Quản lý khách lưu trú qua mạng internet
Từ khi tỉnh Lâm Đồng triển khai công tác khai báo lưu trú bằng hình thức trực tuyến, chủ các khách sạn tại TP Đà Lạt không còn phải mất thời gian, công sức đứng xếp hàng chờ kê khai lưu trú cho du khách vào những giờ cao điểm hay dịp lễ, Tết, như trước đây.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản được thực hiện trên máy tính có kết nối mạng wifi, chị Đỗ Thị Hương, nhân viên của một cơ sở lưu trú trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Đà Lạt, đã khai báo lưu trú thành công cho đoàn khách nước ngoài 7 người mới tới thuê phòng.
Từ gần hai năm qua, khách sạn này đã thực hiện đăng ký khai báo lưu trú cho du khách qua mạng internet. Trước đây, khi chưa thực hiện đăng ký kê khai lưu trú qua mạng, cuối giờ chiều mỗi ngày, nếu có khách thuê phòng nghỉ, các cơ sở lưu trú tại Đà Lạt phải cắt cử người tới Công an phường đăng ký lưu trú vào sổ.
Phòng Cảnh sát QLXNC Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra việc đăng ký lưu trú cho khách qua mạng internet.
Thật ra, công tác khai báo lưu trú qua mạng internet đã được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lâm Đồng triển khai từ năm 1999 đối với các khách sạn có gắn sao trên địa bàn TP Đà Lạt. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, với các cơ sở lưu trú khác như nhà nghỉ dạng homestay, hộ kinh doanh, các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ khác vẫn phải đăng ký theo phương thức truyền thống. Điều này đã gây khá nhiều điều bất cập, tốn kém thời gian, công sức của chủ các cơ sở lưu trú và lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Video đang HOT
Trước nhu cầu ngày càng bức thiết phải thay đổi phương thức kê khai thủ tục khai báo, đầu năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng internet trên địa bàn tỉnh. Với những ưu điểm nổi bật của việc đăng ký khai báo tạm trú qua mạng internet, ngay sau khi triển khai, gần như tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực, thực hiện phần mềm đăng ký khai báo lưu trú qua mạng.
Hai năm qua, tại TP Đà Lạt đã không còn cảnh chủ các cơ sở lưu trú mỗi tối đứng chen nhau đợi nộp sổ khai báo hay cán bộ Công an phường ngồi đợi tiếp nhận hồ sơ… Mọi thông tin về lưu trú giờ đây được giải quyết nhanh gọn chỉ qua vài cú nhấp chuột đơn giản được thực hiện trên máy tính, hoặc điện thoại thông minh ở bất cứ nơi đâu, thời gian nào.
Theo Trung tá Lê Quang Đại, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lâm Đồng, khai báo qua mạng hoàn toàn không mất thời gian và chi phí đi lại, không để xảy ra tình trạng giấy tờ, hộ chiếu của khách bị mất hoặc thất lạc như nhiều trường hợp từng xảy ra trước đây.
Theo thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lâm Đồng, tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 1.035 cơ sở trên địa bàn tỉnh đăng ký sử dụng chương trình khai báo đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng internet, áp dụng cho cả khách nội địa và khách quốc tế, chiếm 96% số cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Chỉ riêng năm 2016, toàn tỉnh có hơn 295.000 lượt khách quốc tế đăng ký tạm trú. Trong đó, đã có 285.000 lượt khách quốc tế đăng ký qua phần mềm khai báo trực tuyến (chiếm 96,6%).
(Theo Công An Nhân Dân)
Doanh nghiệp đề xuất số hóa xe rác, hộ tịch, bệnh án... cho TP HCM
Ngay sau kêu gọi hiến kế xây dựng thành phố thông minh của lãnh đạo TP HCM, hàng loạt doanh nghiệp đã thi nhau đề xuất giải pháp và cho biết có đủ năng lực triển khai.
Hơn 200 doanh nghiệp đã tham gia buổi gặp gỡ của lãnh đạo TP HCM với ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông chủ đề: "Doanh nghiệp CNTT-VT xây dựng thành phố thông minh, hiện đại" sáng 10/3. Hàng loạt giải pháp đã được các doanh nghiệp hiến kế, từ giao thông thông minh, giáo dục thông minh đến kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn... Trong đó, nhận được đóng góp hàng đầu là giao thông thông minh, quản lý hạ tầng và số hóa dữ liệu.
