Sắp phá sản, SpaceX có thêm 1,6 tỷ USD từ NASA
Đang đi nghỉ ở Boulder ( Colorado, Mỹ), Musk bật khóc nức nở khi các khoản giao dịch của SpaceX và Tesla được xử lý triệt để.
Dư âm của thắng lợi mau chóng lụi tàn sau khi buổi tiệc kết thúc. Tình hình tài chính nghiêm trọng của SpaceX một lần nữa trở thành mối bận tâm hàng đầu của Musk. SpaceX cần hỗ trợ cho việc phát triển Falcon 9 và bật đèn xanh cho việc chế tạo một cỗ máy khác đẩy tên lửa Dragon để mang trang thiết bị cung cấp và đưa con người tới Trạm Không gian Quốc tế một ngày kia.
Trong lịch sử, những dự án như vậy sẽ tiêu tốn trên một tỷ đôla nhưng SpaceX buộc phải tìm ra cách chế tạo cả hai cỗ máy với chi phí nhỏ.
Musk hết sạch tiền
Công ty tăng cường tuyển dụng nhân viên và chuyển tới trụ sở lớn hơn ở Hawthorne, California. SpaceX cũng ký được hợp đồng thương mại để mang vệ tinh của Chính phủ Malaysia vào quỹ đạo. Nhưng thời điểm phóng và thù lao chỉ chốt vào giữa năm 2009. Trong khi chờ đợi, SpaceX gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên.
Chiếc Tesla Roadster 2008. Ảnh: Dewhurst Photography.
Báo chí không nắm rõ mức độ rắc rối về tài chính của Musk. Nhưng những gì họ biết đủ để chĩa mũi dùi vào tình hình tài chính nghiêm trọng của Tesla. Trang web Truth About Cars (Sự thật về xe hơi) bắt đầu lập đồng hồ “Đếm Ngược Ngày Chết Của Tesla” vào tháng 5/2008. Top Gear, một show truyền hình nổi tiếng của Anh đã rã chiếc Roadster thành từng mảnh. “Mọi người cười cợt về “Đếm Ngược Ngày Chết Của Tesla và mọi thứ. Thật nhẫn tâm!”, Kimbal Musk nhận xét. “Nhiều hôm có tới 50 bài báo phỏng đoán việc Tesla sẽ chết như thế nào”.
Tesla quả thực đáng bị chú ý theo hướng xấu vì sự chậm trễ và giá thành cắt cổ. Musk cảm thấy vào năm 2008, anh đã trở thành mục tiêu thù địch của các chủ ngân hàng và giới giàu có. “Tôi bị tấn công dồn dập”, Musk nói. “Tình hình tồi tệ ở nhiều cấp độ. Justine tra tấn tôi trên mặt báo. Luôn luôn là những bài báo tiêu cực về Tesla và lần thất bại thứ ba của SpaceX. Thật sự rất đau đớn. Anh sẽ có cảm giác nghi ngờ rằng cuộc đời mình chẳng ra sao. Xe không xuất xưởng, gia đình lục đục rồi đủ thứ chuyện. Tôi không nghĩ là chúng tôi có thể vượt qua nổi. Tôi nghĩ mọi thứ có lẽ đã xong…”.
Khi Musk tiến hành những tính toán liên quan đến SpaceX và Tesla, hóa ra chỉ một công ty có cơ hội tồn tại. “Tôi có thể chọn SpaceX hoặc Tesla hoặc chia số tiền còn lại cho cả hai”, Musk nói. “Đó là một quyết định khó khăn. Nếu tôi chia tiền, cả hai công ty sẽ đi đến hồi kết. Nếu tôi dồn tiền cho một công ty, có thể nó sẽ sống sót nhưng công ty kia lại cầm chắc cái chết. Tôi cứ trăn trở mãi về điều đó”. Khi năm 2008 dần trôi qua, Musk đã hết sạch tiền.
