Rèn kỹ năng ở ngân hàng, bệnh viện… trước khi tốt nghiệp ĐH
Sinh viên sớm tiếp cận thực tế công việc, rèn luyện xử lý các tình huống cụ thể cũng như kỹ năng làm việc thông qua các chương trình học thực tế tại bệnh viện, doanh nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong một phòng học mô phỏng tại trường trước khi ra doanh nghiệp – Ảnh: M.G.
Hai năm qua, một tuần vài lần Võ Thị Đông Đông – sinh viên năm 4 ngành y học dự phòng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – đến học tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đông Đông đã học được nhiều điều thực tế mà thầy cô, sách vở chỉ dạy một phần.
Thực tế sinh động
Trước khi đi bệnh viện, Đông lo lắng không biết kiến thức học ở trường có áp dụng được thực tế khi đi thực tập hay không. Tuy nhiên, sau hai năm học ở bệnh viện, sinh viên này nói bản thân được tiếp xúc với nhiều loại bệnh thực tế, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn.
“Các bác sĩ tại bệnh viện hướng dẫn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với sinh viên. Nhiều giảng viên dạy ở trường là các y bác sĩ chuyên khoa đầu ngành tại các bệnh viện nên sinh viên cũng được hỗ trợ thực hành tốt hơn” – Đông chia sẻ.
Đây không phải là ngành duy nhất của trường thực hiện đào tạo tại bệnh viện, doanh nghiệp. Bạn Nguyễn Hồng Quang – sinh viên năm 3 ngành tài chính ngân hàng – cũng đã đi thực tập tại một ngân hàng cổ phần từ năm thứ 3.
Tại ngân hàng, Hồng Quang được nhân viên hướng dẫn một số nội dung chuyên môn. Phần còn lại Quang và các bạn sinh viên tự học hỏi, thích nghi. Điều này giúp sinh viên không chỉ sử dụng kiến thức chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm hoạt động thực tế mà còn rèn luyện thái độ, kỹ năng làm việc.
“Sinh viên đã được làm quen với cách làm việc của ngân hàng thông qua ngân hàng mô phỏng đặt ở khoa. Mô hình này giúp sinh viên tiếp cận cụ thể hơn về ngành học của mình, đồng thời thực hành một cách nhuần nhuyễn các bước, cách thức giải quyết công việc trong thực tế.
Video đang HOT
Tuy nhiên vì mô phỏng nên không thể có nhiều tình huống như trong thực tế được. Học tại ngân hàng thực tế hơn vì có các tình huống, con người với các phát sinh cụ thể. Sinh viên đề xuất cách giải quyết trên cơ sở tham khảo ý kiến của anh chị nhân viên hướng dẫn” – Quang nói thêm.
Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp
Trong nhiều hội thảo về đào tạo và sử dụng nhân lực, nhiều ý kiến từ doanh nghiệp phàn nàn chất lượng đào tạo từ trường còn nặng lý thuyết, thiếu thực tế. Doanh nghiệp tuyển người phải đào tạo lại, tốn chi phí và thời gian. Với việc đào tạo một phần tại doanh nghiệp, lý thuyết sẽ bớt đi, kiến thức thực tế sẽ được trang bị nhiều hơn.
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh – CEO Công ty TNHH TM&DV KT Song Phương Minh – cho biết: “Việc kết nối đào tạo giữa trường với doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trường cung ứng cho chúng tôi nguồn lao động chất lượng, có kiến thức, kỹ năng thực tế. Đặc biệt là chúng tôi không phải đào tạo lại vì sinh viên được thực hành thực tiễn rất nhiều. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo rất lớn cho doanh nghiệp”.
Tương tự, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Phương Nam – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM – cho rằng thực tập tại bệnh viện là cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức mình được học trong thực tế và chữa bệnh.
“Khoa y Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo theo mô hình module nên sinh viên được thực tập khám bệnh, làm thủ thuật nhuần nhuyễn trên mô hình trước khi đi bệnh viện. Vì vậy kỹ năng của các em bắt nhịp nhanh với công việc tại các bệnh viện.
Bên cạnh đó, sinh viên được chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp – một trong những kỹ năng rất quan trọng của người bác sĩ. Những bài học đầu tiên khi bắt đầu đi thực tập tại bệnh viện là bài học về giao tiếp thầy thuốc – bệnh nhân. Khi đi thực tập tại bệnh viện, sinh viên biết cách tiếp xúc và thông cảm với bệnh nhân. Những điều này sẽ rất có ích cho sinh viên sau này…” – bác sĩ Trần Phương Nam nói.
