Sắc màu cuộc sống: Trải nghiệm đi chợ Tết Trung Thu nơi xứ Hàn
Chợ truyền thống vẫn là mô hình rất phát triển ở Hàn Quốc và đặc biệt người Hàn Quốc cũng rất ưa chuộng đến mua sắm ở các chợ truyền thống trong những dịp lễ tết.
Người dân Hàn Quốc xếp hàng mua thịt tại chợ truyền thống.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá cả leo thang, Tết Trung thu năm nay, người dân Hàn dường như tìm đến các khu chợ truyền thống nhiều hơn, do giá cả thường rẻ hơn đáng kể so với siêu thị.
Kết quả khảo sát giá do Cơ quan xúc tiến thị trường doanh nghiệp nhỏ thực hiện đối với 27 mặt hàng thiết yếu được sử dụng trong nghi thức cúng tổ tiên dịp Tết Trung thu cho thấy, giá ở chợ truyền thống rẻ hơn gần 20% so với các siêu thị lớn. Các mặt hàng rau củ giá chỉ bằng hơn 60% so với bán tại các siêu thị. Giá thịt, hải sản và các sản phẩm chế biến ở chợ cũng thấp hơn từ 15-20%. Thêm vào đó, các cửa hàng cũng áp dụng phiếu quà tặng Onnuri cho một số mặt hàng và được giảm giá tới 30%.
Đến chợ trước ngày rằm Trung thu có thể nhìn thấy những quấy bánh songpyeon nhiều màu sắc, một loại bánh gạo nếp mà người Hàn Quốc nhất định phải có trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên. Ngày nay, khi nhịp sống hối hả nơi đô thị khiến người dân không còn thói quen và thời gian làm bánh tại nhà, các quầy bánh thường rất đắt khách trong dịp các dịp lễ tết. Hàng hóa được bày bán rất đa dạng và nhiều hơn do tiêu dùng tăng cao trong dịp các gia đình sum họp. Trung bình một mâm cỗ cúng của người Hàn năm nay có chi phí tối thiếu 280.000 won (khoảng 6 triệu đồng).
Tặng quà trong dịp Tết Trung thu cũng là nét văn hóa phổ biến ở Hàn Quốc. Nhân sâm, bánh gạo, hải sản sấy khô, thịt một nắng cũng là những set quà được nhiều người Hàn Quốc lựa chọn.
Anh Park Won Seo – chủ cửa hàng sâm tươi tại chợ Kyungdong ở trung tâm Seoul, cho biết, nhân sâm là sản phẩm bổ dưỡng rất nổi tiếng của Hàn Quốc. Trong giai đoạn này, khi nhiều loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan, nhân sâm đặc biệt có công dụng khi tăng cường kháng thể cho người dùng.
Video đang HOT
Đối với người Hàn Quốc, Tết Trung thu là ngày lễ quan trọng nhất. Nhân sâm thường là món quà tặng ưa thích của người Hàn trong dip này. Năm nay, do tình hình kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, nên các cửa hàng chuẩn bị nhiều set quà với giá từ 50.000 đến 200.000 won để khách hàng có thể lựa chọn.
Bà Han Jung Ye – chủ cửa hàng bánh gạo truyền thống – cho biết, bánh bỏng gạo là sản phẩm rất đặc biệt của Hàn Quốc. Bánh được làm bằng gạo nếp, nổ bỏng rồi chiên giòn. Bánh được làm thủ công, nguyên liệu an toàn, nên từ người già đến trẻ nhỏ đều có thế dùng được. Trong năm có 2 kỳ lễ mà người Hàn nhất định phải mua bánh này để cúng tổ tiên, đó là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu.
