Dự kiến công khai bản thảo sách giáo khoa lớp 2 và 6 để nhặt “sạn”
Bộ GD&ĐT cho biết, cùng với điều chỉnh, bổ sung sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều , sẽ tiếp tục rà soát lại 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Đồng thời, đăng tải lấy ý kiến công khai bản thảo sách giáo khoa lớp 2 và 6.
Tiếp tục rà soát 5 bộ sách lớp 1
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã nhận được một số phản ánh của đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh về khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt 1. Đặc biệt là SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp.
Hội đồng Thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả, SGK môn Tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều . Hội đồng Thẩm định đề nghị các tác giả điều chỉnh, cung cấp một số ngữ liệu để gợi ý cho giáo viên và các nhà trường lựa chọn sử dụng trong quá trình dạy học.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả viết sách thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên. Bộ sách Cánh Diều lỗi lớn thì sửa, lỗi nhỏ trong quá trình dạy học có thể điều chỉnh.
Bộ đã yêu cầu các nhà xuất bản, các tác giả rà soát tất cả 5 bộ sách để xem có vấn đề gì cần chỉnh sửa hay không. Bộ GD&ĐT chỉ đạo nhà xuất bản phát hành SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều trên tinh thần đã thống nhất là sẽ in thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung và phát hoàn toàn miễn phí cho học sinh và các trường đang sử dụng SGK này.
Theo dự kiến, sách giáo khoa lớp 2 và 6 sẽ được thay mới từ năm học 2021-2022 – Ảnh minh họa: Q.Anh
Chia sẻ quan điểm trước việc điều chỉnh lại sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, GS.TSKH Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu căn cứ vào Hội đồng Thẩm định trước đây thì bộ Cánh Diều có nhiều ưu điểm nên bán chạy nhất, nhiều nơi sử dụng nhất.
Trước hết, phải nhìn nhận rằng, không phải bất cứ bài nào nó cũng có “sạn”, chỉ có ở một số bài. Nhiều chuyên gia, phụ huynh nhận xét thì chỉ nêu lên một số bài chứ không phải tất cả. Thế nhưng, khi đã nêu lên là phải sửa. Công bằng mà nói, không phải bộ sách Cánh Diều này vứt đi, nó có “sạn” nhưng “sạn” phải sửa. Bài nào thấy không hay thì sửa, vì nó không nhiều lắm nên trong khả năng sửa được.
“Vấn đề sửa những “sạn” đó hiện nay thế nào soát cho nhanh và soát cho kỹ, bởi biết đâu bài ngày mai lại có chuyện. Hôm nay đến bài này rồi, ngày mai đến bài kia, bài kia lại chưa soát. Một tuần có 2 – 3 tiết lên lớp, ví dụ thứ Hai, thứ Tư, thứ Năm có tiết Tiếng Việt. Hôm nay thứ Hai dạy rồi, nhưng đến thứ Tư chưa soát thì nếu có lỗi sẽ dạy ra sao ?
Nếu muốn nhanh, Vụ Giáo dục Tiểu học của Bộ GD&ĐT phải có ý kiến vào đó sửa như thế nào. Có thể yêu cầu tất cả các trường đều họp lại, yêu cầu các tổ giáo viên dạy lớp 1, rà soát xem những bài nào dạy lớp 1 thấy có gì gợn gợn thì tự sáng tạo , gạt ra mà cho những ngữ liệu đúng vào”, GS.TSKH Phạm Tất Dong nêu kiến nghị.
Bản thảo sách lớp 2 và 6 sẽ được đăng công khai lấy ý kiến
Là một phụ huynh, tâm huyết với các vấn đề giáo dục, đặt ra trách nhiệm khi để xảy ra những lỗi sai sót trong sách Tiếng Việt lớp 1, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Trách nhiệm thuộc về Hội đồng thẩm định. Nếu một số thành viên trong Hội đồng đã thực hiện các quy trình để cho ra cuốn sách đó nay lại xem xét lại những sai sót thì e rằng sẽ không khách quan, đảm bảo được chất lượng như các bậc phụ huynh mong muốn.
Trường hợp sách được cơ quan chức năng xác định phải mua bổ sung sách mới hoặc phải thay đổi sách, thì lúc đó phụ huynh có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại là số tiền đã bỏ ra mua sách. Còn những thiệt hại vô hình ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em thì rất khó định hình và yêu cầu bồi thường”.
Trong khi sách Tiếng Việt lớp 1 dù đang triển khai dạy học song vẫn đang quá trình chỉnh sửa, dư luận cả nước cũng dành sự quan tâm đến thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6, theo lộ trình được sử dụng từ năm học 2021 – 2022. Ông Trần Quang Nam – Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT thông tin: Bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định sách lớp 2 của 4 nhà xuất bản với 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2. Đối với lớp 6, có 43 bản mẫu SGK.
Việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành vòng 1, các nhà xuất bản đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Dự kiến, thẩm định vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6).
Liên quan đến công tác thẩm định theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, qua thực tế thực hiện việc thẩm định SGK lớp 1 thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK và những vướng mắc cần được bổ sung hoàn thiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BGD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo Thông tư số 33/2017/TT để khắc phục một số vướng mắc liên quan đến thẩm định SGK lớp 2, lớp 6.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, hiện nay, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu vể bổ sung các quy định về việc thực nghiệm khi biên soạn SGK. Việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng đánh giá “Đạt” và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp xã hội trước khi Bộ trưởng ký ban hành. Dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật .
Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã phê duyệt 5 bộ SGK, với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 – 2021. Tỉ lệ lựa chọn 5 bộ SGK lớp 1 trên toàn quốc như sau: Cánh Diều: 32%; Kết nối tri thức: 28%; Vì sự bình đẳng: 8%; Hai bộ sách Cùng học để phát triển và Chân trời sáng tạo : 32%.
Cần làm rõ việc bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo
Thời gian qua, tại một số trường học xuất hiện tình trạng "nhập nhèm" trong việc bán sách giáo khoa (SGK) "cõng" thêm nhiều tài liệu tham khảo, sách bổ trợ khiến chi phí mua sách tăng gấp ba đến bốn lần.
Bên cạnh đó, đầu năm học mới, nhiều phụ huynh học sinh cũng gặp khó khăn trong việc mua SGK lớp 6, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Phụ huynh học sinh mua sách tại hệ thống nhà sách ADC của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Xin nợ tiền vì sách đội giá
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), năm học 2020 - 2021, bộ SGK lớp 1 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã được Bộ trưởng Bộ GD và ÐT phê duyệt, gồm tám môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Ðạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và một môn học tự chọn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con năm nay đang học lớp 1 cho biết, ngoài những danh mục SGK bắt buộc, nhà trường còn yêu cầu phụ huynh mua thêm sách bổ trợ, vở bài tập.
Chị Lê Minh Tú, có con năm nay học lớp 1 (quận Ba Ðình, Hà Nội) cho biết: Mỗi môn học tương ứng một vở bài tập. Ðiều đáng nói, phần SGK đã có phần bài tập, nhưng nhà trường không cho học sinh làm ngay trên sách mà yêu cầu phụ huynh mua thêm vở bài tập. Còn theo cô Trần Thị Ngọc, giáo viên dạy lớp 1B Trường tiểu học Châu Bình 1, huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), tiền SGK cùng sách bổ trợ lớp 1 năm nay cao gấp nhiều lần so với những năm trước khiến phụ huynh không khỏi lo lắng.
Trong một lớp có 36 học sinh thì có đến 30 em người dân tộc thiểu số, trong đó có 17 học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều phụ huynh xin khất trả dần tiền sách đến hết học kỳ I hoặc đến cuối năm học. Người thân của em Vi Ngọc Dần học lớp 1B ở Bản Khoang, xã Châu Bình cho biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình phải tranh thủ đi làm măng bán lấy tiền rồi xin cô giáo cho trả dần.
Sở dĩ có câu chuyện trên là do nhiều trường hiện nay đang đánh đồng khái niệm SGK bắt buộc và sách tham khảo, dẫn đến số tiền mua sách bị đẩy cao. Thực tế, một bộ SGK lớp 1 được niêm yết với giá từ 179 nghìn đồng đến 194 nghìn đồng. Tuy nhiên, không ít phụ huynh phải bỏ ra số tiền gấp ba đến bốn lần để có sách cho con học tập. Theo các chuyên gia giáo dục, mặc dù năm nào Bộ GD và ÐT cũng ban hành văn bản chỉ đạo, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn, chưa được xử lý dứt điểm.
Bên cạnh câu chuyện SGK bán kèm tài liệu tham khảo thì năm nay có tình trạng nhiều phụ huynh học sinh tìm mua bộ SGK lớp 6 nhưng không có. Tại một số cửa hàng như Sách và thiết bị giáo dục (67 Phó Ðức Chính, Ba Ðình, Hà Nội), Nhà sách Tiền Phong (175 Tây Sơn, Ðống Ða, Hà Nội), không còn sách bộ, chỉ còn lẻ tẻ một số môn. Phụ huynh muốn mua trọn bộ phải đi gom ở nhiều cửa hàng. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua sách của phụ huynh học sinh chậm hơn so với mọi năm. Việc tìm mua SGK, đồ dùng học tập sau ngày khai giảng lại tăng cao. Bên cạnh đó, sách lớp 6 chỉ sử dụng trong năm học này, sang năm học 2021-2022, cả nước triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 6 vì vậy một số đại lý bán lẻ nhập "cầm chừng" để tránh dư thừa, dẫn đến tình trạng thiếu sách cục bộ.