Chia sẻ về việc đào tạo tại doanh nghiệp, TS Trần Ái Cầm – hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – cho biết xuất phát từ thực tế là trường trong doanh nghiệp, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiểu được tầm quan trọng của gắn đào tạo với việc làm từ những ngày đầu thành lập.
Trường đã tạo ra “liên minh chiến lược” với các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc, viện nghiên cứu để kết nối, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác…
Tăng khả năng thích ứng nghề nghiệp
Việc liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực cho sinh viên. Không chỉ giới thiệu việc làm, chỗ thực tập, tạo ra môi trường thực tập thực tế, nâng cao trình độ chuyên môn mà còn giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm, sử dụng thành thạo một số thiết bị văn phòng cơ bản, điều tiết cảm xúc và ứng xử hòa hợp với mọi người xung quanh. Điều đó giúp các bạn được đánh giá cao và dễ dàng lựa chọn cho mình một môi trường làm việc phù hợp. Ngoài ra, sinh viên được tiếp cận với công việc thực tế, giúp tăng khả năng thích ứng với nghề nghiệp và môi trường làm việc thực tế sau này.
TS Trần Ái Cầm (hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)
Trường tư đào tạo khối ngành sức khỏe: Tăng độ hấp dẫn
Ngày càng có nhiều trường ĐH tư thục tham gia đào tạo nhóm ngành Khoa học sức khỏe. Thậm chí có trường còn đầu tư xây dựng bệnh viện để SV có điều kiện thực hành. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhóm ngành này càng tăng thêm độ hấp dẫn.
SV ngành Dược HUTECH trong giờ học thực hành.
Học phí "khủng"
Năm 2020, khu vực phía Nam có nhiều trường ĐH tư thục tuyển sinh đào tạo lĩnh vực y dược như Văn Lang (VLU), Nguyễn Tất Thành (NTTU), Quốc tế Hồng Bàng (HIU), HUTECH, Tân Tạo (TTU), Lạc Hồng (LHU)...
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng hiện tuyển sinh đào tạo 8 ngành thuộc nhóm khoa học sức khỏe, trong tổng số 39 chương trình đào tạo (CTĐT) cử nhân của trường. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyển sinh đào tạo 7 ngành thuộc khối sức khỏe gồm: Y khoa, Y học dự phòng, Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm, Kỹ thuật Y sinh, Vật lý Y khoa.
Đa số ngành y, dược có học phí dao động từ 30 - 200 triệu đồng/năm, trong đó ngành Dược (HUTECH) học phí khoảng 40 triệu đồng/năm, ngành Dược (LHU) học phí trung bình 36 triệu đồng/năm. Y đa khoa (TTU) học phí 150 triệu đồng/năm, Răng - Hàm - Mặt (HIU) học phí khoảng 198 triệu đồng/năm...
Theo ThS Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Truyền thông và Marketing NTTU, năm 2020, mức học phí nhóm ngành sức khỏe của trường từ 1 - 1,4 triệu đồng/môn cơ sở; 1 - 2,9 triệu đồng/môn chuyên ngành và 660.000 đồng/môn cơ bản. Riêng ngành Y khoa, học phí sẽ dao động từ 20 triệu đến 26 triệu/học kỳ. Về cơ bản, mức học phí đối với SV khóa mới vẫn giữ ổn định so với
khóa trước.
Trong đợt xét tuyển ĐH 2020, Trường ĐH Văn Lang cho biết vừa được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo ngành Răng - Hàm - Mặt trình độ ĐH với thời gian đào tạo 6 năm, SV tốt nghiệp nhận văn bằng bác sĩ. Điểm nhận hồ sơ là 24 điểm, kèm điều kiện học lực của năm học lớp 12 xếp loại giỏi. Ngành Răng - Hàm - Mặt của VLU có học phí khoảng 150 triệu đồng/năm...
Theo ThS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực VLU, bác sĩ Răng - Hàm - Mặt là ngành học thứ 48 của trường, trực thuộc khoa Y. Đây là ngành học có số năm đào tạo lâu nhất tại VLU. Trước đó, khối ngành sức khỏe của VLU bao gồm các ngành đào tạo: Dược học (thời gian học 5 năm, SV ra trường nhận văn bằng Dược sĩ), Kỹ thuật Xét nghiệm Y học (thời gian học 4 năm, SV ra trường nhận văn bằng Cử nhân Kỹ thuật Xét nghiệm Y học), Điều dưỡng (thời gian học 4 năm, SV ra trường nhận văn bằng Cử nhân)...
