Sản phụ tử vong: Không bao che nếu có sai phạm
Liên tiếp trên các số báo ra gần đây, báo Sức khỏe&Đời sống đã đăng các thông tin liên quan đến những tai biến khi vượt cạn của bà mẹ mang thai. Xung quanh những vấn đề này, để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, PV đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Duy Khê – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế.
PV: Thời gian gần đây xảy ra các tử vong mẹ tại một số cơ sở y tế khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
TS. Nguyễn Duy Khê: Trước hết, tôi phải khẳng định rằng để xảy ra tai biến, đặc biệt là tai biến sản khoa (TBSK) là điều không thầy thuốc nào mong muốn. Mặc dù trong những năm gần đây y học đã có nhiều tiến bộ và ngành y tế đã có nhiều cố gắng, nhưng trong lĩnh vực sản phụ khoa, TBSK vẫn là một thách thức không nhỏ đối với thầy thuốc, kể cả đối với các cơ sở y tế tuyến trên do TBSK thường xảy ra rất nhanh, diễn biến bất thường và khó dự đoán.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có 10 triệu ca TBSK trong tổng số 80 triệu ca sinh, mỗi ngày có 1.000 ca tử vong mẹ. Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc làm giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Theo TS. TS. Nguyễn Duy Khê – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế: Không bao che nếu cán bộ y tế có sai phạm
Video đang HOT
So với năm 1990, tử vong mẹ ở Việt Nam hiện đã giảm xuống hơn 3 lần từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống, xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống. Trên thực tế, tỉ lệ này thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia… Tuy nhiên, đối với các vụ TBSK đã xảy ra, quan điểm của ngành y tế là không bao che, phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Vì thế, liên tiếp trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, công văn yêu cầu ngành y tế các địa phương có xảy ra TBSK, trong tất cả trường hợp tai biến đã xảy ra, ngoài các nguyên nhân như thuyên tắc ối, phải nghiêm túc xem xét có những nguyên nhân gì nữa không. Có phải do thiếu cán bộ, tổ chức bố trí nhân lực chưa hợp lý hay có sai sót về tuân thủ quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện, về chẩn đoán, tiên lượng hay nguyên nhân thuộc về trình độ cán bộ để từ đó có giải pháp đồng bộ…
PV: Ông vừa nói đến yếu tố nhân lực sản khoa. Thiếu nhân lực trong lĩnh vực sản khoa là thực trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến dưới?
TS. Nguyễn Duy Khê: Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, không chỉ thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi mà thiếu cả bác sĩ chuyên khoa sản, không chỉ thiếu ở tuyến huyện mà thiếu cả ở tuyến tỉnh. Do đó, để có thêm nguồn nhân lực cho 2 lĩnh vực sản và nhi khoa, ngành y tế đã và đang tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa nhi, đặc biệt chú trọng hình thức đào tạo chuyên khoa sơ bộ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh sản nhi và xây dựng kế hoạch tổng thể về nguồn nhân lực y tế, trong đó có nguồn nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa.
PV: Ngoài việc giải quyết tốt vấn đề nhân lực, để giảm tai biến sản khoa cần phải triển khai những biện pháp gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Duy Khê: Để giảm TBSK cần triển khai đồng bộ các giải pháp như củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ tuyến Trung ương đến cơ sở nâng cao năng lực chuyên môn, bố trí đủ cán bộ cho các khoa sản, khoa nhi của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và đảm bảo trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu hồi sức. Phấn đấu 100% các bệnh viện huyện (trừ các bệnh viện huyện gần bệnh viện tỉnh trong khoảng cách dưới 20km hoặc có thể tiếp cận được với bệnh viện tỉnh trong thời gian không quá 60 phút) có thể thực hiện mổ đẻ và truyền máu…
Ngoài ra, tôi cho rằng chúng ta cũng cần tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ và không đến sinh con ở các cơ sở y tế, hoặc tự đỡ đẻ khi không có cán bộ y tế…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo SK&ĐS
Tai biến sản khoa: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ
Sau thời gian chờ đợi nhưng không thấy kết quả, mới đây, Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) đã gửi công văn "thúc" các địa phương cần nhanh chóng họp hội đồng chuyên môn về các ca tai biến sản khoa trong thời gian qua để xem xét làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Công văn của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) được gửi đến Sở Y tế Quảng Ngãi và Sở Y tế Hưng Yên đề nghị cần khẩn trương tổ chức họp hội đồng chuyên môn để xem xét làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan trong các trường hợp tử vong sản phụ và sơ sinh.
Cụ thể: Tại Quảng Ngãi là trường hợp tử vong của sản phụ Lê Thị Hương (23 tuổi, ở xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) tại BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Người nhà sản phụ Lê Thị Hương khóc ngất khi biết tin chị qua đời khi sinh con tại BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: VOV News)
Lúc 23h ngày 18/4, sản phụ Hương vào BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chờ sinh vì có dấu hiệu chuyển dạ. Đến trưa ngày 19/4, chị có biểu hiện khó thở, được chuyển vào phòng mổ đẻ. Tuy nhiên đến sáng hôm sau thì chị tử vong.
Gia đình bức xúc cho rằng bác sỹ tắc trách vì thấy sản phụ khó đẻ, gia đình đề nghị mổ nhưng bác sỹ không cho mổ với lời giải thích "vẫn đẻ thường được".
Tại Hưng Yên là trường hợp của sản phụ Đào Thị Hạnh (SN 1981, trú tại thôn Vân Nội - xã Hồng Tiến - huyện Khoái Châu - tỉnh Hưng Yên).
7h sáng ngày 19/4, sản phụ Hạnh vào BV Đa khoa tỉnh chờ sinh. Đến 10h tối cùng ngày, chị mệt nhiều, gia đình đề nghị mổ vì thai to (4kg), mẹ lại mất sức nhưng bác sỹ không đồng ý.
Vào khoảng gần 4h sáng 20/4, chị Hạnh sinh bé trai nặng 4kg. Bé vừa chào đời đã tử vong sau đó. Gần 5h sáng, chị Hạnh được các bác sĩ cho thở bình ôxi và chuyển lên phòng hồi sức cấp cứu, nhưng sau đó chị Hạnh đã tử vong.
Theo quy định thì trong vòng 15 ngày kể từ khi có kết luận giám định pháp y, hội đồng chuyên môn cơ sở sẽ tổ chức họp, sau đó Sở y tế sẽ họp hội đồng chuyên môn của Sở. Tuy nhiên, đến nay, sự việc xảy ra ở các địa phương này đã gần 2 tháng nhưng lãnh đạo Sở Y tế vẫn chưa có báo cáo gửi Bộ Y tế theo quy định.
Theo VNN
Châm cứu chữa bại não, tự kỷ Bệnh viện Châm cứu Trung ương đang miễn hoàn toàn viện phí, tiền thuốc điều trị cho trẻ bại não, tự kỷ, câm điếc mở ra cơ hội hòa nhập cho hàng ngàn trẻ em. Mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 trẻ em bại não. Nhiều em trong số đó đã được Bệnh viện Châm cứu Trung ương mang lại cuộc sống...