Phong trào xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp ở huyện Thiệu Hóa
Cũng như Trường Tiểu học Thiệu Đô, cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến thăm Trường THCS Thiệu Trung là không gian trường học trong lành, khuôn viên nhà trường khang trang, sạch, đẹp, thân thiện.
Khuôn viên sân trường xanh, sạch, đẹp, phòng lớp học khang trang là hình ảnh của nhiều trường học trên địa bàn huyện Thiệu Hóa kể từ khi thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động năm 2008 cũng như thực hiện kế hoạch xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn của phòng GD&ĐT huyện trong nhiều năm qua.
Các em học sinh Trường THCS Thiệu Đô chăm sóc bồn hoa cây cảnh.
Cách đây 5 năm, Trường Tiểu học Thiệu Đô, thị trấn Thiệu Hóa vẫn trong tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất, phòng lớp học, nhà hiệu bộ, sân trường trũng thấp, gồ ghề… Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của mỗi thầy, cô giáo và các em học sinh, sự quan tâm của chính quyền địa phương và ngành chức năng, hiện nay, diện mạo nhà trường đang từng bước được thay đổi. Thầy giáo Trịnh Quang Khanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiệu Đô chia sẻ: Nhờ sự đầu tư của chính quyền địa phương và huy động xã hội hóa, hiện nay, nhà trường đã có sân chơi, bãi tập khang trang; cảnh quan khuôn viên sân trường, bồn hoa, cây cảnh sạch, đẹp; phòng học được xây dựng theo hướng kiên cố cao tầng, thiết bị, đồ dùng dạy học cũng được trang bị đầy đủ… Tất cả các công trình trên đều được xây dựng theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp, an toàn với phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Từ kết quả đạt được để môi trường học đường của nhà trường luôn sạch, đẹp, ngoài công tác tuyên truyền, ban giám hiệu nhà trường đã giao cho mỗi chi đội phụ trách một công trình măng non chăm sóc, bảo vệ và giữ gìn trường học xanh – sạch – đẹp. Bên cạnh đó, giao đội cờ đỏ thường xuyên đôn đốc nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi ra sân trường cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ trang trí làm đẹp lớp học, chăm sóc cây xanh, coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm. Với cách làm này, cảnh quan, khuôn viên nhà trường ngày càng khang trang, sạch, đẹp, ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt.
Cũng như Trường Tiểu học Thiệu Đô, cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến thăm Trường THCS Thiệu Trung là không gian trường học trong lành, khuôn viên nhà trường khang trang, sạch, đẹp, thân thiện. Được biết, để có được không gian đó, mỗi năm nhà trường phấn đấu làm một công trình mới, như: Công trình nhà vệ sinh, nâng cấp sân trường, bồn hoa cây cảnh, xây dựng cổng trường, mua sắm bàn ghế, lát nền lớp học… tạo môi trường tốt nhất cho học sinh học tập và phát triển toàn diện cả về trí tuệ, sức khỏe và kỹ năng sống. Ngoài ra, hằng năm, ban giám hiệu nhà trường còn xây dựng kế hoạch phân công giáo viên chủ động giúp học sinh hiểu rõ yêu cầu về xây dựng và giữ gìn trường học xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, thầy, cô giáo luôn quán triệt cho các em về ý thức giữ gìn môi trường sạch, đẹp; chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, vệ sinh phòng học, sân trường, tham gia thu gom rác thải bảo vệ môi trường… Em Lê Doãn Khánh, học sinh lớp 8A, Trường THCS Thiệu Trung tâm sự: “Để trường học luôn xanh, sạch, đẹp và thân thiện, chúng em thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh trường, lớp học, chăm sóc bồn hoa cây cảnh trong khuôn viên nhà trường. Khi tổ chức hoạt động trên các bạn trong lớp, trong trường đều hăng hái tham gia, năng nổ cùng nhau chung sức giữ gìn môi trường học đường, môi trường sống xanh, sạch, đẹp”.
Theo thầy giáo Ngô Duy Cường, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa, sau nhiều năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, hiện nay, diện mạo của 28 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 23 trường THCS và 5 trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc. Phong trào không chỉ tạo môi trường giáo dục lành mạnh, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của học sinh được nâng lên mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện với tỷ lệ học sinh yếu kém giảm, học sinh khá, giỏi tăng hàng năm. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn đứng tốp 10 toàn tỉnh; các sân chơi trí tuệ, các giải thi thể dục, thể thao cũng thu hút học sinh tích cực tham gia. Cũng từ phát động phong trào, mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh hiểu được ý nghĩa của việc tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn. Đồng thời, là cơ sở để củng cố cơ sở vật chất, tạo môi trường sư phạm lành mạnh đáp ứng yêu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.
Video đang HOT
Bài Và Ảnh: P.S
Theo thanhhoa
Mấu chốt để có "trường học hạnh phúc"
Từ nhiều năm nay, cả nước đẩy mạnh xây dựng mô hình "Trường đạt chuẩn quốc gia", ra sức "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Những tiêu chí cần phải đạt của hai loại hình trường này, thực chất cũng chính là mô hình "Trường học hạnh phúc".
Ngôi trường xanh - sạch - đẹp, tràn ngập tin yêu là góp phần xây dựng "Trường học hạnh phúc" (trong ảnh: Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, quận 9, TPHCM). Ảnh: Lê Yên
Bản chất của "Trường học hạnh phúc"
Nhiều người đồng ý rằng, điểm nhấn chủ yếu làm nên danh hiệu "Trường học hạnh phúc" là sự đối xử thân thiện, cởi mở, hòa nhã, an toàn, bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong trường học. Bên cạnh đó, "Hạnh phúc" của một nhà trường, còn phải được tạo dựng bởi sự quan tâm chỉ đạo sáng suốt của các cấp ủy Đảng - chính quyền, và không thể thiếu niềm tin yêu, sự hỗ trợ hết mình của các vị cha mẹ học sinh và toàn xã hội đối với sự nghiệp "trăm năm trồng người".
