Sài Gòn sau 18 giờ: Không gia đình
Những ngày này, ngày càng nhiều người nghèo, vô gia cư trên đường phố Sài Gòn đang bị cái đói bóp nghẹt.
May thay, cũng còn nhiều cánh tay chìa ra. Và ngay cả chính họ cũng đã nắm lấy tay nhau để cùng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.
Ông Công chia sẻ gia tài của ông chỉ gồm hai bộ quần áo: một bộ để trong bịch và một bộ mặc trên người. ẢNH: LAM NGỌC
Từ khi Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP được ban hành cuối tháng 7, những tuyến đường ngày thường vẫn nườm nượp người tất tả mưu sinh vừa tới 18 giờ đã trở nên vô cùng vắng vẻ. Trên đường phố lúc này chỉ còn lại những người thật sự không còn một chốn dung thân, một nơi để về.
Chốt chặn được thiết lập khắp các giao lộ từ Cách Mạng Tháng Tám giao Nguyễn Thị Minh Khai, Calmette giao Nguyễn Công Trứ, ngay dưới cầu Nguyễn Văn Cừ giao Trần Hưng Đạo, lên một chút là Nguyễn Trãi… Cửa ngõ ra vào TP đều bị kiểm soát. Nếu không có nhiệm vụ mà ra đường sau 18 giờ thì không thể qua các chốt trót lọt.
Những người ăn xin, buôn thúng bán bưng ngày thường vẫn tập trung dày hai bên cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5), khu vực công viên 23 Tháng 9 (Q.1), trạm xe buýt Bến Thành trên đường Hàm Nghi (Q.1)… nhưng giờ đây không còn một bóng nào.
Xích lô là nhà
Tôi phóng xe từ đường Nguyễn Thị Minh Khai qua Lý Thái Tổ, tới đường 3 Tháng 2, xuống Nguyễn Tri Phương rồi vòng về Ngô Gia Tự và đảo ra đường Ngô Quyền (Q.10)… Không thấy đội xích lô già hay trú chân buổi tối như trước dịch.
Video đang HOT
Hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Công (66 tuổi) sống trên chiếc xích lô. ẢNH: LAM NGỌC
Hơn 23 giờ, tại công viên cặp bên vòng xoay Lý Thái Tổ (Q.5), dưới hiên nhà tối om có một mái tóc bạc trắng loay hoay trên chiếc xích lô. Tôi nhận ra chú Nguyễn Văn Công, 66 tuổi, nhờ mái tóc bạc khó lẫn lộn: “ Sao chú ngủ ở đây? Nhiều muỗi lắm!”. “Không ngủ ở đây thì biết ngủ ở đâu. Giờ công an đi tuần, nằm vào chỗ khuất may ra thì được ngủ yên”, ông Công nói chuyện qua lớp khẩu trang. Tôi hỏi thăm: “Rồi chú ăn uống, tắm giặt ở đâu?”. Ông Công thì thào trong bóng tối: “Nhà hảo tâm cho sữa, bánh, cho cơm từ thiện và cả tiền…, tắm rửa thì vẫn ra nhà vệ sinh công cộng bên hông cầu Ông Lãnh. Chú không bị đói, con yên tâm”.
Ông Công kể mấy hôm nay người đi cứu trợ rất nhiều. Một ngày có tới 20 – 30 người cho nhưng ông chỉ xin hai, ba hộp cơm, một phần bánh, sữa để ăn lúc nhỡ bữa chứ không nhận nhiều, “để nhường phần cho những người đói khác”.
Tôi quen ông Công từ trước dịch nên biết ông rất tự trọng. Thấy hoàn cảnh ông lang thang, sống một mình, nhiều người đề nghị giúp đỡ nhưng ông đều từ chối vì “tôi còn sức, còn làm kiếm ăn được”. Nhưng nay dịch, không còn khách đi xích lô, tiền dành dụm cũng hết nên ông buộc phải nhận cứu trợ để tồn tại.
