“Rơi rớt” bữa ăn của trẻ
Nhiều phụ huynh hết sức bức xúc khi mỗi chiều về, con mình lật đật tìm một món ăn ngay vì đói quá! Bữa ăn ở trường khi không đủ no, lúc nguội lạnh không ăn được.
Chị P., có con học lớp 1 một trường tiểu học tại Q.3, TP.HCM, kể: “Cách đây hai tháng, chúng tôi phát hiện nhà trường đặt cơm cho học sinh từ một bếp ăn ở tận Q.12. Một phụ huynh đã theo xe chở thức ăn đi đến nơi chế biến và phát hiện bếp ăn nằm gần xí nghiệp phân bón, xưởng dầu nhớt, điều kiện chế biến rất thô sơ và nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh. Chúng tôi rất đau lòng và lo cho con. Đến mức trong khi chờ hiệu trưởng xử lý kiến nghị đổi bếp ăn của hội phụ huynh, một số người phải nấu cơm ở nhà cho con mang đi. Đầu tháng 12, trường mới đổi sang cơ sở cung cấp thức ăn mới”. Theo chị P., năm học này chị đóng 25.000 đồng cho bữa trưa và bữa xế một ngày của con mình.
Phụ huynh kiểm tra bữa ăn
“Cùng một mức giá, bữa ăn của học sinh do các trường tổ chức nấu tại chỗ luôn tốt hơn bữa ăn công nghiệp” Thầy Kim Vĩnh Phúc
(hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM)
Tương tự bà N.Q., phụ huynh Trường THCS Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp, đã vào trường để tận mắt kiểm tra bếp ăn và suất ăn của con sau khi nghe đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn phản ảnh: “Đồ ăn quá ít, tụi con toàn phải xịt nước tương ăn với cơm”. Bữa cơm của con chị chỉ có cơm, một chén canh rau, vài miếng thịt, không có đồ tráng miệng mặc dù nhà trường vừa tăng tiền ăn từ 17.000 đồng lên 20.000đồng/suất (chỉ ăn trưa, không ăn xế).
“Sau khi chúng tôi làm việc với hiệu trưởng, bữa cơm bỗng dưng thay đổi, có thêm đùi gà, đồ tráng miệng, nhưng cũng chỉ duy trì chừng một tuần rồi đâu lại vào đấy”. Về phản ảnh này, Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho biết đã đề nghị Trường THCS Nguyễn Văn Nghi xem xét, điều chỉnh, đảm bảo chất lượng, số lượng và công khai thực đơn bữa ăn của học sinh.
Phụ huynh một trường tiểu học tại quận 1 không khỏi tâm tư khi được chính người bỏ mối thịt heo cho bếp ăn của ngôi trường mà con chị đang học tiết lộ thịt được cung cấp phần lớn là thịt loại hai, giá rẻ, thỉnh thoảng có cả thịt đã hư hỏng.
Bà T. ở Trường mầm non Rạng Đông 14, Q.6, TP.HCM cũng phản ảnh phụ huynh trường này đã đóng 28.000 đồng/ngày nhưng bữa sáng của trẻ quá nghèo dinh dưỡng, chỉ có sữa và một miếng bánh ngũ cốc nhỏ. Bữa trưa và xế cũng rất nghèo nàn. Đơn được gửi đi nhiều cấp lãnh đạo trong quận. Sau khi kiểm tra, bà Phan Thị Phượng, trưởng Phòng GD-ĐT Q.6, cho biết: “Phòng giáo dục đã thanh tra và phát hiện thực tế bữa ăn không đúng như phản ảnh của phụ huynh”. Tuy nhiên, phụ huynh không đồng tình với kết luận của phòng, vụ việc đang chờ kết luận thanh tra.
Video đang HOT
Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM là một trong số ít trường kiểm soát chặt chẽ hoạt động tổ chức bữa ăn cho học sinh. Ban giám hiệu khẳng định không nhận hoa hồng từ hoạt động này.
Lại quả 10%
Nhu cầu gửi con học bán trú ngày càng nhiều nhưng số trường học tổ chức nấu cơm tại trường ngày càng giảm. Nguyên nhân dễ thấy nhất do nhiều trường không có đủ điều kiện để nấu ăn tại trường. Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học, THCS đã từng tổ chức được bếp ăn cho học sinh nay cũng dẹp bếp, chuyển sang hợp đồng mua suất ăn công nghiệp từ bên ngoài. Nếu như cách đây 5-7 năm, các trường có mặt bằng chật hẹp, không tổ chức nấu ăn được, phải đi tìm cơ sở nấu cơm công nghiệp thì nay hiệu trưởng các trường liên tục được chào mời kèm những khoản “hoa hồng” dưới nhiều hình thức hỗ trợ trường, công đoàn trường.
