Ra đời giữa Covid-19, startup non trẻ được định giá 5,6 tỷ USD
Ra mắt chưa tròn 2 năm, giữa thời điểm Covid-19 bùng phát, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Anh đã được định giá 5,6 tỷ USD.
Tháng 6/2019, Johnny Boufarhat thành lập Hopin dựa trên một ý tưởng đơn giản: tại sao không có thứ gì đó giúp các cuộc họp và sự kiện trực tuyến chất lượng cao hơn?
Hopin ra đời, cung cấp nền tảng để người dùng dễ dàng tổ chức mọi thứ thông qua Internet, từ triển lãm thương mại đến các sự kiện xã hội, bắt đầu với giá 99 USD/tháng.
Hopin là nền tảng hội nghị trực tuyến có mức tăng trưởng ấn tượng.
Chưa đầy 2 năm, các hội nghị quy mô lớn đã chuyển sang trực tuyến và Hopin được định giá 5,6 tỷ USD, một con số đáng kinh ngạc. Cùng với những tên tuổi lớn như Zoom và Netflix, startup này là người chiến thắng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và nhiều công ty phải chuyển sang làm việc từ xa.
“Tôi luôn tin rằng mình sẽ làm được điều gì đó gây tiếng vang”, Boufarhat nói với Business Insider trong cuộc phỏng vấn. “Với Hopin, chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp công nghệ lớn nhất ở châu Âu”.
Ý tưởng ra đời sau khi mắc bệnh
Theo hồ sơ, Boufarhat vẫn là cổ đông chính của Hopin, giúp chàng trai 26 tuổi này trở thành một người cực kỳ giàu có trên giấy tờ.
Sinh ra trong gia đình gốc Lebanon sống ở Australia, Boufarhat có một thời thơ ấu “bán du mục”. Anh từng ở nhiều nơi như Dubai, Papua New Guinea và Los Angeles.
Boufarhat luôn quan tâm đến phần mềm và mã hóa, lập ra công ty đầu tiên của mình khi còn là sinh viên ngành kỹ thuật cơ khí tại Đại học Manchester. Ứng dụng mang tên Universe, một mạng xã hội kết nối sinh viên với các nhà hàng và quán ăn trong thành phố để được giảm giá.
Cha đẻ Hopin muốn tạo ra phần mềm hội nghị trực tuyến tốt hơn.
Tuy nhiên, Boufarhat cảm thấy việc học đại học, sau đó làm trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và tư vấn quản lý, không phải là điều anh mong muốn nên đã cân nhắc đến việc bỏ học.
Video đang HOT
Tiếp đến, Boufarhat được chẩn đoán mắc bệnh tự miễn dịch (Autoimmune disease). Điều này khiến anh không thể thường xuyên ra khỏi nhà. Chính vào thời điểm này, ý tưởng về việc tạo ra phần mềm tốt hơn cho các cuộc họp trực tuyến đã xuất hiện.
Kể từ đó, Hopin có hành trình phát triển thần tốc, theo Boufarhat. Nhà sáng lập rất lạc quan về doanh nghiệp của mình. Anh nhiều lần tuyên bố đây là công ty khởi nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Tăng trưởng vượt bậc
Vào tháng 2/2020, khoảng 8 tháng sau khi được thành lập, Hopin đã thu hút khoản đầu tư 6,5 triệu USD và bắt đầu gây chú ý.
Thời điểm đó, Boufarhat và nhóm nhỏ của mình cố gắng duy trì sản phẩm. “Từ con số 0 đến khi có 20 người làm việc, tôi đã viết hầu hết đoạn mã”, anh chia sẻ. Khi công ty có 40 nhân viên, nhà sáng lập 26 tuổi này vẫn phải đi tiếp thị và đảm nhận một số việc khác.
Hopin được xây dựng từ xa hoàn toàn. Đội ngũ nhân viên tăng từ 6 người vào tháng 2/2020 lên hơn 400 người hiện nay.