Tết Trung thu năm nay, cửa hàng chuẩn bị các set quà có giá rất hợp lý từ 40.000 đến 70.000 won. Trong thời điểm giá cả leo thang, cửa hàng cũng linh hoạt đóng gói theo nhu cầu của khách hàng. Theo bà Han Jung Ye, cúng tổ tiên là tấm lòng của mỗi người nên tùy theo gia cảnh, cửa hàng sẽ sẵn sàng đóng gói với giá cả phù hợp theo nhu cầu của khách.
Năm nay, 60 chợ truyền thống trên toàn thành phố Seoul đã tham gia chương trình kích cầu giảm giá đối với các mặt hàng nông sản, hải sản, đồ chế biến sẵn… Những khu chợ truyền thống đủ điều kiện còn dành một làn đường xung quanh để cho khách đỗ xe mua hàng.
Các sản phẩm sâm được bày bán tại chợ truyền thống của Hàn Quốc.
Các chợ truyền thống cũng tổ chức các sự kiện giới thiệu cách thức làm món ăn truyền thống cho người dân trải nghiệm. Đến chợ, ăn các món ăn truyền thống cũng là một trải nghiệm văn hóa khó quên đối với những ai có dịp đến các phiên chợ Tết của người Hàn Quốc.
Tết Trung thu - cầu nối yêu thương của cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ
Như mọi năm, mỗi dịp Trung thu, Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ (UGVB) lại tổ chức chương trình Tết Trung thu - Ngày hội gia đình dành cho cộng đồng người Việt.
Ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ phát biểu tại buổi lễ.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, từ khắp các tỉnh thành của Vương quốc Bỉ, ngày 15/9, bà con người Việt đã tụ hội về thủ đô Brussels, biến ngày lễ này thành một dịp đoàn tụ ấm áp. Đây không chỉ là cơ hội để các gia đình gặp gỡ, chia sẻ và động viên lẫn nhau, mà còn là dịp để gìn giữ văn hóa truyền thống giữa một cộng đồng xa quê.
Từ sớm, khu vui chơi trẻ em La Petite Suisse ở quận Ixelles đã trở nên nhộn nhịp với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, những gian hàng ẩm thực thơm lừng và tiếng cười nói rộn rã của trẻ em. Các em nhỏ, dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, vẫn tỏ ra vô cùng thích thú và háo hức với những chiếc đèn lồng, đèn ông sao truyền thống, khiến không gian càng thêm sống động. Các bậc phụ huynh sôi nổi trò chuyện, chia sẻ niềm vui được gặp gỡ, vui vầy cùng con trẻ hòa mình vào các trò chơi dân gian.
Điểm đặc biệt của chương trình năm nay là màn trình diễn áo dài truyền thống của các gia đình và các em nhỏ. Những chàng rể người Bỉ và các em nhỏ mang hai dòng máu Việt - Bỉ đã rất thích thú khi được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của Việt Nam. Hình ảnh những tà áo dài thướt tha, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, đã tạo nên một không gian ấm áp, gần gũi, kết nối hai nền văn hóa Việt - Bỉ.
Bên cạnh những hoạt động văn hóa nghệ thuật, ngày hội còn diễn ra một hội chợ ẩm thực và sản phẩm truyền thống đặc sắc. Tại đây, các gian hàng bày bán đa dạng các món ăn Việt Nam quen thuộc như bánh trung thu, phở, nem rán, xôi, chè... đã thu hút đông đảo khách hàng. Đặc biệt, quầy sách tiếng Việt của Kênh Việt Happiness Station đã mang đến một không gian văn hóa đọc thú vị cho cộng đồng. Các bạn trẻ tỏ ra thích thú khi tìm đọc những cuốn sách hay truyện tranh quen thuộc. Bên cạnh đó, quầy áo dài truyền thống cũng thu hút sự chú ý của nhiều người. Họ không chỉ được chiêm ngưỡng những mẫu áo dài đẹp mắt mà còn có cơ hội mua sắm những bộ áo dài ưng ý.
