Sắp bước vào kỳ thi căng hơn đại học, làm gì để giảm bớt căng thẳng?
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam mách nước hàng loạt bí kíp vàng cho sĩ tử để đối phó với nỗi căng thẳng khi kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đang cận kề.
Ngày mai (1.6), học sinh làm thủ tục thi vào lớp 10 tại Hà Nội.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2019 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3.6. Ngày mai (1.6), sĩ tử đến trường thi làm thủ tục.
Nhiều năm nay, thi vào lớp 10 được ví là một cuộc đua căng thẳng kinh hoàng, thậm chí còn hơn cả thi vào đại học bởi tỉ lệ chọi rất cao, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Tiến sĩ Trần Thành Nam – giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra nhiều bí kíp thú vị xung quanh những liệu pháp tâm lý giúp giải toả căng thẳng trước trong và sau kỳ thi được phụ huynh và sĩ tử quan tâm.
Tiến Sĩ Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC.
Thưa ông, xin ông mách nước bí kíp “vàng” giải toả áp lực khi sĩ tử thi vào lớp 10 sắp “lên thớt”?
Video đang HOT
- Cách thức giảm áp lực tốt nhất trước kỳ thi là câu chuyện bố mẹ sẽ phải nói với con. Hãy nói với con rằng kỳ thi này rất quan trọng nhưng kết quả một bài thi không phản ánh, không quy định con là người tốt hay xấu, càng không quyết định thành công hay thất bại của con sau này.
Phải để trẻ em hiểu được rằng kết quả của một bài thi không định nghĩa được một con người.
Hơn nữa, theo nguyên tắc tâm lý, bố mẹ chăm sóc con phải hiểu được rằng khi đứa trẻ tin rằng mình làm tốt thì xác suất làm tốt sẽ cao hơn rất nhiều. Nếu đứa trẻ tin rằng nó kém thì tỉ lệ trượt cao hơn.
Ngoài ra, cần chuẩn bị cho con một số kỹ thuật, cách thức ứng phó phù hợp với những nỗi lo lắng xuất hiện trước trong và sau phòng thi.
Theo ông, có nên ôn thi đến sát ngày thi hay không, vì sao?
- Quy luật tâm lý của con người là càng đến những thời điểm cuối cùng càng học càng quên. Khi học sát giờ thi thì lúc vào phòng thi sẽ rơi vào “vòng trũng của sự quên đi”, không tái hiện được kiến thức.
Trong ngày sát ngày thi, sĩ tử nên ngồi nói chuyện theo chủ đề đã ôn trong thời gian vừa rồi. Đây là thời điểm tái hiện lại tri thức mà không phải ôn thi.
Sĩ tử nên viết lại những kiến thức, vẽ ra theo biểu đồ cây , xương cá. Việc này giúp hệ thống lại hoặc định vị kiến thức.
Thời điểm này, đầu óc cần có sự thư giãn. Ngày cuối cùng trước khi thi nên nghỉ ngơi và tạo kỉ niệm vui.
Sức khoẻ thể chất và giấc ngủ là tối cần thiết giúp sĩ tử có khả năng ghi nhớ.
Lúc vào phòng thi, sĩ tử nên trang bị kĩ năng gì để đối phó với tâm trạng lo lắng, thưa ông?
- Khi vào phòng thi, sĩ tử cần có những chiến lược để kiểm soát cảm xúc và sự lo lắng và chiến lược làm bài phù hợp. Thường khi bước vào phòng thi, khi lướt qua những câu hỏi không có trong chương trình ôn tập thì một số học sinh rơi vào trạng thái hoang mang.
Lúc này, thay vì lo lắng cho những câu không làm được, hãy tập trung những câu có thể làm tốt. Khi hoàn thành được những phần chắc ăn thì tự khắc tâm lý tốt lên, học sinh có cảm giác tự tin để làm câu tiếp theo.
Ngoài ra, để đối diện với sự lo lắng có những bài tập đơn giản. Tôi gọi vui là “thở theo hình vuông”, tức là hít thở từ 1 đến 4, ngưng thở 1 đến 4, thở ra 1 đến 4 và ngưng thở 1 đến 4. Cứ làm theo chu trình hình vuông như vậy sẽ giảm sự lo lắng.
Nhiều bạn lại có cách đơn giản rất hiệu quả đó là lúc lo lắng có thể đánh vần ngược tên mình, hoặc nghĩ đến thời điểm xảy ra kỉ niệm đẹp, thành công để lấy lại được sự tự tin.
Trân trọng cảm ơn ông!
