Rối loạn tâm lý – chuyện giờ mới kể
COVID-19 bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 và thực sự gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống ngay từ đầu năm 2020.
Dịch bệnh đã cản trở bước chân tới trường của hàng triệu học sinh, sinh viên không chỉ gây khó cho ngành giáo dục, mà còn tác động trực tiếp đến tâm lý học sinh khi phải học trực tuyến kéo dài.
Cần dạy trẻ yêu thương, thấu hiểu, trân trọng bản thân để trẻ có sức đề kháng trước những biến cố không mong muốn. (Ảnh minh họa)
“Em cô đơn tột cùng”…
Ngày 22/3, nữ sinh 15 tuổi ở một chung cư cao cấp tại quận Hai Bà Trưng rơi từ tầng 26 của tòa nhà xuống đất tử vong. Nguyên nhân sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên đã có nhiều ý kiến đồn đoán về việc nữ sinh chịu áp lực học hành, thi cử vì năm nay em học lớp 9 tại một trường THCS thuộc quận Đống Đa.
Cuối tháng 2, một nữ sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) cũng bất ngờ nhảy từ tầng 3 xuống sân trường. Rất may mắn, học sinh này chỉ bị thương, không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, sau đó trường học này đã khảo sát tâm lí học sinh thì khá bất ngờ có nhiều em cho biết, gặp khó khăn về vấn đề tâm lí.
Tháng 12/2021, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cơ sở A (Hà Nội) khảo sát tâm lý học sinh, kết quả cho thấy nhiều học sinh cho biết gặp khó khăn cả trong học tập, giao tiếp với bố mẹ, người thân. Đại diện trường học cũng bày tỏ, gần suốt một năm học qua, Hà Nội bị dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến nên các em có gặp vấn đề bất ổn tâm lí nào thì cũng không chia sẻ, nhà trường khó nắm bắt được. Khi còn học trực tiếp, trường có nhân viên tư vấn học đường, rất nhiều học sinh tìm đến để chia sẻ những chuyện khó nói.
Theo các chuyên gia tâm lý, học trực tuyến kéo dài, học sinh thiếu vắng sự tương tác, trao đổi lâu ngày, dần dần các em sẽ cảm thấy cô đơn, sống thu mình, tự ti. Nhiều em cũng chia sẻ về việc rơi vào trạng thái stress, căng thẳng, cô đơn tột cùng. Một học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) bày tỏ: “Em đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý từ lâu và dịch bệnh càng làm tăng lên tình trạng này. Em hướng nội, rất ít bạn bè, học online lại nên việc tiếp xúc hạn chế hơn. Em chán nản gần nửa năm nay. Khi đi học lại không thể kết nối với bạn mới, mọi người nhìn em như kẻ lập dị, làm em trầm cảm thêm”.
Thư, học sinh THPT Nguyễn Hữu Thọ cũng chia sẻ: “Trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình em mắc COVID-19, chỉ còn một mình em ở nhà, em phải tự sinh hoạt, tự cách ly, tự lo mọi thứ trong 2 tuần. Gia đình em lại bị tái nhiễm và em phải ở nhà một mình, khi hay tin người nhà mất vì bệnh, em cảm thấy rất tuyệt vọng. Dù là có bạn, nhưng lúc đó em không dám chia sẻ với ai vì sợ mọi người biết nhà em bị dịch bệnh…”.
Ở góc độ phụ huynh, trên một diễn đàn, chị Dương Giang (Bắc Từ Liêm) chia sẻ, chị có hai cậu con trai, một học lớp 8, một học lớp 11 cho biết: gia đình rất cố gắng kiểm soát chi tiêu để cho con học trường tư thục với học phí rất cao vì muốn con được tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế, hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên khi dịch bệnh dồn dập ập tới, cả hai con chị đều phải học ở nhà với thời khóa biểu dày đặc 2 buổi/ngày như học trực tiếp. Hàng ngày các con chỉ có học trong 4 bức tường và giao tiếp vài câu trong ngày, nên chị thực sự lo lắng…
Theo ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, do không thể hỗ trợ trực tiếp, nhà trường đã mở các đường dây tư vấn trực tuyến cho SV, không những SV của trường mà ở khắp thành phố. Theo ông Trần Nam, trong quá trình hỗ trợ tư vấn cho SV, vấn đề các em gặp nhiều nhất là stress, trầm cảm, không ít trường hợp còn có ý định tự tử.
