Quản trị trường phổ thông – “chìa khóa” đổi mới thành công
CTGDPT 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của HS. Điều này không những đòi hỏi đội ngũ CB quản lý phải thay đổi tư duy quản lý mà còn phải nắm vững chuyên môn, phương pháp giảng dạy.
GV và HS Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc). Ảnh: NTCC
Khó từ nhiều lẽ
Cô Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên ( quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ: Triển khai Chương trình (CT) và SGK mới ở lớp 6, lo lắng lớn nhất trong công tác quản trị nhà trường là vấn đề bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ GV (đặc biệt GV Tiếng Anh, Tin học). Đội ngũ GV vẫn cần được tập huấn, bồi dưỡng kĩ càng hơn nữa để có thể triển khai hiệu quả.
Mặt khác, theo cô Đinh Thị Phương Anh, khi SGK mới chưa về tới nhà trường, CBQL chưa nắm bắt được chuyên môn tổng thể mỗi bộ SGK thì việc thẩm định, chọn SGK sao cho phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường, sự phù hợp với GV… cũng là vấn đề lo lắng.
Đặc biệt, GV đứng trước đổi mới về chương trình, phương pháp giảng dạy, CBQL cũng phải cập nhật, vững vàng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong công tác quản lý. CBQL càng bao quát, tiếp cận kỹ càng bao nhiêu với CT, SGK mới thì những quyết định đưa ra mới đúng đắn, phù hợp thực tế. Do đó, đội ngũ CBQL cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng nhiều hơn về chuyên môn. CBQL phải nắm chắc hơn GV trên mọi khía cạnh để có thể hỗ trợ, đồng hành cùng GV trong quá trình triển khai CT, SGK mới.
Dưới góc nhìn của mình, thầy Hà Trần Hồng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải – Yên Bái) lại cho rằng để quản trị nhà trường hiệu quả đòi hỏi tổng thể từ chuyên môn tới cơ sở vật chất. “Chúng tôi được tập huấn và nắm tổng thể CTGDPT mới nhưng để đi vào triển khai cụ thểvề chức năng, yêu cầu, nhiệm vụ… cần có lộ trình phù hợp để CBQL được tập huấn bồi dưỡng đầy đủ. Kết hợp việc trang bị đầy đủ các điều kiện triển khai từ vật chất, nhân sự…, quản trị nhà trường trong bối cảnh mới sẽ thành công”, thầy Hồng cho hay.
Thầy Bùi Quang Tấp – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Chảy (huyện Mường Khương – Lào Cai) lại chia sẻ 1 trong những khó khăn công tác quản trị nhà trường hiện nay và khi triển khai CTGDPT là trang thiết bị đồ dùng dạy học trong tình trạng thiếu và yếu.
“Toàn trường có 8 bộ máy tính, máy chiếu để GV giảng dạy cho hơn 10 lớp học của 4 khối lớp (từ 6 – 9) với khoảng 500 HS. GV muốn sử dụng thiết bị phải “xếp sổ” luân phiên. Chưa có lớp học nào lắp hệ thống máy tính, máy chiếu giảng dạy cố định. Máy móc chịu tần suất sử dụng lớn, thường xuyên tháo gỡ lắp đặt sẽ nhanh hỏng; thời gian ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của GV ngay trên lớp giảm… Khó khăn về cơ sở vật chất kết hợp với khó khăn chung về đội ngũ, chất lượng giảng dạy… khiến quá trình quản trị nhà trường vất vả, chất lượng dạy học chưa đạt mong muốn” – thầy Bùi Quang Tấp bày tỏ.
Video đang HOT
GV và HS Trường Tiểu học Nguyễn Du (Thành phố Lào Cai – Lào Cai). Ảnh: Đức Trí
Hiệu trưởng phải đi trước một bước
Thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh – Hà Giang) thông tin: Đội ngũ GV của trường có người chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật giáo dục 2019, có GV cao tuổi nên chậm và ngại đổi mới, thậm chí GV chưa tự tin vào bản thân khi bước vào đổi mới… Đây chính là rào cản trongquản trị nhà trường khi thực hiện CTGDPT mới.
Để tạo ra động lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, trình độ cho GV, hiệu trưởng động viên GV thường xuyên tự bồi dưỡng, đồng thời hỗ trợ GV về kĩ thuật, phương pháp… Tuy nhiên, hiện các vấn đề về quản trị nhân sự phần lớn vẫn làm theo kinh nghiệm nên hiệu quả không như mong muốn. Chính vì vậy, theo thầy Tường, cần bồi dưỡng, tập huấn nhiều hơn nữa cho CBQL những chương trình cơ bản và nâng cao về quản trị nhà trường trong các điều kiện, bối cảnh mới. Như vậy, đội ngũ CBQL sẽ có thêm nền tảng kiến thức, kinh nghiệm… để áp dụng vào quản trị nhà trường, hỗ trợ GV trong quá trình triển khai CT, SGK mới.