THẢO ANH
Theo Lao động
Chọn học nghề để khởi nghiệp sớm
Kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đang chuẩn bị diễn ra. Năm nào cũng có khoảng 30% số học sinh không vào được lớp 10 công lập. Tùy vào năng lực học tập của bản thân và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, các em có thể vào học trường dân lập với mức học phí khá cao. Còn cho con cái học nghề ở độ tuổi 15 "ăn chưa no, lo chưa tới" thì với nhiều bậc phụ huynh là một sự lựa chọn quá khó khăn.
Điều này xuất phát từ tâm lý thương con hoặc tâm lý thích con làm thầy chứ không làm thợ. Tâm lý này cũng lây lan từ các bậc cha mẹ sang con cái nên nhiều đứa trẻ cũng thích làm thầy chứ không chịu làm thợ.
Trên thực tế, năng lực nơi nhiều em học sinh có hạn, điểm kiểm tra thường chỉ 2-3 điểm nhưng cha mẹ vẫn ép các em học thêm dày đặc với mong muốn nhồi kiến thức vào đầu trẻ để có thể vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp. Tôi biết có những gia đình phải gồng mình lo học phí cho con học trường THPT dân lập, rồi lại tiếp tục học đại học, bất kể là vào trường đại học nào và bằng loại nguyện vọng tối thiểu. Năng lực tiếp thu kiến thức hay chuyện các em sẽ làm được việc gì sau này không còn là mối quan tâm chính nữa mà tất cả tập trung vào mục tiêu "có tấm bằng"!
Mới đây, các báo đưa tin tại TPHCM năm nay, hơn 10.000 học sinh THCS không đăng ký thi vào lớp 10 mà chọn con đường khác để học tiếp hoặc học nghề. Đọc tin này tôi thấy mừng. Mừng vì nhận thức xã hội đã có sự thay đổi (thực ra, việc cần phân luồng đa dạng cho học sinh sau THCS đã được nói đến từ nhiều năm nay nhưng chưa chuyển biến đáng kể trên thực tế), có thể do tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" thời gian dài vừa qua. Vậy nên, với các em học lực kém hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, theo tôi, lựa chọn học nghề để vào đời sớm là hợp lý và thực tế.
Sau khi tốt nghiệp THCS, các em có thể theo học chương trình giáo dục nghề nghiệp - vừa học nghề, vừa học văn hóa. Với con đường này, bằng độ tuổi của các bạn học hết lớp 11, các em này đã có trình độ nghề trung cấp và có thể tìm được việc làm với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng. Và thực ra, con đường học vẫn luôn rộng mở sau này nếu các em vẫn giữ được động lực vươn lên.
Theo tôi, nếu phụ huynh sớm nhận biết niềm đam mê, năng khiếu, sở trường của con em mình thích hợp một nghề nghiệp nào đó thì hoàn toàn có thể định hướng cho con em ngay từ khi các em học xong lớp 9. Thực tế lâu nay, một người thợ như một đầu bếp giỏi vẫn được trả mức lương cao, được xã hội trọng vọng. Thực tế cũng cho thấy có không ít sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng lại phải mưu sinh bằng những việc hoàn toàn không cần tới bằng cấp ấy. Nhưng để sự thay đổi này trở nên phổ biến hơn đòi hỏi có sự kết hợp của nhiều cơ quan, ban ngành và điều quan trọng nhất là hệ thống trường nghề phải đảm bảo chất lượng. Có như vậy thì các bậc phụ huynh mới yên tâm gửi gắm con em vào học, để sau khi ra trường, các em có đủ kỹ năng tham gia thị trường lao động.
Các doanh nghiệp - nhà tuyển dụng lao động cũng cần thay đổi tư duy về bằng cấp. Tuyển thợ lành nghề đâu nhất thiết đòi hỏi bằng cấp khi thực tế công việc không cần đến bằng cấp đó. Tư duy đổi mới này sẽ giúp xã hội và nhiều gia đình tiết kiệm khá nhiều chi phí và thời gian.
Một điều cũng quan trọng không kém là các bậc cha mẹ cũng cần tôn trọng con em một khi các em muốn sớm theo đuổi niềm đam mê của chúng.
Theo thesaigontimes.vn
Tuyển sinh các lớp đầu cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn căng thẳng Với một đô thị lớn tập trung đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh, việc đáp ứng nhu cầu học tập cho tất cả học sinh trên địa bàn là một áp lực rất lớn, nhất là việc tuyển sinh các lớp đầu cấp. Thí sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) Với một đô thị lớn tập trung đông...