Rước họa vì thuốc cai nghiện trên mạng
Người dùng tin vào sự thần diệu của thuốc cai nghiện được quảng cáo rùm beng trên mạng mà không biết rằng nguy hiểm đang rình rập.
Lần theo một địa chỉ được quảng cáo trên mạng, PV liên hệ được một người tên Loan (Quận Gò Vấp, TP.HCM). Chị này cho biết chị ta là đầu mối cung cấp đủ loại thuốc cai nghiện và chống tái nghiện, hầu như tất cả các loại thuốc cai và chống tái có trên thị trường thì chỗ Loan đều có. Loan quảng cáo thêm: tùy vào mức độ nghiện và giá thuốc mà có nhiều loại với nhãn hiệu và chất lượng khác nhau.
Không chỉ riêng địa chỉ trên, hàng loạt các địa chỉ, trung tâm khác cũng quảng cáo, rao bán thuốc cai và chống tái nghiện một cách tràn lan. Tại một địa chỉ khác, thuốc được quảng cáo một cách đầy “thân thiện”:
“Từ sự thành công của chính người thân trong gia đình, tôi muốn giới thiệu các bệnh nhân một phương thuốc cai ngiện ma túy tại nhà êm dịu không vật vã. Nó còn không có chất gây nghiện, không cần cắt cơn trước khi cai, không đau nhức cơ bắp, tiêu chảy, hay triệu chứng ngứa trong xương (dị cảm), không gây mất ngủ, chán ăn trong khi dùng thuốc…
Song song việc dùng thuốc bệnh nhân có thể lao động, học tập và sinh hoạt cùng gia đình. Phương thuốc đã mang lại cuộc sống mới cho hơn 3.000 bệnh nhân tại Thái Lan khi bài thuốc được mang ra thử nghiệm lâm sàng, mức độ thành công có thể đạt tới 97%”.
Video đang HOT
Thuốc cai nghiện được rao bán trên mạng
Người bán hàng của trang web này cho biết thuốc chống tái nghiện có tên Depade, 30 viên, giá 2,9 triệu đồng/hộp. Thuốc chống tái nghiện Arbenil nhập từ Thụy Sĩ và Depade từ Mỹ, giá mỗi viên 40.000-45.000 đồng. Người bán hàng còn quảng cáo có hàng xách tay từ Mỹ về, và hàng từ bệnh viện tuồn ra.
Than thở với PV, chị Nguyễn Phương Thảo (nhà ở phường 5, quận 3, TP.HCM) cho biết: chồng chị là anh P. đã nghiện ma túy từ trước khi cưới, còn nghiện từ bao giờ thì chị không biết. Đến nay, sau khi đã cưới nhau được gần chục năm, không biết bao nhiêu lần đi trung tâm mà vẫn không cai được.
Gần đây nghe bạn bè mách bảo các loại thuốc cai nghiện được bán rất nhiều trên mạng. Thế là chị liền lần mò lên mạng tìm được một địa chỉ quảng cáo khá hấp dẫn. Vậy là 2 vợ chồng dắt nhau đến.
Tại đó vợ chồng chị tiếp tục được nghe một loạt các tư vấn chỉ dẫn đúng kiểu quảng cáo. Thôi thì “có bệnh thì vái tứ phương”, chị cũng bỏ ra 2,5 triệu mua thuốc cắt cơn và thuốc chống tái nghiện cho chồng.
Dùng được chưa đầy 3 ngày thì anh gần như nằm bẹp dí trên giường, đầu óc mê man li bì. Có lúc vừa uống thuốc xong được 15 phút thì bị co giật sùi bọt mép. Đến lúc đấy cả nhà mới đưa anh P. lên bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ khám xong thở dài thườn thượt bảo: “May mà đưa đến sớm”.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Tâm thần TP.HCM, trong trường hợp người cai có sức khỏe bình thường và mới bắt đầu nghiện thì không cần phải sử dụng bất kỳ thuốc cắt cơn nào.
Nếu có nghị lực quyết tâm cai thì trong khoảng vài ba ngày, những người này hoàn toàn có thể vượt qua cơn “đói” thuốc. Đến lúc này việc quan trọng nhất là phải có những biện pháp để giúp họ chống tái nghiện.
Bên cạnh đó việc điều trị cắt cơn hoặc chống tái nghiện luôn đòi hỏi phải có sự quan tâm chăm sóc y tế chặt chẽ. Thuốc cai nghiện không thể coi như một loại thực phẩm chức năng, cứ ra tiệm thuốc mua về sử dụng.
Chúng ta cần phải rất thận trọng vì nếu sử dụng thuốc mà không có hướng dẫn chỉ định của bác sĩ còn có thể dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng người được cai nghiện.
Loạn thuốc trên mạng
Hiện Cục Quản lý Dược mới chỉ cấp phép cho hai loại thuốc chống tái nghiện là Notexon và Natrex 50. Tuy nhiên, chỉ cần ngồi ở nhà vào google gõ ba chữ “thuốc cai nghiện”, “chống tái nghiện” trên màn hình hiện ra hàng loạt thuốc khác nhau được quảng cáo rầm rộ trên các trang web. Điều đó đủ để cho thấy trên thị trường những loại thuốc cai, chống tái nghiện trôi nổi, được bán tràn lan, náo loạn đến mức nào. Nghiêm trọng hơn trên các trang web này, ngoài công dụng của thuốc, người bán không khuyến cáo gì về các triệu chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo Phạm Khoa (Người đưa tin)