Phút trải lòng của giáo viên môn “phụ”
Mới ngày nào, Quang – con út của một gia đình nông dân ở tỉnh Hải Dương – còn là niềm tự hào của cả nhà, khi trúng tuyển Khoa Giáo dục Chính trị của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Gia đình Quang đông anh em nhưng chỉ có cậu được học hành “đến nơi, đến chốn”.
Thấm thoắt 4 năm trôi nhanh trên giảng đường, Quang về dạy ở một trường THPT. Niềm vui ấm lòng chưa bao lâu, thầy giáo trẻ đã phải “nếm trải” dư vị chẳng mấy ngọt ngào của sự phân biệt môn “chính”, môn “phụ”.
Ảnh minh họa/INT
Môn học: “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”
Việc coi thường những môn học được cho là “phụ” (ví dụ: Giáo dục Thể chất, Giáo dục Công dân, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật…), có thể nói đang diễn ra khá phổ biến trong tâm lý HS phổ thông hiện nay.
Với Quang, kỷ niệm về ngày 20/11 vào năm đầu chính thức đứng trên bục giảng, thật khó quên. Sau khi dự mít tinh, liên hoan ở trường; Quang về nhà để tiếp học sinh. Do môn Giáo dục Công dân ở cấp THPT mỗi tuần chỉ có 1 tiết nên anh phải dạy tới hơn 10 lớp, cộng với công tác chủ nhiệm mới đủ tiêu chuẩn cơ số giờ theo quy định. Ấy vậy mà, quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có học sinh lớp Quang chủ nhiệm đến tặng hoa; chỉ vì anh là thầy giáo môn “phụ”.
Tương tự, vào các ngày tết, lễ, các thầy cô giáo dạy Toán, Văn, Lý, Hoá… đều chiếm vị trí “ưu tiên” trong “danh sách chúc mừng” của học sinh. Biết được điều đó, Quang đã tự “lên dây cót” tâm lý cho chính mình. “Thật khó để trách các em, đó là tâm lý chung của HS và cha mẹ HS khi chú trọng vào các môn học chính. Thôi thì chỉ còn biết tâm sự với đồng nghiệp để được chia sẻ, cảm thông” – Quang cho biết.
Video đang HOT
Còn cô Hương, giáo viên dạy Mỹ thuật ở một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội tâm sự: Cô đã quen với cách hành xử gắn với quan niệm về môn học, theo kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của phụ huynh và học sinh. Bởi thế cho nên, mỗi dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)… đã diễn ra cảnh tượng trái ngược: Người ôm hoa không hết, kẻ nhàn tản “đìu hiu”.
Môn “phụ”: Muôn nỗi trần ai…
Nói chuyện đi dạy của mình, Vinh (tốt nghiệp Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân ở một trường THCS, cười buồn: “Mình may mắn được đi dạy. Chứ ở một số nơi, do biên chế có hạn và tính đặc thù của bậc học nên họ có thể bố trí giáo viên kiêm nhiệm bộ môn của mình: Ví dụ: Văn – Giáo dục Công dân, Sử – Giáo dục Công dân; Địa – Giáo dục Công dân…”.
Nhưng điều đáng nói hơn là môn “chính, phụ” đồng nghĩa với điều kiện kinh tế xem ra cũng khác nhau. Ở vùng quê, phần lớn giáo viên THCS dạy các môn “chính” (Toán, Văn, Anh văn…) đã vất vả nay lại đảm nhiệm vai trò môn “phụ” như Vinh. Vì vậy, mặc dù đã có thâm niên đi dạy gần 10 năm rồi mà Vinh vẫn phải “méo mặt” khi thường xuyên đối mặt với tình trạng “thâm hụt” ngân sách thu – chi cá nhân.
Chưa hết tháng đã hết tiền là “căn bệnh kinh niên” không chỉ của Vinh mà còn đối với đa số nam giáo viên trẻ. Mệt nhất là thỉnh thoảng “phụ huynh” của các thầy cứ ca cẩm về việc ra trường đã nhiều năm liền mà chưa tiết kiệm được gì. “Nhưng khổ nỗi cái thân “anh giáo làng” lại dạy môn “phụ” như mình thì lấy đâu ra mà tiết kiệm cơ chứ! Đến ăn còn chẳng đủ nữa là…” – Vinh chua chát nói.
Nhưng rồi “đói thì đầu gối phải bò”. Năm ngoái, Vinh “liều mạng” vay vốn của gia đình (sau khi ra sức thuyết phục bố mẹ về dự án “làm ăn” của mình) để hùn với một đồng nghiệp dạy Hóa – Sinh, mở cửa hàng photocopy kiêm in bưu thiếp, tem nhãn; kinh doanh văn hóa phẩm… ở khu vực thị tứ. May mắn là nhờ các mối quan hệ của gia đình nên cửa hàng cũng không đến nỗi phải đóng cửa. Nghe Vinh nói, bỗng dưng tôi cảm thấy hình như sống mũi cay cay…
Trịnh Tuấn Anh
Theo GDTĐ
Làm sao kiếm nhiều tiền nếu giỏi môn nghệ thuật mà dở toán, lý, ngoại ngữ...?
