Sách giáo khoa lớp 1 nhiều “sạn”: Không thể để năm học sau mới sửa!
4 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam đều có “sạn” nhưng đại diện các đơn vị đều kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép chỉnh sửa ở lần tái bản để sử dụng cho năm học 2021 – 2022.
Nhưng nhiều ý kiến không đồng tình, bởi cho rằng, giáo viên và học sinh tiếp tục phải học SGK không đảm bảo chất lượng.
Sách có “sạn” nhưng chưa vội chỉnh sửa
NXBGD đã có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát 4 bộ SGK lớp 1 mới do chính NXB này biên soạn đang chiếm 68% thị phần sử dụng. Kết quả rà soát cho thấy, cả 4 bộ sách môn Tiếng Việt 1 đều có “sạn” phải chỉnh sửa. Cụ thể, bộ SGK lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” phải chỉnh sửa nhiều nhất với hơn 37 trang.
Trong đó, SGK Tiếng Việt 1 (tập 1) sửa 18 trang, SGK Tiếng Việt (tập 2) sửa lỗi 16 trang. Tiếp đến, bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” phải sửa lỗi ở 24 trang, bao gồm SGK Tiếng Việt 1 (tập 1 và 2) sửa lại khoảng 9 trang.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ SGK lớp 1 “Chân trời sáng tạo” phải sửa lỗi ở 7 trang, trong đó, Tiếng Việt 1 (tập 1) sửa lỗi ở 5 trang. Bộ SGK lớp 1 “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, Tiếng Việt 1 (tập 1) phải chỉnh sửa 1 trang do ngữ liệu không đúng trong thực tế.
Ngoài ra, bộ sách lớp 1 “Kết nối tri thức và cuộc sống”, phải sửa lại 3 trang môn Giáo dục thể chất; bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” sửa lại 8 trang Tiếng Anh 1 và 7 trang Giáo dục thể chất 1; bộ SGK “Chân trời sáng tạo” sửa 2 trang Tiếng Anh.
Với những lỗi trên, trong báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGD đề xuất những điểm xin được chỉnh sửa sẽ thực hiện trong lần tái bản những bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ cho năm học 2021 – 2022.
Yêu cầu phải hiệu đính sách giáo khoa ngay
Trước những “sạn” trong SGK đã được NXBGD tự rà soát chỉ ra, nhiều ý kiến không đồng tình với việc đề xuất chỉnh sửa sử dụng trong năm học 2021 – 2022. Bởi như thế đồng nghĩa với từ nay đến hết học kỳ 1 và học kỳ 2 của năm học 2020 – 2021, giáo viên và học sinh phải dùng SGK lớp 1 chất lượng kém.
Vì thế, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai (Hà Nội) Nguyễn Đức Lượng nêu ý kiến: “SGK nào có lỗi cần được hiệu đính ngay để giáo viên dạy thay đổi, rồi sửa chữa sách trước khi tái bản”.
Một giáo viên dạy tiểu học ở quận Bắc Từ Liêm cho rằng, nếu NXBGD sửa chữa khi tái bản SGK cho năm học sau thì không công bằng cho bộ SGK Cánh Diều phải chỉnh sửa ngay. Giáo viên này cũng đặt ra tình huống, năm nay, bộ SGK lớp 1 nhóm Cánh Diều được nhiều nơi chọn dạy mới phát hiện ra.
Nếu năm học 2021 – 2022, 4 bộ SGK của NXBGD được nhiều địa phương chọn số lượng lớn, e rằng lại tiếp tục phát hiện “sạn”. Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cũng phản bác việc NXBGD tái bản SGK lần sau mới sửa.
“Để công bằng với tất cả các bộ SGK lớp 1 và điều quan trọng là tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh học cho đúng chuẩn, NXBGD phải khắc phục khó khăn như bộ Cánh Diều, cho chỉnh sửa ngay. Chỗ nào có lỗi phải thay nội dung, điều chỉnh ngữ liệu thì in các trang chỉnh sửa rồi gửi tới các trường và giáo viên, học sinh” – TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đề nghị.
Trong khi đó, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra giải pháp: Cả 5 bộ SGK lớp 1 đều có vấn đề, các nhà trường và học sinh lớp 1 dùng lại bộ sách năm trước. GS Phạm Tất Dong cũng chỉ ra thực tế hiện nay Bộ GD&ĐT rối không chỉ ra được việc dùng SGK theo kiểu nào.
Dẫn đến các địa phương lúng túng, dùng SGK theo kiểu chắp vá “đầu Ngô mình Sở”, tức là SGK bộ này có “sạn” thì chuyển sang dùng bộ khác; như vậy chất lượng đầu ra không bảo đảm. PGS Nguyễn Hữu Đạt – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cũng bảo vệ quan điểm “sách sai thì phải sửa ngay”.
Nhưng, trước hết, Hội đồng thẩm định SGK cần phải rà soát, đánh giá, thẩm định lại toàn bộ các sách để có những bộ SGK chất lượng.Cũng có những ý kiến chuyên gia kiến nghị: Bộ GD&ĐT cần phải thay hết các thành viên trong hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1.
Trước đó, những người này đã thẩm định SGK sai, giờ lại được giao thẩm định thì sẽ lại thực hiện trên quan điểm sai. Việc thẩm định phải được làm cơ bản nhất, từ A đến Z cho cả 5 bộ SGK. Trong việc thẩm định lại SGK cũng phải chú ý đến phương án dạy học trực tuyến để trường hợp dịch Covid-19 bùng phát có thể dạy online được ngay.