Ông Nam cũng cho rằng SV đang đối diện với rất nhiều áp lực, dễ bị stress. Đó có thể là trục trặc trong gia đình, tình yêu, học tập, các mối quan hệ khác. Những điều này trong giai đoạn phải học trực tuyến càng khó khăn hơn, vì các em bị mất kết nối, cả ngày ngồi trong phòng đối diện với máy tính, cộng thêm những lo lắng về dịch bệnh, điểm kém…
Video đang HOT
Không thể lảng tránh
Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ khẳng định, rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường từ gia đình, nhà trường xã hội như áp lực học tập thi cử, không có cảm xúc trong học tập, bạo lực học đường… “Đặc biệt, thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, hạn chế giao tiếp khiến học sinh, cô giáo dễ rơi vào trầm cảm, stress… dẫn đến khủng hoảng về tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, tôi nghĩ rằng đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường”.
Theo Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, hiện tại chúng ta chưa có nghiên cứu, thống kê nào về việc học sinh được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm. Do đó, chúng ta cần phải làm cuộc thống kê về việc này. Trong quá trình làm việc tư vấn tâm lý học đường hơn 10 năm qua, bà nhận thấy học sinh thì e ngại, phụ huynh thì không tin hoặc không quan tâm khi con mình bị trầm cảm. Bản thân học sinh cũng chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên chưa tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong mỗi gia đình đều có tủ thuốc để chữa cảm cúm, các bệnh thông thường nhưng ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Bà Giang cho rằng, ở Việt Nam, sau khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người dân mới được quan tâm. Đối với trẻ sơ sinh, mẫu giáo và đầu cấp tiểu học, việc cha mẹ qua đời do COVID-19 có thể được cảm nhận như một sự kiện chia cắt, phá hủy sự gắn bó giữa trẻ và người chăm sóc. Nhiều trẻ mồ côi bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, mất ngủ nghiêm trọng sau khi mất cha mẹ đột ngột… vẫn chưa đủ dũng cảm đối diện sự thật.
Chia sẻ tại phiên thảo luận về chủ đề “Sức khỏe tâm thần học đường” mới đây, PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, có tới hơn 40 nghìn người được cho là tự làm hại bản thân hoặc tự tử trong tháng 8; tỉ lệ tự tử cao nhất ở thanh, thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi; trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần tăng 3-5 lần so với bình thường… Những con số trong khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở 130 quốc gia cho thấy sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Do đó, điều này cần phải thực hiện ngay và không thể trì hoãn.
PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: “Sức khỏe tâm thần học đường” là một thuật ngữ được đề cập nhiều những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh các vấn nạn tâm lý học đường nghiêm trọng và đại dịch COVID-19. Tuy vậy, từ “tâm thần” trong giao tiếp thường ngày được dùng để chỉ một chứng rối loạn tâm lý hay một loại bệnh. Trong trường học, khi nói đến “sức khỏe tâm thần”, không ít người nghĩ đến những trường hợp học sinh có vấn đề rối loạn tâm lý, tự kỷ, tăng động… mà không nhận ra rằng đó là vấn đề ở cả trẻ em và người trưởng thành. Không chỉ học sinh, mà cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều cần quan tâm và chăm sóc “sức khỏe tâm thần”. Nhận thức sai lầm sẽ khiến cho quá trình chẩn đoán và chăm sóc không đúng, làm vấn đề trầm trọng thêm.
Học sinh, giáo viên và cả lãnh đạo trong trường học đều phải đối mặt với đề về sức khỏe tâm thần. Chỉ trong 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tất cả các trường học đều bị ảnh hưởng: Trường học đóng cửa, dạy học online, cắt giảm nhân sự, giảm thu nhập, bị nhiễm COVID-19, chuyển đổi quản lý từ trực tiếp sang trực tuyến… đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của học sinh, giáo viên và các nhà quản lý trong nhà trường.
Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa phụ nữ TP HCM cho rằng, nên đặt yêu thương lên hàng đầu trong mọi mối quan hệ. Gia đình, nhà trường cần dạy trẻ yêu thương chính bản thân mình, dạy trẻ trân trọng, chăm sóc bản thân thì mới có khả năng đề phòng và xử trí trước các biến cố…
Chúng ta quên thấu hiểu tâm lý con người
Đôi khi chúng ta không chấp nhận hoặc phán xét các hành vi bất thường, trạng thái cô đơn, những đau khổ vật vã hoặc cố tình vi phạm các quy tắc, chuẩn mực xã hội… nhưng không hề biết rằng, đó chính là các biểu hiện của sự tổn thương sức khỏe tâm thần. Dường như, khi nhắc đến sức khỏe tâm thần, người lớn chỉ nghĩ đến học sinh là đối tượng cần quan tâm, mà quên đi rằng giáo viên và ngay cả chính hiệu trưởng cũng là con người, họ cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự về sức khỏe tâm thần.