Bài viết sau đây của một học sinh THPT tại TP.HCM sẽ khiến những nhà giáo dục giật mình tự hỏi chúng ta đã dạy học sinh những gì để hình thành nên nhân cách khi tâm lý xem các môn nghệ thuật vẫn chỉ là môn phụ trong nhà trường.
Một giờ học môn âm nhạc của học sinh THCS - Đào Ngọc Thạch
Các trường học ngày nay thường có thái độ xem nhẹ các môn nghệ thuật như âm nhạc hay mỹ thuật.
Nghệ thuật không phải để duy trì sự sống
Bộ phim Dead Poets Society (tên tiếng Việt là Hội cổ thi nhân) kể về một giáo viên dạy tiếng Anh đã truyền cảm hứng cho học sinh thông qua việc dạy thơ ca. Thầy giáo này có câu nói rất đáng suy nghĩ về vai trò của nghệ thuật: " Medicine, law, business, engineering, these are noble pursuits, and necessary to sustain life. But poetry, beauty, romance, love, these are what we stay alive for" (tạm dịch: Y khoa, luật, thương mại, khoa học kỹ thuật, chúng đều là những nhu cầu cao cả và cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng thơ ca, cái đẹp, sự lãng mạn, tình yêu, đó mới là những thứ khiến ta sống vì nó).
Lần đầu xuất hiện trên màn ảnh vào năm 1989, câu nói này đã trở thành một trong những lời thoại kinh điển nhất của điện ảnh. Hướng con người đến những giá trị nghệ thuật mà đôi khi ta đã vô tình bỏ quên trong đời mình.
Triết lý trong bộ phim này không mới, nếu ta so sánh với thời điểm hiện đại như ngày nay, nhưng không phải ai cũng hiểu và thấm nhuần tư tưởng ấy.
Thí sinh thi năng khiếu vào trường sư phạm - Đào Ngọc Thạch
Mọi người dễ bắt gặp hình ảnh những cô cậu học sinh đạt điểm cao ngất ngưởng trong các kỳ thi hay đơn thuần chỉ là bài kiểm tra một tiết trong lớp, nhưng lại không thể nói được tên của một bản nhạc dương cầm của thế kỷ, không biết rõ bức họa danh tiếng Mona Lisa do ai thực hiện và hoàn thành vào năm nào. Phải chăng chúng ta đã quá quan tâm đến những kiến thức phổ thông phức tạp như toán, lý, hóa, mà lại vô tình quên đi các môn nghệ thuật cũng có những đóng góp to lớn trong việc hình thành một nhân cách, một con người?
Khi học nghệ thuật chỉ để đủ điểm cho qua
Các trường học ngày nay thường có thái độ xem nhẹ các môn nghệ thuật như âm nhạc hay mỹ thuật.
Văn học vốn dĩ cũng là một môn nghệ thuật dễ đi vào lòng người. Đọc một bài thơ hay đem lại cho ta một cảm xúc bồi hồi, hoài niệm khó tả. Nhưng vì đâu mà học sinh thời nay lại không mấy hứng thú với văn học? Có thể là ảnh hưởng từ cách dạy khô khan của một số giáo viên, có thể là những liên hệ không thực tế đến từ mạng xã hội, hoặc cũng có thể là sự áp đặt cảm nghĩ của tác giả lên người học, khiến cho chúng ta cảm thấy rằng văn học chỉ có một khuôn mẫu nhất định, không thể kích thích sự say mê và sáng tạo cho người học.
Âm nhạc và hội họa được dạy cho trẻ em xuyên suốt từ tiểu học đến THCS. Nhưng không phải học sinh nào cũng có thể đọc chính xác vị trí các nốt nhạc đơn giản, không phải học sinh nào cũng có thể cảm thụ cái đẹp của các bức hội họa. Hai môn học này từ lâu đã được xếp vào danh sách những môn phụ, là không cần thiết, là chỉ cần học qua loa đủ điểm, hay thậm chí là vô bổ vì "Làm sao làm ra nhiều tiền nếu giỏi ba cái môn này mà dở toán, lý, Anh...?".
Suốt những năm tháng THCS, tôi đã chứng kiến các bạn tôi lấy các môn chính ra học trong giờ nhạc, giờ vẽ và mặc kệ lời giáo viên nói. Chúng ta sau này có thể trở thành những người thành công, tài giỏi ở nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, nhưng những giá trị tinh thần của âm nhạc, hội họa, thơ văn mới là bất biến theo thời gian. Ta chưa từng nghĩ rằng hóa ra những môn "phụ" đó lại quan trọng đến vậy. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, với những xu hướng âm nhạc mới mẻ đến từ Hàn Quốc, mấy ai còn nhớ đến những bản tình ca của những năm 60-70!
Giáo dục học sinh thấu hiểu và tôn trọng nghệ thuật là một bài học mà bất cứ ai cũng nên học, đó là nền tảng để hình thành một con người. Và không bao giờ quá trễ để học cách cảm nhận nghệ thuật của nhân loại.
Theo Thanh niên
Yếu tố then chốt phát triển giáo dục dân tộc Tại các trường phổ thông vùng dân tộc, đội ngũ giáo viên (GV) còn nhiều bất cập. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc nói riêng thì vấn đề bồi dưỡng và phát triển đội ngũ trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Đội ngũ giáo viên -...