Review Kẻ Ăn Hồn: hay nhưng không tròn vị
Với thời lượng có hạn, phim trình bày nội dung một cách xúc tích, có đủ máu me, kinh dị nhưng gây đáng tiếc vì lặp lại những sai lầm cũ.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Không cần phải bàn cãi về sức nóng của Kẻ Ăn Hồn trong những ngày gần đây, tác phẩm nối tiếp Tết Ở Làng Địa Ngục liên tục trở thành tâm điểm của giới yêu phim từ cuối tháng 11 cho đến nay. Trong một nhóm bàn về phim ảnh trên mạng xã hội, theo một bài khảo sát nên xem gì vào cuối tuần 2 của tháng 12, hơn 80% chọn sẽ đi xem Kẻ Ăn Hồn khi đặt lên bàn cân cùng nhiều phim nổi bật được chiếu cùng khoảng thời gian.
Ngay khi có lịch chiếu chính thức (15/12) sau khi tạm hoãn (ban đầu là 8/12) vì chưa được Cục Điện ảnh cấp phép, Kẻ Ăn Hồn hiện cho thấy sức cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ khác thông qua lịch chiếu dày đặc tại các cụm rạp lớn nhỏ.
Các suất chiếu Kẻ Ăn Hồn tại các cụm rạp của CGV vào ngày 15/12 – Ảnh: chụp màn hình
Một trong những lý do giải thích cho sức nóng này là sự thành công ngoài sức mong đợi của Tết Ở Làng Địa Ngục, người anh tiền nhiệm của Kẻ Ăn Hồn. Vì series dài 12 tập làm tốt ở nhiều khâu và được đánh giá có chất lượng không thua kém phim điện ảnh nên Kẻ Ăn Hồn được nhiều người mong ngóng ngay từ khi poster được tung ra. Thế nhưng, liệu công sức chờ đợi của khán giả có được đáp lại bằng một tác phẩm “đã” và “chất” hay không? Để biết được câu trả lời, mời bạn đọc đến với bài viết sau đây của VOH nhé
Thông tin Kẻ Ăn Hồn
Ngày phát hành: 15/12/2023
Tên tiếng Anh: A Soul Reaper
Thể loại: Kinh dị
Đạo diễn: Trần Hữu Tấn
Nhà sản xuất: Hoàng Quân
Diễn viên: Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy, Huỳnh Thanh Trực, NSƯT Chiều Xuân
Điểm đánh giá của VOH: 7/10
Trailer Kẻ Ăn Hồn
Trước hết, để có thể theo dõi trọn vẹn Kẻ Ăn Hồn, người xem cần biết rằng phim sẽ không có liên kết nhất quán với Tết Ở Làng Địa Ngục (dù được thông báo là tác phẩm tiền truyện của bộ phim dài tập kia). Có thể khi xem phim, bạn sẽ đâu đó phát hiện sự song song trong tuyến nhân vật nhưng tốt nhất vẫn không nên gượng ép phải hiểu thời tổ tiên phải như này để đời con cháu được như thế kia… Tất cả những suy nghĩ đó sẽ không có lời giải, sẽ bị xoay vòng và đi vào ngõ cụt.
Hơn hết, khán giả không cần phải xem Tết Ở Làng Địa Ngục rồi mới hiểu Kẻ Ăn Hồn, những thông tin trọng yếu đều được tóm tắt ngắn gọn qua lời dẫn ở đầu phim.
Hình ảnh “nịnh mắt” từ đạo cụ đến phục trang – Ảnh: TCBC
Kẻ Ăn Hồn lấy bối cảnh vào 15 năm sau khi làng Địa Ngục được lập nên. Nhân vật chính trong phim là cô Phong (Hoàng Hà), người có dòng máu thuần âm, có thể nhìn thấy được vong hồn và là con của ông Khôi (nghệ sĩ Viết Liên), trưởng làng Địa Ngục.