Mấy ngày đầu giãn cách, do ảnh hưởng bão số 3 nên đêm khá lạnh, ông kéo tấm bạt được cắt khéo theo khung chiếc xích lô, quây lại. Ông Công chia sẻ: “Chiếc xích lô nhìn nhỏ vậy nhưng lợi hại lắm, ban ngày chở khách, ban đêm là cái giường, là cái tủ chứa tất cả tài sản tôi có”. Nói rồi ông bấm đèn pin, bật chiếc lưng ghế xích lô, lôi ra một cái bọc chứa bộ quần áo, vài vỉ thuốc, mấy chai dầu gió: “Tất cả tài sản của tôi có nhiêu đó. Một bộ mặc trên người, một bộ giặt khô thì bỏ bịch cho vào “cốp” xe. Sống ngoài đường vậy mà ít bệnh tật nên lâu lâu mới phải dùng thuốc”.
Ông Công kể trước năm 2001 ông còn mẹ, còn nhà ở P.10, Q.5 nhưng sau đó nhà bị giải tỏa, mẹ mất, vợ con đã bỏ đi cách đó mấy năm cũng biệt tăm. Anh em đang sống cùng một nhà cũng tứ tán tìm kế sinh nhai. Từ đó, ông Công thành người không gia đình, không nhà. Quanh năm kể cả ngày lễ, tết tới giỗ mẹ ông cũng chỉ quanh quẩn với chiếc xích lô và đến giờ thì ông hoang mang không biết về đâu.
“Nhà” của ông Công hiện tại là chiếc xích lô mua 20 năm trước với giá 1,9 triệu đồng. Ông tâm sự thực lòng: “Những ngày nước sôi lửa bỏng này giá như có một ngôi nhà để về thì ấm áp. Gần nửa đời người ngủ trên xe, tôi thấy đời sống quá bấp bênh”. “Sao không vào trung tâm bảo trợ xã hội lánh tạm?”, tôi hỏi. Ông Công phân trần: “Vào trung tâm bảo trợ thì phải có đơn, phải được duyệt, thủ tục cũng không phải ngày một ngày hai. Hơn nữa, trong số những người vào trung tâm biết đâu lại có F0. Thôi thì ở ngoài đường đã quen, dù chui lủi có vất vả nhưng còn chủ động”.
Gia tài của ông Nguyễn Văn Thành (77 tuổi), đạp xích lô đã gần 40 năm
Ông Võ Văn Thành (70 tuổi), mấy chục năm ngủ trên xe
Trơ trọi giữa thành phố
Trước cửa Bệnh viện Nhi đồng 1 (Q.10) có ông già thâm niên “ở đường” hơn ông Công cả chục năm. Đó là ông Võ Văn Thành (70 tuổi, quê Ninh Thuận).
Ông Thành vào Sài Gòn từ hồi đứa con gái nhỏ lên một tuổi, nay người con gái ấy đã bước sang tuổi… 40. Ông kể, năm đó bị vợ bỏ, ông chán nản nên vào Sài Gòn, từ đó tới nay chưa một lần về thăm quê. Khi có lệnh hạn chế ra đường sau 18 giờ ông hoang mang, mường tượng lại cảnh quê hương sau nhiều năm không muốn nhớ nhưng đường về mù mờ, mặt người thân cũng không còn rõ nét. Chỉ vào chiếc xe gỉ sét, ông Thành chia sẻ: “Chiếc xe này cũng gần 40 tuổi, xuống cấp quá khách không chịu ngồi nữa. Tôi dùng nó làm chỗ ở kiêm cái kho chứa ve chai”. Dịch kéo dài, vựa ve chai đóng cửa, ông Thành phải để rải rác chai nhựa nhặt được ở công viên. Số mới nhặt thì treo lủng lẳng quanh xe như chỗ chơi bán đồ hàng của con nít.