‘Anh ấy trông như sắp chết’
Do trải qua nhiều giờ làm việc liên tục cùng thói quen ăn uống thất thường, cân nặng của Musk trồi sụt thất thường. Mắt anh sưng như mắt gấu mèo còn sắc mặt trông như thể vận động viên điền kinh mệt nhoài trong vòng cuối cùng của cuộc đua marathon.
“Anh ấy trông như sắp chết”, Riley nói. “Tôi nhớ mình từng nghĩ có thể anh sẽ lên cơn đau tim và qua đời”. Cặp đôi đã phải vay mượn hàng trăm nghìn đôla từ người bạn tỷ phú Jeff Skoll của Musk. Anh không còn bay qua bay lại từ Thung lũng Silicon tới Los Angeles trên phi cơ riêng mà chuyến sang đi hãng Southwest.
Đốt khoảng bốn triệu đôla một tháng, Tesla cần một đợt huy động vốn quan trọng khác để vượt qua năm 2008 và sống sót. Musk nhờ cậy bạn bè để trả lương lần hồi từng tuần một và thương lượng với các nhà đầu tư. Anh gửi những lời cầu khẩn tới bất kỳ ai có thể dư dả chút tiền. Bill Lee đầu tư 2 triệu đôla và Sergey Brin bỏ thêm 500.000 đôla.
Elon Musk từng nói, 2008 là năm tồi tệ nhất trong cuộc đời.
Video đang HOT
“Một loạt nhân viên Tesla cũng viết séc để giúp công ty tiếp tục hoạt động”, Diarmuid O’Connell, Phó giám đốc Phát triển kinh doanh của Tesla cho biết. “Những khoản này chuyển thành vốn đầu tư nhưng khi đó 25.000 rồi 50.000 đôla cứ một đi không trở lại. Như thể ném vào miệng núi lửa vậy”.
Kimbal mất phần lớn tiền bạc trong cuộc suy thoái khi các khoản đầu tư chạm đáy nhưng anh vẫn bán tất cả những gì còn lại và đầu tư vào Tesla. “Tôi suýt phá sản”, Kimbal nói.
Tesla đã để riêng các khoản tiền trả trước của khách hàng cho chiếc Roadster nhưng giờ Musk phải dùng số tiền đó để duy trì hoạt động của công ty và nó nhanh chóng biến mất. Những khoản huy động tài chính này khiến Kimbal lo lắng.
“Tôi chắc là Elon sẽ tìm ra cách giải quyết mọi thứ nhưng anh ấy hẳn phải đối diện với nguy cơ bị tống vào tù vì sử dụng tiền bạc của người khác”, anh nói.
Nỗ lực cứu công ty
Đến tháng 12/2008, Musk bắt đầu một số chiến dịch để cứu các công ty. Anh nghe phong thanh rằng NASA sắp cho đấu thầu hợp đồng tái tiếp tế cho trạm không gian. Lần phóng thứ tư của SpaceX đã đưa nó vào vị trí có thể nhận được khoản tiền này, nghe đâu chừng một tỷ đôla.
Musk phát hiện SpaceX có thể là ứng cử viên hàng đầu cho thương vụ này. Anh bắt đầu làm tất cả những gì có thể để công ty đủ khả năng đáp ứng thử thách trong việc chế tạo đầu tên lửa lên ISS. Với Tesla, anh tới gặp các nhà đầu tư hiện tại và yêu cầu họ rót thêm vốn gần Giáng sinh để công ty không bị phá sản.
Để tiếp thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, Musk nỗ lực huy động tất cả nguồn lực cá nhân mà anh có để dồn tiền cho công ty. Anh nhận một khoản vay từ SpaceX và dành số tiền đó cho Tesla. Musk cũng cố gắng bán một số cổ phần ở SolarCity. Anh có ngay 15 triệu đôla khi Delta mua lại Everdream – một công ty khởi nghiệp phần mềm về trung tâm dữ liệu do các em họ sáng lập và được anh đầu tư.
“Như một ma trận vậy”, Musk mô tả khi nhớ về những cuộc vận động tài chính. “Vụ Everdream thực tình đã cứu mạng tôi”.
