Rào cản nào với ứng dụng công nghệ trong giảng dạy?
Trong khi công nghệ đang phát triển như vũ bão, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày, hàng giờ, một bộ phận giáo viên (GV), giảng viên, thay vì “lợi dụng” sức mạnh công nghệ lại lo sợ và chối bỏ chúng.
Ảnh minh họa/ INT
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 10 công nghệ đã và đang có những tác động tích cực cải thiện chất lượng giáo dục đại học. Đó là các công nghệ chấm điểm bằng máy tính, sách giáo khoa điện tử, công nghệ mô phỏng, trò chơi hóa nội dung dạy học, lớp học đảo ngược, lớp học tích cực, khóa học trực tuyến mở; học tập hợp tác từ xa; diễn đàn học tập chủ động hay hệ thống quản lý học tập. Những hiệu quả ban đầu của việc ứng dụng các công nghệ này đang tạo ra một cơ hội tiếp cận kiến thức khổng lồ cho người học.
Mới đây nhất, dự kiến phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 nhắc đến việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính ở một số vùng thuận lợi. Một trường THPT tại TP Hồ Chí Minh cũng sẽ cho học sinh cả 3 khối thi trên điện thoại, máy tính xách tay, máy vi tính của nhà trường có kết nối mạng Internet…
Mặc dù ứng dụng công nghệ mang nhiều lợi ích, nhưng triển khai trên thực tế với giáo dục Việt Nam còn không ít rào cản. PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) từ quan sát của cá nhân đã nhắc tới 3 rào cản đang ảnh hưởng tới việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy của người GV, đó là: Thiếu sự hỗ trợ chuyên nghiệp, không tiếp cận hiệu quả với các công cụ và kháng cự lại sự thay đổi.
Giáo viên tập huấn CNTT. Ảnh minh họa/ INT
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, mặc dù việc đổi mới có thể được xem như một nhu cầu tự thân nhưng thiếu một bộ phận hỗ trợ chuyên nghiệp cho GV cũng có thể là rào cản lớn đối với việc sử dụng hiệu quả công nghệ vào quá trình giảng dạy. Nhiều GV ở trường cảm thấy không được chuẩn bị đủ để có thể tích hợp công nghệ vào trong lớp học của họ. Họ cho rằng, mình thiếu các công cụ công nghệ, thiếu sự đào tạo và hỗ trợ.
Việc thiếu tiếp cận hiệu quả với các thiết bị công nghệ cũng là rào cản lớn đối với việc ứng dụng công nghệ vào bài giảng. Ở nhiều trường học, GV không có quyền truy cập đầy đủ vào những ứng dụng mà họ được hướng dẫn, không thể sử dụng đầy đủ chức năng bảng thông minh mà chỉ sử dụng chúng như máy chiếu. Một số nơi còn chưa đủ máy tính, thậm chí chất lượng truy cập Internet không được đảm bảo.
Một rào cản phổ biến khác của GV trước những cái mới là kháng cự lại. Sử dụng công nghệ mới trong lớp học đòi hỏi nỗ lực rất cao trong giai đoạn giới thiệu đầu tiên – vì người học sẽ luôn cần hướng dẫn chi tiết của GV – khiến họ sợ hãi. Rồi để ứng dụng công nghệ phải sáng tạo ra các hoạt động, các nhiệm vụ học tập mới…
Video đang HOT
Có ý kiến bao biện quá nhiều công nghệ là không tốt, cốt lõi giáo dục vẫn là tương tác giữa thầy và trò. Một số người lo lắng công nghệ đang làm mất vai trò vị thế của người thầy. Vì thế, một số GV dẫu biết cách sử dụng công nghệ vẫn từ chối thay đổi bản thân và sử dụng chiến lược dạy học cũ…
Làm thế nào để có thể vượt qua những rào cản này? Trước hết, người GV cần được tiếp cận với kiến thức về môi trường giáo dục số và người học số trong thế kỷ 21 và các xu hướng công nghệ trong giáo dục. Họ cũng cần được hướng dẫn lập kế hoạch ứng dụng công nghệ giáo dục, công nghệ dạy học theo mục tiêu giáo dục.
