Phụ huynh tố trường Quốc tế Singapore “lạm thu”: Giám đốc trường nói gì?
Một khoản tiền 8 triệu đồng được thu với cái tên “đặt cọc” đã khiến phụ huynh phản ứng gay gắt. Họ cho rằng, khoản thu này vô lý và chưa từng đồng ý với trường về khoản thu này. Trong khi đó, đại diện trường cho rằng đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh?
Theo đó, ông N.V.T., trú quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng đã có đơn gửi UBND, sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng phản ánh việc trường Quốc tế Singapore tại TP.Đà Nẵng “lạm thu” khoản tiền của phụ huynh trái quy định.
Trả lời PV báo điện tử Người Đưa Tin, ông T. cho hay, ông có con đang theo học ở ngôi trường này và ngoài các khoản thu theo quy định, trường còn thu thêm 8 triệu đồng/học sinh gọi là phí đặt cọc năm học 2019-2020.
Khoản phí này đã ngay lập tức gây ra tranh cãi giữa phụ huynh và nhà trường. Tuy nhiên, để đảm bảo việc học của con em, các phụ huynh vẫn đóng tiền, đồng thời cho biết sẽ khiếu nại việc này.
Phụ huynh vẫn nộp “đặt cọc” 8 triệu đồng vì không muốn làm gián đoạn việc học của con; tuy nhiên, họ sẽ khiếu nại khoản phí vô lý này?!
“Chúng tôi yêu cầu trường giải thích, cung cấp phiếu thu nêu rõ mục đích và căn cứ pháp lý hoặc văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền về khoản tiền thu thêm, nhưng nhà trường không cung cấp… Kế toán giải thích rằng, khoản tiền đặt cọc 8 triệu đồng này sẽ được trả lại cho phụ huynh khi các em học hết lớp 12. Ví dụ, bây giờ con tôi vào lớp 1 thì 12 năm sau, không hóa đơn chứng từ, chúng tôi dựa vào đâu mà lấy lại khoản tiền cọc này?”, ông T. bức xúc.
Cũng theo ông T., ông có đến 3 người con đang theo học ở trường Quốc tế Singapore với tổng chi phí hơn 700 triệu mỗi năm. Theo quy định và cam kết, nếu học sinh chuyển trường hoặc bỏ, thì số tiền đã nộp sẽ không được hoàn lại.
“Do đó, chẳng có lý gì lại thu thêm 8 triệu đồng mỗi học sinh để “đặt cọc”. “Đặt cọc” ở đây là đặt cọc cái gì? Cả trường có hàng trăm học sinh thành ra sẽ có một khoản không nhỏ bị “chiếm dụng” suốt thời gian dài. Liệu đây có phải là hình thức lợi dụng hay không?”, ông T. bày tỏ.
Cũng như ông T., bà L.Th., đang có con học ở trường Quốc tế Singapore cho rằng, chi phí học ở ngôi trường này rất cao, nhưng bà chấp nhận và cho con theo học. Tuy nhiên, khoản “đặt cọc” vô lý khiến bà không hài lòng.
Khi thắc mắc lên ban lãnh đạo trường, bà Th. được trả lời rằng, tiền “đặt cọc” này là để phòng khi học sinh làm hư hỏng tài sản gì của trường thì sẽ mang ra đền?!
“Làm gì có chuyện đó, nếu học sinh làm hỏng đồ đạc, thiết bị, nhà trường yêu cầu cha mẹ của em đó đền bù ngay chứ không thể thu tiền đặt cọc của tất cả. So với tổng số hơn 200 triệu đồng/học sinh/năm học chúng tôi nộp thì 8 triệu đồng “đặt cọc” là không lớn. Tuy nhiên, phải rõ ràng, minh bạch, hợp lý. Chúng tôi bức xúc vì thấy nhà trường thu khoản này bất minh và vô lý. Rồi nữa, tính rộng ra, hàng trăm học sinh thì sẽ có hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Số tiền này được cất vào đâu suốt hàng năm trời? Sử dụng như thế nào?”, bà Th., nói.
Video đang HOT
Cũng theo các phụ huynh này, họ chưa từng ký cam kết nào với nhà trường để đồng ý thu khoản phí “đặt cọc” nêu trên!
Trường Quốc tế Singapore tại TP.Đà Nẵng.