Sau hơn một năm, Hopin huy động tổng cộng 571,4 triệu USD, thu hút nhiều nhà đầu tư nổi tiếng, bao gồm IVP, Salesforce Ventures, Northzone, Accel, Tiger Global, Coatue. Gần đây nhất là Andreessen Horowitz và General Catalyst đến từ Mỹ.
Nền tảng hội nghị trực tuyến Hopin tăng trưởng mạnh giữa đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, Boufarhat là nhà sáng lập duy nhất của Hopin, đi ngược lại thói quen đổ tiền vào startup do nhiều người tạo ra của các quỹ đầu tư.
“Tự khởi nghiệp, phát triển công ty từ xa và cố gắng học hỏi về khả năng quản lý khiến quá trình xây dựng Hopin rất khó khăn. Việc phải đưa ra những quyết định lớn với thời gian ngắn khiến tôi không thể ngủ”, Boufarhat nói.
Nhà sáng lập Hopin cũng không tìm được lời khuyên hoặc học hỏi mô hình đi trước, vì chưa từng có công ty nào gây dựng theo kiểu tương tự.
Định giá gấp 80 lần doanh thu
Vào tháng 11/2020, Hopin được các nhà đầu tư định giá 2,1 tỷ USD. Vài tháng sau, con số này tăng gấp gần 3 lần. Theo thống kê của Dealroom, định giá tăng chóng vánh đã giúp Hopin trở thành startup phát triển nhanh nhất châu Âu từ trước đến nay.
Các nhà đầu tư mạo hiểm định giá startup bằng cách so sánh với công ty tương tự trên sàn chứng khoán, sau đó tính toán bội số thích hợp dựa doanh thu hàng năm và những yếu tố khác.
Zoom, một ông lớn công nghệ tăng trưởng nhanh chóng trong đại dịch, được định giá gấp 26,6 lần doanh thu hàng năm (ARR).
Ra đời chưa lâu nhưng Hopin đã có 2 vụ thâu tóm các công ty trong ngành.
Hopin có khoảng 80.000 khách hàng, ARR 70 triệu USD và khoảng 440 nhân viên. Số vốn đầu tư khổng lồ giúp họ đủ tiền mua lại công ty tổ chức sự kiện Topi hồi tháng 12/2020 và nền tảng phát trực tuyến StreamYard vào đầu năm 2021.
Với mức định giá 5,61 tỷ USD, Hopin có bội số gấp 80 lần doanh thu hàng năm. Theo Business Insider , đây là con số đáng kinh ngạc, ngay cả trong thời điểm nhiều công ty đại chúng được định giá cao chót vót.
“Johnny đã sớm nhận ra cơ hội này”, Sonali De Rycker, từ quỹ đầu tư mạo hiểm Accel, đánh giá. “Đây là tốc độ tăng trưởng chúng tôi chưa từng thấy. Vẫn còn một con đường dài phía trước và thị trường rộng lớn dành cho Hopin”.
“Một tháng theo giờ Hopin giống như một năm trong thời gian bình thường”, chuyên gia Jules Maltz của quỹ đầu tư IVP cho biết. “Chúng tôi chưa từng rót vốn liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Tôi nghĩ Hopin là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay”.
Câu hỏi đặt ra là sức hút của startup này có thể kéo dài bao lâu. Hiện tại thế giới đang dần trở lại sống bình thường trong bối cảnh vaccine bắt đầu được phân bổ rộng rãi.
Boufarhat khẳng định công ty đang có lãi và tăng trưởng bền vững. Tình hình tài chính của Hopin vẫn chưa được công bố rộng rãi, tuy nhiên startup này sẽ công khai kết quả kinh doanh lần đầu vào tháng 6/2021.
Covid-19 giúp Nhật Bản có thêm nhiều kỳ lân công nghệ
Cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp (startup) nóng nhất Nhật Bản có hai điểm chung: kinh doanh trong những lĩnh vực có thể được mô tả là nhạt nhẽo và đưa những người sáng lập của mình vào nhóm siêu giàu.
