Phụ huynh sục sôi vì con thi lớp 10 nhưng 2 năm liền ‘dính’ Covid-19
Nhiều phụ huynh ở Hà Nội lo lắng khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cận kề nhưng các con phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lại phải thi nhiều hơn 1 môn so với năm ngoái.
Chỉ sau một ngày sau khi học sinh cấp THCS và THPT trở lại trường sau kì nghỉ lễ 30/4, ngày 3/5, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ra thông báo cho học sinh nghỉ học tập trung đến khi có thông báo mới.
Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh bày tỏ sự sốt ruột khi lứa học sinh lớp 9 năm nay 2 năm liền chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng vẫn phải thi 4 môn.
Chị Hoàng Ngọc (quận Đống Đa) cho rằng, lứa học sinh 2006 như con chị rất áp lực và thiệt thòi.
“Toàn giai đoạn nước rút, những phần quan trọng thì con phải học trực tuyến, hiệu quả sẽ khó có thể cao bằng học trực tiếp. Năm nay, Hà Nội vẫn tổ chức thi vào lớp 10 với 4 môn; trong khi năm ngoái cũng dịch bệnh thì chỉ thi 3 môn.
Chưa kể, năm ngoái cũng điều kiện dịch bệnh nhưng lịch thi được dời đến tận giữa tháng 7, năm nay giữa tháng 6 các con đã phải thi rồi”.
Còn chị Linh Chi, có con năm nay thi vào lớp 10 ở quận Thanh Xuân chia sẻ: “Học trong điều kiện bình thường, các con ôn tập đã rất vất vả, giờ học trực tuyến thì không biết các con có nạp được nhiều kiến thức không”.
Theo chị Lê Ngọc Ánh (Ba Đình), vì mới nên chất lượng của học trực tuyến khó có thể bằng trực tiếp.
“Có ngồi học cùng con mới thấy được nhiều vướng mắc, ảnh hưởng chất lượng học tập. Có lẽ kiến thức của 5 buổi trực tuyến mới bằng kiến thức của 1 buổi trực tiếp. Dù các giáo viên rất nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế từ phương thức truyền đạt, nội dung giáo án, chưa kể học sinh không tập trung, mỏi mệt do học nhiều trên máy tính…”, chị Ánh nói.
Vì vậy, nhiều phụ huynh bày tỏ hi vọng Hà Nội sẽ bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 năm nay.
Video đang HOT
Phụ huynh cùng con trước kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh tư liệu: Thanh Hùng
Song, một số phụ huynh khác thì cho rằng cần bình tĩnh bởi đây là khó khăn chung và “nước nổi thì bèo nổi”, khi các con đã ôn luyện rồi thì việc bỏ môn thi thứ 4 ở những phút cuối sẽ không có nhiều tác dụng.
Chị Phạm Thu Trang chia sẻ: “Các phụ huynh mong mỏi cũng có cái lý. Nhưng như lớp con em thì đa số các con vẫn muốn giữ nguyên các môn, đằng nào cũng đã công bố và ôn tập rồi thì cứ thi, xem các con có khả năng thích nghi với điều kiện ra sao”.
Tăng tốc ôn tập kiến thức cho học sinh
Chia sẻ với VietNamNet , bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức) cho hay nhận được nhiều phàn nàn của phụ huynh khi thông báo chuyển sang học trực tuyến.
Theo bà Dung, phụ huynh lo lắng cũng dễ hiểu. Bởi lứa học sinh này trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 với 3 lần phải học trực tuyến.
“Năm ngoái, ở đợt 1, các học sinh phải nghỉ đến trường 3 tháng và đợt 2 là 3 tuần. Năm nay, đợt thứ 3 phải học trực tuyến cũng là giai đoạn cận kề kỳ thi”, bà Dung nói.
“Tâm lý của phụ huynh là muốn con được thầy cô trực tiếp hướng dẫn học và chữa bài. Trong khi học trực tuyến thì việc này sẽ khó khăn hơn. Chưa kể, nhiều gia đình, học sinh chỉ trang bị được điện thoại cho con học trực tuyến, nên khi giáo viên yêu cầu tương tác qua việc làm bài tập sẽ khó khăn bởi quá trình đổi giao diện”.
Thầy giáo Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) dạy học trực tuyến cho các học sinh. Ảnh: Thanh Hùng
Để hỗ trợ học sinh và trấn an các phụ huynh, bà Dung cho hay, từ ngày hôm qua (4/5), nhà trường đã tổ chức việc ôn tập cho học sinh vào các buổi chiều trong tuần bằng hình thức trực tuyến.