“Chiết khấu, lại quả là chuyện đương nhiên” – hiệu trưởng một trường THCS không giấu giếm. 5% là mức chiết khấu được rao công khai trên mạng hiện nay. Đây cũng là mức phổ biến được các cơ sở cung cấp thức ăn “chào hàng” ở các trường. Ngoài mức công khai này, có thể còn khoản khác chi riêng cho hiệu trưởng. Chủ một cơ sở cung cấp thức ăn trường học cho biết: bây giờ giá cả đắt đỏ, khó có thể chi nhiều nhưng tính chung các khoản, chiết khấu tròm trèm ở mức 10%. Còn trước đây, nhiều nơi sẵn sàng chi lại cho nhà trường 15% tổng chi phí suất ăn cho trẻ.
Giá tăng gấp đôi Về chất lượng bữa ăn nhà trường, chủ một cơ sở nấu ăn cho trường tiểu học cho biết: năm 2006 mỗi ngày phụ huynh đóng 15.000 đồng, trong đó chi 3.000 đồng ăn xế, bữa trưa còn lại 12.000 đồng. Bây giờ cũng những trường ấy mức thu 18.000-19.000 đồng/ngày, ăn xế bình quân 4.000 đồng, phần ăn trưa còn 14.000-15.000 đồng, tức chỉ cao hơn 3.000 đồng so với cách đây sáu năm. Trong khi đó vật giá mọi thứ đã tăng gấp đôi! Bữa ăn khó đảm bảo chất lượng như trước cũng là điều không nói ra nhưng ai cũng hiểu.
Tất nhiên không phải trường nào chuyển sang cho học sinh ăn thức ăn công nghiệp cũng vì những khoản chiết khấu này. Hiện nay các cơ sở nấu ăn công nghiệp kiêm luôn việc trang bị bàn ghế, khay, muỗng…, thậm chí sửa chữa nhà ăn của trường. Hiệu trưởng khỏi phải bận tâm lo sắm sửa, trang bị nhà ăn, khỏi lo chi phí trả lương cấp dưỡng, cũng khỏi phải lo âu chuyện an toàn vệ sinh bữa ăn. Tiện đủ đường cho nhà trường! Thế nhưng, đổi lấy những tiện lợi này là nguy cơ dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ kém hẳn đi do chi phí bữa ăn của các em bị “rơi rớt” đủ chỗ.
Chủ một cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp cho biết: “Để trang bị mới toàn bộ khay ăn, muỗng nĩa, các vật dụng đựng cơm, thức ăn… đạt chuẩn cho 1.000 học sinh, chúng tôi đầu tư tròm trèm 100 triệu đồng. Đó là chưa tính đến việc mua sắm xe chở cơm, xăng vận chuyển, lương tài xế, chi phí mua bàn ghế ăn…
Rồi còn phải tính chi phí thuê nhân công (phụ bếp, phục vụ bữa ăn tại các trường), cứ 100 suất ăn cơ sở phải thuê một nhân viên với mức lương xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng. Đó là chưa tính chi phí quản lý, lại quả (đương nhiên phải có)”. Tất cả mọi khoản chi hằng tháng, khấu hao tài sản tính lòng vòng cuối cùng cũng “cắn” vào bữa ăn của trẻ.
Một nhà cung cấp suất ăn công nghiệp cho trường học cho biết: “Nếu không chi hoa hồng, bữa ăn với mức thu 16.000 đồng sẽ rất chất lượng, trong đó nhà cung cấp lời 2.000 đồng/suất. Tuy nhiên hiện nay để cạnh tranh, các nhà cung cấp thường đưa mức hoa hồng lên cao, có thể tới 10-15% để “giành chỗ”. Do vậy, bữa ăn phải trừ đi phần hoa hồng này và phần lời của nhà cung cấp, chúng tôi sẽ phải mua loại gạo rẻ hơn, giảm bớt lượng thức ăn và bữa ăn có thể chỉ còn giá trị khoảng 10.000 đồng”.
Thầy Kim Vĩnh Phúc, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM, khẳng định: “Cùng một mức giá, bữa ăn của học sinh do các trường tổ chức nấu tại chỗ luôn tốt hơn bữa ăn công nghiệp, trường kiểm soát chặt chẽ chất lượng, dinh dưỡng bữa ăn, học sinh được ăn thức ăn nóng sốt”. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là ngày càng nhiều trường chọn bữa ăn công nghiệp, bỏ qua thiệt thòi về dinh dưỡng trên phần ăn của học sinh.
Theo TTO
Những loại quỹ gây bức xúc đầu năm học
Trẻ mẫu giáo phải đóng quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất, học thêm bị cấm nhưng nhiều trường vẫn thu, và hàng loạt khoản thu núp bóng "quỹ" đang khiến phụ huynh bức xúc.
Có con 3 tuổi bắt đầu đi học ở trường Mầm non Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), sau buổi họp phụ huynh đầu năm, chị Thanh bất ngờ với quá nhiều khoản thu. "Trường công lập mà có khoản hỗ trợ cơ sở vật chất mấy trăm nghìn, rồi tiền quỹ tin học 150.000 đồng mỗi năm. Các cháu còn bé không biết quỹ tin học được dùng vào việc gì", chị Thanh nói.