Những tưởng hỷ sự của cô Phong và cậu Sang (Võ Điền Gia Huy) sẽ kéo theo điềm lành cho dân làng thì ồ ạt những cái chết ly kỳ kéo đến, kèm theo đó là những con rối với vết tích giống hệt vết thương chí mạng của nạn nhân, đẩy người dân trong làng rơi vào trạng thái mơ hồ, sợ sệt, đâm ra ý muốn được thoát khỏi làng để giữ lấy mạng sống.
Lễ rước dâu được tiến hành vào ban đêm với hy vọng tránh sự dòm ngó của tà lực – Ảnh: TCBC
Mở đầu bằng án mạng, hơn 100 phút sau đó là chuỗi các vụ án ghê rợn và hành trình gỡ nút thắt, tìm ra kẻ thủ ác đứng sau mọi việc của cô Phong, cậu Khảm (Huỳnh Thanh Trực) nói riêng và cả cái làng điên cuồng kia nói chung.
Nội dung chính của Kẻ Ăn Hồn khá đơn giản, mục đích chính của phim là giải thích cụ thể về cổ thuật luyện Rượu Sọ Người, chỉ ra kẻ đầu tiên luyện rượu trong làng và lý do tại sao cả họ nhà trưởng làng có thể “ung dung tự tại” ra vào cái làng dính lời nguyền chết chóc mà không bị gì.
Các con rối được sử dụng trong phim bị che mờ sau ba lần kiểm duyệt – Ảnh: TCBC
Phim không sử dụng jumpscare quen thuộc của dòng phim kinh dị nhưng biết cách làm người xem phải sợ bằng những cảnh máu me được tạo nên bằng kỹ thuật hoá trang và phần âm thanh với âm lượng to, được “điểm xuyết” bằng những chi tiết đắt giá như đom đóm câu hồn, đò chở vong và mồ hôi máu. Kèm theo đó, vì Kẻ Ăn Hồn đưa ra bài toán tìm hung thủ ngay từ những phút đầu nên khiến người xem tò mò và phải theo dõi sát sao để truy ra tên khát máu thật sự.
Những thước phim phác họa được vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên Việt Nam là một điểm cộng – Ảnh: TCBC
Tương tự Tết Ở Làng Địa Ngục, đạo diễn Trần Hữu Tấn biết cách lôi cuốn khán giả vào câu chuyện bằng thước phim bắt mắt về sự hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc. Bản điện ảnh khắc phục được lỗi lạm dụng tông màu nóng. Bộ màu đa dạng hơn, được sử dụng trong nhiều phân đoạn, kết hợp với góc quay đẹp, giúp lột tả được điểm nổi bật của diễn viên, bối cảnh và nâng tầm cảm xúc của câu chuyện.
Hình ảnh liêu trai cũng không thể thiếu và được thể hiện rõ nét qua nhân vật bà Vạn, tạo hình của dân làng, phối cảnh làng mạc…
Nhiều phân cảnh tưởng không liên quan nhưng được móc nối bằng cú twist cuối phim – Ảnh: TCBC
Tiếp đó, dù đã qua ba lần kiểm duyệt nhưng phim không rơi vào trường hợp bị cắt bỏ quá nhiều đến nỗi làm người xem khó hiểu. Tác phẩm vẫn đầy đủ và nhiều những cảnh máu me, bạo lực đúng chất 18 .
Nhìn chung, lợi thế của Kẻ Ăn Hồn là được phát hành trước bản tiểu thuyết nên cái nhìn của khán giả với tác phẩm sẽ không quá gay gắt. Hơn thế, chính Thảo Trang, mẹ đẻ của tiểu thuyết Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn làm đồng biên kịch của phim nên về mặt tinh thần và cách truyền tải không có sự chệch hướng.
Diễn viên trẻ nhưng liệu có yếu nghề?
Dàn nhân vật chính trong phim do các gương mặt trẻ đảm nhận. Đó là cô Phong – Hoàng Hà, cậu Sang – Gia Huy và cậu Khảm – Thanh Trực. Thế nhưng, không phải diễn viên nào cũng mang đến nhân vật đáp ứng được sự kỳ vọng của người xem.
