Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm: 6 năm vẫn chờ bản kế hoạch chi tiết
Năm học 2019 – 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nhiệm vụ quan trọng là trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, đề ra từ năm 2013; sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền.
Nhưng đến nay, nhiệm vụ cần giải quyết này vẫn đang đứng trước nhiều vướng mắc.
Bất cập
Dự báo đến năm 2020 sẽ thừa 70.000 cử nhân sư phạm. Ảnh minh hoạ: TTXVN.
TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nhiệm vụ quy hoạch này được thể hiện trong Nghị quyết số 29/NQ- TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đặt ra yêu cầu cấp thiết phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo giáo viên, trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm, khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã xác định cần phải sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.
Thực tế này cho thấy sự cần thiết, cấp bách trong việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Liên tục những năm qua, vấn đề này được nhắc đến trong các nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục mỗi dịp năm học mới. Tuy nhiên, đến nay đã 6 năm, nhưng bản kế hoạch chi tiết về quy hoạch các trường sư phạm vẫn chưa có.
Qua tìm hiểu, đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, cả nước hiện có 154 cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm 15 trường Đại học (ĐH) sư phạm, 48 trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên, 30 trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm, 19 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên, 2 trường Trung cấp sư phạm và 40 trường Trung cấp đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non.
Một thực tế nữa là hiện nay có 5 nhóm ngành có tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao, trong đó nhóm ngành Khoa học giáo dục đứng đầu bảng chiếm 19%. Từ năm 2016, Bộ GD&ĐT dự báo đến năm 2020 sẽ thừa 70.000 cử nhân sư phạm. Hệ quả là hàng ngàn giáo viên hợp đồng dạy vá chỗ trống chờ ngày được tuyển dụng, hàng ngàn sinh viên sư phạm phải giấu bằng tốt nghiệp đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, bán hàng hay chuyển sang các loại hình lao động khác. Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm không nhỏ. Chỉ tính riêng năm 2011, Nhà nước đầu tư 250 tỷ đồng, dự toán ngân sách phân bổ năm 2014 lên hơn 484 tỷ đồng…
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Học viện Hành chính Quốc gia đặt vấn đề: Năm 2030, tầm nhìn đến 2050, các trường sư phạm nên chuyển sang đa ngành hay chuyên ngành đào tạo là câu hỏi cần sớm có lời giải đáp. Vì hiện có hơn 100 trường ĐH sư phạm, trong đó có nhiều trường quy mô nhỏ, manh mún, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, hoạt động thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên cho xã hội…
Còn bà Nguyễn Thị Huyền, trường CĐ Sư phạm Thái Bình chỉ ra nhiều bất cập trong tuyển sinh và đào tạo sư phạm hiện nay như thiếu gắn kết giữa các cơ sở đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông; nhiều trường sư phạm đào tạo hiện không bám sát với nhu cầu thực tiễn, dẫn đến thiếu gắn kết giữa các trường sư phạm với các trường phổ thông, trường mầm non và giữa các trường sư phạm với nhau hay giữa các trường sư phạm thiếu kết, nên đầu ra chưa chú trọng phát triển năng lực sinh viên…
Sắp xếp theo hướng phân hoá
Video đang HOT
Trước thềm năm học mới 2019 – 2020, Bộ GD&ĐT phối hợp với các trường sư phạm trong cả nước vẫn tiếp tục xây dựng bản quy hoạch chi tiết trình Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cần đi theo hướng có sự phân hoá, tái cơ cấu để xây dựng các trường ĐH có chất lượng cao, có uy tín thành trường trọng điểm.
GS Nguyễn Văn Minh, ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2 cơ sở, miền Nam 2 cơ sở và Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 – 20.000 nhân lực giáo dục mỗi năm. Các cơ sở khác, các trường CĐ Sư phạm thành các phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng… trở thành nơi phát triển giáo dục địa phương.
Còn đối với các trường sư phạm địa phương, bà Vũ Thị Huyền, CĐ Sư phạm Thái Bình cho rằng: Khi quy hoạch các trường sư phạm địa phương, Bộ GD&ĐT cần lưu ý tính kết nối giữa các trường với cơ sở sư phạm trọng điểm về địa lý, kinh tế – xã hội từng vùng miền, nhằm tránh phân bổ không đồng đều hoặc chồng lấn.
