Sách giáo khoa lớp 1 quá nặng, phải có sự thay đổi
Sách giáo khoa hiện nay không còn là pháp lệnh nhưng nó là tài liệu chuẩn để giáo viên giảng dạy. Vì thế, sách cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp với tâm sinh lý và trình độ các em.
Giáo viên và các nhà quản lý giáo dục cho rằng một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh lo lắng, tìm cách cho con học trước lớp 1 là do sách giáo khoa (SGK) của chương trình mới rất nặng và nhiều chữ.
Mời bạn đọc xem thêm:
Sách giáo khoa quá nặng
Chia sẻ về vấn đề này, cô TB, giáo viên một trường tiểu học tại Gia Lai, cho hay thực tế đều cấm các trẻ lớp lá học trước lớp 1. Tuy nhiên, với SGK như hiện nay, nếu các em không học trước thì lên lớp 1 sẽ vất vả cho cả cô và trò vì kiến thức nhiều hơn trước. Như bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, ba bài đầu tiên mỗi ngày học một âm, từ ngày thứ tư các em phải học hai âm cộng thêm các dấu thanh. Sang học kỳ 2, các bài tập đọc tương đối dài, lại khó.
Cùng suy nghĩ, một vị quản lý tại TP.HCM chia sẻ SGK lớp 1 hiện nay nhiều chữ. “Để trẻ không bị áp lực, trẻ cần phải được đi học trước để có sự chuẩn bị. Phụ huynh hướng dẫn con học không nên theo SGK hiện hành mà có thể cho con dựa trên SGK cũ sẽ tốt hơn vì đơn giản và dễ hiểu” – vị này nói.
Bày tỏ quan điểm, hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Củ Chi, TP.HCM cho hay nếu trước đây đến giai đoạn này, các trẻ chỉ đọc những bài đồng dao ngắn, một dòng khoảng năm chữ thì bây giờ trẻ phải đọc những bài tập đọc rất dài và khó. Do đó, cả cô và trò đều rất áp lực.
“Sở dĩ trường tôi lựa chọn bộ sách Cánh diều vì qua tìm hiểu thấy đây là bộ sách phân phối chương trình nhẹ nhất trong năm bộ được thẩm định và phê duyệt. Thế nhưng trong quá trình dạy lại phát sinh nhiều vấn đề, xuất hiện nhiều câu chữ, ngôn từ đến người lớn cũng khó hiểu chứ chưa nói đến con trẻ nên lại bất cập” – hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 8, TP.HCM bổ sung.
Video đang HOT
Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Đức, quận 8, TP.HCM.
Cần chỉnh sửa cho phù hợp
Trước tình hình trên, để giảm bớt âu lo cho phụ huynh trước SGK mới cũng như giảm áp lực cho cô và trò, nhiều nhà quản lý cho rằng nên chỉnh sửa SGK sao cho phù hợp với tâm sinh lý của các em.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Củ Chi cho rằng SGK hiện nay được biên soạn để dạy theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh nhưng mỗi em là một cá thể khác nhau, trong khi đó thời lượng bài dạy giống nhau. Vì thế, nếu em nào tiếp thu tốt thì sẽ giỏi, còn em nào chậm tiến bộ thì khó theo kịp.
“Do đó, tôi nghĩ cần phải chỉnh sửa lại SGK để có lượng kiến thức phù hợp. Thực tế, hiện nay SGK không còn là pháp lệnh nhưng nó là tài liệu chuẩn để giáo viên dạy cho học sinh. Quan điểm sách không còn là pháp lệnh nhưng muốn thay đổi ngữ liệu, chi tiết, giảm bớt bài học, thay đổi kết cấu bài đòi hỏi phải có biên bản, phải có sự thống nhất tổ chuyên môn, phải được ban giám hiệu thông qua, giáo viên đâu tự ý quyết định. Như vậy vừa nhiêu khê vừa tốn rất nhiều thời gian của giáo viên. Do đó, điều giáo viên cần là một cuốn sách có kiến thức nhẹ nhàng, bởi đối với học sinh lớp 1 chỉ cần đọc thông, viết thạo là được” – vị này nhấn mạnh.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 8 nói thêm: “Các bộ sách lớp 1 cần phải giảm bớt âm, bớt chữ, giảm bớt các bài ứng dụng, bài tập đọc vì những bài này vừa dài lại khó”.
Về vấn đề này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 thừa nhận việc sắp xếp kiến thức SGK hiện nay nặng hơn trước rất nhiều. Chính điều đó gây áp lực lên phụ huynh lẫn học sinh. Do đó, khi chưa có sự chỉnh sửa từ SGK, các trường có thể tự điều chỉnh cho phù hợp.
“Các trường có quyền tự phân phối chương trình và thống nhất với phụ huynh, miễn sao đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT đề ra trong khung chương trình mới. Nhà trường không nhất thiết phải dạy kiến thức theo từng tiết trong SGK, nếu thấy nặng quá có thể tăng thời gian học, giảm số lượng âm vần. Nhà trường được chủ động phân phối chương trình sao cho đạt được yêu cầu của khung chương trình” – vị này nhấn mạnh.