“Như vậy, buổi sáng, học sinh vẫn học trực tuyến các môn theo thời khóa biểu để kết thúc chương trình năm học. Buổi chiều, các em được ôn tập 4 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử. Tùy vào thời khóa biểu của từng lớp nhưng mỗi tuần, trường bố trí ôn 2 buổi Toán, 2 buổi Ngữ văn, 1 buổi Tiếng Anh và 1 buổi Lịch sử. Mỗi buổi chiều các em sẽ học 3 tiết, mỗi tiết 40 phút”, bà Dung nói.
Ngoài ra, giáo viên cũng cho học sinh làm thêm bài tập, đề thi mẫu vào buổi tối để rèn tâm lý thi cử và quen với các dạng bài.
“Nhà trường sẽ triển khai việc ôn tập này cho đến khi các em đến trường trở lại. Trong tình huống không thể, vẫn sẽ triển khai đến tận ngày các em thi vào lớp 10 để hỗ trợ học sinh được tốt nhất”, bà Dung nói.
Còn thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho hay, trường đã hoàn thành chương trình và điểm cho toàn bộ học sinh lớp 9, nên giai đoạn này đang tập trung vào việc ôn tập 4 môn thi lớp 10 cho các em.
“Hàng ngày, học sinh lớp 9 sẽ học 4 tiết trực tuyến vào buổi sáng các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử. Ngoài ra, giáo viên của trường còn phân loại và dạy trực tuyến theo 2 nhóm đối tượng để đảm bảo tính phân hoá và hiệu quả. Ngoài thời gian này, các thầy cô còn có các buổi khác để rèn kỹ năng, quan tâm đặc biệt tới các học sinh chưa vững kiến thức”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm vì qua nhiều năm, nhà trường đã xây dựng được tài liệu ôn thi vào lớp 10 công phu, có chọn lọc, cập nhật. Chẳng hạn với môn Lịch sử, nhà trường đã có kho gần 2.000 câu hỏi ở nhiều chủ đề khác nhau. Về công nghệ, các hệ sinh thái trực tuyến để giao bài, chấm bài, kiểm tra của trường cũng đã trơn tru, thuận lợi, hiệu quả.
“Giai đoạn này nếu kéo dài, việc kiểm tra và thi thử trực tuyến sẽ là giải pháp mà nhà trường sử dụng. Tôi nghĩ dù tình hình dịch bệnh khó khăn, song trên tất cả, sự tận tâm, trách nhiệm cao của các giáo viên cùng kế hoạch, chiến lược rõ ràng của nhà trường sẽ khắc phục được việc này”, ông Cường tự tin.
Trường THCS lên kế hoạch bồi dưỡng Lịch sử cho học sinh
Nhiều trường THCS lên kế hoạch cho học sinh làm bài khảo sát, tăng tiết ôn tập môn Lịch sử khi chỉ còn hơn 2,5 tháng nữa là đến kỳ thi vào lớp 10.
Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo bốn môn thi vào lớp 10 năm 2021 là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử hôm 12/3, Ban giám hiệu trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức, đã họp với giáo viên để lên kế hoạch ôn tập cho khoảng 200 học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 năm nay.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Dung cho biết do ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đã được thông báo trước, trường chủ động cho học sinh ôn tập từ đầu năm. Với môn thứ tư, có thể là một trong sáu môn Sinh học, Hoá học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, trường cho các em học đều trên cơ sở mục tiêu phát triển toàn diện cả về kiến thức và phẩm chất, năng lực.
Vì vậy, khi môn Lịch sử được thông báo là môn thi thứ tư vào lớp 10 ở thời điểm chỉ còn hơn 2,5 tháng là tới kỳ thi, nhà trường cần có kế hoạch cụ thể để ôn tập kỹ hơn cho học sinh. "Việc môn Lịch sử được lựa chọn khá bất ngờ với nhiều thầy cô và học sinh, nhưng cũng là may mắn vì nhà trường đã có kinh nghiệm, giáo viên từng tham gia bồi dưỡng các em thi vào lớp 10 năm 2019 và thi học sinh giỏi. Nhiều em tỏ ra hứng thú với môn học này", cô Dung nói.
Theo cô Dung, học sinh đang học Lịch sử bình thường, chưa có tâm thế để thi môn này. Vì vậy, đầu tuần tới, hai giáo viên Lịch sử phụ trách 5 lớp 9 của trường sẽ ra đề thi với hình thức và nội dung tương tự đề thi do Sở Giáo dục và Đào tạo ra năm 2019 để khảo sát, xem các em còn yếu phần nào. Sau đó nhà trường sẽ sắp xếp thêm tiết trong tuần để tăng cường ôn tập, dự kiến là tăng hai tiết buổi chiều, đồng thời tận dụng tiết truy bài đầu giờ.
