà ấy sắt đá và kiên quyết", bà Leadsom nhận xét về bà Thatcher.
Nhận xét về bà May, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết: "Bà May có những phẩm chất và tính cách để đưa đất nước về tiến lên. Với phong cách quyết đoán và thực tế của mình, bà ấy sẽ đoàn kết chúng ta lại sau cuộc trưng cầu dân ý, để cùng nhau giải quyết những bất đồng sâu sắc trong xã hội".
Cựu bộ trưởng việc làm và hưu trí Duncan Smith thì nhận xét bà Leadsom có sự kết hợp hiếm hoi giữa lòng cảm thông sâu sắc đối với những người kém may mắn hơn mình cùng kinh nghiệm thực tế. "Điều đó giúp cho bà có khả năng tốt để đưa ra quyết định rõ ràng và phù hợp khi cần thiết", ông nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Anh sắp có nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Hai nữ ứng viên Theresa May và Andrea Leadsom sẽ đối đầu nhau để trở thành nữ lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ, sau khi ông Michael Gove bị loại khỏi cuộc đua. Bộ trưởng Nội vụ Theresa May (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom, hai ứng viên còn lại tranh chức thủ tướng Anh. Ảnh: BBC Theo BBC,...