Phong hàm giáo sư danh dự cho ‘bác sĩ có phép lạ’
Giáo sư, bác sĩ Daniel Trương là Việt kiều Mỹ, từng được đồng nghiệp gọi bằng những tên như “ vua Parkinson”, “bác sĩ có phép lạ”.
Sáng 9/4, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM phong hàm giáo sư danh dự của Đại học Y Dược TP HCM cho ông Daniel Trương.
Hơn 20 năm qua, bác sĩ này đã đem lại cuộc sống bình thường cho hàng ngàn bệnh nhân Parkinson và các bệnh về thần kinh nan y khác.
Hiện ông Daniel Trương là chủ tịch Hội Quốc tế về hội chứng Parkinson và các bệnh có liên quan; giám đốc viện về bệnh Parkinson và các rối loạn vận động Fountain Valley-California, giáo sư thần kinh học lâm sàng của Đại học UC Irvine.
PGS.TS. BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM ,phong hàm Giáo sư danh dự của Đại học Y Dược TP HCM cho ông Daniel Trương (giữa). Ảnh: PLO.
PGS.TS. BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nhấn mạnh Daniel Trương đã tham gia đào tạo nhiều bác sĩ và nhân viên y tế chuyên ngành thần kinh tại Việt Nam về những kỹ thuật tiên tiến, đã đem lại lợi ích to lớn cho người bệnh.
Theo H.Vi/ Pháp Luật TP HCM
Bác sĩ gốc Việt chữa thành công bệnh parkinson cho 1 bác sĩ Mỹ
Một bác sĩ gốc Việt đã chữa thành công bệnh parkinson cho một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Mỹ và được tờ The Orange County Register giới thiệu.
Video đang HOT
Bác sĩ Daniel Trương là sáng lập viên và là giám đốc y khoa của Parkinson"s and Movement Disorder Institute (Viện Parkingson và Các bệnh rối loạn vận động) tại bệnh viện Orange Coast Memorial, Fountain Valley.
Bệnh nhân của Daniel Trương là ông James Moore, bác sĩ giải phẫu chỉnh hình, người bị bệnh Parkinson. Susan Christian Goulding có bài viết trên tờ The Orange County Register với nhan đề "bác sĩ phẫu thuật trở thành bệnh nhân trong thử nghiệm trị liệu mới".
Bác sỹ Daniel Trương (trái) khám cho ông James Moore. (ảnh: The Orange County Register).
Bác sĩ James Moore đã dành cả sự nghiệp cho việc giải phẫu chỉnh hình cho bệnh nhân."Ông ấy từng chữa trị cho bệnh nhân bị gãy toàn bộ xương trong một tai nạn xe mô tô kinh hoàng," vợ ông, nhà thần kinh học Stephanie Moore, nói về chồng mình. "Ông ấy đã ghép nối thành công các mảnh xương trở lại với nhau như trong một trò chơi ghép hình".
Nhưng bây giờ, đến lượt James Moore cần tới thiên thần hộ mệnh khi ông phải đối mặt với căn bệnh Parkinson.
Hội chứng Parkinson là một tình trạng suy nhược thần kinh, và trong trường hợp của của ông Moore, đã tiến triển đến mức tệ hại. Ông nói: "Tôi không chán nản, nhưng rõ ràng là không hạnh phúc." Việc thuốc uống cũng không thể giúp ông duy trì các hoạt động bình thường.
Đây là loại bệnh mà bệnh nhân di chuyển khó khăn, các bắp thịt bị cứng lại, và cơ thể có những cử động ngoài ý muốn. Tình trạng thoái hóa do căn bệnh gây ra chỉ có thể kiểm soát, chứ không chữa được.
Quyết định tiến hành một thử nghiệm trị liệu chuyên sâu, ông James đã tới văn phòng của bác sĩ Daniel Trương.
"Ông ấy đã cứu tôi," ông James Moore nói.