Mấy chục năm ngủ trên xe, ông đã quen với thế nằm cong nên giờ không còn cảm thấy đau lưng nữa. Làm “phu xe” cả năm đầu tắt mặt tối, những ngày dịch ông Thành mới có thời gian ngắm kỹ TP: “Nhìn Sài Gòn tĩnh lặng tôi lại nhớ tới những ngày Sài Gòn đông vui, xe cộ quán xá nhộn nhịp”. Ở tuổi thất thập, thỉnh thoảng ông Thành lại nhớ về khuôn mặt của đứa con gái từ khi còn nhỏ. “Nghe nói nó đã theo chồng đi xa. Chỉ mong đời nó không lênh đênh, lận đận như tôi…”.
Cùng tên, cùng nghề xích lô còn có ông già Nguyễn Văn Thành (77 tuổi, quê Đồng Nai). Lúc trẻ ông lập gia đình nhưng không bao lâu thì vợ mất. Bản thân ông lên Sài Gòn đạp xích lô tới nay đã gần 40 năm. Anh em họ hàng của ông giờ đã lớn tuổi và có lẽ không còn sống. Trước dịch, ông Nguyễn Văn Thành và ông Công lúc nào cũng gắn bó, buổi tối thường tìm chỗ đậu xe cùng ngủ để đêm hôm thủ thỉ trò chuyện. Tuy nhiên, từ ngày áp dụng quy định hạn chế ra đường sau 18 giờ, họ phải tách nhau mỗi người một ngả. “Hằng ngày, vào buổi trưa, chúng tôi hẹn nhau ở một sân bóng. Lúc gặp nhau lại chia sẻ hộp cơm, cái bánh mì, vỉ sữa xin được cùng ăn hết rồi lại… chia tay”, ông Thành chia sẻ.
Đề xuất mở rộng đối tượng nhận gói hỗ trợ tại TP.HCM
Sở LĐTB-XH TP.HCM vừa có đề xuất khẩn với UBND TP.HCM để xem xét, quyết định hỗ trợ cho lao động tự do là người chạy xe ôm truyền thống 2 bánh (trừ xe công nghệ), xe xích lô chở khách bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Sở LĐTB-XH TP.HCM, đây là nhóm lao động yếu thế, công việc và thu nhập bấp bênh, không ổn định. Họ không sử dụng công nghệ để tìm kiếm khách, mà chủ yếu hoạt động tại các địa điểm cố định như chợ, bến xe, các dịch vụ lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, các địa điểm vui chơi, giải trí, các địa điểm du lịch, tham quan, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng...
Trong thời gian giãn cách, nhóm lao động này cơ bản bị mất việc làm, thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu, hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Trên địa bàn TP.HCM có khoảng 34.000 người chạy xe ôm truyền thống và xích lô chở khách
Theo thống kê sơ bộ từ TP Thủ Đức và các quận, huyện, số lượng lao động tự do là người chạy xe ôm truyền thống 2 bánh (trừ xe công nghệ), xe xích lô chở khách là khoảng 34.000 người
Đề xuất của Sở LĐTB-XH trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các quận huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan truyền thông. Theo Nghị quyết 09 mà HĐND TP.HCM vừa thông qua, các lao động tự do được xác định là người làm một trong 6 công việc:
1- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng);
2- Thu gom rác, phế liệu;
3- Bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ;
4- Bán vé số lưu động;
5- Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ);
6- Làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM để phòng chống dịch COVID-19.
Mỗi lao động được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong thời gian giãn cách xã hội. Hiện các quận huyện, TP Thủ Đức đang triển khai chi trả cho các lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng/người.
BOT xa lộ Hà Nội thử nghiệm hệ thống thu phí 0 đồng Tư 22h15 đêm 27-3, tram thu phi tại xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (TP.HCM) băt đâu vân hanh thư nghiêm bằng hệ thống thu phí 0 đồng đê chuân bi cho kê hoach thu phi chinh thưc tư ngày 1-4. Ghi nhân của Tuổi Trẻ Online đêm 27-3, trạm thu phí bằng vé có giá 0 đồng tại xa lộ Hà...