Giảm bớt khó khăn cho học sinh
Ðể giảm gánh nặng đầu năm học cho phụ huynh học sinh, cô Nguyễn Thị Minh Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Châu Bình 1 cho biết: Nhà trường đã lựa chọn bộ SGK phù hợp với nội dung và giá cả khá hợp lý. Nhưng nhìn chung, giá bộ sách (gồm SGK, sách tham khảo, đồ dùng học tập) lớp 1 năm nay vẫn khá cao so với những năm trước. Vì vậy, trường sẽ tiến hành thu tiền SGK thành nhiều kỳ. Ðối với hộ nghèo và cận nghèo, khi nào có tiền hỗ trợ, nhà trường động viên phụ huynh trích nộp. Ðể giảm gánh nặng cho phụ huynh, trường đã giảm bớt chi tiêu, trích kinh phí để hỗ trợ mua đồ dùng học tập cho các cháu. Nhà trường còn tổ chức ngày hội đọc sách để kêu gọi phụ huynh, nhà hảo tâm tặng SGK, sách truyện cho thư viện nhà trường để giúp học sinh nghèo có sách học...
Trưởng phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu (Nghệ An), Nguyễn Thị Châu cho biết: Giá bộ sách lớp 1 của chương trình GDPT mới khá cao so với sách cũ. Phòng Giáo dục đã chỉ đạo, xây dựng tủ sách nhà trường để học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mượn sách học. Trên tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều" các trường giúp đỡ nhau để quyên góp hỗ trợ SGK lớp 1 cho các trường ở nơi đặc biệt khó khăn. UBND huyện cũng cấp thêm ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ các trường mua thêm đồ dùng học tập...
Trưởng phòng Giáo dục thị xã Cửa Lò (Nghệ An) Phùng Ðức Nhân cho biết: Cũng như các địa phương khác, Phòng Giáo dục thị xã Cửa Lò phân chia ra "phần cứng" bắt buộc phải mua như SGK, sách tiếng Anh, đồ dùng học tập và "phần mềm" là sách bổ trợ, tham khảo. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các nhà trường, ngoài "phần cứng" bắt buộc mua thì "phần mềm" chỉ lựa chọn mua những quyển sách cần thiết, thiết thực và hiệu quả. Chánh Văn phòng Sở GD và ÐT Nghệ An Nguyễn Trọng Hoàn cho biết: Ðể giảm bớt khó khăn cho các nhà trường và phụ huynh học sinh, Sở đã trình UBND tỉnh trích ngân sách gần một tỷ đồng mua 5.000 bộ SGK lớp 1 để tặng cho các nhà trường ở những vùng khó khăn. Riêng sách bổ trợ, tham khảo, các phòng giáo dục, các trường học đều công khai số sách nào cần mua với nội dung thiết thực phục vụ việc học, giá cả phù hợp. Các phòng giáo dục đã vận dụng linh hoạt trong việc kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ các trường còn nhiều khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mua SGK, ti-vi, kết nối in-tơ-nét, cùng đồ dùng học tập liên quan để phục vụ việc triển khai cho học sinh lớp 1 học SGK mới.
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ÐT), TS Thái Văn Tài cho biết: Theo quy định, bộ SGK lớp 1 theo chương trình GDPT mới có tám môn bắt buộc và một môn tự chọn. Ngoại trừ SGK là bắt buộc, các tài liệu bổ trợ đều phải theo nhu cầu thực tế việc dạy học và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Nhà trường cần chủ động cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về SGK bắt buộc và sách tham khảo tự nguyện. Bộ GD và ÐT yêu cầu, tuyệt đối cấm mọi tổ chức, cá nhân ép buộc học sinh, phụ huynh mua tài liệu tham khảo.
Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn. Ngoài ra, trước khi mua SGK, phụ huynh có thể thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau để tìm hiểu rõ những quy định về sách để trang bị đúng các tài liệu cần thiết. Nếu phát hiện trường làm không đúng, phụ huynh học sinh hãy phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ GD và ÐT yêu cầu sở GD và ÐT các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Sách giáo khoa khan hiếm bất thường: Phụ huynh được khuyến khích mua tại trường Sách giáo khoa lớp 1, lớp 6 khan hiếm bất thường ngoài thị trường. Lựa chọn duy nhất của phụ huynh là đăng ký mua sách tại trường với hình thức "mua bia kèm lạc". Phòng Giáo dục "lo lắng" phụ huynh mua sách giáo khoa lậu, khuyến khích mua sách tại trường Tại huyện Thường Tín (Hà Nội), trước thềm năm học...