Quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn dạy học trực tuyến
Bộ GD&ĐT xây dựng Thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Học sinh Trường TH Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) học tại do cô Nguyễn Thanh Xuân – GVCN lớp 3G dạy trực tuyến. Ảnh: NTCC
Khi Thông tư được ban hành, dạy học trực tuyến sẽ được tổ chức và quản lý chặt chẽ hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Nhanh chóng vào guồng
Không còn bỡ ngỡ như thời gian giãn cách xã hội năm 2020, việc triển khai dạy học trực tuyến được các cơ sở giáo dục lên kế hoạch ngay khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, không cần đợi đến khi có quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường vì Covid-19.
Sau khi có quyết định của Sở GD&ĐT Thái Bình cho học sinh tạm dừng đến trường từ 1/2, Trường Tiểu học và THCS An Vũ (Quỳnh Phụ) triển khai ngay dạy học trực tuyến. Chia sẻ của Hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện, thời khóa biểu được nhà trường sắp xếp để không chồng chéo các tiết học và bảo đảm học sinh học hiệu quả nhất.
“Chúng tôi xếp thời khoá biểu cả ngày cho học sinh học: Sáng, chiều, tối, mỗi buổi 2 tiết; vì dạy học trực tuyến không nên liên tục, tránh các con mệt mỏi, dẫn đến học thiếu hiệu quả. Thời gian mỗi tiết phụ thuộc vào cấp học. Theo đó, học sinh tiểu học từ 20 – 30 phút, THCS từ 30 – 45 phút. Học sinh được nghỉ khoảng 30 – 45 phút giữa các tiết” – cô Mai Thị Bích Nguyện cho hay.
Video đang HOT
Tất nhiên, triển khai dạy học trực tuyến vẫn có những khó khăn, bởi không phải học sinh nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, mạng Internet… Bởi vậy, những học sinh này sẽ được giáo viên đến từng nhà phát đề cương và hướng dẫn. Theo cô Nguyện, để làm được việc này, sau khi xếp lịch dạy, thầy cô nào trống tiết sẽ xuống nhà học sinh… “Trường phân công cán bộ, giáo viên phụ trách học sinh theo khối lớp, xóm, thôn, xã. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho thầy cô quản lý, hoàn thành nhiệm vụ; thầy cô đến nhà học sinh ban ngày hay buổi tối cũng thuận lợi. Ngoài ra, các phụ huynh kết hợp động viên, đôn đốc, kiểm tra; rồi ban phụ huynh cũng được bố trí theo lớp, khối, xóm nên rất thuận tiện” – cô Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ.
Nằm vùng tâm dịch, song song ứng phó với chống dịch bệnh, Trường Tiểu học Sao Đỏ, Chí Linh (Hải Dương) cũng sẵn sàng để dạy học trực tuyến. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhắc, bộ phận chuyên môn của trường đang xây dựng kế hoạch và giao cán bộ tin học tham mưu lựa chọn phần mềm phù hợp, báo cáo phòng GD&ĐT để thực hiện. Các giáo viên đã họp phụ huynh qua phòng họp zoom, tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh phối hợp chuẩn bị máy tính, điện thoại, đường truyền Internet và thống nhất đăng kí khung giờ học hằng ngày phù hợp. Các tổ chuyên môn đang tích cực xây dựng thời khoá biểu, nguồn học liệu bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT và phù hợp với điều kiện của địa phương.
“Các công việc trên hoàn thành, nhà trường tiến hành tập huấn đội ngũ về kĩ thuật sử dụng phần mềm dạy học; hướng dẫn học sinh tham gia lớp học; xây dựng nội quy, quy định về nền nếp dạy – học trực tuyến. Chúng tôi cũng lường trước những khó khăn sẽ gặp phải. Do đó, với học sinh nhỏ, sự chú ý không cao, giáo viên sẽ đề nghị phụ huynh cùng đồng hành, hỗ trợ. Với học sinh ở với ông bà cao tuổi thì nhờ sự hỗ trợ từ anh chị lớn và thầy cô gửi phiếu học tập. Với giáo viên lớn tuổi, khó khăn trong sử dụng công nghệ và giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm tổ chức lớp học, nhà trường phân công giáo viên có năng lực để hỗ trợ” – cô Nguyễn Thị Nhắc cho hay.