Trả lời PV Người Đưa Tin về vụ việc này, bà Trần Công Minh Hữu, Giám đốc trường Quốc tế Singapore tại TP.Đà Nẵng xác nhận, từ năm 2018, trường thu 8 triệu đồng/học sinh là tiền “đặt cọc”. Sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 12, nhà trường sẽ trả lại khoản tiền này cho phụ huynh. Khoản thu này chỉ áp dụng với đối tượng chuyển cấp, tức là những em mẫu giáo lên lớp 1 và học sinh lớp 9 lên cấp 3.
Trái ngược với nhóm phụ huynh cho rằng, chưa từng thỏa thuận với trường về khoản thu “đặt cọc” này thì bà Hữu cho rằng: “Khoản thu này đã có sự thỏa thuận dân sự giữa nhà trường và phụ huynh. Việc thu tiền này không căn cứ theo quy định nào của bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Vị này cũng giải thích rằng: “Khoản thu này được sử dụng để phạt những em bỏ học giữa chừng hoặc phụ huynh chậm đóng học phí… Hóa đơn chứng từ của khoản thu được ghi chung trong hóa đơn thu các khoản chứ không có hóa đơn riêng”.
Trước câu trả lời của vị Giám đốc chi nhánh trường Quốc tế Singapore tại TP.Đà Nẵng, các phụ huynh bất bình rằng, nếu nhà trường nói là đã có sự đồng thuận của phụ huynh thì phải nêu đích danh ra đó là ai? Chứ không thể vì một số quan điểm hay trường hợp nhỏ mà đánh đồng bắt cả trường phải theo.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!
Theo nguoiduatin
Cấm lạm thu, trường vẫn tìm cách "móc túi" phụ huynh?
Nhiều khoản cấm thu hoặc cho thu nhưng phải đúng quy định tuy nhiên trường THCS Đông Thọ (TP. Thanh Hóa) vẫn cố tình triển khai thu rồi tìm cách hợp thức hóa sai phạm.
"Chi vặt" lên đến hơn 160 triệu đồng
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THCS Đông Thọ thì dù nhiều khoản thu đã nằm trong danh mục cấm thu thế nhưng nhà trường vẫn triển khai thu. Đặc biệt, khoản tiền học thêm, nhà trường thu lên đến 35 tuần học, trong khi đó, năm nào nhà trường cũng học không học đủ 35 tuần vì nghỉ lễ, tết, thi cử nhưng cũng không thấy trả lại cho học sinh (HS).
"Cứ nói không cho lạm thu nhưng không có khoản nào mà nhà trường không thu đâu, tổng tôi phải đóng cho con từ đầu năm đến giờ là hơn 5 triệu rồi. Đặc biệt là khoản tiền học thêm, tôi thấy các trường khác họ thu quá lắm chỉ 30-32 tuần vì học sinh không thể học đủ được do Tết hay thi cử, nhưng trường này thu tới 35 tuần học. Trường cố tình thu tổng cả năm để móc túi phụ huynh vì nếu tuần nào học đóng tuần đó theo đúng quy định thì làm sao móc túi được" - một phụ huynh bức xúc.
Trường THCS Đông Thọ- nơi phụ huynh kêu trời vì lạm thu.
Có con đang theo học tại Trường THCS Đông Thọ, một phụ huynh khác cho biết: "Lớp nào cũng đưa ra khoản thu "chi vặt" 200 nghìn đồng/HS, cô giáo chủ nhiệm nói mua mấy đồ lặt vặt trong lớp, vậy thu quỹ lớp để làm gì mà lại thu khoản này để chi".
Cũng theo phụ huynh này thì nhà trường có tới hơn 800 học sinh, riêng khoản chi vặt, mỗi HS đóng 200 nghìn đồng thì số tiền lên tới hơn 160 triệu đồng, số tiền lớn này chỉ dùng để "chi vặt".
Ngoài ra, Sở GD&ĐT ngay đầu năm đã có văn bản gửi đến tất cả các trường về hướng dẫn các khoản thu. Trong đó, những khoản như đồng phục, khuyến học, tiền đề cương ôn tập không được thu nhưng trường này vẫn triển khai thu.
Cụ thể như đồng phục: 300 nghìn đồng/HS, khuyến học: 100.000đ/HS trở lên, tiền đề cương ôn tập 60.000đ/HS. Tiền xã hội hóa dù yêu cầu không được phân bổ, cào bằng nhưng trường này, phụ huynh cho biết vẫn thu 500.000đ/ HS. Tổng phụ huynh phải đóng cho con các khoản đầu năm lên đến 5.200.000đ.