Musk đã gom được 20 triệu đôla và yêu cầu các nhà đầu tư hiện tại của Tesla – vì chẳng có thêm nhà đầu tư nào mới xuất hiện – đóng góp con số tương đương. Các nhà đầu tư đồng ý và vào ngày 3/12/2008, khi họ bước vào quá trình huy động vốn, Musk đã phát hiện ra vấn đề. VantagePoint Capital Partners đã ký toàn bộ giấy tờ ngoại trừ một trang quan trọng. Ngay lập tức, Musk gọi điện cho Alan Salzman, đồng sáng lập kiêm đối tác quản lý để hỏi về tình hình.
Salzman cho Musk biết, hãng gặp rắc rối với vụ đầu tư bởi đánh giá thấp Tesla. “Tôi nói: ‘Tôi có một giải pháp tuyệt vời đây. Hãy lấy toàn bộ phần của tôi trong thương vụ này. Tôi đang rất vất vả để xoay tiền. Dựa trên số tiền mặt hiện có, chúng ta sẽ không chi trả nổi lương cho tuần tới. Thế nên, trừ khi có ý tưởng hay hơn còn không hoặc các anh đóng góp như những gì mong muốn hoặc để đợt cấp vốn trôi qua và chúng ta sẽ phá sản”.
Các thế hệ tên lửa của SpaceX.
Salzman do dự và bảo Musk hãy đến vào 7h sáng tuần tới để gặp đội ngũ đứng đầu VantagePoint. Do không có cả tuần chờ đợi, Musk đã yêu cầu gặp ngay ngày hôm sau. Nhưng Salzman từ chối lời đề nghị và buộc Musk phải tiếp tục gánh các khoản vay. “Lý do duy nhất gã muốn khi chúng tôi gặp nhau là tôi phải quỳ gối xỉn xỏ tiền bạc và gã sẽ nói không”, Musk đặt ra giả thuyết.
VantagePoint từ chối nói về giai đoạn này nhưng Musk tin rằng chiến lược của Salzman là một phần trong việc khiến Tesla phá sản. Musk sợ rằng VantagePoint sẽ sa thải anh khỏi vị trí CEO và bán Tesla cho một công ty sản xuất xe hơi ở Detroit hoặc tập trung bán hệ thống truyền động dùng điện và các khối pin thay vì sản xuất xe hơi. Những lý luận trên khá phù hợp trên quan điểm kinh doanh nhưng lại không chuẩn với mục tiêu của Musk tại Tesla.
“VantagePoint đang xử ép một doanh nhân táo bạo, muốn làm nên việc lớn phải nuốt trôi thứ đạo lý này”, Steve Jurvetson, một đối tác tại hãng Draper Fisher Jurvetson đã đầu tư vào Tesla nói. “Có thể họ đã quen dùng cách đó với những doanh nhân thiếu kiên định nhưng Elon không phải mẫu người đó”.
Musk bật khóc
Với sự trợ giúp của Antonio Gracias thuộc Valor Equity, Musk cuối cùng đã chiến thắng các nhà đầu tư chính của Tesla và họ có thể ngăn chặn VantagePoint phá vỡ bất kỳ thỏa thuận nào. Tesla đã có khoản vốn mới 40 triệu đôla và điều đó đã cứu công ty.
Thỏa thuận kết thúc vào lúc Giáng sinh đã cận kể, chỉ vài giờ trước khi Tesla bên bờ phá sản. Musk chỉ còn vài trăm nghìn đôla và không đủ trả lương cho ngày hôm sau. Anh góp tổng cộng 12 triệu đôla và các hãng đầu tư đóng phần còn lại. Về Salzman, Musk nói. “Anh ta nên xấu hồ về chính mình”.
Tại SpaceX, Musk và các CEO đã trải qua tháng 12 trong nỗi sợ hãi. Theo các bài báo, SpaceX từng một thời là ứng cử viên hàng đầu cho hợp đồng lớn với NASA đã bất ngờ đánh mất sự ủng hộ của cơ quan vũ trụ này.
