Robot mang trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đỡ giáo viên trong tương lai
Ứng dụng AI vào giảng dạy sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian hỗ trợ học viên phát triển các kỹ năng mềm.
Tại Hội nghị thượng đỉnh WISE tại Doha năm 2017, Wayne Holmes, giảng viên Viện Công nghệ Giáo dục – Đại học Open cho rằng, nhiều người đang đánh đồng AI với robot. Những ví dụ về sự thành công của AI trong giáo dục khiến nhiều người lo lắng robot sẽ thay thế công việc của thầy cô. Tập trung vào hình ảnh cụ thể của robot có thể khiến mọi người hiểu nhầm về các ứng dụng thực sự của AI. Thực chất, AI bao gồm các thuật toán, học máy và xử lý, cùng nhiều ứng dụng khác nữa.
Một trong những lợi ích nổi bật của AI trong giáo dục là khả năng tạo ra mô hình học cá nhân hóa, giúp mỗi học viên có thể tự sử dụng học liệu một cách phù hợp, theo năng lực bản thân.
Điều này sẽ cải thiện đáng kể cho nền giáo dục hiện nay. Với lớp học truyền thống, việc sâu sát đến từng học sinh gần như là bất khả thi. Nguyên nhân là số lượng học sinh quá lớn khiến giáo viên khó có thể trao đổi với từng người. Đồng thời, việc áp dụng một bài giảng cho tất cả mọi học sinh là khó tránh hỏi.
Jingfang Hao – nhà sáng lập WePlan nhận định, cá nhân hóa học tập là điều quan trọng nhất mà công nghệ đem lại. Bà cho rằng ứng dụng AI vào giảng dạy sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian hỗ trợ học viên phát triển các kỹ năng mềm – điều này AI không thể thực hiện. “Chúng ta đang giới thiệu các công cụ để giúp đỡ giáo viên chứ không phải để thay thế họ”, bà Jingfang Hao cho biết.
Jrg Drger, nhà vật lý, thành viên Hội đồng quản trị của tổ chức độc lập Bertelsmann Stiftung cho rằng, cần cân nhắc việc đặt yếu tố Sư phạm hay Công nghệ lên trước khi bàn về việc sử dụng AI trong giáo dục.
“Sư phạm là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của giáo dục” Jrg nói. Mặc dù việc sử dụng công nghệ là điều hiển nhiên nhằm tối ưu hiệu quả của giáo dục, những nó vẫn chỉ là công cụ hỗ trợ cho các tương tác của con người chứ không thể thay thế.
Trong tương lai, việc robot thay thế giáo viên là điều không thể. Hệ thống giảng dạy thông minh là một trong những điểm mạnh nhất của AI, nhưng những yếu tố con người như nhận định cảm xúc và giải quyết các tình huống khó khăn là thứ AI chưa làm được.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lo ngại sự can thiệp của các tập đoàn công nghệ lớn nhằm đưa AI vào giáo dục. Giám đốc Công ty Roboterra (Trung Quốc) Yao Zhang lại cho rằng, việc càng nhiều công ty ứng dụng AI trong giáo dục thực chất giống với việc sẽ có một lượng lớn nhà cung cấp các dịch vụ về kỹ năng và kiến thức đặc biệt chứ không phải là tạo ra một đội ngũ giáo viên robot đe dọa giáo viên thật.
AI trong giáo dục không phải là những robot thay thế giáo viên. Tất cả đều thuộc về vấn đề dữ liệu. Tính cá nhân hóa, tiết kiệm thời gian và mô hình lớp học tương tác, đều dựa vào việc sử dụng dữ liệu hiệu quả.
Ví dụ, một lớp học đông đúc sinh viên làm việc trên máy vi tính. Khi họ hoàn thành các bài luận, máy tính ghi lại lượng thời gian cho mỗi yêu cầu, chỉ ra những bài tập khiến học viên phải bỏ ra nhiều nỗ lực nhất… Dữ liệu này sau đó được thu thập và phân tích bởi phần mềm AI để giáo viên truy cập, cho phép họ nhìn thấy những phân tích chi tiết về năng lực của từng học sinh thông qua mỗi môn học hoặc bài tập và cho thấy những ai cần thêm trợ giúp.
AI thậm chí giúp đánh giá, thẩm định và thu thập hồ sơ năng lực của sinh viên thông qua các hoạt động, bài tập… xuyên suốt cả năm học, hơn là chỉ dựa vào kế quả một hai kỳ thi kiểu truyền thống.
Video đang HOT
Khi đã có AI hỗ trợ, phần quan trọng trong công việc của người giáo viên hiện đại là dạy cho học viên cách sử dụng những phương tiện công nghệ thích hợp để học tập. Người thầy mang vai trò định hướng, dẫn dắt học trò tiếp cận tri thức, dạy cho học trò cách tìm kiếm và phân loại thông tin.
Từ việc sử dụng công nghệ để xây dựng hồ sơ năng lực của học viên, tới việc làm nhẹ bớt những báo cáo thủ công và các nhiệm vụ tốn thời gian nhưng không quá phức tạp khác, AI có thể được khai thác để tạo nên bước tiến mới trong nền giáo dục trên khắp thế giới.
