Quán quân Olympia Thu Hằng chính thức du học Úc
Mới đây, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 Nguyễn Thị Thu Hằng đã chia sẻ trên trang cá nhân về quyết định du học Úc của mình sau hơn 1 năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19.
Nguyễn Thị Thu Hằng (cựu học sinh lớp 12B1 Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) là thí sinh giành ngôi vị Quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.
Sau chiến thắng tại sân chơi này, cũng giống như những Quán quân Olympia khác, Thu Hằng nhận được suất học bổng trị giá 40.000 USD.
Nguyễn Thị Thu Hằng, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020. Ảnh: Thanh Hùng
Sau hơn 1 năm kế hoạch bị trì hoãn bởi dịch bệnh Covid-19, tối qua 1/3, trên trang Facebook cá nhân của mình, cô bạn đã đăng tải những hình ảnh chụp cùng gia đình, bạn bè tại sân bay trước khi lên đường.
Thu Hằng cũng gửi lời cảm ơn tới gia đình, bạn bè, người thân vì trong suốt thời gian qua đã luôn đồng hành, giúp đỡ, động viên mình.
Qua những hình ảnh, mọi người cũng dễ dàng nhận thấy Thu Hằng đã có sự thay đổi về diện mạo. Thay vì mái tóc dài, nhà vô địch Olympia có một mái tóc ngắn cá tính và năng động hơn.
Thu Hằng chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình trước khi lên đường.
Video đang HOT
Trước khi lên đường đi du học, Thu Hằng đã có một khoảng thời gian ngắn theo học ngành Kinh doanh tại Swinburne Việt Nam.
Thời điểm đó, Thu Hằng chia sẻ, đây là cơ hội để em được trau dồi những kỹ năng và kiến thức của một công dân toàn cầu, nhằm chuẩn bị cho hành trình du học tại ĐH Swinburne (Úc) sắp tới.
“Em mong muốn được trải nghiệm một môi trường học tập quốc tế tại Việt Nam để tối ưu được quãng thời gian học tập. Như vậy sau này khi sang Úc du học em sẽ không phải mất thời gian làm quen với môi trường mới bên đó”.
ĐH Swinburne cũng là trường đại học mà nhiều Quán quân Olympia lựa chọn.
Diện mạo mới của Thu Hằng.
Khi vừa giành vòng nguyệt quế, trả lời câu hỏi của VietNamNet sau du học có trở về Việt Nam làm việc hay không, Thu Hằng cho hay việc này cần phải cân nhắc.
Tuy nhiên, cô bạn cho rằng dù có học tập hay làm việc ở đâu thì vẫn có thể đóng góp, cống hiến cho quê hương, đất nước nếu mình hướng về.
Đặt cọc tiền thuê trọ, sinh viên bất ngờ khi trường hoãn học trực tiếp
Đọc thông báo các trường đại học thay đổi thời gian học tập trực tiếp vào "phút chót", nhiều sinh viên lo lắng khi đã ký hợp đồng thuê phòng trọ, đặt vé tàu xe.
Thời gian gần đây, các hội nhóm sinh viên trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những bài viết lo lắng trường học sẽ "quay xe" - đưa ra thông báo hoãn thời gian học tập trực tiếp bất ngờ. Đa phần sinh viên đều mong trường học không thông báo vào "phút chót" vì đã đặt vé xe, vé tàu và thuê trọ.
Mong trường không hoãn lịch học trực tiếp
Trước Tết Nguyên đán, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM thông báo thời gian sinh viên quay trở lại trường là từ 14/2 với 3 hình thức học tập là trực tiếp, trực tuyến, hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Theo đó, các khoa, viện của trường sẽ làm việc với giảng viên để quyết định hình thức học tập phù hợp.
Thông báo hoãn thời gian học tập trung của Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội.
Dựa trên thông báo này, H.H. sinh viên khoa Kinh tế Vận tải, ĐH Giao Thông Vận Tải TP.HCM đã đặt vé xe và cọc tiền trọ là 4,8 triệu đồng/tháng. Đến ngày 8/2, nữ sinh viên nhận được thông báo tiếp tục học trực tuyến các môn chuyên ngành từ khoa Kinh tế Vận tải. Không thể hủy vé xe và tiền đặt cọc phòng trọ, H.H. quyết định ở lại TP.HCM để học online.
H.H. cho biết nhiều sinh viên cùng lớp đã phải hủy vé máy bay, vé xe do khoa thay đổi hình thức học tập vào "phút chót".
"Giảng viên có giải thích việc đưa ra quyết định tiếp tục học online do lo sợ các trường đồng loạt học trực tiếp, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trường đang xem xét tình hình, sau đó mới thông báo thời gian học trực tiếp cụ thể. Quyết định đột ngột này đã gây ra nhiều khó khăn cho sinh viên", H.H. nói.