Tại Thừa Thiên – Huế, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, ngành Giáo dục đã có đủ kho bài giảng trên truyền hình cho khối 5, 9,12; các khối còn lại sẽ tiếp tục xây dựng. “Năm 2020, Thừa Thiên – Huế triển khai dạy học trên truyền hình hiệu quả khá tốt. Các bài giảng đã có trên nền tảng Cổng thông tin điện tử sở GD&ĐT, giáo viên, học sinh có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Với giải pháp cho năm 2021, từ đầu năm học, Thừa Thiên – Huế đã đưa nội dung dạy học online vào sinh hoạt chuyên môn thường kỳ của các tổ trong nhà trường. Nếu phải thực hiện giãn cách, ngành Giáo dục tỉnh sẽ chủ động khởi động các hình thức dạy học hợp lý; Các nhà trường thực hiện dạy học và quản lý việc học, giao bài của giáo viên kết hợp hình thức dạy học trực tuyến, từ xa” – ông Nguyễn Tân cho biết thêm.
Giáo viên Trường THCS Minh Đức, Quận 1 (TPHCM) khởi động dạy học trực tuyến trong sáng ngày 2/2. Ảnh NTCC
Bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh khi học trực tuyến
Công văn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký gửi các Sở GD&ĐT về chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch Covid-19 yêu cầu: Giám đốc sở GD&ĐT chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai kịp thời, hiệu quả việc dạy học trực tuyến theo Công văn số 1061/BGD&ĐT-GDTrH ngày 25/3/2020 của Bộ GD&ĐT và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện của địa phương trong trường hợp phải cho học sinh nghỉ học ở trường.
Liên quan đến nội dung này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm 2020, ứng phó với dịch Covid-19, thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Bộ GD&ĐT tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông. Hai Bộ phối hợp, huy động sự hỗ trợ và cam kết của các tập đoàn, doanh nghiệp về công nghệ thông tin, viễn thông nhằm hỗ trợ miễn phí giải pháp phần mềm, hạ tầng, đường truyền, kết nối 3G cho các nhà trường, giáo viên, học sinh tham gia học trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị chuyên môn của hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ giám sát và ưu tiên đường truyền Internet trong cả nước cho việc dạy – học trực tuyến.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, trong thời gian qua, các địa phương đã tổ chức tuyển chọn giáo viên tiêu biểu tham gia xây dựng bài giảng bám sát chương trình tinh giản và tổ chức dạy học trên truyền hình, qua Internet. Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đóng góp bài giảng và tổ chức dạy học trên truyền hình (theo Công văn số 1007/BGDĐT-GDTrH ngày 23/3/2020). Hiện, kho bài giảng điện tử để tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng, chia sẻ để sử dụng chung.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Dự thảo đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi. Khi Thông tư được ban hành, dạy học trực tuyến được tổ chức và quản lý chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả cao hơn; đồng thời quyền lợi học tập cho học sinh khi tham gia học tập trực tuyến sẽ được bảo đảm và ghi nhận. Các cơ sở giáo dục có cơ sở pháp lý để tổ chức dạy học trực truyến, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu học tập của học sinh. – PGS Nguyễn Xuân Thành
Không còn bị động
Cho đến thời điểm này, không ít nhà trường, địa phương đã cho học sinh dừng đến trường vì Covid-19. Chủ trương "tạm dừng đến trường, không dừng học" ngay lập tức được kích hoạt.
Ảnh minh họa/INT
Nhớ lại học kỳ II năm học 2019 - 2020, toàn ngành Giáo dục chịu chung tác động diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và học sinh phải tạm dừng đến trường trong khoảng 4 tháng. Sau những buổi đầu bỡ ngỡ, giáo viên, học sinh vùng thuận lợi đến khó khăn đều nhanh chóng thích nghi, khắc phục khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm học sinh không đến trường nhưng vẫn được học tập.