Nhà sáng lập Taku Toguchi của AI Inside
Theo Bloomberg, những ví dụ điển hình có thể kể đến AI inside - giúp biến tài liệu viết tay thành tập tin điện tử; Freee K.K. - nhà cung cấp dịch vụ kế toán dựa trên đám mây hay Rakus - giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các dịch vụ sổ sách kế toán và gửi email.
Cổ phiếu của các công ty này tăng hơn gấp đôi trong năm qua, làm giàu cho những người sáng lập và dẫn đến việc bàn tán về một bối cảnh công nghệ đang phát triển rất khác so với Thung lũng Silicon.
Theo Giám đốc Tim Morse của Asymmetric Advisors, thành công của các công ty này là kết quả của việc đất nước thúc đẩy số hóa và Covid-19. Ông cho biết "chúng ta đang trải qua một kiểu thay đổi thế hệ với việc đại dịch đóng vai trò là chất xúc tác cho nhiều thay đổi". Công ty của Tim Morse cung cấp lời khuyên đầu tư về chứng khoán Nhật Bản và nhận thấy sự tăng trưởng tiếp tục cho các công ty này. Ông nhấn mạnh "bản thân chính phủ muốn khuyến khích số hóa nhiều hơn ở Nhật Bản. Nó có một xã hội già đi vì vậy nó thực sự cần tự động hóa nhiều hơn các nhiệm vụ lặp đi lặp lại".
Vào năm ngoái, các công ty công nghệ đã cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ mọi thứ từ làm việc từ xa đến học tập và mua sắm. Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon.com đồng thời là người giàu thứ hai thế giới, đã tăng gấp đôi tài sản của mình. Trong khi Eric Yuan hiện sở hữu khối tài sản 21 tỉ USD khi phần mềm hội nghị truyền hình Zoom Video Communications của ông trở thành một ứng dụng cần thiết cho nhu cầu làm việc học tập ở nhà.
Đối với Nhật Bản, quốc gia có dân số già nhất, Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang số hóa.
AI inside là một trong những người được hưởng lợi. Công việc kinh doanh của công ty đã phát triển nhanh chóng khi Covid-19 tấn công, nhưng đại dịch thậm chí đóng vai trò như một cú hích xa hơn. Lợi nhuận hoạt động tăng gần gấp sáu lần trong chín tháng kết thúc vào tháng 12, với dự báo công ty sẽ tăng lên 1,9 tỉ yen (17,6 triệu USD) trong năm tài chính tính đến hết ngày 31.3.
Với mức tăng gần 1.300% kể từ khi niêm yết vào tháng 12.2019, định giá của công ty đã đạt 1,8 tỉ USD và người sáng lập, Taku Toguchi, hiện có tài sản giá trị khoảng 900 triệu USD, theo chỉ số tỉ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires). Tuần trước, công ty cho biết ông sẽ thoái 1,6% cổ phần.
Thành công của AI Inside không xảy ra trong một sớm một chiều. Toguchi, một sinh viên bỏ học đại học và là doanh nhân biết mình muốn có một sự nghiệp trong lĩnh vực AI khi còn là thiếu niên. Ông đã dành bốn năm liên hệ với khoảng 500 công ty ở Nhật Bản, yêu cầu dữ liệu thô của họ để giúp phát triển công nghệ của mình, nhiều hơn những gì các công ty tương tự thường dành để thu thập dữ liệu và đó là lý do tại sao dữ liệu của công ty này lại chính xác đến vậy.
Toguchi nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12.2020 rằng "chúng tôi đã dành nhiều thời gian và làm việc chăm chỉ để làm điều đó vì đó là điều mà chỉ có thể làm được bằng cách nói chuyện với mọi người. Ngay cả khi doanh thu của chúng tôi gấp 10 lần hiện tại, chúng tôi vẫn sẽ không có đủ quy mô để thể chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Chúng tôi muốn tăng gấp đôi doanh thu của mình mỗi năm, ở mức tối thiểu". Trong khi hài lòng với việc tăng giá cổ phiếu, Toguchi coi công ty của mình là quá nhỏ và có tham vọng lớn đối với nó.
Freee K.K. và Rakus cũng đã được hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ hỗ trợ làm việc từ xa và tự động hóa. Tăng trưởng 538% của cổ phiếu Freee K.K. kể từ đợt phát hành lần đầu ra công chúng vào tháng 12.2019 đã đẩy giá trị công ty lên 5,9 tỉ USD; trong khi cổ phiếu của Rakus tăng hơn 2.700% kể từ khi công khai vào năm 2015. Công ty này hiện có giá trị 3,3 tỉ USD.
Đó là một sự "trả thù ngọt ngào" của nhà sáng lập Daisuke Sasaki, người mà những khách hàng tiềm năng trong những ngày đầu hầu hết coi dịch vụ kế toán đám mây mà ông đang phát triển là "không cần thiết". Doanh số bán hàng của Freee tăng 50% trong sáu tháng tính đến tháng 12 qua và giá trị tài sản ròng của Sasaki đã tăng lên 1,4 tỉ USD.
Rakus cũng vậy, công ty này đã có một xuất phát điểm khó khăn. Công ty được thành lập vào năm 2000, lần đầu tiên ra mắt dịch vụ kế toán vào năm 2009 nhưng doanh số mờ nhạt. Theo nhà sáng lập Takanori Nakamura, hệ thống không đủ phù hợp và thế giới chưa sẵn sàng. Nhưng sự phổ biến ngày càng tăng của điện thoại thông minh cùng với việc mọi người xử lý những thứ như chi phí trực tuyến đã giúp công ty thành công. Lợi nhuận hoạt động của Rakus đã tăng gấp ba lần trong chín tháng tính đến tháng 12 và giá trị tài sản của Nakamura hiện khoảng 1,2 tỉ USD.
Sự tăng giá liên tục gần đây khiến một số người lo lắng bong bóng có thể hình thành - đặc biệt là đối với các công ty như Freee vẫn chưa báo cáo lợi nhuận. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy định giá của công ty này gấp gần 17 lần so với các công ty niêm yết ở Sở giao dịch chứng khoán Tokyo cho các công ty khởi nghiệp, trong khi AI Inside cao hơn 20 lần và tỷ lệ giá trên doanh thu của Rakus lớn hơn khoảng năm lần.
Tuy nhiên, các doanh nhân Nhật Bản kiếm được nhiều lợi nhuận với các công ty khởi nghiệp đang ngày càng truyền cảm hứng cho những người khác đi theo con đường của họ. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, trong năm 2018 đã đặt mục tiêu tạo ra 20 kỳ lân - những công ty được định giá từ 1 tỉ USD trở lên - vào năm 2023. Hiện quốc gia này chỉ có 4 kỳ lân so với hàng trăm ở Mỹ và khoảng 120 ở Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu CB Insights.
Morse của Asymmetric Advisors cho biết "sức hấp dẫn của việc trở thành một doanh nhân và bắt đầu các doanh nghiệp mới ở Nhật Bản đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngày càng có nhiều người trẻ nghĩ rằng sẽ thú vị hơn nhiều khi làm việc cho một trong những công ty khởi nghiệp liên quan đến công nghệ này".
Thiếu gia 33 tuổi ôm mộng lập startup đối đầu Facebook: Là con trai tỷ phú, đã 2 lần khởi nghiệp thất bại, từng được Masayoshi Son rót vốn đầu tư Thiếu gia 33 tuổi nhà tỷ phú đôla đang ôm mộng lập mạng xã hội đối đầu Facebook. Kavin Bharti Mittal - con cháu trong gia tộc đứng sau công ty mạng không dây lớn thứ 2 Ấn Độ đang lên kế hoạch làm sống lại startup công nghệ đang gặp khó khăn của anh. Bước đi này được thực hiện sau 4...