“Săn” Tây học Ngoại ngữ
Được xem là “phố Tây của Sài Gòn”, công viên 23/9 trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều người rèn khả năng giao tiếp tiếng Anh. Trò chuyện với Tây là một cách luyện khả năng Nghe – Nói được khá nhiều bạn trẻ áp dụng.
Đi để nói, để nghe
Bất kể giờ nào, đặc biệt trưa và tối ở công viên 23/9 (Phạm Ngũ Lão, Q.1, TPHCM) cũng có thể bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ đứng, ngồi nói chuyện với người nước ngoài. Trên tay họ luôn có cuốn sổ tay, từ điển để sẵn sàng nghe được đến đâu là ghi chép hay tra từ ngay lúc đó. “Săn” Tây học Ngoại ngữ là phương pháp luyện khả năng nghe nói được rất nhiều người áp dụng.
Bất kể lúc nào rảnh rỗi, Nguyễn Hoàng Gia, cựu SV trường ĐH Kinh tế TPHCM, hiện đang làm việc tại một công ty bất động sản lại tranh thủ đi “lùng” Tây để trò chuyện. Gia từng học Ngoại ngữ ở các trung tâm nhưng khả năng nói vẫn rất hạn chế nên đây là cách để cậu rèn luyện thêm.
Nguyễn Hoàng Gia (trái) bắt chuyện với một du khách nước ngoài.
Gia thường tìm người Mỹ hoặc người Anh để trò chuyện vì họ không chỉ phát âm chuẩn mà còn nói chậm. Tuy nhiên có nhiều người chỉ có thể chào hỏi vài ba câu rồi bận việc phải đi. Nhưng cũng có những người trở thành “thầy” dạy ngoại ngữ khi thường có mặt tại công viên theo giờ cố định để trò chuyện với người bản địa nên nhiều bạn cũng có mặt theo giờ này để tiện cho việc học.
Theo kinh nghiệm của Gia, để việc học hiệu quả, người học cần chuẩn bị chủ đề để hướng buổi nói chuyện theo chủ đề đó. Cũng cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản như về du lịch, món ăn, địa danh… vì người ta sẽ hỏi lại mình. Ngoài ra, nhiều người nước ngoài sang đây làm việc cũng muốn học tiếng Việt thì mình cũng nên tương tác đôi bên sao cho hiệu quả.
Video đang HOT
Hơn một năm nay, trừ những ngày mưa, trưa và tối nào cậu SV năm cuối khoa Du lịch, trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM Nguyễn Hải Thiên cũng đi công viên… tìm Tây để học nói, học nghe.
Những ngày đầu mò mẫm đi học ở phố Tây, Thiên gặp khá nhiều khó khăn vì vốn tiếng Anh bập bõm ban đầu, cậu rất ngại ngần tiếp xúc với người nước ngoài. Sau hơn một năm “nhẵn mặt” ở công viên, Thiên đã nói năng trôi chảy, lưu loát cũng như tăng cường phản xạ nghe nói rất nhanh.
Việc nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài rèn khả năng nghe nói tiếng Anh.
Đến phố Tây học tiếng Anh, người học luôn gặp những khó khăn nhất định. Hầu như ai cũng từng gặp phải tình huống, khi đến bắt chuyện du khách tỏ ra lo ngại người tiếp cận với mục đích xấu nào đó. Nhiều bạn phải về tay trắng vì không phải lúc nào cũng tìm được người có thời gian để trò chuyện. Chưa kể, không hẳn người nước ngoài nào cũng thân thiện, cởi mở.
Không chỉ là học Ngoại ngữ
Kết quả mang lại của việc đi học ở phố Tây cho người học không đơn thuần chỉ là Ngoại ngữ. Qua những buổi trò chuyện như vậy, họ có thể tìm hiểu về văn hóa, vẻ đẹp của các nước. Nhiều du khách cởi mở còn cho người học xem hình ảnh, video và giới thiệu tỉ mỉ về đất nước họ hay những nơi họ đã đi qua để việc trao đổi được hiệu quả hơn và người học cảm giác như thể mình đang được đi du lịch.
Chưa hết, nếu may mắn gặp được du khách am hiểu hay đang làm việc về ngành học của mình thì ngoài việc học tiếng Anh, người học còn tiếp nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích.
Bạn Nguyễn Hoàng Gia cho hay, cậu đã từng gặp người nước ngoài làm trong ngành tài chính, bất động sản đúng ngành cậu đang theo nên biết được thêm rất nhiều. “Hầu hết người nước ngoài rất cởi mở chia sẻ về văn hóa, đất nước, kiến thức… Chỉ vấn đề cá nhân là họ không thích đề cập”, Gia nói.
Việc học “mót” Ngoại ngữ đem lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho người học và cả du khách nước ngoài.