Thông báo các khoản thu của trường mầm non Bạch Hạc.
Nhiều phụ huynh có con học lớp 12 THPT Đoan Hùng (Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng bức xúc với các khoản thu không rõ ràng. Theo chị Nguyễn Hoa, ngoài khoản cố định như học phí, bảo hiểm, quỹ hội phụ huynh... thì có nhiều khoản chưa hợp lý và không có kê khai, giải thích cụ thể.
Chị Hoa dẫn chứng, ngoài tiền điện 70.000 đồng một học sinh mỗi năm, các em còn phải đóng tiền nâng cấp dây điện 40.000 đồng. Mỗi lớp 50 học sinh thì tổng số tiền 2 triệu đồng đủ để thay cả hệ thống điện của phòng học chứ không chỉ nâng cấp. Ngoài ra, bên cạnh tiền vệ sinh, mỗi em còn phải đóng thêm khoản xanh - sạch - đẹp 120.000 đồng, tiền lao động 250.000 đồng.
"Tôi không biết nhà trường yêu cầu học sinh lao động những gì mà nộp tiền nhiều đến vậy. Nếu được lựa chọn tôi cho con đi lao động thay vì nộp tiền", chị Hoa nói.
Ở Hà Nội, nhiều phụ huynh cũng không khỏi thắc mắc với khoản đóng góp đầu năm học. Chị Huyền (Thường Tín) cho biết có em gái đang học ở THPT Nguyễn Trãi, khi nhìn thấy khoản thu trường liệt kê, chị choáng váng bởi khoản học thêm được ghi rõ ràng 2.160.000 một năm dù học thêm đã bị cấm. Ngoài ra, còn có 95.000 đồng tiền hoạt động phong trào và 1.500.000 đồng tiền đồng phục.
"Tổng số thu lên tới vài triệu đồng, nếu nhà nào có 2-3 người con thì không biết tính sao vì kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng", chị Huyền than.
Một nhóm phụ huynh trường tiểu học Tam Hiệp (xã Tam hiệp, Thanh trì) bức xúc việc nhà trường không cho cầm giấy về mà nhắn phụ huynh mang theo tiền đóng luôn hôm đi họp phụ huynh.
"Có những khoản hội phụ huynh thu hộ nhà trường nhưng không có giấy tờ gì mà chỉ yêu cầu chúng tôi ký vào giấy là tự nguyện. Nước ta đã phổ cập giáo dục tiểu học mà sao phải đóng góp nặng như thế", phụ huynh tên Lan thắc mắc.
Đầu năm học mới nhiều phụ huynh phải đối mặt với các khoản tự nguyện ép buộc. Ảnh: Hoàng Hà.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu phó trường Tiểu học Tam Hiệp cho biết, trường chỉ thu các khoản do Bộ GD&ĐT quy định và mua hộ học sinh một số đồ dùng như đồng phục, ghế nhựa... Những khoản khác phụ huynh đều tham gia bàn bạc, nhất trí mới tiến hành thu.
"Chúng tôi làm việc theo quy trình chặt chẽ. Đầu tiên nhà trường sẽ họp với ban đại diện hội cha mẹ học sinh và thống nhất từng khoản thu. Các vị đại diện này sẽ đưa nội dung về từng lớp để thông báo và bàn bạc. Sau khi thống nhất mới ký vào giấy tự nguyện nộp tiền", bà Dung nói.
Hiệu phó Dung cho hay, trong quá trình bàn bạc, phụ huynh có thể chép tay các khoản thu mang về và nhà trường cũng không nhận được yêu cầu nào về việc cầm danh sách khoản thu về thảo luận với gia đình.
Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi, bà Nguyễn Thị Hà Thanh thừa nhận, trường có thu tiền học thêm nhưng là tự nguyện, ai đăng ký học mới thu với mức 4.000 đồng một tiết học thường và 5.000 đồng một tiết học nâng cao. Khoản thu "hoạt động phong trào" là để hỗ trợ các hoạt động văn nghệ của Đoàn trường nhân ngày lễ.
"Đồng phục thì mỗi học sinh có ba bộ mùa hè, mùa đông và thể thao, mỗi bộ khoảng 200.000 đồng. Nếu phụ huynh phải trả tới 1,5 triệu là do họ mua nhiều bộ chứ không phải nhà trường ép buộc", bà Thanh nói và khẳng định, trường chỉ thu học phí, còn các khoản khác là do hội cha mẹ học sinh thu.
Theo VNE
Khi "lạm thu" núp dưới danh nghĩa "tự nguyện" Vào đầu năm học mới, các bậc phụ huynh lại nặng gánh nỗi lo ". Mặc dù các khoản thu đều được thông báo công khai nhưng với chiêu bài "tự nguyện", nhiều phụ huynh vẫn phải ngậm ngùi "đóng góp" ngoài quy định dưới danh nghĩa "xã hội hóa". Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì có rất nhiều...