Chỉnh sửa nhiều nội dung trong bốn bộ SGK lớp 1
Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, đề xuất chỉnh sửa nhiều nội dung trong cả bốn bộ SGK lớp 1 mới do NXB này tổ chức biên soạn. Bao gồm Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Việc chỉnh sửa dựa trên kết quả rà soát của ban tổng biên tập NXB, nhóm tác giả, đội ngũ biên tập viên cùng sự tiếp thu ý kiến của các giáo viên, phụ huynh…
SGK mới lớp 2, lớp 6: Cần tập huấn kỹ
Theo các nhà quản lý giáo dục, để thực hiện tốt chương trình, SGK mới lớp 2, lớp 6 trong năm học tới, không bỡ ngỡ như với SGK lớp 1 năm nay, giáo viên cần được tập huấn kỹ. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần công bố sớm SGK để các trường dạy thực nghiệm.
SGK lớp 6 có nhiều điểm mới đối với học sinh và giáo viên
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), cho biết, để chuẩn bị cho năm tới thực hiện đổi mới SGK lớp 6, từ năm ngoái, trường đã lập danh sách phân công giáo viên để có kế hoạch tập huấn, nghiên cứu chương trình mới. Thời điểm này, giáo viên cốt cán đang tham gia tập huấn, nhưng số lượng không nhiều.
Để tất cả giáo viên từ từ tiếp cận chương trình mới, hiểu sâu về phương pháp dạy học mới, trường và Phòng GD&ĐT phải tổ chức những buổi tập huấn, chuyên đề. Theo ông Hà, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về đội ngũ và cơ sở vật chất, tránh bị động. Ông cho rằng, trường học ở vùng thuận lợi sẽ có cách tiếp cận chủ động, thuận lợi hơn vùng khó, nhưng Bộ GD&ĐT đã cung cấp đủ tài liệu, video bài dạy chi tiết để giáo viên nghiên cứu.
Theo ông Hà, năm đầu tiên đổi mới chương trình, SGK ở bậc THCS có nhiều điểm mới từ dạy học tích hợp liên môn, thêm hoạt động giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm..., nên các trường sẽ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là thay đổi quan điểm giáo dục, phương pháp dạy học từ đội ngũ. Do đó, cần phải được tập huấn kỹ từ Bộ, Sở, trong khi giáo viên cũng phải nỗ lực học hỏi.
Cần có SGK mới để dạy mẫu
Bà Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quảng Ninh), cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ tập huấn giáo viên và SGK mới. Chỉ khi có SGK, giáo viên có phương tiện để dạy thử, góp ý bổ sung cho nhau để khi vào dạy chính thức không còn băn khoăn, vướng mắc.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội), cho biết, quy trình tập huấn của Bộ GD&ĐT hiện nay là vừa tập huấn đội ngũ cốt cán vừa tập huấn đại trà. Trong đó, lực lượng cốt cán được chuyên gia Bộ GD&ĐT tập huấn trực tiếp, sau đó đội ngũ này sẽ về "dạy" lại giáo viên của địa phương. Còn tập huấn đại trà vẫn áp dụng hình thức trực tuyến là chủ yếu.
"Tuy nhiên, lo ngại việc tập huấn qua mạng có thể không đạt hiệu quả như mong muốn, từ năm ngoái, năm đầu thực hiện chương trình, SGK mới từ lớp 1, Hà Nội đã chủ động mời chuyên gia về từng quận, huyện, thậm chí từng trường để trao đổi, giải đáp thắc mắc của giáo viên. Việc này đặc biệt có hiệu quả sau khi có SGK mới", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, đổi mới SGK lớp 6 có nhiều điểm mới, nên nếu được đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên sâu, giáo viên sẽ dạy học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do số lượng giáo viên đông, Bộ GD&ĐT mới chỉ dừng lại ở mức độ tập huấn, chưa có các khóa đào tạo lại. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực tự học hỏi, tự bồi dưỡng, trao đổi với đồng nghiệp để nắm rõ môn học mình phụ trách.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, ông Đinh Quý Nhân, cho biết, giáo viên được chọn dạy lớp 2, lớp 6 đang được tập huấn chương trình mới. Sau khi hiểu về chương trình, phương pháp mới, điều quan trọng đối với giáo viên đứng lớp chính là dạy thực nghiệm, dạy thử, từ đó rút kinh nghiệm. Muốn làm được như vậy, phải chờ có SGK mới.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ đang tập huấn đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho chương trình, SGK lớp 2, lớp 6. Riêng SGK vẫn đang được Hội đồng thẩm định và dự kiến được ban hành sớm hơn so với năm trước, đảm bảo đủ thời gian để giáo viên nghiên cứu cũng như bồi dưỡng đội ngũ sử dụng sách.
Giáo viên "nhầm lẫn" chương trình với sách giáo khoa vì đâu? Nếu nói như vậy thì một số chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục liệu có đang "chuyền" quá bóng trách nhiệm sang các thầy cô giáo hay không khi triển khai? Năm học 2020-2021 chính thức áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo tinh thần "đổi mới căn bản và toàn diện" nền giáo dục. Tuy nhiên,...