Giáo viên, gồm cả các giáo viên giữ vai trò quản lý trong trường học đều phải trải qua những cảm xúc không tích cực trong công việc, như áp lực thành tích trong nhiệm vụ, không cân bằng được thời gian dành cho công việc và gia đình, không hài lòng với môi trường làm việc hoặc ức chế với các thủ tục phiền hà, thời hạn hoàn thành quá gấp, khối lượng công việc quá tải… khiến cho họ căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm…
Chúng ta có thể không ngờ tới, phương thức giáo dục, nội dung giáo dục cũng có thể là một nguyên nhân dẫn tới sự phát triển lệch lạc về tâm lý, vô tình gây ra những áp lực không cần thiết. Cũng có khi thói quen quá tập trung, coi trọng kiến thức và thành tích khiến cho chúng ta quên mất mục tiêu thể chất, tinh thần mà không còn thời gian cho xây dựng các thói quen tốt cho sự thấu hiểu tâm lý con người”.
PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học giáo dục (ĐHQG Hà Nội)
Hình thức dạy học liên tục thay đổi: Thấu hiểu để giúp trẻ thích nghi
Thích ứng với dịch bệnh, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học, từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại.
Học trực tuyến trong mùa dịch là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa
Đây là giải pháp không thể khác để hoạt động giáo dục không bị đứt gãy. Song chắc chắn, sự thiếu ổn định sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và các nhà trường cần đặc biệt quan tâm tới điều này.
Liên tục thay đổi hình thức dạy học
Tại Trường THPT Hàm Long, Bắc Ninh, từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, học sinh phải chuyển đổi hình thức học khá nhiều lần để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương, từ ngày 6 - 15/9 học sinh cả 3 khối của trường đều học trực tuyến.
Sau đó, khối 10 và 12 chuyển sang học trực tiếp từ 15 - 24/9 (học sinh khối 11 vẫn học trực tuyến). Từ 24/9, nhà trường cho học sinh cả 3 khối học trực tiếp. Nhưng do dịch bệnh phức tạp, từ 1/11 tất cả học sinh lại phải chuyển sang học trực tuyến.
Từ đó đến nay, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, học sinh của trường tiếp tục chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp, rồi từ học trực tiếp sang trực tuyến 3 lần. Hiện, các em được đến trường học trực tiếp.
Theo thầy Nguyễn Bá Khương, việc linh hoạt giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp vẫn là phương án tối ưu trong thời kỳ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tất nhiên, việc này cũng gây ra những xáo trộn nhất định, nhưng với học sinh THPT, việc thích ứng cũng nhanh hơn. Tuy vậy, vẫn cần làm tốt công tác tư tưởng cho học sinh.
Không chỉ Trường THPT Hàm Long, việc linh hoạt các hình thức dạy học không còn lạ với nhiều trường. Như tại Hà Nội, học sinh khối 12 của quận Đống Đa mới trở lại trường được một tuần thì tiếp tục phải nghỉ vì dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn. Tại Đà Nẵng, sau một tuần đi học trực tiếp, học sinh lớp 1 lại chuyển về học online từ 13/12 theo đề xuất của Sở GD&ĐT.
Vì xuất hiện các ca dương tính trong trường học nên nhiều trường học của Nghệ An cũng phải tạm thời chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang học trực tuyến... Trong đó, một số địa phương như Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bình Dương... đã bắt đầu mở cửa trường học trở lại.
Giúp học sinh thích nghi với thay đổi
Cô Đinh Hồng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội), cho rằng: Trở lại trường học trực tiếp là nguyện vọng của đa số học sinh; vì bên cạnh học kiến thức, các em còn có nhu cầu giao tiếp xã hội rất lớn. Việc thay đổi các hình thức dạy học là cần thiết trong điều kiện dịch bệnh; nhưng nếu không có sự chuẩn bị tốt về tâm lý cho học sinh, sẽ dẫn đến những suy nghĩ và hành vi tiêu cực vì nếp học, sinh hoạt của các em bị xáo trộn quá nhiều.
Chia sẻ giải pháp giúp học sinh thích nghi với việc học linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh, cô Đinh Hồng Nga cho rằng: Trước hết cần nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về việc rèn luyện khả năng thích ứng; chăm sóc sức khỏe thể chất (ăn uống đủ dinh dưỡng, đi ngủ sớm, dậy sớm, tập thở sâu, thực hiện 5K); chăm sóc sức khỏe tâm trí (xây dựng bầu không khí gia đình an lành, trò chuyện chia sẻ cùng nhau, mỗi ngày đều nghĩ đến lòng biết ơn và thực tập những điều làm mình cảm thấy hạnh phúc).
