Quyết liệt phòng chống tình trạng “đội lốt” hàng Việt
Các cơ quan chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp tích cực, quyết liệt, đồng bộ, cụ thể để chống gian lận thương mại, xuất xứ nhằm Quyết liệt phòng chống tình trạng “đội lốt” hàng Việt.
Chiều 13-9, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các hiệp hội ngành hàng nhằm lắng nghe các kiến nghị về đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Chủ trì cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng
Đề án này nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đông bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu. Bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới có nhiều biến động, thời gian qua, Việt Nam kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, xuất xứ trên thị trường Việt Nam cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các cơ quan chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp tích cực, quyết liệt, đồng bộ, cụ thể để chống gian lận thương mại, xuất xứ; mặt khác, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)… để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Video đang HOT
Tại cuộc làm việc, đại diện các hiệp hội ngành hàng khẳng định trong thời gian qua, các cơ quan của Việt Nam đã vào cuộc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là với hàng hóa có rủi ro gian lận thương mại, ngăn ngừa, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận.
Các ý kiến đều kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quy định, tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm cơ sở xác định hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam, hàng hóa gian lận xuất xứ.
Mặt khác, các đại biểu cũng đề xuất nhiều kiến nghị để hoàn thiện hơn dự thảo quy định về “Made in Việt Nam” mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến. Theo Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, tiêu thụ điện năng là một yếu tố rất quan trọng để xác định một cơ sở có sản xuất thực tế hay chỉ nhập hàng về rồi dán tem mác, cũng là một yếu tố chứng minh năng lực sản xuất của cơ sở đó đến đâu.
Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng cơ quan soạn thảo cần lưu ý tới khả năng sẽ có những mặt hàng của chúng ta đạt tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định của nước ngoài, nhưng lại không đạt tiêu chí theo quy định đang được Bộ Công Thương xây dựng.
Các đại biểu cũng đề nghị Việt Nam cần đẩy mạnh đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, để chống gian lận thương mại, xuất xứ, rất cần sự hợp tác, chung tay giữa các cơ quan nhà nước và với các hiệp hội doanh nghiệp; các hiệp hội sẵn sàng cho công tác này.
Đại diện Hiệp hội Nhựa đề nghị trong công tác phòng chống gian lận xuất xứ, nên tập trung vào một số ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ cao, có dấu hiệu về các doanh nghiệp gian lận. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Giấy cũng khẳng định “chắc chắn là các hiệp hội biết rõ các doanh nghiệp nào có nguy cơ cao gian lận, có biểu hiện làm ăn gian dối”.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp như về quy định thuế VAT với một số mặt hàng.
Hiệp hội Dệt may tiếp tục phản ánh về các khó khăn liên quan tới quy định của Bộ Công Thương về kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may, trong đó hồ sơ yêu cầu nhiều giấy tờ không hề liên quan tới formaldehyt.
Đa số các ý kiến đều nhận định thủ tục cấp C/O là thuận tiện, tuy nhiên Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn cho rằng thủ tục này vẫn còn những khó khăn và thời gian dài. Chẳng hạn doanh nghiệp vẫn phải mua nhiều chữ ký số để tương thích với nhiều phần mềm khác nhau, “thậm chí nếu không mua chữ ký số của doanh nghiệp phần mềm thì khi gặp trục trặc sẽ không được hỗ trợ” trên trang web cấp C/O của VCCI.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đồng ý với quan điểm cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng với các hiệp hội doanh nghiệp trong phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các hiệp hội có kiến nghị cụ thể, chi tiết bằng văn bản; các ý kiến sẽ được tổng hợp đầy đủ. Tổ công tác sẽ tiếp tục lắng nghe và thời gian tới sẽ làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về nội dung này, từ đó tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, mặt khác có các giải pháp hiệu quả hơn nữa để phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo Người Lao Động
Ngăn chặn gian lận "Made in Vietnam"
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của hàng hóa Việt Nam
Ngày 10-9, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết trước diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam; gian lận, giả mạo xuất xứ để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Điều tra xuất xứ
Theo ông Mai Xuân Thành, lực lượng hải quan đã tiến hành điều tra sâu đối với hành vi gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng cụ thể như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng mặt trời. "Cơ quan hải quan đang tập trung phân tích các ngành hàng, mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến để so sánh với quy mô, khả năng của sản xuất trong nước nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước" - ông Thành cho hay.