Theo OCR, hồi năm 2012, vị bác sĩ gốc Việt này mời ông James Moore, cư dân Huntington Beach, tham gia thử nghiệm phương pháp DUOPA, một phương pháp trị liệu bằng thuốc được sử dụng ở Châu Âu và lúc đó đang được cơ quan Kiểm Soát Thuốc và Thực Phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét và chuẩn thuận.
Kết quả là năm nay, 2015, sau khi xem xét các kết quả nghiên cứu, FDA đã chấp nhận phương pháp này, vẫn theo OCR.
"Liệu pháp này đòi hỏi một quy trình phức tạp, đưa một lượng thuốc lớn vào cơ thể, nên nó chỉ dành cho những bệnh nhân bị bệnh Parkinson nặng", bác sĩ Trương, nhà điều trị lâm sàng trong các thử nghiệm cho biết.
DUOPA là phương pháp đưa hỗn hợp hai loại thuốc "carbidopa" và "levodopa" trực tiếp vào ruột qua một đường ống nối với một cái bơm ở bên ngoài để làm dịu các triệu chứng bệnh Parkinson.
Khi được bơm liên tục vào trong cơ thể, khoảng 16 tiếng mỗi ngày trong lúc bệnh nhân tỉnh táo, lượng thuốc này sẽ ổn định hơn việc uống thuốc mỗi vài giờ đồng hồ một lần.
"Khi uống thuốc, tôi phải cúi lên cúi xuống," ông James Moore nói. "Sau khi uống thuốc xong, tôi gần như đi không nổi. Thế nhưng, sau khi bơm thuốc, tôi lại thấy khá hơn."
Thuốc được bơm vào cũng có tác dụng ngay lập tức, so với thuốc uống.
"Những người bị bệnh Parkinson nặng thường có vấn đề về tiêu hóa làm cho bao tử bị trống", bác sĩ Daniel Trương giải thích. "Điều này làm giảm hiệu quả của thuốc uống vào. Chưa hết, bệnh nhân bị bệnh này cũng gặp khó khăn khi uống thuốc."
Bác sĩ Daniel Trương. (ảnh: The Orange County Register).
James Moore đã từ chối phẫu thuật năm 2004, vài năm sau khi có chẩn đoán về tình trạng rất yếu ở chân.
Sau hai tuần trị liệu bằng phương pháp bơm thuốc, ông Moore cho biết, ông cảm thấy khỏe mạnh hơn, và cả hai vợ chồng ông có thể đi du lịch ở nước ngoài - mặc dù ông di chuyển chậm hơn trước khi mắc bệnh.
"Nếu chúng tôi đã vất vả trong một ngày, tôi sẽ nghỉ ngơi ngày tiếp theo", trong một chuyến đi tới Pháp gần đây, ông James Moore, này đã 71 tuổi cho biết .
Là một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực điều trị các rối loạn vận động, bác sĩ Trương đã viết bảy cuốn sách và đã được xuất bản tại hơn 140 tạp chí y khoa trên toàn thế giới.
Ông Trương cũng từng sáng lập chương trình chữa bệnh Parkinson ở đại học UCI. Năm 1995, ông gia nhập bệnh viện Orange Coast Memorial, và đến năm 1997, ông thành lập viện chữa bệnh Parkinson tại bệnh viện này. Mới đây, ông vừa được đại học y khoa Kazakh tại thành phố Almaty, Kazakhstan, trao bằng giáo sư danh dự.
Vợ ông cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Diane Trương là nhà đồng sáng lập của Saigon TV, một kênh truyền hình địa phương cho người Việt.
"Mọi người luôn hỏi tôi tại sao tôi lại chọn một bệnh viện cộng đồng ở Fountain Valley thay vì, ví dụ, bênh viện Mayo Clinic," ông nói. "Những bệnh viện phi lợi nhuận giúp cải thiện môi trường sống ở địa phương và tôi muốn là một thành phần của sự cải thiện ấy"./.
CTV Theo The Orange County Register
Theo_VOV