Quỳnh Anh (theo Edtechnology)
Theo vnexpress.net
Học trò lo lắng hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, làm sao để cháu không thất nghiệp?
Theo Vân hiểu, cuộc cách mạng 4.0 chủ yếu hoạt động bằng máy móc, tự động hóa, robot nên sẽ gây tồn đọng một lượng lớn số người lao động không có việc làm.
"Cách mạng Công nghiệp 4.0" đang diễn ra tại nhiều nước phát triển. Nó mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Vậy cuộc cách mạng này nên được hiểu như thế nào?
Với mong muốn giúp các em học sinh trung học phổ thông định hướng nghề nghiệp tốt hơn trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 28/10, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Trung học Phổ thông Trần Phú, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo " Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0".
Tại đây, hơn 1.300 học sinh của trường Trung học Phổ thông Trần Phú, tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (năm nay, Giáo sư đã 80 tuổi).
Hơn 1.300 học sinh của trường Trung học Phổ thông Trần Phú, tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vào ngày 28/10 (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải thích một cách đơn giản về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới các em học sinh rằng:
"Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất.
Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt.
Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
Bây giờ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
Được biết, theo ông Klaus Schwab - người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới từng đưa ra quan điểm rằng:
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.
Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions...) và công nghệ nano.
Sau khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phân tích những cơ hội, thách thức đối với thế hệ trẻ trong cuộc cách mạng 4.0, các em học sinh trường Trần Phú vừa mừng vì sắp tới sẽ có nhiều cơ hội mới thế nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn phải đối mặt.
Tôi có dịp được trò chuyện cùng em Nguyễn Thanh Vân - học sinh lớp 12A trường Trung học phổ thông Trần Phú, em đã có chia sẻ về hiểu biết của bản thân về cuộc cách mạng 4.0 này.
Theo Vân hiểu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu hoạt động bằng máy móc, tự động hóa, robot nên chắc chắn sẽ hạn chế sức người, gây tồn đọng một lượng lớn số người lao động không có việc làm.
Có nghĩa là, tỷ lệ thất nghiệp của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gia tăng.
Bản thân là một học sinh lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia quyết định tương lai của chính mình, Vân cho rằng:
"Trước tiên, trong quá trình học tập tại trường trung học phổ thông để bước vào cánh cửa đại học thì bản thân chúng em không thể nào chỉ học lý thuyết, nắm vững kiến thức mà cần rèn luyện nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, tinh thần chủ động, sự tự tin...".
Emm Nguyễn Thanh Vân (bên phải) - học sinh lớp 12A trường Trung học phổ thông Trần Phú chụp ảnh cùng cô giáo Vật lý - Đào Thị Hà (Ảnh: Thùy Linh)
Chứng kiến cảnh nhiều thế hệ anh chị tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp, Vân thể hiện quyết tâm rằng: "Robot sẽ chỉ làm việc theo một lập trình có sẵn chứ robot không biết sáng tạo.
Do đó, dựa vào lợi thế của con người là có khả năng sáng tạo nên khi có cơ hội bước vào đại học, em dự định sẽ đi làm thêm ở các môi trường làm việc khác nhau và học thêm một số thứ tiếng để thuận tiện cho việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
Nếu chọn ngôi trường đại học là môi trường về kinh tế thì em sẽ tìm kiếm việc làm từ năm thứ 4 để tránh thất nghiệp và chủ động tìm tòi về các doanh nghiệp".
Trong khi đó nhìn nhận về buổi hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0" do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, theo cô Đào Thị Hà - giáo viên môn Vật lý, trường Trung học phổ thông Trần Phú, Vĩnh Phúc cho rằng:
"Khi chưa tiếp cận với cuộc hội thảo này có thể trong số hơn 1.300 học sinh ngồi ở đây có em đã được nghe, được biết đến cuộc cách mạng này nhưng cũng có em chưa nắm được.
Do đó, đây là buổi có ý nghĩa rất lớn đối với cả giáo viên và học sinh toàn trường, giúp học trò hiểu một cách toàn diện hơn về thời đại mới và các em sẽ có định hướng cho nghề tương lai mà bản thân sẽ chọn sắp tới".
Là một giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cô Hà chia sẻ, để hành trang vững bước cho thế hệ học sinh bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, nhà trường và giáo viên sẽ chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho các em học sinh để bước vào kỳ thi quốc gia trong năm tới đạt kết quả cao.
Đồng thời, nhà trường và giáo viên cũng sẽ định hướng để các em phát triển theo năng lực, sở trường với mong muốn các em trở thành sinh viên tốt, người thành đạt trong tương lai.
Tuy nhiên, cô Hà cũng khẳng định rằng: "Chúng tôi cũng sẽ định hướng để các em hiểu rằng, không phải cứ đỗ đại học mới làm nên thành công.
Bởi lẽ qua thực tế và một số tấm gương qua lời kể của thầy Nguyễn Lân Dũng thì chúng ta thấy rất nhiều người không học đại học nhưng vẫn rất thành đạt".
Theo GDVN
Học ngành gì để không bị robot thay thế? Trước tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học gì để tương lai không bị robot thay thế là băn khoăn của nhiều học sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp. Các công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với tốc độ cực nhanh đã biến những thứ không thể thành có thể như xe hơi...