Phụ huynh Hà Tĩnh chuẩn bị gì cho con trong kỳ nghỉ hè đặc biệt?
Kỳ nghỉ hè năm nay của học sinh muộn và ngắn hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù vậy, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh vẫn lên kế hoạch để “tận dụng” mùa hè ngắn này cho con.
Cậu bé Nguyễn Ngọc Bảo thích thú chuẩn bị giày và quần áo thể thao để tham gia khóa học bóng đá trong hè.
Những năm trước, đã thành thông lệ, nghỉ hè là chị Phạm Thị Thanh Tuyết (phường Văn Yên – TP Hà Tĩnh) lại lên kế hoạch cho hai con về quê chơi cùng ông bà khoảng một tháng, sau đó là những khóa học thêm ngoại ngữ, năng khiếu. Nhưng năm nay, thời gian nghỉ hè ngắn nên cậu bé Nguyễn Ngọc Bảo (11 tuổi) – con trai chị Tuyết đã được mẹ lên một kế hoạch khác cũng không kém phần thú vị.
Sau khi về thăm ông bà hai ngày cuối tuần, Bảo được mẹ đăng ký cho một khóa học tại một câu lạc bộ bóng đá dành cho thiếu nhi ở TP Hà Tĩnh.
Chị Tuyết chia sẻ: “Năm nay, tôi để con tự chọn hình thức nghỉ hè cho mình và cháu đã xin mẹ được học đá bóng để thỏa niềm đam mê. Đó cũng là cách giúp con rèn luyện thể lực và chuẩn bị sức khỏe, tâm lý cho năm học mới’.
Bảo phụ giúp mẹ bán hàng online trong những ngày nghỉ.
Kiếm thêm thu nhập bằng việc bán hàng online, hè này, chị Tuyết cũng có thêm “trợ thủ” đắc lực khi Bảo rất hăng hái giúp mẹ chuẩn bị nguyên liệu, gói hàng cho khách và trông em những lúc mẹ bận. Công việc phụ giúp mẹ cũng khiến cho những ngày hè của cậu bé bớt nhàm chán hơn rất nhiều.
Video đang HOT
Còn em Lê Thị Khánh Huyền (12 tuổi ở Thạch Châu – Lộc Hà) thì lại quyết tâm chinh phục môn bơi trong kỳ nghỉ hè này. Khánh Huyền cho biết: “Mẹ đã đăng ký khóa học bơi ở thành phố cho em. Bắt đầu từ tuần sau, em sẽ tham gia khóa học và dù thời gian không quá dài nhưng em quyết tâm phải học bơi thành thạo trước khi bước vào năm học mới”.
Học bơi là lựa chọn của nhiều học sinh hè này.
Với các bé vừa tốt nghiệp bậc học mầm non như Nguyễn Duy Gia Bảo (6 tuổi, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) thì mùa hè này càng đặc biệt hơn khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa, các em sẽ vào lớp 1.
Chị Trần Thị Thảo, mẹ bé Gia Bảo cho biết: “Con vừa mới đi học lại sau đợt nghỉ học tránh dịch, nay lại sắp bước vào lớp 1 nên tôi muốn dành kỳ nghỉ hè năm nay để chuẩn tâm lý, trang bị cho con những kỹ năng cần thiết trước khi bước vào một giai đoạn mới”.
Để bé không quá bỡ ngỡ khi bước vào một môi trường mới, tranh thủ buổi tối, chị Thảo phải giúp con làm quen với sách vở, đồ dùng học tập, hướng dẫn những quy định ở bậc học mới…
Mùa hè này càng đặc biệt hơn khi bé Gia Bảo được làm quen với cấp học mới sau khi tốt nghiệp mầm non.
Trước khi tốt nghiệp trường mầm non, cậu bé và các bạn cũng đã được nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa đến thăm một ngôi trường cấp 1 trên địa bàn thành phố. Các con được giới thiệu về thiết bị, dụng cụ và phòng học tại trường như: âm nhạc, mỹ thuật, thư viện… Nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là được trải nghiệm những tiết học bổ ích với giáo viên và giao lưu với các anh chị lớn tuổi.
“Con tỏ ra rất hào hứng với những trải nghiệm mới mẻ đó và tâm lý khá sẵn sàng để bước vào lớp 1″ – chị Thảo cho biết.
Dù kỳ nghỉ hè năm nay nhiều người vẫn gọi vui là “ngắn nhất trong lịch sử” nhưng nhiều gia đình vẫn lên kế hoạch vui chơi cho bố mẹ và con cái để cả gia đình có thời gian thư giãn bên nhau.