Bộ GD-ĐT nói gì về việc nhiều sách giáo khoa lớp 1 phải điều chỉnh?
Chiều 12.12, Bộ GD-ĐT chính thức thông tin xung quanh đề xuất điều chỉnh nội dung nhiều cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam.
Chân trời sáng tạo là một trong 4 bộ sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có chỉnh sửa nội dung sách giáo khoa lớp 1 - ĐÀO NGỌC THẠCH
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết ngày 30.11, bộ này nhận được văn bản báo cáo công tác rà soát SGK lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam. Trong báo cáo này, NXB đề xuất điều chỉnh một số nội dung trong SGK tiếng Việt 1 thuộc 4 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục .
Kết quả rà soát bộ sách lớp 1 Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa nhiều nhất với hơn 37 trang, tập trung ở SGK tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) và SGK giáo dục thể chất 1.
Trong đó, SGK tiếng Việt 1 chủ yếu cắt giảm, chỉnh sửa một số câu chữ trong một số văn bản để giảm số chữ, để học sinh (HS) không phải đọc văn bản quá dài; giảm hoặc thay thế một số từ ngữ khó; giảm yêu cầu để không gây quá tải, khó khăn cho HS trong quá trình học theo SGK.
Cụ thể, SGK tiếng Việt 1 (tập 1) của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được đề xuất điều chỉnh nội dung ở 18 trang. Một số câu như "sách đâu ếch học bài?" trang 129 được đề nghị sửa thành "sách đâu em học bài?"; cắt giảm câu "hàng bưởi ra bông trắng muốt" ở trang 152 để giảm số chữ trong bài đọc.
Đối với SGK tiếng Việt 1 (tập 2) điều chỉnh khoảng 16 trang. Một số điều chỉnh để nhằm đưa thêm tiếng có vần phù hợp với nội dung, tiến độ bài học của HS; giảm yêu cầu với HS như: thay vì yêu cầu HS kể lại cả một câu chuyện thì chỉ kể một đoạn của câu chuyện; giảm từ yêu cầu "nghe - viết" thành "nhìn - viết" ở một số bài,... cắt giảm cả mục "nghe đọc truyện và trả lời câu hỏi" ở trang 113-114. SGK môn giáo dục thể chất của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được chính NXB GD đề xuất điều chỉnh nội dung ở 3 trang.
Học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM tìm hiểu về bộ sách Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam - NGUYỄN LOAN
Những bộ SGK khác như: Chân trời sáng tạo , NXB đề xuất điều chỉnh ở 7 trang SGK môn tiếng Việt 1 (tập 1) và môn tiếng Anh. Trong đó, SGK tiếng Việt 1 (tập 1) sửa lỗi ở 5 trang. Bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực điều chỉnh nội dung ở khoảng 24 trang cho các môn học. Bộ SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục có 1 trang trong SGK tiếng Việt 1 (tập 1) phải đề xuất điều chỉnh...
Đây là những nội dung do đội ngũ tác giả chủ động rà soát trên cơ sở lắng nghe phản ánh của dư luận nhằm điều chỉnh từ ngữ trong một số câu văn để nội dung được hay hơn; điều chỉnh số lượng âm/vần trong một số bài học để giảm tải khối lượng kiến thức học sinh cần tiếp nhận trong bài học đó, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức dạy và học.
Bộ trưởng Bộ GD&DT Phùng Xuân Nhạ nói về những vấn đề của sách giáo khoa trước quốc hội
Sẽ điều chỉnh ngay trong năm học này
Bộ GD-ĐT cũng viện dẫn luật Giáo dục 2019 với quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm "quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK "; Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT có riêng Điều 9 quy định cụ thể quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK.
Theo đó, quy định về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK như sau: sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định các bản mẫu SGK lớp 1 cần được chỉnh sửa, đính chính của NXB, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định. Căn cứ trên kết luận của hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ ra quyết định cho phép điều chỉnh SGK lớp 1 để NXB kịp thời phối hợp với các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng SGK hướng dẫn giáo viên, học sinh dạy học hiệu quả, kịp thời trong năm học này và thực hiện điều chỉnh các nội dung trong các lần in tái bản.
Cũng theo bộ này, việc rà soát, điều chỉnh SGK là trách nhiệm của NXB cùng tác giả theo quy định. Hoạt động này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà phổ biến cả ở các quốc gia khác.
Đối với SGK của chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo NXB thực hiện việc rà soát để kịp thời điều chỉnh những nội dung đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế và cập nhật những tri thức - tiến bộ khoa học mới, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh. "SGK của chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 cũng đã có hàng chục lần điều chỉnh, tái bản", Bộ GD-ĐT thông tin...
Được biết 4 bộ SGK của NXB GD Việt Nam chiếm khoảng 70% thị phần SGK lớp 1 mới.
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1: Càng đọc càng ra lỗi? Sau những phản biện xã hội về SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều, nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các bậc phụ huynh, giáo viên đã dành thời gian nghiên cứu các bộ SGK Tiếng Việt 1 khác. Từng kiến nghị thu hồi sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 (bộ Cánh diều) nhưng sau khi đọc cả 4 cuốn SGK...