GS Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc Trường ĐH Thái Nguyên cho rằng, cần giải thể mô hình ĐH vùng, bởi mô hình này đang cản trở hoạt động các trường đại học thành viên. Hoặc nếu không được thì cần trao quyền tự chủ cao cho các trường ĐH thành viên và có cơ chế chính sách cho ĐH vùng phát triển như ĐH quốc gia; đồng thời có cơ chế quản lý ĐH vùng, ĐH quốc gia đảm bảo phát huy năng lực, vai trò của các trường.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ chia sẻ: Trong năm học 2018 – 2019, Bộ GD&ĐT đã tăng cường công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH và chương trình đào tạo, để góp phần hoàn thiện quy hoạch các trường sư phạm trình Chính phủ. Tính đến ngày 30/6/2019, cả nước đã có 121 cơ sở giáo dục ĐH và 3 trường CĐ Sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam, chiếm khoảng 51% tổng số các trường ĐH, học viện trong cả nước. Có 6 trường ĐH được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). Về kiểm định chương trình đào tạo, có 16 chương trình đào tạo của 7 trường ĐH được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và 128 chương trình đào tạo của 24 trường ĐH, học viện được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Bộ GD&ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến các trường sư phạm trọng điểm, các chuyên gia giáo dục để sớm hoàn thiện quy hoạch này.
Theo Lê Vân/Báo Tin tức
Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, để tạo điều kiện phát triển các trường sư phạm cần tạo ra sự hỗ trợ của toàn hệ thống đại học đối với hệ sư phạm.
Thông tin từ Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện cả nước có 154 cơ sở đào tạo giáo viên bao gồm 15 trường đại học sư phạm, 48 trường đại học đa ngành, 30 trường cao đẳng sư phạm, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên, 2 trường trung cấp sư phạm và 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo giáo viên mầm non được phân bố ở khắp các vùng, miền, địa phương.
Những số liệu này cho thấy, hầu như ở mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một trường sư phạm, đặc biệt tập trung nhiều ơ một số thành phố lơn như Ha Nôi va thanh phô Hô Chi Minh. Nếu tính trung bình thì mỗi tỉnh (thành) hiện có từ 02 đến 04 cơ sở đào tạo tham gia công tác đào tạo giáo viên.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã và đang là yêu cầu cấp bách. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo giáo viên - nhân tố chính tạo nên sự thay đổi.
Đồng thời phải khắc phục được những hạn chế, bất cập của hệ thống trường sư phạm hiện tại (như hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên phân bố quá dàn trải, nguồn lực bị phân tán, nhiều trường sư phạm có quy mô nhỏ, chất lượng đào tạo thấp; chức năng đao tao của nhiều cơ sở con trùng lặp, chồng chéo...)
Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm nhằm khắc phục những hạn chế đó.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên chúng ta tìm hướng đi cho ngành sư phạm. bởi lẽ những năm 90 của thế kỉ XX, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân đã nhắc tới vấn đề này nhiều lần.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, để tạo điều kiện phát triển các trường sư phạm cần tạo ra sự hỗ trợ của toàn hệ thống đại học đối với hệ sư phạm. (Ảnh: Trinh Phúc)
Để minh chứng cho điều đó, hôm nay, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trích dẫn lại phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân tại Hội nghị chuyên đề "Quy trình đào tạo mới trong các trường đại học" tổ chức ở Hà Nội vào tháng 10/1990.
Cụ thể, khi đó, Bộ trưởng Trần Hồng Quân nêu rõ:
Đào tạo đội ngũ giáo viên là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của ngành sư phạm. Hiện nay cả nước có 80 vạn giáo viên phổ thông các cấp. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì đội ngũ này vẫn bám trường, bám lớp để duy trì hệ thống giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, sự đối xử của xã hội đối với giáo viên phổ thông rất không thỏa đáng. Họ phải chấp nhận mức thu nhập thiệt thòi vì đối với đa số giáo viên không có các khoản thu nhập nào khác ngoài lương.
Do đó địa vị xã hội của người giáo viên rất thấp. Kết quả là các trường sư phạm rất khó tuyển chọn học sinh giỏi, có những ngành không tuyển đủ người đi nghiên cứu sinh.