Bảo đảm chất lượng đầu ra
SV ngành Y của Trường ĐH Tân Tạo thực hành tại Hoa Kỳ. - Ảnh: CTV
Nói về lý do ngày càng nhiều cơ sở GDĐH tư thục đầu tư mở CTĐT tạo khối ngành sức khỏe, ThS Mai Đức Toàn - Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông TTU cho rằng: Nhu cầu xã hội luôn cần nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực sức khỏe. Đó cũng là lý do mà các bệnh viện cần đội ngũ y tế giỏi, đồng thời các trường cũng mong muốn đáp ứng yêu cầu này.
Trong số 8 ngành đào tạo tại TTU có tới 3 CTĐT thuộc khối ngành sức khỏe (Y đa khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học). "TTU là trường đầu tiên đào tạo song ngữ (Anh, Việt) ngành Y. Hiện ngành Y của trường có chương trình thực tập cho SV tại Hoa Kỳ hàng năm và trường cũng tổ chức cho SV tham gia thi chứng chỉ hành nghề y tại Hoa Kỳ (UsMLE). Năm 2019, nhà trường được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 2 ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học chuẩn song ngữ theo khung đào tạo Hoa Kỳ tại Việt Nam..." - ThS Mai Đức Toàn
chia sẻ.
Cũng theo ThS Võ Văn Tuấn, với định hướng đầu tư chiến lược cho nhóm ngành sức khỏe, trong 3 năm qua, VLU liên tục phát triển CTĐT, mở các ngành cơ bản và mũi nhọn trong lĩnh vực y, dược, kỹ thuật y học. Khối ngành sức khỏe đã góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu cho VLU, đồng thời nhà trường đã và đang đầu tư rất lớn cho các mô hình bệnh viện - trường học, phòng khám đa khoa, phòng thí nghiệm dành riêng cho các ngành sức khỏe...
"Với định hướng giáo dục ứng dụng, VLU xây dựng CTĐT Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt chú trọng phát triển kỹ năng thực hành. SV sẽ có nhiều giờ thực hành trên hệ thống mô phỏng (simulation) hơn so với CTĐT hiện hành. Nhà trường chú trọng kỹ năng phẫu thuật thực hành, giúp SV tốt nghiệp tự tin thực hiện các phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp trong nha khoa..." - ThS Võ Văn Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, ThS Võ Văn Tuấn cho biết, để tạo điều kiện cho SV khoa Y của trường được thực tập nhiều hơn, nhà trường chuẩn bị khánh thành đưa vào sử dụng phòng khám đặt tại cơ sở 2 (233A Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh) vào tháng 10/2020. Đồng thời, nhà trường có kế hoạch xây dựng bệnh viện trong thời gian tới, nhằm giúp SV có cơ hội thực hành và nhận chứng chỉ hành nghề, hoàn thiện những kỹ năng lâm sàng qua thực tế tại bệnh viện.
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, do là ngành đào tạo đặc thù nên nhà trường đầu tư khá tốt về lực lượng cố vấn. Kiểm soát CTĐT của ngành này đều là các thầy cô lâu năm kinh nghiệm của Trường ĐH Y Dược TPHCM về đảm nhiệm. Chất lượng CTĐT luôn phải được kiểm soát theo chu trình PDCA (hệ thống quản lý chất lượng), để có sự cải tiến liên tục.
"Các trường mở nhiều khối ngành sức khỏe tạo điều kiện cho SV lựa chọn học tập và theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải kiểm soát được các điều kiện mở ngành, bảo đảm đúng thực chất, tránh trường hợp đánh bóng hồ sơ bằng cách thuê mướn trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người... sau khi được duyệt rồi không còn đáp ứng được chất lượng đào tạo...". TS Nguyễn Vũ Quỳnh (Phó Hiệu trưởng LHU)
Điểm chuẩn trúng tuyển Trường ĐH Nguyễn Tất Thành Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU) đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy năm 2020 phương thức điểm thi THPT. Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Nguyễn Tất Thành Theo đó Y khoa có điểm chuẩn cao nhất là 24 điểm. Điểm chuẩn năm 2020 của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tăng...