Quý ông cảnh giác khi viêm niệu đạo
Nếu thấy đường tiểu ra dịch, mủ, có khả năng bạn bị nhiễm trùng qua đường tình dục và có thể lây cho những người khác.
Niệu đạo là đoạn ống nối giữa bàng quang đến lỗ tiểu. Niệu đạo là đường ra chung cho cả đường tiểu và đường tinh, do vậy sự nhiễm trùng tại niệu đạo có thể gây tác hại cho cả hệ thống đường tiểu và đường tinh. Viêm niệu đạo thường là vì một tác nhân do lây truyền qua đường tình dục hoặc do tạp trùng.
- Do lậu: Lậu là một trong các tác nhân thường gặp trong bệnh lây qua đường tình dục, có thể gây ra viêm niệu đạo.
- Không do lậu: Viêm niệu đạo do một tác nhân khác không do lậu như Clamydia (nhóm tác nhân gây bệnh lây qua đường tình dục), hoặc từ mầm bệnh khác (vi khuẩn hoặc virus). Những tác nhân khác cũng có thể gây nên viêm niệu đạo như: sau khi đặt thông tiểu, nhiễm nấm, dị ứng xà phòng, hóa chất, chất diệt tinh trùng, sẽ làm hẹp dần niệu đạo.
Khoảng 30% số bệnh nhân viêm niệu đạo không tìm được tác nhân. Một số bệnh nhân có thể bị viêm niệu đạo do lậu và không do lậu cùng lúc.
Ảnh minh họa: Gawker.com.
Ai có thể bị viêm niệu đạo?
Bạn có nguy cơ cao bị viêm niệu đạo nếu có quan hệ tình dục, độ tuổi dưới 35 và thay đổi bạn tình gần đây. Đàn ông quan hệ tình dục đồng giới và những người có quan hệ không dùng bao cao su cũng có nguy cơ cao hơn.
Các triệu chứng thường gặp khi viêm niệu đạo:
- Chảy dịch hoặc mủ vàng – xanh ra lỗ tiểu là dấu hiệu phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng có.
- Tiểu đau, tiểu buốt, đôi khi tiểu khó và lắt nhắt nhiều lần.
Video đang HOT
- Cảm giác ngứa, khó chịu và bị kích thích mắc đi tiểu dọc theo dương vật.
Một số người hoàn toàn không có triệu chứng.
Làm thế nào để bớt viêm niệu đạo?
Các triệu chứng có thể xuất hiện rầm rộ hay nhẹ nhàng, thậm chí có thể mất triệu chứng sau một thời gian, nhưng tác nhân có thể vẫn tồn tại trong niệu đạo và bùng lên triệu chứng vào bất cứ lúc nào.
Vì vậy, bạn vẫn có khả năng còn bị nhiễm và có thể truyền sang cho người quan hệ với mình ngay cả khi các triệu chứng đã bớt đi. Vài loại vi khuẩn khiến viêm niệu đạo ở nam giới (chẳng hạn chlamydia) có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng ở phụ nữ. Một số lưu ý cho bạn:
- Nên đến gặp bác sĩ nam khoa – niệu khoa hoặc da liễu sớm nhất có thể khi thấy có dịch tiết hay ra mủ bất thường, tiểu rát, tiểu buốt, khó tiểu hoặc kích thích đi tiểu nhiều lần.
- Giữ vệ sinh tốt trước và sau khi quan hệ.
- Tự bảo vệ mình bằng bao cao su khi thay đổi bạn tình hoặc với bạn tình mới mà mình không chắc chắn an toàn.
- Uống thật nhiều nước để giúp làm sạch đường tiểu và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự điều trị qua tham khảo trên mạng hay bạn bè truyền miệng sẽ khiến cho việc điều trị chậm trễ và tăng khả năng kháng thuốc của các chủng vi khuẩn.
Điều quan trọng nhất bạn cần nhớ, ra mủ hay dịch tiết từ niệu đạo không đồng nghĩa hoàn toàn với lậu. Nếu vẫn còn ngộ nhận điều này, bệnh nhân và chính bác sĩ cũng sẽ chỉ điều trị lậu (nhiều khi đúng là lậu, nhiều khi không phải) và hoàn toàn bỏ sót việc tầm soát để tìm các tác nhân khác không phải do lậu để điều trị cho đứt điểm, tránh tình trạng hẹp niệu đạo gây giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh sau này.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn
Trưởng khoa niệu – nam khoa, Bệnh viện quốc tế Thành Đô
Theo VNE
Hơn nửa phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu
Phụ nữ đang độ tuổi sinh hoạt tình dục mà thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu thì nên xem lại tư thế quan hệ nhằm tránh gây tác động niệu đạo.
Ảnh: sheknows.com.
