Rất khó để khẳng định chấm thi Ngữ văn có bất thường
Trước những ồn ào về điểm thi bất thường môn Ngữ văn của tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Văn Khanh – Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời là Tổ trưởng tổ chấm thi môn Ngữ văn tỉnh Hải Dương cho rằng chấm thi Ngữ văn nhiều phần do quan điểm cá nhân.
Môn Ngữ văn được chấm theo hình thức thi tự luận nên thường xuất hiện những ý kiến khác nhau khi chấm. Ảnh: Zing.vn
Điểm số phụ thuộc quan điểm người chấm
Liên quan tới những nghi vấn bất thường trong chấm thi môn Ngữ văn thời gian qua, ông Phạm Văn Khanh – Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời là Tổ trưởng tổ chấm văn tỉnh Hải Dương cho rằng: Việc chấm môn Ngữ văn ngoài việc căn cứ vào hướng dẫn chấm của Bộ GDĐT còn phụ thuộc nhiều vào quan điểm của người chấm.
Ông Khanh nói: “Chấm môn Ngữ văn bây giờ khẳng định có bất thường hay không là rất khó, đặc biệt nếu người chấm và thư ký thống nhất được với nhau về quan điểm. Bài mà cố tình nâng điểm từ 4 lên 8 thì rất dễ khẳng định có tiêu cực. Nhưng nếu bài trong khoảng 8,5 đến 9 thì việc cho thí sinh được 9 điểm là điều rất bình thường. Chênh lệch trong môn Ngữ văn khoảng 0,5 điểm đến 1 điểm lâu nay vẫn thường có những tranh cãi, nhưng chưa bao giờ ngã ngũ cả”, ông Khanh nói.
Ông Khanh nhận định thêm, so với Sơn La, Hà Giang hay Hòa Bình, việc Thái Nguyên có nhiều bài được điểm 9 có lẽ không có gì bất thường. Bởi Thái Nguyên cũng là một trung tâm giáo dục lớn, có nhiều lợi thế về học tập.
Để việc chấm thi môn Ngữ văn những năm tiếp theo bám sát hơn so với hướng dẫn của Bộ GDĐT, ông Khanh đề xuất: “Bộ GDĐT cần đưa hướng dẫn chi tiết hơn nữa để các địa phương có căn cứ chấm chuẩn hơn. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, việc chấm thi môn này có chênh lệnh sẽ không bao giờ hết tranh cãi, vì bản chất của văn chương là vậy”.
Đồng quan điểm trên, cô giáo Lê Thu Thủy – một giáo viên Văn tại Hà Nội chia sẻ: “Về việc chấm thi môn Ngữ văn, dư luận cần có cái nhìn khách quan hơn. Để chắc chắn điều bất thường hay không thì chỉ có việc rút chấm thẩm định lại mới có thể khẳng định được. Chúng ta không nên có những nghi ngờ ảnh hưởng tới các em có điểm thi thực chất, đúng với lực học của các em. Trong vụ việc ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, rất nhiều thí sinh có điểm thực chất bị tổn thương”.
Thái Nguyên cao thứ 6 cả nước
Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, năm 2018, cả nước có 901.806 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, điểm trung bình cả nước là 5,45.
Video đang HOT
Tại Hội đồng thi Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên, tổng thí sinh tham dự là 14.265 thí sinh. Điểm trung bình thi môn Ngữ văn là 6,1. Với điểm số này, Thái Nguyên là địa phương có điểm trung bình môn Ngữ văn cao thứ 6 cả nước.
Trong đó, số thí sinh có điểm trên 9 là 164, chiếm tỉ lệ 1,149%. Như vậy, tỉ lệ thí sinh có điểm trên 9 của Thái Nguyên cao xấp xỉ 4,4 lần tỉ lệ trung bình cả nước.
Hà Tĩnh là địa phương có tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên cao nhất, đạt 1,6%; chiếm 11,1% điểm số điểm từ 9 trở lên so với cả nước. Xếp sau Hà Tĩnh là Hậu Giang, có tỉ lệ điểm 9 trở lên 1,45%. Tỉnh Hậu Giang cũng là địa phương dẫn đầu về điểm trung bình môn Ngữ văn với 6,49. Trong hơn 6.000 thí sinh dự thi của tỉnh, có 89 em đạt từ 9 trở lên, chỉ 3 em bị điểm liệt.
TP.Hồ Chí Minh là địa phương có tỉ lệ điểm 9 trở lên môn Ngữ văn rất thấp, chỉ với 0,006% so với số thí sinh dự thi của tỉnh.
Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu… nằm trong top 10 địa phương có điểm trung bình Ngữ văn cao nhất. Điểm số nhiều thí sinh đạt được nhất là 6,0.
HUYÊN NGUYỄN
Theo laodong.vn
Những hạn chế của phương pháp dạy tiếng Anh Phonics
Nội dung dạy Phonics không bao gồm trọng âm từ, một trong những phần quan trọng nhất để phát âm tiếng Anh chuẩn.
Thầy giáo Quang Nguyen chia sẻ quan điểm cá nhân về phương pháp Phonics (đánh vần tiếng Anh).
Phonics - hay "đánh vần tiếng Anh" đang được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường ở Việt Nam. Nhiều giáo viên tiếng Anh cấp 1, cấp 2 đã nhắn tin hỏi mình khi gặp những rắc rối trong Phonics. Các câu hỏi thường đơn giản như tại sao "but" lại đọc khác "put", âm "er" trong từ "bird" có khác với trong "doctor" với "teacher" không...