GS Đinh Quang Báo – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lại khẳng định: Bồi dưỡng CBQL là việc cần thiết nhưng để đạt hiệu quả cao về chất lượng chuyên môn trong công tác quản lý nhà trường cũng đòi hỏi mỗi CBQL cơ sở giáo dục phổ thông nghiêm túc với bản thân mình trong quá trình bồi dưỡng, có ý thức tự học, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới…
“Mỗi nhà trường phải có cơ chế quản lý riêng, làm sao tận dụng được sự tham gia của cộng đồng địa phương, đội ngũ GV. Cơ chế quản lý đổi mới sẽ huy động được sự đóng góp của địa phương, nhà trường, GV vào quá trình thực hiện CTGDPT mới; làm cho địa phương, nhà trường, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự kiểm định chất lượng giáo dục…”- GS Đinh Quang Báo nhận định.
Nhiều CBQL giáo dục cũng khẳng định: Dù hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy, không tạo ra chất lượng giáo dục trực triếp nhưng để quản trị được nhà trường trong quá trình đổi mới họ vẫn phải nắm vững yêu cầu, đòi hỏi của CT và SGK. Có như vậy CBQL nhà trường mới đánh giá, điều chỉnh hợp lý các tiết dạy của GV; Biết được điểm yếu, điểm mạnh của GV trong phương pháp, cách dạy từ đó bổ sung hiệu quả.
Quản trị nhà trường đóng vai trò không nhỏ trong triển khai thành công CT, SGK mới. Điều đó đòi hỏi mỗi hiệu trưởng phải không ngừng đổi mới, nâng cấp chính mình để đáp ứng yêu cầu chung bên cạnh tăng cường các điều kiện về nhân lực, vật lực chung.
Giáo viên lớp 2, lớp 6 sẵn sàng tâm thế bắt nhịp chương trình mới
Theo lộ trình, năm học 2021 - 2022, Chương trình GDPT 2018 triển khai ở lớp 2 và 6. Các trường đã có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC), lựa chọn đội ngũ dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 để định hướng.
GV chủ động tự học để đáp ứng mục tiêu dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS.
Từ đó, GV có sự chủ động nghiên cứu chương trình, tự học hỏi bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực HS, sẵn sàng tâm thế đón chương trình mới.
Chủ động định hướng
Theo ông Nguyễn Đức Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ (Hà Nội), thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 2 và 6, phòng đã lên kế hoạch dự trù mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất. Ở tiểu học, vì năm học này triển khai Chương trình SGK mới với lớp 1, nên khi tập huấn trực tuyến cho GV lớp 1, có trường tiến hành tập huấn cho tất cả GV, giúp các thầy cô nắm bắt được nội dung đổi mới của chương trình lớp 1 từ đó có thể bắt nhịp với chương trình lớp 2 dễ dàng hơn.
Ông Hòa cũng cho biết: Với THCS, trên cơ sở trang thiết bị tối thiểu quy định của cấp học, các nhà trường vẫn được bổ sung hàng năm, khi có SGK lớp 6, căn cứ vào thông tư kèm theo, thiết bị cũ còn bao nhiêu phần trăm dùng được sẽ cân đối để bổ sung.
Với tinh thần sẵn sàng cho chương trình mới, các trường đã có định hướng chung cho GV về việc dạy học chuyển từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực HS. Song song với đó thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện HS, nhu cầu phát triển của xã hội.
Từ khi chuẩn bị thay SGK lớp 1, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Dương Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có chỉ đạo sâu về việc đổi mới phương pháp phát triển năng lực HS. Vì vậy, trên nền tảng đã có, nhà trường giao quyền chủ động chương trình lớp 2 cho GV giống như với chương trình lớp 1, tăng cường chỉ đạo hoạt động trải nghiệm để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho năm tới. Theo đó, khi tập huấn GV lớp 1, một số GV trong trường được tham gia cùng để trên cơ sở chương trình SGK lớp 1, kết hợp với các chuyên đề, hội giảng GV sẽ bắt nhịp chương trình lớp 2 thuận lợi hơn.