Một hoạt động ý nghĩa khác trong khuôn khổ hội chợ là việc bán các sản vật Việt Nam của hội từ thiện Friends for Vietnamese Kids để gây quỹ cho học sinh nghèo tỉnh Bắc Giang. Mỗi sản phẩm được bày bán tại đây đều mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng người Việt tại Bỉ.
Em bé mang hai dòng máu Bỉ - Việt và bố biểu diễn bài hát "Trống cơm".
Sự kiện năm nay càng thêm ý nghĩa với sự góp mặt của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Nguyễn Văn Thảo cùng lãnh đạo quận Ixelles, nơi tập trung đông đảo người Việt sinh sống.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch UGVB, đã đề nghị toàn thể khách mời mặc niệm tưởng nhớ những người Việt Nam đã thiệt mạng trong cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) vừa qua, đồng thời kêu gọi cộng đồng người Việt tại Bỉ tiếp tục phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách", chung tay sẻ chia với đồng bào khu vực miền Bắc Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Bà Audrey Lhoest, Phó Chủ tịch thứ nhất quận Ixelles, trong tà áo dài duyên dáng, bày tỏ niềm vui khi được tham gia cùng cộng đồng người Việt trong ngày hội Trung thu. Chủ tịch quận Ixelles, ông Christos Doulkeridis, cũng chia sẻ sự cảm kích trước tinh thần cộng đồng của người Việt. Ông nhắc lại lòng biết ơn khi trong đợt dịch COVID-19, bà con người Việt đã gửi tặng khẩu trang y tế cho địa phương, một hành động thể hiện tinh thần tương trợ đáng quý. Ông cũng không quên bày tỏ sự xúc động trước tinh thần kiên cường và sự đồng lòng của người Việt trong việc chia sẻ những mất mát do bão số 3 gây ra.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo gửi lời chúc mừng đến các em nhỏ nhân dịp Tết Trung thu và nhấn mạnh các em sẽ là thế hệ tương lai, đóng góp trí tuệ và tài năng cho cả hai quê hương Việt - Bỉ. Đại sứ cũng đánh giá cao nỗ lực của Tổng hội trong việc tạo ra sân chơi bổ ích, giúp gắn kết bà con người Việt xa quê. Đại sứ cũng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng người Việt tại Bỉ vì những sự sẻ chia và đóng góp cho đồng bào trong nước đang gặp khó khăn do thiên tai.
Điểm nhấn của chương trình không thể thiếu màn múa lân, múa rồng, mang lại bầu không khí náo nhiệt và niềm vui cho các em nhỏ. Các tiết mục văn nghệ, dù đôi khi các em nhỏ còn ngọng nghịu khi nói tiếng Việt, nhưng sự phấn khởi và tự hào khi biểu diễn những bài hát, bài thơ về tình cảm gia đình, quê hương Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét.
Em nhỏ ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Nhân dịp này, UGVB cũng đã kêu gọi bà con quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước vượt qua khó khăn sau thiên tai. Tấm lòng sẻ chia của kiều bào, dù là công sức hay tiền của, đều góp phần lan tỏa tình yêu quê hương. Tổng số tiền quyên góp được ngay tại ngày hội là 1.110 euro (1.234 USD), một minh chứng rõ rệt cho tình đoàn kết và lòng nhân ái của cộng đồng người Việt tại Bỉ.
Tết Trung thu tại Bỉ không chỉ là một ngày hội của trẻ thơ mà còn là sự gắn kết mạnh mẽ giữa những người con xa xứ với quê hương, là nơi để lan tỏa tình yêu, sự sẻ chia và đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới.
Đong đầy yêu thương Tết Trung thu của cộng đồng người Việt tại Singapore Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chiều tối 15/9 (theo giờ địa phương), Lễ hội Trung thu 2024 đã diễn ra trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, thu hút đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Singapore cũng như bạn bè quốc tế đến tham dự. Sự kiện do Ban liên lạc Cộng đồng người Việt Nam tại...