Mình viết bài này hy vọng sẽ giúp các cô giáo đang lúng túng với giáo trình Phonic đỡ gặp khó khăn hơn trong quá trình giảng dạy.
Đầu tiên, Phonics là phương pháp dạy đọc ghép vần theo mặt chữ, rất phổ biến ở các trường học Mỹ hiện nay. Cách học là gắn liền chữ cái nhất định vào các âm trong tiếng Anh. Ví dụ, từ "cat" sẽ được phiên thành: "c" sounds like /k/, "a" sounds like //, và "t" sounds like /t/. Kết hợp lại thành /kt/.
1. Phonics chủ yếu phù hợp với từ đơn âm tiết
Đối với từ đơn âm tiết, ví dụ như "dog", "cat" hoặc "men", Phonics tương đối tốt cho trẻ. Phần lớn những từ này có cách viết giống cách đọc, hoặc có một số quy tắc giúp trẻ nhận diện được.
Ảnh: Pinterest
Tuy nhiên, ngay cả với từ đơn âm tiết, mỗi chữ tiếng Anh có thể đọc theo cách khác nhau rất nhiều. Ví dụ, chữ "a" trong "cat", "share", "ate" và "ball" có cách phát âm hoàn toàn khác nhau.
2. Phonics không dạy trọng âm từ
Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào mặt chữ, không ai có thể khẳng định trọng âm nằm ở đâu. Tiếng Anh có các quy tắc trọng âm có thể ứng dụng, nhưng số lượng ngoại lệ lại quá nhiều.
Hơn thế, trong nội dung dạy Phonics, theo mình biết, không bao gồm "word stress". Điều này chắc chắn sẽ làm bối rối cho giáo viên tiếng Anh, đặc biệt vì tiếng Việt không có khái niệm "trọng âm từ". Ngay ở Mỹ, việc trẻ nhìn vào mặt chữ và đọc sai trọng âm cũng rất nhiều. Đây có lẽ là hạn chế lớn nhất của Phonics.
Hơn thế, từ chỗ xác định được trọng âm đến chỗ đọc từ đó chính xác là cả một quãng đường dài.
3. Phonics không dạy về giai điệu (rhythm)
Khi nói tiếng Anh, "rhythm" đóng vai trò gần như quan trọng nhất, chỉ sau "word stress". Theo một số chuyên gia đầu ngành ở Mỹ, nó còn quan trọng hơn cả IPA (bảng phiên âm quốc tế). Rất tiếc, đây là khái niệm mới với hầu hết thầy cô, và không bao hàm trong Phonics.
Hiểu nôm na, "rhythm" là âm nhạc của ngôn ngữ. Nó xác định mọi người nhấn vào từ nào, không nhấn từ nào, và nhấn như thế nào. Trẻ em Mỹ không quan tâm tới vấn đề này, vì các em dùng tiếng mẹ đẻ. Nhưng trẻ EFL (học tiếng Anh ở nước không bản xứ) thường bị bối rối.
4. Phonics không dạy về ngữ điệu
Ví dụ, "What's your name?" thì đi lên hay đi xuống ở cuối câu? Đây là một câu hỏi về ngữ điệu (intonation), hay cách thức và mức độ nhấn của các từ. Giống "rhythm", trẻ bản ngữ không cần học về "intonation", vì chúng đã hấp thu (acquire) được trong quá trình sử dụng hàng ngày.
Trẻ Việt Nam thì không thế. Và tất nhiên, không phải giáo viên nào dạy tiếng Anh cũng biết về "intonation" - một nội dung tương đối phức tạp và khó dạy trong tiếng Anh.
5. Phonics không dạy về rất nhiều vấn đề khác
Ví dụ, từ "can" trong "We can maintain the relationship..." sẽ đọc khác với "can" trong "Yes, I can". Các vấn đề như nói theo cụm (thought group), nối âm, nuốt âm... đều không được dạy trong Phonics. Lý do là ở Mỹ, Phonics là môn dạy đọc (reading) chứ không phải dạy nói.
Tóm lại, khi các thầy cô được phân công dạy Phonics, hãy hiểu thật kỹ về bản chất của môn học này, đặc biệt về những khía cạnh mà Phonics không dạy.
Để giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả hơn, ít ra có thể đọc to sách giáo khoa mà không bị sai, thầy cô cần trang bị cho các em thêm kiến thức căn bản, ít nhất là về trọng âm và âm trong tiếng Anh.
Đồng thời, các nhà xuất bản sách giáo khoa, khi in sách có thể in đậm trọng âm của các từ khóa (content words), ví dụ: "this is my PEOple", hay "I'm a STUdent", nhằm hỗ trợ thầy cô và học sinh làm quen với khái niệm trọng âm trong tiếng Anh. Một sự thay đổi nhỏ đó sẽ góp phần to lớn cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh của các em sau này.
Quang Nguyen
Theo Vnexpress
Tuyển sinh đại học ở Đức và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam Công tác chấm thi tốt nghiệp phổ thông cần được tổ chức khách quan, không nên để địa phương tự chấm thi mà có thể phân cho các đại học chấm thi kết quả này. Theo dõi thông tin về hiện tượng "điểm thi bất thường" trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, độc giả Diệp Phương Chi, nghiên cứu sinh về giáo...