Tuy rằng cũng có một số người tâm huyết với nghề sư phạm nhưng nhìn chung toàn đội ngũ thì thật đáng lo ngại. Việc bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên đang giảng dạy ở các cấp cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến kinh phí nhà nước cấp.Nhiều năm như vậy, nhiều thế hệ như vậy cứ thế kế tiếp nhau, dẫn tới hiện tượng "lịm dần" về chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, ảnh hưởng sâu xa đến chất lượng nền giáo dục quốc dân.
Thực tế cho thấy hiện nay phần lớn địa phương đã hết chỉ tiêu nhận giáo viên. Do vậy nếu không tính toán cách khác thì xu hướng tất yếu là phải ngừng việc đào tạo giáo viên các trường sư phạm.
"Để giải quyết bế tắc này, chúng ta cần thay đổi quan niệm. Đó là: Các trường sư phạm không nên chỉ đào tạo giáo viên phổ thông và giáo viên phổ thông cũng không nên chỉ được đào tạo ở các trường sư phạm.
Các trường đại học sư phạm nên được tổ chức lại để trở thành những trường khoa học cơ bản đào tạo giáo viên, cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý xã hội, đồng thời đào tạo nguồn vào giai đoạn II cho các trường đại học chuyên ngành khác.
Đại học sư phạm cũng nên là một trường đào tạo nhiều cấp: cả đại học, cả cao đẳng, cả sư phạm cấp 1, sư phạm mẫu giáo...", Bộ trưởng Trần Hồng Quân nói.
Theo Bộ trưởng Quân, với cách đặt vấn đề như vậy, các trường đại học sư phạm sẽ có nhiều mục tiêu đào tạo.
Các vụ chức năng của Bộ như Đào tạo Đại học, đào tạo - bồi dưỡng, kế hoạch tài vụ... phải phối hợp với nhau để giúp các trường đại học sư phạm làm điều đó.
Ngoài ra, cần phải thống nhất khung kế hoạch học tập ở giai đoạn I của các trường đại học tổng hợp và đại học sư phạm ở mức độ cao để đảm bảo sự liên thông sinh viên sau giai đoạn I giữa 2 loại trường này. Ở một số nơi có điều kiện chín muồi nên nhập các trường đại học sư phạm và đại học tổng hợp lại làm một.
Trong tương lai, các trường sư phạm địa phương sẽ dần chuyển thành các trường đa ngành. Mặt khác, một số loại hình giáo viên phổ thông nên được đào tạo ở các trường đại học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thật, thể dục thể thao... Theo hướng đó cần sớm thành lập ở những trường này các khoa hoặc bộ môn sư phạm.
Thí dụ, đại học Sư phạm Quy Nhơn sẽ không còn lý do tồn tại nữa nếu chỉ đào tạo giáo viên. Sắp tới, Bộ có thể sẽ giao thêm cho trường này nhiệm vụ đào tạo giai đoạn I của các ngành nông nghiệp, kinh tế...
Dần dần, trường này sẽ đào tạo cả 2 giai đoạn và nó sẽ trở thành đại học Đại học Quy Nhơn cũng giống như đại học Cần Thơ, đại học Tây Nguyên ...
Còn tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng toàn quốc 8/1992, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân nhấn mạnh:
Để tạo điều kiện phát triển các trường sư phạm cần tạo ra sự hỗ trợ của toàn hệ thống đại học đối với hệ sư phạm, đó là:
Thứ nhất, các trường đại học, cao đẳng khác cần tham gia đào tạo giáo viên các bộ môn (như kỹ thuật, nghệ thuật...)
Thứ hai, các trường đại học và cao đẳng sư phạm có thể mở rộng ngành nghề đào tạo, vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa tận dụng tiềm lực của nhà trường; bằng cách này có thể tạo điều kiện cho nhà trường phát triển.
Và cuối cùng, ngành sư phạm, khoa học giáo dục phải được phát triển, đó là điều khẳng định, sự liên kết đa dạng của hệ thống đại học, cao đẳng sư phạm với hệ thống đại học, cao đẳng là một con đường sớm có hiệu quả để nâng cao chất lượng phát triển ngành sư phạm...
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Nghịch lý ngành sư phạm Khó khăn trong tuyển sinh là thực trạng chung của các trường sư phạm, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp diễn ra nhiều năm nay. Nhiều trường thoi thóp vì không tuyển sinh được Việc sáp nhập hoặc xóa sổ những trường yếu kém, không tuyển sinh được là vấn đề đang được đặt ra... Trong mùa tuyển sinh năm nay,...