Ngoài các buổi học trên lớp, học sinh sẽ được hướng dẫn ôn luyện qua hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy và một số ứng dụng. Bất cứ khi nào có khúc mắc, học sinh có thể liên hệ với thầy cô để được hướng dẫn, giải đáp thông qua các phần mềm học trực tuyến, giống như cách nhà trường đã áp dụng trong hai mùa học online vừa qua.
Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp học sinh ôn thi, đặc biệt là với Lịch sử - môn thi được thông báo cuối cùng. Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay ngay từ khi xây dựng kế hoạch năm học, nhà trường đã định hướng việc thi vào lớp 10 bởi xác định đây là kỳ thi căng thẳng khi hơn 90.000 học sinh dự thi thì khoảng 30.000 em không trúng tuyển vào các trường THPT công lập.
Từ đầu năm, khi mới biết ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ chắc chắn có trong kỳ thi, trường đã có định hướng ôn tập rõ ràng. Với môn thứ tư sẽ được chọn là một trong sáu môn, trường ôn luyện cho học sinh theo hướng chuẩn kiến thức, kỹ năng chung của chương trình lớp 9.
Để học sinh làm quen, từ học kỳ I, tất cả đề kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ ở sáu môn được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm theo đúng cấu trúc đề của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thậm chí trộn bốn mã đề trong phòng thi và để các em làm bài trên phiếu tô trả lời như khi thi thật. "Nhờ đó, đến nay các em đã nắm vững cách thức tổ chức thi, quy chế, phương pháp, cách thức làm bài", thầy Cường nói.
Giáo viên trường THCS Thái Thịnh hướng dẫn học sinh trong một giờ học. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Về phía giáo viên, các tổ nhóm chuyên môn của trường đã chuẩn bị từ những năm trước để hình thành các bộ đề trắc nghiệm, giúp học sinh ôn tập. Đặc biệt với môn Lịch sử, vì đã thi cách đây hai năm, nhà trường vẫn còn nguyên tất cả sự chuẩn bị, giờ chỉ cần bổ sung một số nội dung.
Cũng theo thầy Cường, tới đây nhà trường sẽ khảo thí độc lập từ kho đề của mình để kiểm tra học sinh, cho các em thi thử, sớm phát hiện yếu mảng nào, từ đó có kế hoạch củng cố kiến thức thêm vào các buổi chiều. Khi chương trình các bộ môn kết thúc, nhà trường sẽ ưu tiên thêm thời gian cho môn Lịch sử để học sinh tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi lớp 10.
"Khi môn Lịch sử được lựa chọn thi, chúng tôi xác định đây là cơ hội lớn để học sinh có thời gian nghiên cứu sâu thêm về lịch sử Việt Nam và thế giới, từ đó yêu thích môn Lịch sử, yêu đất nước hơn. Vì vậy, dù là ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, giáo viên vẫn phải chú trọng phương pháp dạy để các em không cảm thấy bị áp lực thi cử và nhàm chán", thầy Cường nói.
Trước đó, trường THCS Thái Thịnh vẫn thường xuyên cho học sinh làm dự án, đóng vai, thuyết trình để thấy việc học Lịch sử cũng như các môn khác thú vị. Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử của trường trong kỳ thi vào lớp 10 là khoảng 8. Đó là cơ sở để thầy Cường tin tưởng khoảng 350 học sinh lớp 9 của trường năm nay sẽ làm tốt bài thi môn này.
Không chỉ trường THCS Đông La hay Thái Thịnh, nhiều trường khác như THCS Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì) cũng đã có kế hoạch giảm tiết ôn tập buổi chiều ở một số môn để tăng 2-3 tiết Lịch sử mỗi tuần, giúp học sinh chuẩn bị tốt kiến thức trước khi bước vào kỳ thi do môn này có thời gian ôn tập ít nhất trong bốn môn thi.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/5 với sự tham gia của gần 91.000 học sinh. Trong đó, khoảng 62% được tuyển vào các trường THPT công lập, 22% vào trường ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính, 8% vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 8% tham gia học nghề.
Đẩy mạnh dạy học trực tuyến: Cơ hội để tiết giảm các chi phí xã hội Từ một giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, dạy học trực tuyến đã giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Trong tương lai, nếu tiếp tục tận dụng lợi thế của phương thức dạy học này thì sẽ tạo ra ý nghĩa xã hội...