Michael Griffin, người từng đồng sáng lập SpaceX và đứng đầu NASA đã quay lưng lại với Musk. Griffin không quan tâm đến chiến lược kinh doanh quyết liệt của Musk mà chỉ xem anh là kẻ vô nguyên tắc. Những người khác cho rằng Griffin ghen tỵ với Musk và SpaceX.
Tuy nhiên, vào ngày 23/12/2008, SpaceX nhận được tin sốc. Nội bộ NASA đã làm việc với Griffin và hỗ trợ SpaceX thành nhà cung cấp cho ISS. Công ty nhận được khoản thanh toán 1,6 tỷ đôla cho 12 lần phóng tới trạm không gian. Đang đi nghỉ với Kimbal ở Boulder (Colorado), Musk bật khóc nức nở khi các khoản giao dịch của SpaceX và Tesla được xử lý triệt để.
Trích sách “Elon Musk từ ước mơ đến hành trình quá giang vào Dải Ngân hà”
Giải mã SpaceX: Công ty của Musk lấy tiền ở đâu để thay đổi thế giới?
Công ty không gian do tỷ phú Elon Musk sáng lập được định giá lên tới 36 tỷ USD, là một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới.
Ngày 31/5 vừa qua, SpaceX đã đi vào lịch sử với tư cách công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đây là thành quả sự hợp tác giữa công ty này và NASA, mở ra hướng đi mới cho ngành khai thác vũ trụ của Mỹ.
Thông tin này sẽ giúp uy tín của SpaceX tăng cao, và rất có thể sẽ lại đẩy giá trị của công ty do Elon Musk sáng lập lên một mức mới trong những vòng gọi vốn sau.
Vào ngày 31/5, SpaceX đã phóng thành công tên lửa Falcon 9 đưa hai phi hành gia lên trạm vũ trụ ISS trên tàu Crew Dragon.
Theo CNBC, giá trị của SpaceX ở thời điểm hiện tại vào khoảng 36 tỷ USD, dựa trên kết quả vòng gọi vốn gần nhất của công ty diễn ra vào tháng 3. SpaceX là một trong những công ty tư có giá trị lớn nhất, và mỗi vòng gọi vốn của SpaceX đều thu hút sự chú ý.
SpaceX lấy tiền đầu tư từ đâu?
SpaceX là công ty tư nhân, đồng nghĩa không niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, công ty này vẫn gọi vốn với rất nhiều nhà đầu tư khác nhau.
Theo Investopedia, SpaceX được thành lập năm 2002 với nguồn vốn góp chính từ Elon Musk, sau khi ông trở thành triệu phú nhờ bán PayPal. Trong quá trình hoạt động, công ty này cũng mở nhiều vòng gọi vốn, thu hút đầu tư từ các quỹ như Founders Fund, Draper Fisher Jurvetson và Valor Equity Partners.
Tỷ phú Elon Musk là nhà sáng lập, người đầu tư ban đầu của SpaceX. Ảnh: Getty.
Tháng 1/2015, SpaceX có vòng gọi vốn đáng chú ý khi được Google và Fidelity Investmenst đầu tư với số tiền 1 tỷ USD đổi lấy gần 10% cổ phần. Trong năm 2019, SpaceX gọi vốn 3 lần và nhận về tổng cộng 1,33 tỷ USD, theo CNBC.
Gần đây nhất, vào tháng 3 SpaceX đã gọi vốn hơn 500 triệu USD. Theo CNBC, tài liệu của SpaceX gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) cho thấy số cổ phần được bán ra tương đương định giá công ty khoảng 36 tỷ USD, cao hơn mức 33,3 tỷ USD vào năm 2019. CNBC nhận định cổ phần của SpaceX là món đầu tư được quan tâm, và công ty này cũng là một trong những công ty tư nhân có định giá cao nhất.
Vì là một công ty tư nhân, SpaceX không có nghĩa vụ phải công khai các chi phí như nghiên cứu, phát triển cho các dự án vũ trụ của họ. Tuy nhiên, nhà sáng lập Elon Musk từng nói chỉ riêng chi phí phát triển tàu vũ trụ Crew Dragon, con tàu vừa đưa hai phi hành gia NASA lên ISS, đã chiếm khoảng vài trăm triệu USD từ nguồn vốn riêng của công ty.