Tỷ lệ mắc bệnh trong cả đời người là 53% với nữ và 14% với nam, theo số liệu của Dự án về bệnh lý tiết niệu Bắc Mỹ.
Nói chuyện tại Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP HCM, thạc sĩ Chung Tuấn Khiêm (Bệnh viện Bình Dân) cho biết, nhiễm trùng đường tiểu hay còn gọi nhiễm trùng niệu là bệnh thường gặp, do vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu, hoặc vi khuẩn từ máu đến định cư và nhân lên tại nơi này. Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, trong nước tiểu của bệnh nhân thường có vi khuẩn và tế bào mủ.
Nhiễm trùng đường tiểu được phân loại thành viêm niệu đạo (gây cảm giác rát bỏng khi đi tiểu, đôi khi có mủ); viêm tuyến tiền liệt (ở nam giới, gây tiểu gắt, tiểu khó, đau hạ vị, đôi khi sốt cao, xuất tinh ra máu), viêm đài bể thận, viêm thận, áp xe thận, và viêm bàng quang. Viêm bàng quang là nhiễm trùng niệu thường gặp nhất ở nữ giới, 20% phụ nữ có một lần bị viêm bàng quang trong đời và trong đó có 20% tái phát.
Vi khuẩn E. coli gây nên 80% trường hợp nhiễm trùng đường tiểu ở người lớn. Vi khuẩn này thường hiện diện trong đại tràng và có thể đi vào lỗ niệu đạo từ vùng da xung quanh hậu môn và cơ quan sinh dục. Phụ nữ dễ nhiễm bệnh hơn do lỗ niệu đạo nằm gần với nguồn vi khuẩn từ phía sau (hậu môn, âm đạo) và niệu đạo của phụ nữ cũng ngắn hơn do đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang. Ngoài E.coli, một số vi khuẩn khác như Chlamydia trachomatis hay Mycoplasma hominis... đều có thể gây nhiễm trùng đường tiểu. Một người nếu nhiễm vi khuẩn này có nhiều khả năng lây truyền cho người khác trong khi giao hợp.
Những người có dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu, hẹp bao quy đầu, hẹp niệu đạo, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, có thai hoặc mãn kinh, sỏi thận, sỏi bàng quang, giao hợp với nhiều bạn tình, bất động lâu ngày (chấn thương, bại liệt), uống ít nước, mắc chứng són phân... có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
Triệu chứng nhiễm trùng niệu rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi và vị trí nhiễm trùng trên đường tiết niệu. Nhìn chung là đều tiểu đau rát, tiểu khó mặc dù muốn tiểu, tiểu nhiều lần, giao hợp đau, có thể chảy mủ và tiết dịch miệng sáo, có thể sốt...
Bác sĩ Tuấn Khiêm cho biết, những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu nhẹ nhàng có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vì nhiễm trùng đường tiểu về lâu dài có khả năng gây nên những biến chứng nặng nề, như nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, phụ nữ có thai có thể đẻ non, gây nhiễm trùng sơ sinh... nên tất cả trường hợp mắc bệnh dù nặng hay nhẹ đều được khuyến cáo điều trị kỹ càng. Thuốc điều trị thường dùng là các kháng sinh. Liệu trình cũng như loại thuốc tùy thuộc vào loại vi khuẩn cũng như vị trí nhiễm trùng.
Bác sĩ cũng khuyên, để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, biện pháp chung nhất vẫn là gìn giữ vệ sinh cá nhân thật tốt:
- Thay tã cho trẻ ngay lập tức sau khi dính phân.
- Chị em cũng như các bé gái cần tránh thói quen lau hậu môn từ trước ra sau khi đại tiện.
- Mọi người nên tập thói quen uống nhiều nước nhằm tăng lượng nước tiểu để tống xuất vi khuẩn khỏi đường tiểu. Vitamin C cũng có khả năng giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
- Không được nhịn tiểu (trừ trường hợp có lời khuyên của bác sĩ).
- Nên tắm vòi hoa sen, không nên ngâm mình trong bồn tắm.
- Đi tiểu trước và sau khi giao hợp.
- Vệ sinh sạch vùng sinh dục trước khi giao hợp.
- Nếu phụ nữ đang độ tuổi sinh hoạt tình dục mà thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu thì nên xem lại tư thế giao hợp nhằm tránh tác động nhiều đến lỗ niệu đạo.
- Tình dục an toàn, chung thủy.
Hoàng Anh
Theo VNE
Viêm tuyến tiền liệt có khả năng gây ung thư? Viêm tiền liệt tuyến thường biểu hiện dưới hai dạng là cấp và mạn tính. Viêm tuyến tiền liệt cấp có triệu chứng tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đau, kèm theo sốt. Hỏi: Cách đây 2 năm tôi đi khám bệnh và phát hiện bị viêm tuyến tiền liệt, đã điều trị khỏi nhưng nay lại tái phát. Xin cho hỏi tôi...