Mùa hè dù ngắn nhưng trẻ cần được vui chơi, nghỉ ngơi để chuẩn bị tâm lý, năng lượng cho năm học mới. (Ả nh Ánh Dương).
Anh Phạm Danh Phong (phường Trần Phú – TP Hà Tĩnh) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng tổ chức nhiều chuyến du lịch để các thành viên trong gia đình được đi đến mọi vùng miền, các con được khám phá nhiều vùng đất mới. Nhưng năm nay, thời gian nghỉ hè của các con ngắn nên chúng tôi ưu tiên loại hình du lịch nghỉ dưỡng ở địa điểm gần để vừa có thời gian vui vẻ bên nhau, vừa được thư giãn, nạp năng lượng cho một năm học mới”.
Mỗi gia đình lựa chọn một cách nghỉ hè cho con nhưng nhìn chung, hầu hết phụ huynh được hỏi đều mong muốn con được nghỉ ngơi, vui chơi trọn vẹn trong kỳ nghỉ ngắn. Điều đó có nghĩa dù thời gian ngắn nhưng hứa hẹn các em sẽ có một mùa hè không kém phần bổ ích, lý thú.
Cần nhân rộng các lớp dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước
Số học sinh được học bơi và biết bơi trên cả nước chiếm tỷ lệ không nhiều. Theo thống kê, cả nước chỉ có 30% học sinh biết kĩ năng phòng tránh đuối nước.
Kỳ nghỉ hè năm nay đến muộn do dịch Covid-19, thế nhưng trong thời gian học sinh đang đi học vẫn liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm, một lần nữa cảnh báo các bậc phụ huynh trong việc kiểm soát con em mình. Làm thế nào để trẻ em không rủ nhau đi bơi trong thời gian nghỉ hè khi thiếu sự giám sát của cha mẹ và thầy cô? Làm thế nào để trẻ có kỹ năng phòng tránh đuối nước, hạn chế những vụ chết đuối do sự thiếu hiểu biết?
Số học sinh được học bơi và biết bơi trên cả nước chiếm tỷ lệ không nhiều. Theo thống kê, cả nước chỉ có 30% học sinh biết kĩ năng phòng tránh đuối nước. Rất nhiều trẻ em vùng nông thôn, vùng sông nước không được học bơi, không biết kĩ năng phòng tránh đuối nước. Trên 50% trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Điều đó lý giải vì sao vào những ngày hè, hầu như ngày nào chúng ta cũng đọc được thông tin đau lòng về trẻ em bị đuối nước trên địa bàn cả nước.
Mới đây nhất, ngày 7/7, tại xã Tân Hợp (huyện Văn Yên, Yên Bái), người dân "bàng hoàng" phát hiện có 3 thiếu nữ bị đuối nước. Trước đó, ngày 5/7, 3 thanh niên ở Quảng Nam tử vong do đuối nước khi đi bơi ở khu vực không an toàn. Ngày 3/7, cũng tại tỉnh Quảng Nam, một học sinh lớp 7 bị đuối nước khi tắm ở kênh Phú Ninh. Ngày 2/7, một vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra tại tỉnh Gia Lai khiến hai cháu nhỏ tử vong. Ngày 30/6, 3 học sinh lớp 6 ở Hà Tĩnh rủ nhau đi tắm ở sông La, không may sẩy chân xuống chỗ nước sâu và tử vong do đuối nước. Đây chỉ là một số trong rất nhiều vụ đuối nước dẫn đến tử vong xảy ra trong những ngày gần đây.
Mặc dù nhiều chương trình, dự án về dạy bơi được triển khai hàng năm nhưng mỗi năm vẫn có hơn 2 nghìn trẻ em tử vong do đuối nước. Với con số đáng buồn này, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.
Theo PGS-TS Phạm Viết Cương, Trường đại học Y tế công cộng, mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều dự án về phòng, chống đuối nước với nhiều các biện pháp kết hợp nhưng vẫn thiếu và yếu. Việc hỗ trợ, can thiệp tại nhiều địa phương chưa đồng đều, có địa phương triển khai hoạt động với tính chất "chỉ đạo trên văn bản: "Chúng ta vẫn có những chính sách, văn bản chỉ đạo, tuy nhiên những kết quả can thiệp và những hoạt động tại nhiều địa phương chưa đồng đều. Có những địa phương làm khá tốt việc tuyên truyền và dạy bơi nhưng có địa phương có những địa phương có mang tính chất hoạt động "văn bản chỉ đạo". Những hoạt động thực chất làm như thế nào để cải thiện môi trường làm thế nào, đảm bảo an toàn thì thực sự chúng ta còn rất yếu. Thế cho nên mỗi 1 năm chúng ta vẫn có tỷ lệ tự số lượng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn còn khá cao".
Nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc không biết thế nào được coi là biết bơi. Không ít người cho rằng, chỉ cần bơi được vài chục mét là biết bơi, hoặc có người hiểu đơn giản xuống nước không bị chìm là biết bơi. Nhiều trẻ tự tin biết bơi nhưng do chưa biết thực hành kỹ năng an toàn trong môi trường nước đã đuối nước khi không xử lý được tình huống bị chuột rút, bị đuối sức hoặc khi gặp dòng nước xoáy, sóng to, nước chảy xiết. Đau xót hơn khi nhiều trẻ bơi tốt nhưng do chưa biết kỹ năng cứu đuối an toàn đã vội nhảy xuống nước cứu bạn dẫn đến đuối nước tập thể.
Ông Phạm Ngọc Trung, Giám đốc Dự án Phổ cập bơi, Công ty Cổ phần Bằng Linh cho rằng: "Tôi nghĩ phải có 2 biện pháp khẩn cấp đưa ra, đó là nên phải chuẩn hóa lại đội ngũ dạy bơi. Hiện tại gần như tiêu chí dạy bơi thì bơi được 20 m là coi như đã hoàn thành khóa học bơi, tôi nghĩ như thế chưa đủ. Chúng ta nên có những buổi học trang bị thêm cho học sinh những kiến thức cơ bản để phòng tránh được cho mình và cho bạn, những kỹ năng mềm như là kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng đứng nước, kỹ năng bình tĩnh, kỹ năng cứu bạn. Tất cả những cái đó thì ngay các thầy cô cũng hiểu lơ mơ hoặc hiểu chưa đầy đủ, khi các thầy cô được trang bị đầy đủ thì sẽ về trang bị lại cho học sinh mình đang giảng dạy ngay trong mùa hè này".
Ngoài dạy kĩ năng bơi cho trẻ, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh việc tăng cường giám sát và trông giữ trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Tăng cường đào tạo cho các giáo viên mầm non cũng như các cha mẹ, người chăm sóc trẻ các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em. Bởi hiện nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đến nhà trẻ chỉ khoảng gần 30 %, còn lại 70 % các trẻ em đang ở nhà.
"Đối với các trẻ lớn thì phải tăng cường việc giám sát và trông giữ trẻ để trẻ không tự ý đi bơi, không tự ý đi chơi ở những nơi nguy hiểm. Ngoài ra, phải tiếp tục phát triển mạng lưới phòng, chống đuối nước với sự tham gia của các Bộ, ngành cũng như các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam. Tiếp tục thực hiện các quy định an toàn đã được Chính phủ cũng như các bộ, ngành ban hành. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để có thể phát hiện sớm các nguy cơ gây đuối nước cũng như triển khai tốt các biện pháp về phòng, chống đuối nước trẻ em".
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, cần phải tuyên truyền như thế nào để nâng cao nhận thức của trẻ em cũng như cha mẹ các em, làm sao tuyên truyền cho đúng nhóm đúng đối tượng, đồng thời, chỉ rõ vai trò trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khi để xảy ra các vụ tử vong do đuối nước :
"Tất cả những người đứng đầu đã nhận nhiệm vụ là đều phải quy trách nhiệm rất rõ. Lợi ích tốt nhất mà chúng ta quan tâm, đó là trẻ em. Dù thực hiện thế nào đi chăng nữa thì mục đích là giảm số vụ đuối nước và có kết quả. Nếu chúng ta cứ vất vả tuyên truyền, chỗ nào cũng tuyên truyền với kinh phí đầu tư lớn nhưng đối tượng tuyên truyền là ai, kỹ năng có được thay đổi hay không, nhận thức có được thay đổi hay không và trực tiếp bảo vệ được các em khỏi đuối nước có đáp ứng được hay không? Tính kết nối của chúng ta như thế nào. Trách nhiệm của Bộ như thế nào thì xuống địa phương phải có tính kết nối, sở ngành địa phương cũng phải vào cuộc sâu"
Thời gian nghỉ hè đã tới, mùa mưa bão cũng đang đến gần, phòng tránh đuối nước không chỉ ở việc học bơi, biết bơi mà điều quan trọng hơn là các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn. Việc giải thích, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng tự phòng vệ để con nhận thức được nơi nào nguy hiểm cần tránh xa là vô cùng cần thiết./.
Trẻ em Cẩm Xuyên học bơi để phòng tránh đuối nước Phòng chống tai nạn đuối nước, Huyện đoàn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh trong những ngày hè. Huyện đoàn Cẩm Xuyên vừa phối hợp Đoàn thị trấn Cẩm Xuyên và Liên đội Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên tổ chức khai giảng, ra mắt CLB bơi hè...