Do không công khai số liệu tài chính, chỉ có thể dự đoán nguồn thu của SpaceX chủ yếu đến từ việc phóng tên lửa. Ngoài nhiều hợp đồng đã ký với NASA, SpaceX còn ký kết phóng tên lửa với nhiều công ty khác. Mỗi chuyến du hành của tên lửa Falcon 9 có giá khoảng 62 triệu USD, và theo Motley Fool thì SpaceX có thể thu về khoảng 12 triệu USD lợi nhuận, và trừ đi các chi phí hoạt động có lãi khoảng 15%.
"Chúng tôi không cần gọi vốn"
Hiện tại SpaceX đang cùng lúc phát triển 3 dự án đầy tham vọng: Crew Dragon, Starlink và Starship. Trong đó, Crew Dragon là tàu vũ trụ có thể đưa người, hàng hóa lên không gian. Starlink là dự án phóng hàng chục nghìn vệ tinh lên vũ trụ để phát Internet tới mọi nơi trên Trái Đất, còn Starship là tàu vũ trụ cỡ lớn cũng có nhiệm vụ chở người, hàng hóa.
Đó là chưa kể những kế hoạch còn xa hơn mà Elon Musk từng nói đến, như việc thuộc địa hóa Hỏa Tinh. Mỗi dự án của SpaceX đều là những dự án khổng lồ, với chi phí lên tới hàng tỷ USD.
Theo CNBC, Phó chủ tịch SpaceX Jonathan Hofeller cho biết dự án Starlink sẽ tốn khoảng 10 tỷ USD để đạt mục tiêu đưa 12.000 vệ tinh lên vũ trụ. Tuy nhiên, ông Hofeller cũng nói rằng Starlink chủ yếu dùng nguồn vốn từ kinh doanh chứ không phải các vòng gọi vốn của SpaceX. Vị lãnh đạo công ty này cho biết họ có "vị thế khác hẳn" so với những đối thủ cũng trong ngành vệ tinh vũ trụ.
Dự án Starlink, phủ kín Trái Đất bằng mạng lưới vệ tinh của SpaceX có thể thay đổi cách Internet hoạt động.
"Đó là lý do chúng tôi gần như không tiết lộ gì về những thứ chúng tôi đang làm, bởi chúng tôi không cần phải ra ngoài và gọi vốn cho mảng kinh doanh này", Phó chủ tịch SpaceX cho biết.
Theo Motley Fool, việc chào bán cổ phiếu của SpaceX không hẳn có giá trị gọi vốn để kinh doanh, bởi con số mà họ thu về thấp hơn nhiều so với chi phí mà SpaceX tuyên bố. Mục đích chính của vòng gọi vốn mới nhất là khẳng định giá trị của SpaceX vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn tăng nhẹ dù cả thế giới khủng hoảng với dịch Covid-19.
Tín hiệu này, cùng với việc SpaceX hợp tác thành công với NASA, liên tục nhận những hợp đồng từ cơ quan vũ trụ của Mỹ, có thể tạo hình ảnh đẹp cho công ty. Tỷ phú Elon Musk được cho là muốn giữ quyền kiểm soát của mình với SpaceX, do vậy ông không có ý định chào bán cổ phiếu SpceX cho công chúng (IPO) trong tương lai gần. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng SpaceX có thể tách riêng Starlink để IPO trong vài năm tới. Khi đó, giá trị cổ phần SpaceX có thể dùng để xác định các thông số cho IPO.
SpaceX, NASA thực hiện thành công sứ mệnh không gian lịch sử Ngày 30/5 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không vũ trụ Mỹ. SpaceX đã phối hợp cùng NASA đưa hai phi hành gia vào không gian sau 9 năm. Hai phi hành gia Robert Behnken và Douglas Hurley đã rời khỏi Trái Đất trên tàu vũ trụ SpaceX Demo-2 vào lúc 2:20 sáng ngày 31/5 giờ Việt Nam tại...