Xuất xứ hàng hóa là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm
Nhìn nhận các hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong nước, ông Mai Xuân Thành cho rằng không thể đánh mất lợi thế này vào tay các nhà sản xuất nước ngoài. Đánh giá về tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất sang các thị trường mà nước ta ký kết các FTA, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), nhận định Việt Nam đã thực hiện 12/15 Hiệp định FTA đã ký kết, do vậy không loại trừ hàng hóa của một số nước, trong đó có Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các đối tác FTA để hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Theo ông Âu Anh Tuấn, thực tế cho thấy một số mặt hàng của Việt Nam đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp như thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Hải quan Mỹ áp mức thuế hơn 400%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác cũng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như tôm, pin năng lượng mặt trời, xe đạp, xe tay nâng. "Các nước điều tra chủ yếu là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và khối EU" - ông Tuấn nói.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, bảo vệ, hỗ trợ phát triển cho các nhà sản xuất Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ liên tiếp áp mức thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngày 23-8 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ chống gian lận, giả mạo xuất xứ.
Siết việc cấp C/O
Ông Âu Anh Tuấn cho biết trong quá trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, lực lượng hải quan phát hiện quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng còn lỏng lẻo. Đơn cử như gỗ dán, gỗ ván ép, có tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng các quy định để gian lận trong khai báo mã số HS nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. "Bên cạnh đó, việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ. Có tình trạng DN nộp chứng từ không hợp lệ, sử dụng các chứng từ giả hoặc quay vòng chứng từ" - ông Tuấn nêu rõ.
Hiện nay, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là 2 cơ quan có thẩm quyền cấp C/O. Bởi vậy, để siết chặt xuất xứ hàng hóa, lực lượng hải quan đã trao đổi thông tin về tờ khai hải quan, kim ngạch xuất nhập hàng hóa với 2 cơ quan này. Qua đó, Bộ Công Thương và VCCI có thể tra cứu dữ liệu thông tin tờ khai xuất khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để phục vụ việc cấp C/O, đối chiếu giữa thông tin khai báo trên tờ khai hải quan với thông tin khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O để phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, đơn vị này thường xuyên cung cấp số liệu kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cho các cơ quan có liên quan để chủ động phòng chống gian lận xuất xứ đối với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng bất thường và có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận xuất xứ.
Rà soát doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp đơn giản
Ông Mai Xuân Thành cho biết bên cạnh các kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo rà soát các DN nhập khẩu sản phẩm là linh kiện, bộ phận, bán thành phẩm về để lắp ráp đơn giản thành sản phẩm nguyên chiếc hoặc thay bao bì rồi lấy xuất xứ Việt Nam. Sau khi có kết quả, lực lượng hải quan sẽ thông báo cho người tiêu dùng, nhà sản xuất cùng ngành hàng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và DN sản xuất trong nước.
Theo Người Lao Động
Bị "hét giá" 400.000 đồng/quả, hồng Nhật Bản vẫn đắt như "tôm tươi" Một loại hồng Nhật Bản dù mức giá từ 2,5 triệu đồng/hộp (5-7 quả), đắt gấp cả chục lần hàng Việt nhưng được nhiều người tìm mua, tính trung bình ra mỗi quả có giá hơn 400 nghìn đồng/quả. Cuối tháng 8, thị trường Trung thu 2019 đã bắt đầu vào cao điểm. Các mặt hàng hoa quả, bánh và đồ trang trí...