Cần hướng dẫn sử dụng công nghệ một cách rất đơn giản vào trong các khâu của hoạt động giảng dạy. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào số lượng máy tính hay chất lượng đường truyền, người GV cần được hướng dẫn để tận dụng các thiết bị cá nhân cầm tay kết nối 3G, 4G để tham gia các hoạt động học tập tương tác trong lớp.
Với những người có xu hướng sợ công nghệ, cần được truyền cảm hứng bởi những người thích công nghệ qua diễn đàn tập huấn hoặc hướng dẫn đồng đẳng. Vì vấn đề không phải chỉ là cách thức hoạt động, sử dụng ứng dụng công nghệ mà họ cần được hướng dẫn cách tích hợp nó trong từng hoạt động chuyên môn hàng ngày, khiến cho việc giảng dạy nhẹ nhàng, thú vị hơn.
Tâm An
Theo GDTĐ
Phòng chống bạo lực học đường: Giáo viên cũng cần giúp đỡ
PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - cho rằng: Giáo viên cũng cần sự hỗ trợ từ bộ phận tư vấn tâm lý, tham gia các khóa tập huấn giúp giải tỏa căng thẳng, tham dự các buổi trao đổi trực tiếp với cán bộ tâm lý hoặc đồng nghiệp để giảm bớt sự cô độc trong công việc cũng như có giải pháp giải quyết những tình huống bế tắc.
Áp lực trong công việc không nhỏ đối với giáo viên. Ảnh: Quý Trung
Mức độ căng thẳng của nghề giáo thuộc nhóm cao
- Trường hợp giáo viên bạo lực học sinh, có khi nào PGS nghĩ rằng, bản thân thầy cô đó cũng cần được giúp đỡ?
- Điều này đúng. Thậm chí những nhà tâm lý như chúng tôi cũng cần được giúp đỡ qua sự giám sát của những người thầy và thảo luận nhóm với những đồng nghiệp như một cách để ứng phó với stress hay các tình huống bế tắc.
Các biểu hiện căng thẳng, kiệt sức dẫn đến sự kiệt quệ về cảm xúc, giảm sút ý thức, mất khả năng tự ý thức bản thân, không thể làm tốt công việc như khả năng có thể. Các dấu hiệu thể hiện ra có thể là mất hứng thú, chán nản mỗi sáng phải đi làm, muốn kết thúc tiết giảng sớm, mất tập trung trong mạch giảng dạy, giảm sự nhạy cảm với cảm xúc của học sinh, không đọc thêm tài liệu chuyên môn, không cập nhật bài giảng trong thời gian dài.
Hiện nay, công việc của giáo viên ngày càng nhiều thách thức với những kỳ vọng cao của phụ huynh và trách nhiệm lớn từ nhà trường. Họ cũng là một con người với những cung bậc tình cảm, có những căng thẳng, stress trong cuộc sống như bệnh tật, mất mát người thân, sự ly biệt, thất bại... Nhưng họ lại không được phép để những căng thẳng cá nhân đó ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ thân thiết trong chăm sóc, dạy dỗ học sinh.
Môi trường làm việc nhiều thách thức, trách nhiệm cao, lương thấp, các nguồn lực hỗ trợ không đủ làm tăng yếu tố độc hại nghề nghiệp khiến nghề giáo có mức độ căng thẳng nghề nghiệp thuộc nhóm cao, chỉ sau nhóm chủ doanh nghiệp, bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Giáo viên cũng cần sự hỗ trợ từ bộ phận tư vấn tâm lý, tham gia các khóa tập huấn giúp giải tỏa căng thẳng. Ảnh minh họa/ INT
Để cân bằng, người giáo viên cần luôn ý thức về các yếu tố nguy cơ gây tổn thương của nghề nghiệp, ghi nhớ rằng tự chăm sóc bản thân là điều tốt. Dành thời gian hợp lý cho bản thân: Về mặt thể chất có thể bao gồm ngủ đủ, thể dục đều đặn, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Về mặt tinh thần, bao gồm làm những việc mình yêu thích, nuôi dưỡng các mối quan hệ, nghỉ ngơi/thư giãn, ưu tiên các nhu cầu tinh thần và thể xác của bản thân bằng cách đặt ra và theo đuổi những mục tiêu công việc cụ thể và phù hợp. Chú ý đến những dấu hiệu stress hoặc kiệt sức.