Ông Phí Anh Tuấn - Giám đốc Công ty P.A.T đề xuất số hóa toàn bộ các khâu thu gom - vận chuyển và phân tích rác. "Hiện chỉ có Công ty công ích quận 1 áp dụng công nghệ thông tin để vận hành, còn các nơi khác không có các phân tích vĩ mô về quản lý rác thải. Chúng ta cần hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn rác, quản lý đội ngũ và công cụ thu gom. Tiếp theo là số hóa quá trình vận chuyển để điều phối đội xe cho tối ưu, phần nào tránh được tắc đường khi vận hành", ông Tuấn đề xuất.
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn - Giám đốc giải pháp doanh nghiệp của CMC SISG cho biết, các mô hình thành phố thông minh đều cần kho dữ liệu tập trung. "Ý tưởng của chúng tôi là trong hai năm có thể xây được kho dữ liệu tập trung cấp thành phố, chứa dữ liệu của các ban ngành. Lợi ích đầu tiên là có thể thực hiện báo cáo liên ngành với các thông tin nhiều chiều, giúp báo cáo có chiều sâu. Ngoài ra, nhóm giải pháp hỗ trợ ra quyết định có khả năng tham mưu tự động cho cơ quan ra quyết định, rút ngắn thời gian tham mưu", ông Tuấn nêu lợi ích.
"Hiện nay, cơ sở dữ liệu về thông tin môi trường, hồ sơ hộ tịch, dân cư... lưu trữ dạng giấy rất nhiều nên doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp giải pháp số hoá các dữ liệu này", công ty FSI chia sẻ.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP HCM nhắc Sở Thông tin - Truyền thông Thành phố chủ động mời doanh nghiệp tham gia xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Viễn Thông
Phản hồi các đề xuất, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Thông tin - truyền thông Thành phố sớm hối thúc các quận huyện hoàn tất việc số hóa thông tin về dân cư, đất đai ngay trong năm nay và chủ động mời doanh nghiệp tham gia cung ứng giải pháp chứ không phải đợi họ đi tiếp thị.
"Thành phố đang muốn phát triển thị trường bán lẻ. Hai doanh nghiệp nội lớn của Thành phố hiện có là Satra và Sài Gòn Co.op. Ngoài nhiệm vụ chiếm lĩnh thị trường, mở rộng mạng lưới thì việc giao hàng rất quan trọng. Tôi đang quan tâm đến công nghệ máy bay không người lái để giao hàng", ông Tuyến gợi ý thêm cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở y tế đề xuất các doanh nghiệp hợp tác cùng nhau để xây dựng giải pháp bệnh án điện tử. Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) nêu ý định lập chợ thông minh. "Một đô thị thông minh thì phải có cái chợ về công nghệ thông tin. Trong cái chợ này phải có sàn giao dịch công nghệ thông tin để các công ty có thể biểu diễn, trình diễn các ý tưởng với nhau", ông Hòa nhận định.
Tuy nhiên, làm thành phố thông minh không phải hoàn toàn thuận lợi. "Thách thức chung là nguồn lực chất lượng cao chưa đủ, mỗi lần tuyển dụng rất khó khăn.", đại diện Liên minh các doanh nghiệp phát triển gia công phần mềm Việt Nam (VNITO) nêu ý kiến.
"Muốn xây dựng thành phố thông minh thì chính quyền Thành phố phải đóng vai trò chủ thể, hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội để cho ra một nền tảng kiến trúc và chuẩn kỹ thuật giao tiếp. Sau đó, công bố cho doanh nghiệp để họ dựa trên chuẩn đó mà phát triển giải pháp. Chứ bây giờ doanh nghiệp cứ &'trăm hoa đua nở', chúng ta áp dụng thì đến khi phát triển đến bậc cao hơn, cần sự kết nối và đồng bộ thì nó lại trở thành một đống hổ lốn", ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM lưu ý.
Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X. "Bất cứ dự án nào của Thành phố đầu tư trong thời gian tới thì tiêu chí hàng đầu sẽ là công nghệ chứ không phải là giá", ông Tuyến khẳng định.
(Theo VnExpress)
Thanh Hóa dự kiến chi gần 2.300 tỷ đồng xây dựng 'tỉnh thông minh' Thanh Hóa lên kế hoạch triển khai đề án chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, với dự toán kinh phí khoảng 2.280 tỷ đồng. UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội thảo khoa học Triển khai mô hình xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh thông minh giai đoạn 2017 - 2020. Phối cảnh Dự...