Việc học “lỏm” này còn được nhiều bạn dí dỏm ví “hai bên cùng có lợi. Người nước ngoài trau dồi thêm tiếng Việt, hiểu thêm về văn hóa, đất nước, con người nơi mình đang sống hoặc đi du lịch. Khi đã tin tưởng nhau, người học còn trở thành hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho du khách hay đi ăn uống, đi cà phê cũng nhau.
Đặc biệt, việc học cũng mở ra những mối quan hệ lâu dài hơn khi họ cùng trao đổi địa chỉ email, số điện thoại. Người nhiều có thêm những người bạn nước ngoài nhờ việc đi học “mót” này và ngược lại người nước ngoài cũng tìm được cho mình những người bạn mới.
Anh Andreas Morner, du khách người Thụy Điển, người “thầy” quen thuộc của nhiều bạn trẻ học tiếng Anh ở khu công viên 29/3 bày tỏ, nhờ môi trường học tập này mà anh có thêm được nhiều người bạn, hiểu thêm về văn hóa, con người ở nơi mình đang sống. Cuộc sống của anh ở Việt Nam vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn.
Hoài Nam
Theo dân trí
Sân chơi hấp dẫn cho học sinh THPT
Năm 2012, học sinh THPT sẽ được trải nghiệm một sân chơi mới đầy thú vị, bổ ích và đặc biệt là mang tính tập thể - đó là chương trình Rung chuông vàng.
Hình ảnh sôi động của chương trình Rung chuông vàng
Trí tuệ - thông minh - hấp dẫn và đậm chất trẻ là tiêu chí mà chương trình Rung chuông vàng phiên bản 2012 đang hướng đến. Vẫn là một cuộc thi kiến thức với hình thức đơn giản, thí sinh trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và những câu hỏi mở, người trả lời đúng hết 20 câu hỏi sẽ là người rung được chuông vàng.
Tham gia chương trình này, học sinh được trắc nghiệm những kiến thức từ sách giáo khoa, từ thời sự cuộc sống, học thêm nhiều kỹ năng (sự tự tin, quyết đoán...). Quan trọng nhất học sinh không phải là thi đấu với trường nào, với ai, mà thi đấu với chính bản thân mình. Mỗi câu trả lời khi được ghi vào bảng là khẳng định về sự hiểu biết của mình. Có thể, vẫn còn thiếu sót, hoặc chưa đúng, nhưng HS sẽ được học cách dám chấp nhận thất bại, đứng dậy và rời khỏi sàn đấu, nhưng vẫn hào hứng cổ vũ nhiệt tình cho các bạn còn ở lại sàn thi đấu...
Ông Nguyễn Viết Thanh - Chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ: "Rung chuông vàng không phải là một game show giải trí, các trường học đã xác định rõ nhất điều này ngay khi quyết tâm bước vào cuộc thi bằng tinh thần nghiêm túc nhất. Thí sinh tham gia sẽ được tuyển chọn từ những HS giỏi nhất trường, được thầy cô đặc biệt lưu tâm rèn luyện. Từ đội ngũ cổ động viên, đến học sinh tham gia trong đội văn nghệ cũng đều hiểu rằng đây là cơ hội cho mình thể hiện cá tính trường mình. Lúc này, tính cá nhân và tính tập thể đan xen, HS nhận ra rằng mình đang thể hiện bản thân cũng là thể hiện màu cờ sắc áo của chính trường mình. Với các em, khi chinh phục được những câu hỏi Rung chuông vàng cũng là đang chinh phục kiến thức cho mình chứ không phải là vì giá trị giải thưởng nữa".
Và điều đó thể hiện rõ nhất khi các bạn học sinh mang tinh thần sẵn sàng học tập của mình vào game show Rung chuông vàng, biến nó từ một chương trình giải trí trở thành một chương trình truyền hình mang giá trị cao, đầy tinh thần học hỏi và nhân văn, thể hiện bản lĩnh của cả một thế hệ trẻ.
Chương trình Rung chuông vàng đã là một cái tên quen thuộc với khán giả truyền hình cả nước trong 5 năm qua, trở thành sân chơi kiến thức hào hứng, hấp dẫn và bổ ích đối với học sinh, sinh viên cả nước.Theo TNO
Học ngoại ngữ: Giảng viên nói nhiều, sinh viên im Giảng viên ngoại ngữ hiện nay còn nói quá nhiều, trong khi việc đó nên dành cho sinh viên, đấy mới là cách dạy ngoại ngữ hiệu quả. Vì không phải các khoa chuyên ngành nên nhiều sinh viên vẫn chỉ coi ngoại ngữ như một môn "học mà chơi, chơi mà học". Đến khi ra trường, không ít người phải ngậm ngùi...