Giáo viên cũng cần sự hỗ trợ từ bộ phận tư vấn tâm lý, tham gia các khóa tập huấn giúp giải tỏa căng thẳng, tham dự các buổi trao đổi trực tiếp với cán bộ tâm lý hoặc đồng nghiệp để giảm bớt sự cô độc trong công việc cũng như có giải pháp giải quyết những tình huống bế tắc.
Trăn trở về chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn
PGS.TS Trần Thành Nam
- Như PGS nói, các giáo viên cũng cần được hỗ trợ. Một trong những hình thức hỗ trợ là qua các khóa tập huấn. Vậy PGS nhận định như thế nào về các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn về bạo lực học đường tại Việt Nam?
- Tại Việt Nam, khảo sát của chúng tôi cho thấy, có một số tài liệu và chương trình tập huấn đã được triển khai dưới sự tài trợ của một số tổ chức NGO hoặc các dự án, nhưng chủ yếu mang tính địa phương và ngắn hạn. Nhiều chương trình không được thẩm định và không được thiết kế dựa trên bằng chứng nghiên cứu.
Chúng tôi cũng khảo sát một số chương trình đào tạo đại học và sau đại học các ngành tâm lý, giáo dục, sư phạm, công tác xã hội và thấy rằng, nội dung liên quan đến bạo lực học đường ít nhiều được đề cập đến như một phần nhỏ trong một môn học chung chứ chưa trở thành môn học độc lập.
Trong các chương trình đào tạo cử nhân hiện hành, mới chỉ có chương trình Tham vấn học đường của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội có 2 học phần tập trung sâu vào vấn đề này, là học phần "Công tác xã hội về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực học đường" và "Kỹ năng ứng phó khủng hoảng học đường". Trong tương lai, sẽ cần thêm nhiều học phần đào tạo chuyên sâu như vậy để trang bị cho người học những kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn.
- Cần làm gì để bảo đảm chương trình đào tạo, tập huấn có hiệu quả thiết thực, phù hợp với bối cảnh của trường học cụ thể, thưa PGS?
- Để bảo đảm cho các chương trình phòng chống bạo lực học đường có hiệu quả, giáo viên với kiến thức hàng ngày về bắt nạt là không đủ. Kiến thức lý thuyết sâu và rộng theo hệ thống rất cần thiết để thực hiện các biện pháp chống bắt nạt hiệu quả vì lợi ích tốt nhất của học sinh.
Các chương trình đào tạo cần trở nên chuyên nghiệp và được thẩm định để tạo nền tảng. Các khóa đào tạo, tập huấn cho giáo viên, nhân viên nhà trường trong lĩnh vực bạo lực và bắt nạt cũng cần mang tính toàn diện (can thiệp đa thành tố, giải quyết các vấn đề gia đình, bạn bè, cộng đồng ảnh hưởng đến sự phát triển và sự tồn tại của các hành vi bạo lực).
Cùng với đó là đủ liều lượng (đủ dài để hình thành kỹ năng, năng lực người thực hành); có định hướng (dựa trên cơ sở lý thuyết và bằng chứng về tính hiệu quả); tích cực (thúc đẩy mối quan hệ và hỗ trợ kết quả tích cực). Đồng thời, phù hợp với văn hóa (thích ứng với cộng đồng và các chuẩn mực văn hóa của những người tham gia trong đó có nhóm mục tiêu đưa vào lập kế hoạch và thực hiện chương trình); có đánh giá (có hệ thống đánh giá hiệu quả đầu vào, đầu ra để so sánh với mục tiêu).
- Xin cảm ơn PGS!
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Egroup nâng tầm giáo dục từ công nghệ 4.0 Tham gia thị trường trong bối cảnh xã hội ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng giáo dục, Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup (Egroup) nhận thấy sự cần thiết phải có một cuộc cách mạng đưa KHCN vào trong lĩnh vực giáo dục, giúp cho việc học tập và giảng dạy trở nên thông minh, sáng tạo...