"Nếu để chúng tôi ra ngoài tự mua đồng phục cho con thì giá còn rẻ hơn và chất lượng tốt hơn nhiều, đằng này nhà trường bắt mua đồng phục nhưng chất lượng rất kém. Con mặc mấy bữa áo đã nhàu, tuột đường chỉ..." - một phụ huynh nêu quan điểm.
"Móc túi" phụ huynh hay thu hộ?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Chu Đăng Phan, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận những khoản phụ huynh phản ánh, tuy nhiên ông Phan cho rằng các khoản như đồng phục, tiền học thêm đóng cả năm chỉ là giáo viên chủ nhiệm thu hộ mà thôi.
"Theo quy định thì tiền học thêm đóng theo tuần học nhưng do phụ huynh muốn nên cô giáo thu hộ cả năm luôn để phụ huynh đỡ mất công. Còn nhà trường vẫn học đủ 35 tuần, nếu nghỉ lễ, Tết hay thi cử chúng tôi sẽ cho HS học bù đảm bảo đúng số tiền học 35 tuần cho HS" - ông Phan phân trần.
Dù đã dùng số tiền xã hội hóa để chi cho việc mua sắm cơ sở vật chất và thiết bị dạy học thế nhưng trường này vẫn dùng tiền ngân sách 80 triệu đồng cũng để chi mua thiết bị dạy học.
Cũng theo ông Phan thì tiền đồng phục là do giáo viên thu hộ cho hai nhà may. Vì đầu năm vào học, trường triển khai ai mua đồng phục thì đăng ký với nhà may chứ nhà trường không đứng ra làm.
"Tiền chi vặt thì tôi cũng mới nghe phản ánh, đang cho các giáo viên làm rõ xem là khoản chi những cái gì, có thể là mua ghế nhựa, khăn lau tay.. Nhà trường không đưa ra khoản này nhưng tại các giáo viên chủ nhiệm họ triển khai như thế mới khiến phụ huynh có ý kiến" - ông Phan nói.
Tiền khuyến học được Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thọ cho rằng chỉ thu mình khối 6 khi bắt đầu vào trường. Tiền này gọi tiền tài trợ cho HS nghèo, dùng để mua đồng phục cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, khi tiếp cận danh sách thu này có đến hơn 20 triệu đồng, PV hỏi hơn 20 triệu chỉ để tài trợ tiền đồng phục cho các HS nghèo thì ông Phan lại cho rằng chi cho HS nghèo cả năm học.
Mỗi năm thu của học sinh khối 6 trung bình hơn 20 triệu đồng để chi cho học sinh nghèo nhưng lãnh đạo trường này vẫn dùng tiền quỹ cha mẹ học sinh và tiền xã hội hóa để tiếp tục chi cho học sinh nghèo.
Đặc biệt, tại danh mục chi mà nhà trường triển khai đến phụ huynh có tới 2 khoản chi cho HS nghèo là khoản tiền xã hội hóa và khoản tiền quỹ phụ huynh.
Tiền đề cương như phụ huynh phản ánh được Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thọ giải thích dù công văn cấm thu nhưng không thu thì không biết lấy ở đâu để chi, cái này nhà trường cũng đã đấu tranh với thành phố. Trong khi đó, trường này đã dùng tới 30 triệu đồng trích từ khoản học phí để chi cho việc in ấn tài liệu, sách báo.
Riêng khoản xã hội hóa giáo dục, nhà trường dự kiến chi hết hơn 344 triệu đồng. Cụ thể, mua 100 bộ bàn ghế học sinh hết hơn 74 triệu đồng, 15 bộ máy vi tính với hơn 125 triệu đồng, 10 bộ máy chiếu sony 145 triệu đồng. Thế nhưng tại danh mục chi trong tiền học phí, trường này vẫn kê chi vào việc mua sắm thiết bị dạy học lên đến 80 triệu đồng.
Đáng nói, tất cả các biên bản họp phụ huynh của trường này viết theo một khuôn mẫu giống nhau, không có bất cứ biên bản nào thể hiện các khoản thu của nhà trường cũng như sự bàn bạc của phụ huynh.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
'Ma trận' trại hè: Bí quyết thông thái của bà mẹ 7X (Bài 3) Bạn thường chọn trại hè cho con theo tiêu chí nào? Điều đó có thực sự đảm bảo chất lượng và đáp ứng sở thích, nhu cầu của con? Mời bạn tham khảo những chia sẻ dưới đây của một bà mẹ 7x, với nhiều năm kinh nghiệm cho con đi trại hè. Là mẹ của cậu con trai học cấp 3 và...