Putin: Hãy chứng minh lính Nga có mặt ở Ukraine
Tổng thống Nga đã có cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông Pháp. Tờ Russia Today đã đăng tải một số câu trả lời của ông về các vấn đề nóng hiện nay như Ukraine, Crimea và quan hệ với Mỹ.
Nhân lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ Normandy và chiến thắng của đồng minh trong thế chiến II, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những câu trả lời phỏng vấn được tờ Russia Today nhận định là “tốt nhất” về các vấn đề nóng hiện nay: Ukraine, Crimea và quan hệ với Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chủ quyền Ukraine và quân đội Nga
Video đang HOT
Cuộc khủng hoảng Ukraine trở thành tâm điểm chú ý của thế giới kể từ cuối năm ngoái. Hiện chính phủ lâm thời Kiev đang tiến hành một cuộc đàn áp quân sự ở miền đông đất nước. Mỹ cáo buộc quân đội Nga tham gia vào cuộc khủng hoảng và khẳng định có bằng chứng về cáo buộc đó.
“Vậy bằng chứng? Tại sao họ không đưa nó ra?”, ông Putin nói với các phương tiện truyền thông Pháp, “Cả thế giới còn nhớ Ngoại trưởng Mỹ từng đưa ra bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, giơ tay trưng ra một số ống nghiệm chứa bột giặt ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thậm chí, quân Mỹ đã tấn công Iraq, Saddam Hussein bị treo cổ và sau đó mới vỡ ra rằng chưa bao giờ có vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq. Bạn biết đó – muốn nói gì cũng phải có bằng chứng thực tế”.
Ông Putin sau đó nói về Ukraine. “Sau cuộc đảo chính ở Kiev hồi tháng Hai, điều đầu tiên các nhà chức trách mới cố gắng làm là tước đi quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số. Điều này gây ra mối quan tâm lớn cho những người sống ở miền đông Ukraine”.
“Tôi không gọi họ là thân Nga hay thân Ukraine. Họ là những người có quyền nhất định, quyền nhân đạo chính trị, và họ phải có cơ hội thực hiện các quyền đó”.
“Khi [cuộc đảo chính] xảy ra, một số người chấp nhận chế độ này và rất vui về điều đó. Trong khi những người khác, nói rằng, ở miền đông và miền nam Ukraine sẽ không chấp nhận nó”.
Bán đảo Crimea, trưng cầu dân ý và các mối quan hệ lịch sử Nga
Sau khi Crimea tiến hành trưng cầu dân ý hồi tháng Ba để sáp nhập vào Nga, phương Tây bày tỏ lo ngại rằng người dân trong khu vực đã bị chĩa súng.
“Quân đội Nga ở Crimea theo hiệp ước quốc tế về việc triển khai các căn cứ quân sự của Nga. Sự thật là quân đội Nga đã giúp người dân Crimea tổ chức trưng cầu vì quyền độc lập của họ và dựa trên mong muốn của họ sáp nhập vào Liên bang Nga. Không ai có thể ngăn cản những người này thực hiện quyền được quy định tại Điều 1 của Hiến chương LHQ, quyền của các quốc gia tự quyết”.
“Chúng tôi đã tiến hành đối thoại chỉ bàn ngoại giao và hòa bình – tôi muốn nhấn mạnh điều này – với các đối tác châu Âu và Mỹ. Đáp lại những nỗ lực để tổ chức một cuộc đối thoại như vậy và thương lượng một giải pháp chấp nhận được của chúng tôi, họ đã ủng hộ cuộc đảo chính nhà nước chống lại hiến pháp Ukraine, và sau đó chúng tôi không thể chắc chắn rằng liệu Ukraine có từ chối trở thành một phần của khối NATO hay không. Trong tình hình đó, chúng tôi không thể cho phép một phần lịch sử của lãnh thổ Nga với dân số chủ yếu là kiều bào Nga được đưa vào một liên minh quân sự quốc tế, đặc biệt là khi người dân Crimea muốn trở thành một phần của Nga”.
Một phóng viên đã hỏi liệu có phải ông Putin muốn tái thiết lại đường biên giới Liên Xô cũ hay không. Ông Putin trả lời, “Chúng tôi muốn sử dụng chính sách hiện đại để nâng cao lợi thế cạnh tranh của chúng tôi, bao gồm hội nhập kinh tế. Đây là những gì chúng tôi đang làm trong không gian hậu Xô Viết thông qua Liên minh Hải quan và hiện tại là trong Liên minh Á-Âu”.
Quan hệ với Mỹ
“Nói về chính sách của Mỹ, thì rõ ràng rằng Hoa Kỳ đang theo đuổi các chính sách mạnh mẽ nhất và khó khăn nhất để bảo vệ lợi ích riêng của mình – ít nhất, đây là cách các nhà lãnh đạo Mỹ thể hiện. Và họ liên tục thể hiện điều đó.”
“Về cơ bản, Nga không có quân ở nước ngoài, trong khi quân đội Mỹ ở khắp mọi nơi. Căn cứ quân sự Mỹ ở khắp mọi nơi trên thế giới và họ luôn luôn liên quan đến số phận của các nước khác, mặc dù các quốc gia này cách hàng ngàn cây số với biên giới Hoa Kỳ”.
“Vì vậy, thật là mỉa mai khi các đối tác Mỹ lại buộc tội chúng tôi vi phạm các quy tắc này”, ông Putin cho biết, rõ ràng đề cập đến tuyên bố của bà Hillary Clinton về chính sách đối ngoại của Nga tại Đông Âu, so sánh ông với Hitler trong những năm 1930.
Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng khẳng định thêm quan hệ giữa Moscow với Paris là “đang phát triển tốt” và sẽ tiếp tục duy trì quan hệ này.
Theo Infonet