Nhà trường cần tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền các phương án thích ứng an toàn trong dịch bệnh; bàn giải pháp kết hợp gia đình nhà trường tạo điều kiện tốt nhất để giúp các em. Giáo viên chủ nhiệm và Phòng tham vấn tâm lý cần lắng nghe tâm tư học sinh, kịp thời tư vấn cho các em khi cần thiết.
"Phòng tham vấn của Trường THPT Bình Minh đã gửi đến thầy cô và học sinh những bài tập hướng đến sự bình an và suy nghĩ tích cực. Ví dụ: Tắm nắng, tắm gió - vào khoảng 6 đến 7 giờ sáng, các em ra ban công, hoặc sân dang rộng hai tay đón nắng Mặt trời, đón gió, hít thở sâu, nói "aaaaaaaaaaaa".
Bài tập này giúp thanh tẩy năng lượng xấu, trút hết muộn phiền... Bên cạnh đó, nhà trường luôn thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn học đường; xây dựng đầy đủ phương án ứng phó với dịch bệnh và xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt phù hợp thực tế. Tận dụng khoảng thời gian vàng khi học trực tiếp để bù đắp kiến thức lõi cho học sinh.
Nhà trường cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về thích ứng linh hoạt trong tình hình mới; hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc con, xây dựng bầu không khí gia đình. Sự tận tâm, tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô sẽ giúp các em vượt qua khó khăn của đại dịch" - cô Đinh Hồng Nga chia sẻ.
Cô Bùi Trà My, Thạc sĩ Khoa Xã hội học, Goldsmiths, ĐH London, Anh, hiện là thành viên Ban giám hiệu THPT, phụ trách Đời sống học đường Trường THPT Olympia, thì chia sẻ: Chúng ta đang bước sang năm thứ 3 sống chung với bối cảnh dịch bệnh. Bản thân học sinh, thầy cô, cha mẹ đã có một thời gian dài để thích nghi với sự thay đổi liên tục này và không còn quá bối rối mỗi lần có thông tin mới.
Tuy nhiên, không để sự thích nghi diễn ra một cách tự nhiên, tự phát, mà trường học và gia đình đều có vai trò trong việc hướng dẫn con trẻ đối diện với những sự thay đổi bất khả kháng một cách khỏe mạnh, hiệu quả và tích cực.
Chia sẻ kinh nghiệm ở Trường Olympia, cô Bùi Trà My cho biết: Nhà trường đã và đang chủ động triển khai chương trình phòng ngừa gồm có hệ thống hỗ trợ để đưa ra các hoạt động can thiệp kịp thời.
Trường nhận diện, phát hiện vấn đề của học sinh thông qua hệ thống thông tin 360 độ: Phản hồi của giáo viên bộ môn, giáo viên cố vấn, trao đổi với phụ huynh và gia đình, quan sát của chuyên viên tâm lý, học sinh tự tìm đến khi gặp khó khăn. Từ đó đưa ra chiến lược hỗ trợ với từng học sinh: Hỗ trợ từ thầy cô giáo, tham vấn với cá nhân học sinh và gia đình.
"Những việc trên sẽ hiệu quả nếu chúng ta dạy trẻ và cùng trẻ phản tư (Self reflection). Phản tư là một quá trình quan trọng để mỗi người nhìn lại bản thân nhìn lại các tình huống mình đã trải qua để hiểu rõ hơn về cảm xúc cá nhân, chiến lược giải quyết vấn đề và đương đầu với khó khăn.
Olympia đã nhiều năm chú trọng việc hướng dẫn cả trẻ nhỏ, trẻ lớn và với cả thầy cô, cha mẹ thực hành suy nghĩ, phản chiếu sau các hoạt động và cả học tập. Trong mùa dịch, việc phản chiếu cá nhân và tập thể cũng thường xuyên diễn ra, đặc biệt trong những giai đoạn chuyển đổi cách học, thông qua các câu hỏi thảo luận cụ thể.
Khi môi trường online đang chiếm thời lượng chính, việc dạy trẻ các kỹ năng số và nâng cao nhận thức về các vấn đề của thời đại số, trong đó có sức khỏe tâm thần (mental health) càng cần đầu tư hơn" - cô Bùi Trà My cho hay.
Nhiều học sinh có dấu hiệu "bất thường" khi trở lại trường sau giãn cách Theo PGS.TS Vũ Thị Khánh Linh, trẻ gặp khó khăn về tâm lý khi trở lại trường sau thời gian giãn cách thường có dấu hiệu nhất định như vui buồn thất thường, đi kèm với khí sắc kém, luôn ủ ê, thiểu não. Ngày 18/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề...