Quyết tâm và nghị lực vượt khó của những đứa trẻ vùng biên
Lần gần đây nhất lên với Hà Giang – vùng đất còn nhiều khó khăn, điều làm tôi ám ảnh và nhớ nhất khi quay về TP, là những ánh mắt của các em học trò vùng biên.
Đó là ánh mắt của cậu bé xương thủy tinh Hạng Văn Minh ngồi trong khung cửa khi các bạn đang vui chơi trong giờ nghỉ trưa, là đôi mắt đẫm nước mắt của cô bé học trò Lù Thị Tâm khi nói về những khó khăn của gia đình… Ở khắp mọi nơi trên đất nước, đâu đâu cũng có những học trò hiếu học, dù cuộc sống còn khó khăn.
Trường Phổ thông dân tộc Bán trú – THCS xã biên giới Nghĩa Thuận nằm ngay cạnh Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cô Phạm Thị Hoan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 247 học sinh, 180 em bán trú tại trường, đa phần là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trường cũng có 6 em là con nuôi của Đồn biên phòng, vì hoàn cảnh gia đình của các em hết sức khó khăn.
Lúc tôi đến, em Hạng Văn Minh, dù đã là học sinh lớp 7 nhưng rất bé nhỏ, ngồi một mình trong lớp, nhìn ra sân khi các bạn chơi đùa. Với Hạng Văn Minh, chạy nhảy là không thể khi em mắc chứng xương thủy tinh, việc đi lại của em rất khó khăn. Nếu muốn di chuyển qua các phòng học, em đều được các thầy cô giáo và các bạn cõng.
Em Hạng Văn Minh ngồi một mình trong lớp học nhìn các bạn chạy nhảy trong giờ nghỉ, em bị chứng xương thủy tinh nên không thể vận động bình thường được. Ảnh: P.T
Hoàn cảnh gia đình của Hạng Văn Minh cũng hết sức khó khăn và nhiều thương cảm. Bố của Hạng Văn Minh là anh Hạng Mí Hồ, dân tộc Mông ở thôn Xín Cái, xã Nghĩa Thuận. Hạng Văn Minh, SN 2005 là con đầu. Từ lúc mới sinh ra, Minh thường xuyên đau yếu, gầy còi hơn các bạn cùng trang lứa. Khi vui chơi, em thường bị chấn thương đến xương và từ nhỏ đến nay, em bị gãy xương đến 4 lần. Gia đình chỉ phát hiện Minh bị bệnh xương thủy tinh từ năm 2014, khi có đoàn từ thiện về khám bệnh tại Trạm y tế xã. Do nhà nghèo, nên gia đình cháu không đưa đi chữa bệnh.
Hạng Văn Minh còn có hai em trai SN 2007 và năm 2009. Thế nhưng em út Hạng Văn Thắng, SN 2009 lại mới được phát hiện bị bệnh về máu. Nhà nghèo, bố mẹ chỉ dựa vào nương rẫy và vất vả vì chăm em ốm nhưng bù lại Hạng Văn Minh rất ngoan, chăm chỉ đi học, yêu trường yêu lớp. Cô Phạm Thị Hoan kể: Nhìn con ngồi học mà các thầy cô trong trường cứ trào nước mắt, con rất ngoan và ham học, cũng có nhiều môn có kết quả học khá.
Hạng Văn Minh di bút vào tờ giấy trước mặt tâm sự: Con muốn được chạy nhảy như các bạn, nhưng nếu thế bị thương bố mẹ lại vất vả, không có tiền chữa bệnh cho con. Con thích đi học, con mong được đến lớp đều đặn.
Cùng trường với Hạng Văn Minh cũng có những em học sinh khác hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Em Lù Thị Tâm, học sinh lớp 9B cũng là con nuôi của đồn Biên phòng Nghĩa Thuận. Gia đình Tâm có ba anh chị em, bố mẹ chỉ sống nhờ nương rẫy nên để các em đi học được rất khó khăn. Lù Thị Tâm giàn giụa nước mắt khi kể: “Đã có lúc con tưởng không được đi học nữa, vì để cả ba anh chị em đi học, bố mẹ con không đủ tiền. Nhờ các chú của Đồn biên phòng Nghĩa Thuận hỗ trợ, mỗi tháng gia đình con bớt được khó khăn, nhà con có 3 anh chị em đều rất thích đi học. Sau này con muốn trở thành bác sĩ, được về chữa bệnh tại ngay xã mình, vì bà con ở đây nghèo, đi xa chữa bệnh vất vả nên con thương”.
Em Sùng Thị Liên lớp 7A cũng là một học sinh rất giỏi, nhanh nhẹn, hoạt bát, thuộc diện hộ nghèo, trong nhà có 3 anh chị em đang tuổi đến lớp. Liên kể: “Có sự hỗ trợ của các chú đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, ba chị em con đều có thể đi học đều đặn, nếu không có sự giúp đỡ của các chú, con đã phải nghỉ học”.
Các em học sinh tại đây đa phần còn hoàn cảnh gia đình còn rất nhiều khó khăn, nhưng em nào cũng mong ước được đến trường, gắn bó với trường lớp, vượt quá khó khăn của bản thân để hoàn thành tốt việc học.
Khi tôi hỏi các em có mong ước nào đặc biệt không, em nào cũng chỉ trầm trầm: “Con chỉ mong được học hết chương trình, có việc rồi có thu nhập giúp đỡ gia đình thôi ạ”. Những ước mơ giản dị, nhưng đáng trân trọng biết mấy, của những đứa trẻ hiếu học nơi vùng biên cương địa đầu phía Bắc của đất nước.
Video đang HOT
Phan Thủy
Theo PLXH
Giáo viên vùng cao nấu cơm trưa miễn phí cho học sinh
Từ tháng 9-2018 đến nay, dù không phải là trường bán trú nhưng thầy cô Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum vẫn tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh đồng bào thôn Long Nan (thị trấn Đắk Glei) ở xa trường.
10 giờ 45 phút một ngày giữa tháng 3, tại khu hành lang Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei, nơi đặt bàn ghế đá có rất nhiều rau và thịt đã được rửa sạch. Cạnh đó, một số giáo viên và phụ huynh đang tất bật kho thịt, nấu canh... Khi thức ăn được nấu chín, họ lần lượt đưa vào phòng rồi chia thức ăn cho các em.
"Bếp" nấu ăn trưa cho 46 học sinh
Giáo viên trực tiếp vào bếp để nấu ăn cho học sinh
Trong số những người tham gia nấu ăn có chị Y Na Trang (thôn Long Nan, thị trấn Đắk Glei), mẹ của học sinh Y Cạn, đang học lớp 2 ở trường. Chị cho biết, có nhiều lúc con chị phải đi học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, nhà chị xa trường, trong khi vợ chồng chị thường đi làm rẫy nên không có ai ở nhà nấu cơm trưa cho con. Vừa qua, nghe trường bảo sẽ nấu ăn trưa cho học sinh, chị rất mừng và đồng ý ngay. "Đồ ăn ở trường đầy đủ, con tôi ăn cứ khen ngon. Hôm nay theo sự phân công của tổ tự quản, tôi lên trường phụ nấu ăn với giáo viên và trông nom các cháu buổi trưa cho đến khi các cháu vào học tiếp buổi chiều thì về. Tính ra một tháng tôi lên trường khoảng 3 lần. Tôi muốn trường tiếp tục duy trì hoạt động nấu ăn buổi trưa này vì nó rất có ích", chị Y Na Trang nói.
Chị Y Na Trang (bên phải), một phụ huynh tham gia nấu ăn với giáo viên
Theo thầy Trần Xuân Ninh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei, trường không thuộc diện bán trú nên không có chế độ nấu ăn cho học sinh. Từ tháng 9-2018, khi học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 ở thôn Long Nan chuyển về điểm trường chính học thì quãng đường từ nhà đến trường học xa hơn, việc đi lại khó khăn. Các cháu có ngày học 2 buổi, trong khi nhà khó khăn, bố mẹ thường xuyên lên rẫy nên không có người nấu ăn cho các em. Thực tế có nhiều em sáng học, trưa về nhà nhưng chiều lại không đến lớp, buộc giáo viên phải lặn lội xuống nhà động viên đi học. "Để ngăn các em nghỉ học, chúng tôi nghĩ đến chuyện phải nấu ăn buổi trưa cho 46 học sinh ở thôn Long Nan. Biết rằng việc tự nấu ăn sẽ khiến giáo viên vất vả, lại tốn tiền túi của mình nhưng vì yêu học sinh, không muốn các cháu mất "con chữ" nên quyết tâm phải triển khai. Chúng tôi trình bày ý định này cho phụ huynh và được nhiều người tán thành", Thầy Ninh nói.
Món thịt kho mà giáo viên nấu cho học sinh ăn trưa
Ban đầu, hàng chục giáo viên của trường tham gia bằng cách bỏ tiền túi, hoặc góp gạo, mì tôm, thịt heo rồi tầm trưa thì nấu ăn cho các em, sau đó mới về nhà lo chuyện gia đình. Sau này, trường kêu gọi thêm phụ huynh cùng hỗ trợ và nhiều người dù không có con em ở lại ăn cơm trưa cũng tự nguyện đóng góp.
Thay vì về nhà nghỉ trưa rồi chiều đi học, các em ở lại trường và được giáo viên nấu ăn
"Ngoài ra, một tổ tự quản phụ huynh được thành lập và họ sẽ phân công từng người lên trường để phụ giáo viên nấu ăn, trông coi các cháu buổi trưa cho đến khi các cháu vào học thì về. Ngày thấp nhất thì trường nấu ăn cho 16 học sinh, ngày cao nhất là 46 học sinh. Từ lúc tổ chức nấu ăn, học sinh không còn nghỉ học nữa. Điều này chính là động lực cho giáo viên tiếp tục triển khai công việc nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh thôn Long Nan" thầy Ninh cho biết.
Học sinh ở trường còn khó khăn
Ông A Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, cho rằng, gia đình nhiều em học sinh còn khó khăn, có lúc học 2 ca, nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón con, nên việc trường kêu gọi rồi tự nấu ăn cho các em là điều rất tốt và đáng tuyên dương.
Dưới đây là hình ảnh chúng tôi ghi nhận được:
Bữa cơm trưa tại trường của các em
Các cháu ăn ngon lành
Có cháu mang thêm cơm đến trường
Thức ăn được bổ sung thêm cho các cháu
Giáo viên dọn dẹp sau bữa ăn trưa
HỮU PHÚC
Theo sggp
Hiệu quả tích cực từ GD kĩ năng sống cho HS bán trú dân tộc thiểu số Giáo dục kĩ năng sống cho HS nhất là HS các trường bán trú, là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Đối với các em HS là người DTTS, hoạt động rèn kỹ năng sống đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao tính tự giác cho các em ở trường. HS đến ở nội trú biết...