Nhưng làm thế nào để tất cả thầy - trò cùng được hưởng "Hạnh phúc" mỗi ngày đến trường? Câu trả lời không hề đơn giản. Chỉ vì lớp học dơ bẩn, chỉ do cổng trường đóng - mở quá cứng nhắc theo quy định; Chỉ vì nhân viên hành chính của trường khuôn mặt khó đăm đăm; Chỉ vì thầy cô giáo nào đó lỡ nặng lời với học trò... là hai chữ "Hạnh phúc" dưới mái trường sẽ dần dần cách xa.
"Dạy chữ - Dạy người - Dạy nghề" là mục tiêu chính của các trường học. Tuy nhiên, lâu nay các nhà trường của ta quá thiên về "Dạy chữ" - chưa thật sự chú trọng "Dạy người - Dạy nghề". Điều đó khiến cho áp lực những giờ lên lớp "Dạy chữ" của cả thầy và trò trở nên khô khan, nặng nề, thiếu hơi thở nóng hổi của cuộc sống hàng ngày. Nụ cười thân thiện của lớp học cũng vì vậy hiếm khi nảy nở...
Ở bậc học phổ thông, các em học sinh đang tuổi "ăn chưa no - lo chưa tới", tuổi đang lớn tập làm người, thì mọi phương pháp dạy học, giáo dục rèn luyện giúp các em nên người... càng phải gắn liền với các bài học trải nghiệm thực tế sinh động về kỹ năng sống - càng chân tình, thiết thực, sâu sắc, thì càng được giới trẻ hào hứng đón nhận.
Bậc đại học, sinh viên đã có quyền công dân, đã trưởng thành. Nhưng lâu nay vẫn có không ít dư luận cho rằng, nhiều trường đại học của ta chẳng qua là phổ thông cấp bốn (!?). Nghĩa là trường đại học vẫn nặng về cung cấp kiến thức, thiếu thực tế, thực nghiệm. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, gặp trường đại học kiểu này, đa số sinh viên chán nản, bỏ bê, thậm chí quay lưng với nhà trường là khó tránh khỏi...
"Thực học - thực hành - thực nghiệp" - một trong những giải pháp để có hạnh phúc dưới những mái trường (Tiết thực hành Hóa học ở Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Tân Biên, Tây Ninh). Ảnh: Lê Yên
"Hạnh phúc" từ những điều rất giản đơn
Tiến sĩ Lê Văn Cuộc - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT quận 11 - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lâm (TPHCM) nhấn mạnh: "Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, thân thiện là vấn đề cấp thiết và rất quan trọng".
Để có môi trường giáo dục an toàn, tự chủ và thân thiện trong từng trường học, chắc chắn trách nhiệm lớn nhất thuộc về hiệu trưởng. Đó cũng chính là vấn đề đang được đông đảo dư luận hết sức quan tâm. Khẳng định điều này, Nhà giáo Ưu tú Trương Thị Mỹ Lai - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Hồng Hà (quận Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng: "Ý chí và tư duy đổi mới công tác quản lý trường học của người hiệu trưởng tác động tích cực đến các lực lượng trong và ngoài trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh".
Một trong nhiều giải pháp hữu hiệu để có được "Trường học hạnh phúc", theo Tiến sĩ Dương Trần Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) là: "Cần tạo điều kiện cho mọi học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như: Dã ngoại, giao lưu thi đua, giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, hướng nghiệp - dạy nghề phổ thông. Từ đó phát hiện, tạo điều kiện phát huy năng khiếu của từng học sinh, kích thích các em niềm đam mê sáng tạo...".
Xây dựng "Trường học hạnh phúc" là mong mỏi, là mơ ước của toàn xã hội. Tuy nhiên, những thách thức trên con đường này không phải dễ dàng vượt qua. Như Thạc sĩ Nguyễn Văn Đến - Trưởng phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận (TPHCM) nhận định và đề nghị: "Xây dựng "Trường học hạnh phúc" đã khó, giữ gìn mối quan hệ hài hòa, thân thiện trong trường học lại càng khó khăn hơn.
Điều này không cho phép người cán bộ quản lý trường học lơ là mất tập trung, mà phải luôn quan tâm, theo dõi, nắm bắt dư luận trong và ngoài nhà trường. Từ đó để có quyết sách xây dựng hội đồng sư phạm thật sự đoàn kết gương mẫu, không ngừng tự học nâng cao trình độ, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo".
"Đến trường, học sinh được sống trong môi trường an toàn, thân thiện giữa thầy - trò, bạn bè, cộng đồng, với thiên nhiên, nhiều áp lực được giải tỏa, khiến tất cả học sinh vui vẻ, hứng thú, gắn bó với trường lớp, thực sự cảm nhận mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Các em được tự chủ và học phương pháp học tập mới với niềm say mê phấn khởi, tích cực sáng tạo, được tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, qua đó giúp các em có nhân cách tốt, có bản lĩnh vững vàng, để mai sau thành chủ nhân tương lai của đất nước" (Trích phát biểu của Nhà giáo Ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Minh Châu - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, TPHCM).
Đinh Lê Yên
Theo giaoducthoidai
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu quận Lê Chân - ngôi trường thân thiện, hạnh phúc Sự kiện Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đón Huân chương Lao động Ba đã tô thắm truyền thống vẻ vang, khẳng định thương hiệu của ngôi trường thân thiện, hạnh phúc. Hòa chung không khí của cả nước thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), các thầy, cô giáo và học sinh...