Ngoài là nhân vật chính và có thời lượng lên hình nhiều nhất, Hoàng Hà còn làm người xem “thương nhớ” vì là diễn viên hoàn thành tốt nhất vai diễn của mình. Cô cho thấy một Phong với chính kiến riêng, hợp lý hơn và không “vô dụng” như ông Thập.
Chất giọng và cách đài từ của Hoàng Hà giữ được phong độ ổn định so với những gương mặt trẻ khác – Ảnh: TCBC
Với lợi thế là người miền Bắc, đóng tác phẩm lấy bối cảnh ở Bắc Bộ nên nữ diễn viên đã lột tả nhân vật một cách đậm đà và sắc nét. Trong khi đó, Thanh Trực trong vai cụ Khảm mang đến cho người xem cảm giác đây chưa phải là vai diễn thể hiện được kỹ năng diễn xuất của nam diễn viên, vẫn còn một chút gì đó theo khuôn khổ, chưa đột phá.
Thập Nương trở lại và lợi hại hơn trong Tết Ở Làng Địa Ngục – Ảnh: TCBC
Ở Kẻ Ăn Hồn, Thập Nương đã có nhiều đất diễn hơn. Và quan trọng, Lan Phương đã làm cho khán giả phải rợn nhiều tóc gáy qua chất dị trong diễn xuất bằng ngôn ngữ hình thể. Từ tạo hình đến cách thoại hay hành động, Thập Nương trong bản điện ảnh đã không làm người xem thất vọng như bản dài tập. Tuy nhiên, vì thời lượng có hạn của phim điện ảnh nên nhân vật của các diễn viên gạo cội, trừ bà Tám Kheo do NSƯT Chiều Xuân đóng, không có nhiều đất diễn và chưa thể thoả lòng khán giả.
Hơn hết, một trong những lý do khiến các diễn viên không thể hoá thân trọn vẹn vào nhân vật là vì lời thoại trong phim đậm chất kịch. Phần thoại dài dòng, sử dụng khá nhiều văn viết đan xen khiến người xem đôi lúc có cảm giác như các diễn viên đang trả bài thay vì diễn xuất thật sự.
Võ Điền Gia Huy là một trong những nạn nhân của việc sử dụng quá nhiều ngôn ngữ kịch, khiến vai của anh kém sức hút dù có vai trò quan trọng – Ảnh: TCBC
Văn hoá dân gian – Thứ gia vị đậm đà, đầy bản sắc
Đưa ra bài review Kẻ Ăn Hồn mà không nhắc đến chi tiết văn hoá là một thiếu sót lớn. Tính văn hoá tràn ngập trong Kẻ Ăn Hồn, được thể hiện rõ ở bộ hỷ phục của đôi tân lang tân nương và y phục của người dân làng Địa Ngục gồm áo yếm, tứ thân… Song song với đó là những phong tục đặc trưng của một vùng miền, lối sống khi xưa của cha ông đã rất lâu không được nhìn thấy, một lần nữa được mang lên màn ảnh rộng. Một số chi tiết trong phim có thể kể đến như tục rước dâu vào ban đêm, treo khăn tang lên cây khi nhà có đám.
Thế nhưng, nổi bật trong số đó là hình ảnh mặt nạ chuột làm khán giả liên tưởng đến bức tranh đám cưới chuột nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ. Theo tác giả Thảo Trang, điểm đặc biệt của chiếc mặt nạ là làm từ giấy bồi, vốn là nghề truyền thống đang dần mai một giữa sự phát triển đến chóng mặt của thời đại.
Đoàn rước dâu có sự tương đồng với bức tranh dân gian nổi tiếng – Ảnh: TCBC
Nữ nhà văn chia sẻ, khi mang những điều đang bị lãng quên vào tác phẩm, được khán giả nhớ, hỏi và tìm tòi tìm hiểu chính là thành công lớn của Kẻ Ăn Hồn. Thế nên, có thể nhận xét Kẻ Ăn Hồn không chỉ là tác phẩm dừng lại ở mức giải trí mà còn thành công trong việc gìn giữ và quảng bá văn hoá, phong tục Việt Nam.