Vùng có điều kiện, nhiều thầy cô tổ chức dạy trực tuyến, làm video, clip bài giảng gửi lên YouTube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác, tạo cơ hội học tập nhiều hơn cho học sinh. Trường vùng sâu, vùng xa, thầy cô khắc phục khó khăn bằng cách soạn bài, photo và gửi bài tập đến tận tay trò.
Đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, một loạt văn bản hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình ra đời trong thời điểm này. Cùng với đó, yêu cầu về dạy học trực tuyến được nêu rõ trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 của các cấp học.
Nhiều sở GD&ĐT đã chỉ đạo, tổ chức triển khai bồi dưỡng 100% giáo viên về sử dụng phần mềm, kỹ năng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tổ chức, tương tác với học sinh thông qua mạng Internet. Qua đó, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của đội ngũ, góp phần hoàn thành kế hoạch năm học trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Sự ứng phó linh hoạt, nhanh chóng và nỗ lực chung, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đã giúp ngành Giáo dục hoàn thành mục tiêu "kép": Phòng chống dịch bệnh thành công, vừa hoàn thành chương trình học. Chính những gì đã chuẩn bị và kinh nghiệm trong thời gian vừa rồi là vốn liếng quý giá để khi dịch bệnh quay trở lại, toàn ngành Giáo dục không bối rối, không bị động mà chuyển ngay phương thức dạy học, giúp hoạt động không bị đứt gãy.
Ngay khi Covid-19 tái xuất hiện, không cần phải đợi đến chỉ đạo vĩ mô, nhiều cơ sở giáo dục chủ động chuyển sang dạy học trực tuyến vì lợi ích của người học. Đơn cử như Trường THCS Ngoại ngữ, Trường THPT Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) đã cho 100% học theo hình thức trực tuyến từ 29/1 trên nền tảng Microsoft Teams. Hệ thống Vinschool và nhiều cơ sở giáo dục cũng sớm có thông báo tới phụ huynh về việc chuyển đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến ngày 1/2... Những trường học được nghỉ Tết sớm, thầy cô tận dụng mọi thời gian có thể để nếu ra Tết vì dịch bệnh học sinh chưa thể đến trường, có thể triển khai ngay dạy học trực tuyến...
Có thể nói, gia tăng ứng dụng công nghệ trong giáo dục, trong đó có dạy học trực tuyến; sự hưởng ứng cao của giáo viên, học sinh, phụ huynh và các chủ thể khác trong xã hội đã tạo kết nối mạnh mẽ chưa từng thấy trong giáo dục, dạy học. Điều này tạo nền móng khi thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục.
Tất nhiên, với dạy học trực tuyến, chúng ta mới ở giai đoạn đầu, bởi vậy khó khăn là khó tránh khỏi. Khó về trang thiết bị; còn chuyển đổi cơ học từ dạy học trực tiếp sang online; lựa chọn và ứng dụng các giải pháp công nghệ mang tính "tự phát" cảm tính... Để dạy học trực tuyến phát huy hết hiệu quả, sức mạnh, chắc chắn cần có thời gian, với sự chuẩn bị đồng bộ cả về hạ tầng công nghệ, năng lực đội ngũ, kịch bản sư phạm số, học liệu số....
Trước mắt, chúng ta chờ đợi Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; bởi đây sẽ là hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến, được tiếp cận một cách đầy đủ, hệ thống nhưng vẫn có độ mở để triển khai lâu dài, phù hợp với thực tiễn.
Trẻ tiểu học học trực tuyến, cha mẹ 'chạy theo' hoa cả mắt "Group Viber của lớp cứ "ting" cả sáng nay. Tôi mở ra thấy nào phần mềm Zoom, nào hướng dẫn toán, nào hoàn thành tranh mỹ thuật ngày tết quê em... Hoa cả mắt! Học sinh Trường tiểu học Minh Đạo, Q.5, TP.HCM cùng phụ huynh học trực tuyến tối 2-2 - Ảnh: NHƯ HÙNG Tôi mong sao đỡ áp lực hơn, chứ...