Sinh viên đến nhập học ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: KTX ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nhận thông báo đi học trở lại vào ngày 28/2, Linh Hương, sinh viên năm 3 của ĐH xây dựng Hà Nội đã đặt cọc và đóng tiền thuê phòng một tháng. Nữ sinh viên cho biết nhiều bạn học của cô vì tìm phòng trọ vào "phút chót" nên phải chịu giá thuê cao hơn dự kiến. Cô lo lắng, nếu trường hoãn thời gian học tập trung, sinh viên sẽ thiệt thòi.
"Những năm trước, em ở ký túc xá nên không bị ảnh hưởng khi nhà trường thay đổi thời gian học tập trung. Năm nay do ký túc xá được trưng dụng thành khu điều trị thu dung nên nhiều sinh viên phải ra ngoài thuê trọ", Linh Hương nói.
Quê của Hương ở Hòa Bình. Nếu có thông báo hoãn thời gian học tập trung, Hương sẽ ở lại Hà Nội và tìm kiếm việc làm thêm, thay vì bỏ tiền cọc phòng trọ và trở về nhà.
Chung nỗi niềm, Lê Diệu Vy, sinh viên năm thứ 3, ĐH Xây dựng Hà Nội lo lắng sẽ gặp tình trạng tương tự. Theo thông báo trước đó, ngày 28/2, Diệu Vy sẽ trở lại trường học tập trung.
Nữ sinh tâm sự nếu trường thay đổi lịch học bất ngờ sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho nhiều sinh viên.
"Em đã đặt cọc tiền thuê phòng trọ và ký hợp đồng một năm. Vì vậy, em không thể hủy hợp đồng. Nhiều bạn bè cũng đã tìm trọ và đặt cọc để sẵn sàng cho việc đi học tập trung trở lại. Nếu tạm dừng đến trường, những sinh viên ở tỉnh lẻ như em sẽ không biết nên về quê hay lên Hà Nội để không uổng phí tiền thuê trọ", Vy nói.
Quê của Vy ở Thanh Hóa. Nữ sinh chấp nhận mất tiền thuê phòng một tháng, tiếp tục ở nhà nếu trường thông báo hoãn thời gian học trực tiếp với lịch trình cụ thể. Trường hợp nghỉ dài hạn, nữ sinh sẽ bỏ phòng trọ dù đã ký hợp đồng.
Nhiều trường hoãn thời gian học tập trung vì dịch
Ngày 18/2, vì tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, Học viện Báo chí Tuyên truyền đã quyết định các hệ, lớp đào tạo tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển toàn bộ sang học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, ngày 9/2, Học viện Báo chí Tuyên truyền đã thông báo thời gian học tập trực tiếp trở lại của các lớp đại học chính quy tập trung hệ chuẩn và chất lượng cao K38 là từ 21/2. Đối với các lớp đại học chính quy tập trung hệ chất lượng cao từ K39 đến K40 và các lớp đại học chương trình liên kết quốc tế, thời gian học tập trung trở lại là 28/2.
Các lớp đại học chính quy tập trung hệ chuẩn từ K39 đến K41 và các lớp đại học chính quy tập trung hệ chất lượng cao K41 của trường sẽ học tập trung từ 7/3.
Ngày 14/2, ĐH Thương mại thông báo về việc lùi một tuần học cho sinh viên khóa K57 sau khi phòng Quản lý đào tạo làm việc với Trung tâm Giáo dục Quốc phòng. Quyết định này được nhà trường đưa ra để tạo điều kiện giúp sinh viên thuận lợi sắp xếp chỗ ăn, ở.
Ngày 15/2, ĐH Vinh quyết định tiếp tục triển khai phương án dạy trực tuyến trong học kỳ II năm học 2021-2022, để thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Cụ thể, từ 21/2 trường sẽ tiếp tục triển khai hình thức dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới đối với các học phần lý thuyết. Các lớp thực hành, thực tập được bố trí bù vào thời gian khác.
ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) cũng thông báo giảng viên, sinh viên tiếp tục giảng dạy, học tập trực tuyến đến ngày 5/3. Từ 7/3, sinh viên sẽ trở lại trường học tập trung. Trước đó, kế hoạch giảng dạy học kỳ II, năm học 2021-2022 của trường là sinh viên sẽ học tập trực tiếp tại trường từ 21/2.
7 bạn trẻ tài năng, nổi bật năm 2021 Quán quân Olympia, thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân được học thẳng lên tiến sĩ, nam sinh có điểm số lọt top 10 tại IMO 2021... là các bạn trẻ nhận được nhiều sự ngưỡng mộ trong năm nay. Nguyễn Hoàng Khánh (17 tuổi) là quán quân năm thứ 21 của Đường lên đỉnh Olympia. Cậu giúp Quảng Ninh vươn lên dẫn...