Phần nhạc nền cũng giúp nhấn mạnh tinh thần linh dị và chất Việt trong phim, được lồng ghép khéo léo trong cảnh đám cưới, đám tang hay những đoạn cao trào, giật gân.
Thứ giai điệu mang phong cách cổ phong, kịch tính, được thể hiện bằng nhạc cụ dân tộc là chất xúc tác hiệu quả cho nhiều phân cảnh – Ảnh: TCBC
Ngoài ra, phim còn cho thấy hiện thực và sự bất công mà phụ nữ phải gánh chịu trong gia đình xưa. Họ bị khinh thường, được hiển thị rõ ràng qua câu nói “Đàn bà trong xó bếp thì biết cái gì” của ông Khôi, phải sống khép nép và nhường nhịn chồng dù chẳng gây ra lỗi lầm gì. Những người yếu thế thường xuyên bị chèn ép, không có quyền đưa ra ý kiến của mình.
Xem thêm:
Review Tết Ở Làng Địa Ngục tập 5-6: Tam Quỷ mua vui xuyên thời gian
Review Tết Ở Làng Địa Ngục tập 7-8: cảm xúc hơn bao giờ hết
Hay nhưng không hoàn hảo
Dù nội dung ngắn gọn, xúc tích nhưng Kẻ Ăn Hồn vẫn có nhiều điểm trừ đáng tiếc. Gặp khó khăn ở khâu kiểm duyệt nên có không ít cảnh bị cắt đi, thế nên, khán giả sẽ không thể thấy một số phân đoạn trên trailer xuất hiện trong phim (phần lớn những đoạn có con rối đều bị lược bỏ hoặc làm mờ).
Nửa đầu phim khá dài dòng và rời rạc. Dần về hồi kết, phim nặng tính tâm lý thay vì kinh dị như mong đợi của nhiều người. Nếu so với Tết Ở Làng Địa Ngục thì độ rùng rợn của Kẻ Ăn Hồn vẫn còn nhẹ nhàng và dễ thở. Thế nhưng, phim vẫn có cú twist bất ngờ, đồng thời, những thắc mắc được đặt ra ở đầu phim đều được giải quyết triệt để và lý giải hợp lý. Đoạn kết dù thiên về tâm lý nhưng vẫn tạo nên sự kịch tính cho người xem.
Sau khi xem phim xong, không ít khán giả bày tỏ mong muốn được thưởng thức bản không cắt của Kẻ Ăn Hồn – Ảnh: TCBC
Tạm kết
Tùy vào cảm nhận của mỗi người mà trải nghiệm khi xem Kẻ Ăn Hồn sẽ khác, sẽ có người đặt nhiều kỳ vọng vào phim, phải hơn cả chất lượng của Tết Ở Làng Địa Ngục chẳng hạn. Với chủ bài viết, một khán giả không đặt quá nhiều kỳ vọng trước tình trạng phim phải trải qua ải kiểm duyệt đến ba lần cũng như theo dõi làng Địa Ngục từ bản dài tập đến bản điện ảnh thì Kẻ Ăn Hồn vẫn đáng xem vì nhiều lý do.
Tuy nhiên, một lời khuyên chân thành cho bất cứ ai có dự định xem phim đó là bạn không nên cố liên kết các chi tiết của Kẻ Ăn Hồn với Tết Ở Làng Địa Ngục. Như đã đề cập, hãy xem đây là một tác phẩm độc lập, không liên quan gì đến bản dài tập, nếu được vậy, bạn sẽ có trải nghiệm xem phim tốt nhất.
"Kẻ ăn hồn" - phim điện ảnh Việt được phát hành song song với tiểu thuyết cùng tên
"Kẻ ăn hồn" là phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Thảo Trang, tiểu thuyết được phát hành online, song song với bộ phim.