Thống kê cơ sở vật chất, lựa chọn nhân sự, định hướng cho GV có khả năng sẽ dạy lớp 2 nghiên cứu tài liệu chương trình của lớp 1 là những việc mà Trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã và đang tiến hành để chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018. Cũng giống như Trường Tiểu học Dương Xá, các buổi tập huấn, chuyên đề dành cho GV lớp 1, những GV dự kiến dạy lớp 2 đều được tham dự để có sự nối tiếp từ lớp 1 lên lớp 2.
Với cấp THCS, năm học 2021 - 2022, Chương trình GDPT 2018 được bắt đầu với lớp 6 đầu cấp, cô Tô Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Từ kinh nghiệm lựa chọn SGK của lớp 1, Ban giám hiệu nhà trường sẽ bám sát để biết HS cần được dạy những gì, căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để có hệ thống chuẩn kiến thức, kỹ năng phát huy năng lực của HS.
Trong khi chưa có SGK lớp 6 mới, nhà trường giao cho GV nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, cùng với đó định hướng GV phải tự học hỏi, bồi dưỡng, bên cạnh việc đang dạy chương trình cũ phải tìm hiểu chương trình mới. Cô Liên cho biết thêm: Khi có khảo sát tập huấn sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả GV tham gia.
Nhà trường đã chọn những GV cốt cán nhất để giảng dạy lớp 6 năm học tới. Khi có SGK mới, trường sẽ xây dựng các chuyên đề, qua đó giúp GV nắm bắt được nguyên lý cơ bản khi dạy SGK mới như thế nào, HS học theo SGK mới cần phải chuẩn bị những gì...
Chủ động tự bồi dưỡng
GV trao đổi tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả theo định hướng mục tiêu của chương trình mới. - Ảnh: TG
Là GV được lựa chọn dạy lớp 6 năm học tới, cô Trần Thị Tuyết, GV Trường THCS Đông Sơn, huyện Chương Mỹ chia sẻ: Nhận thức tầm quan trọng của Chương trình GDPT mới, tôi đã chủ động nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin qua cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và ngành để trang bị cho mình những hiểu biết về chương trình, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học.
Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, GV của nhà trường tập trung trao đổi, tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả theo định hướng mục tiêu của chương trình. Ngoài ra, khi giảng dạy lồng ghép những nội dung theo định hướng chương trình mới vào chương trình hiện hành, cô Tuyết đều ghi chép và tổng hợp nội dung sau các tiết học. Đồng thời tìm tòi, nghiên cứu các bộ sách giáo khoa đã in theo bộ môn mình giảng dạy để có hướng trong việc chọn SGK phù hợp với tình hình địa phương và nhà trường.
Trực tiếp dạy lớp 2 tại Trường Tiểu học Dương Xá, cô Nguyễn Thị Phương cho hay: Từ việc được tham gia tập huấn, tìm hiểu chương trình SGK lớp 1, tôi đã nắm được mục tiêu, biết được cách dạy mới, tổ chức các hoạt động nhằm phát huy năng lực của HS. Cô Phương đã tự học, tự bồi dưỡng trau dồi các nhiệm vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Trên cơ sở cập nhật chương trình lớp 1, cô biết được mục tiêu cần đạt là gì, để đạt được mục tiêu đó phải đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động phát huy năng lực của HS như thế nào, từ đó áp dụng vào chương trình lớp 2 hiện hành. Theo cô Phương, đây là tiền đề giúp cô vững tâm đón chương trình SGK lớp 2 mới.
Cũng là GV dạy lớp 2 của Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội), cô Vũ Thị Hồng cũng như các đồng nghiệp trong trường đều có sự chuẩn bị để bắt nhịp với chương mình mới. Cụ thể, các cô chủ động tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do phòng GD&ĐT tổ chức (lớp bồi dưỡng về Chương trình GDPT tổng thể, chương trình các môn học cho GV lớp 1 - 2).
Tự nghiên cứu chương trình GDPT tổng thể, chương trình các môn học ở tiểu học để nắm vững cấu trúc chương trình lớp học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Ngoài ra, cô cũng tìm đọc SGK lớp 1, trong đó có cuốn sách đang giảng dạy tại trường; nghiên cứu một số cuốn sách hướng dẫn dạy học từng môn học lớp 1, tham dự một số tiết học của GV lớp 1 và thường xuyên trao đổi, từ đó trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết thích ứng với yêu cầu đổi mới.
Vai trò "thuyền trưởng" trong đổi mới giáo dục Cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục, người đứng đầu là hiệu trưởng giữ vai trò như người cầm lái "con tàu đổi mới". Vai trò của người quản lý góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường GD toàn diện. Ảnh minh họa Sự thay đổi tư duy, hành động trong quản lý, điều hành của đội ngũ...