Trong khi bộ phim cổ trang kinh dị Tết ở làng Địa Ngục đang thu hút người xem thì bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân tiếp tục công bố những khung hình, teaser trailer, poster đầu tiên của dự án điện ảnh Kẻ ăn hồn.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, bộ phim sẽ mang đến những trải nghiệm văn hóa linh dị. Câu chuyện ở Kẻ ăn hồn được chọn kể theo thể loại kinh dị kỳ ảo với hàng loạt cái chết bí ẩn ở một ngôi làng bí ẩn, nơi có kẻ đang âm thầm luyện loại ma thuật cổ xưa.
Kẻ ăn hồn còn là hành trình truy tìm nguồn gốc rượu sọ người - một loại cổ thuật dân gian được đồn đại đã từng xuất hiện ở chính ngôi làng Địa Ngục thuở sơ khai.
Cảnh đám cưới chuột kỳ bí trong phim "Kẻ ăn hồn".
Kẻ ăn hồn là phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Thảo Trang, tiểu thuyết được phát hành online, song song với bộ phim. Ngoài hình ảnh đám cưới chuột, khán giả còn được chiêu đãi thị giác những hình tượng đậm văn hoá Việt là bầy rối nước quen thuộc, thuỷ đình, bài vè,...
Bên cạnh đó, những chi tiết vốn là biểu tượng được yêu thích trong series Tết ở làng Địa Ngục như bà Vạn lái đò chở vong hồn, mồ hôi máu, đom đóm câu hồn sẽ lần lượt xuất hiện trên màn ảnh rộng với trải nghiệm điện ảnh.
Tác giả Thảo Trang chia sẻ: " Khi chuyển thể Tết ở làng Địa Ngục, tôi và đạo diễn Trần Hữu Tấn đã có dịp đi thật sâu và thật kỹ vào thế giới của làng Địa Ngục và ở đó, tôi thấy có một vùng trời rộng lớn các ý tưởng và câu chuyện chưa được khai phá. Chính vì vậy, mà Kẻ ăn hồn được ra đời. Tôi kỳ vọng khán giả sẽ hài lòng với tác phẩm mới của chúng tôi".
Phim được đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh
Phục trang với sự cố vấn sử học của Họa sĩ Phan Thanh Nam.
Phim được đầu tư công phu từ bối cảnh, phục trang đến hóa trang và bấm máy ngay sau Tết ở làng Địa Ngục, cũng vẫn là bối cảnh làng Sảo Há (Hà Giang) được thiết kế độc lập, riêng biệt cho bản điện ảnh với không khí ma mị, mờ ảo, tuyệt đẹp của vùng núi rừng Đông Bắc.
Trong suốt quá trình tiền kỳ, đội ngũ luôn kết hợp tham vấn ý kiến từ cố vấn sử học Phan Thanh Nam (Họa sĩ Ấm Chè) để mang lại hồn Việt nhiều nhất trong khả năng cho phép.
Diễn viên trong phim cũng đến từ nhiều thế hệ của hai miền Nam Bắc như: diễn viên Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy, Huỳnh Thanh Trực, NSƯT Chiều Xuân, Nghệ sĩ Viết Liên, NSND Ngọc Thư, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Phước Lộc, Nghinh Lộc, Lý Hồng Ân, Vũ Đức Ngọc.
Phim dự kiến khởi chiếu từ ngày 8/12/2023.
Kẻ Ăn Hồn tung trailer hé lộ lời nguyền "mồ hôi máu" từng được bật mí từ Tết Ở Làng Địa Ngục Người hâm mộ series Tết Ở Làng Địa Ngục lại có cơ hội thưởng thức tiếp câu chuyện kinh dị hấp dẫn này với phần tiền truyện Kẻ Ăn Hồn. Ngày 1/12, nhà sản xuất Kẻ Ăn Hồn công bố poster và trailer chính thức của dự án, tiếp tục hé lộ những câu chuyện mới ở vũ trụ kinh dị Làng Địa...