Phòng GD&ĐT sẽ không điều chuyển cô giáo tới vùng khó khăn do phê phán sách giáo khoa lớp 1
Do đã “ý thức được việc làm sai” và có bản kiểm điểm nên phòng GD&ĐT sẽ không đề nghị UBND huyện điều chuyển cô giáo này tới vùng khó khăn.
Ngày 24/2, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ không đề nghị chuyển nữ giáo viên phê phán thay sách giáo khoa trên mạng xã hội Facebook tới trường khác khó khăn hơn.
Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa.
Trước đó, ngày 13/2, học sinh được nghỉ đề phòng dịch covid- 19 nên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tà Cạ tổ chức cho giáo viên đọc và lựa chọn sách giáo khoa.
Được mời tham dự hội đồng chọn sách, cô Võ Thị Thảo đã chụp hình ảnh các giáo viên tại buổi làm việc, đăng lên mạng xã hội Facebook kèm theo nội dung phê phán chương trình thay sách giáo khoa đã bỏ ra một khoảnh kinh phí lớn.
Do “nội dung mà cô Thảo viết là trái với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và của ngành giáo dục”, nên hội đồng kỷ luật của trường đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách với trường hợp của cô Võ Thị Thảo.
Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng có văn bản đề nghị UBND huyện xem xét điều chuyển công tác cô Võ Thị Thảo tới một trường khác thuộc vùng khó khăn hơn trong thời gian tới.
Video đang HOT
Theo ông Thiết giải thích, việc đề nghị điều chuyển công tác đối với cô giáo Võ Thị Thảo chỉ mang tính chất răn đe, nhắc nhở cô và các cán bộ, giáo viên cân nhắc khi sử dụng mạng xã hội.
“Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, phòng sẽ rút lại đề nghị điều chuyển công tác tới vùng khó khăn hơn với trường hợp của cô Thảo”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn khẳng định.
Theo nguoiduatin
Ban phụ huynh thì biết gì mà tham gia chọn sách giáo khoa?
Đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại thì không có con trực tiếp học sách thì làm sao có tinh thần trách nhiệm cao khi nghiên cứu và bỏ phiếu.
Việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn tại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020.
Theo đó, nhà trường sẽ chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì các trường sẽ lựa chọn sách giáo khoa nhưng kể từ tháng 7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì quyền lựa chọn sách lại thuộc về các Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố).
Vì vậy, năm học 2020-2021 tới đây là các trường lựa chọn sách theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT.
Đại diện phụ huynh sẽ gặp khó khi tham gia chọn sách giáo khoa mới (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Theo Thông tư, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông (hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. Mỗi trường thành lập 1 hội đồng. Đối với trường có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.
Việc cử đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục vào hội đồng là hoàn toàn hợp lý nhưng thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh vào thành phần hội đồng chọn sách giáo khoa là điều khiến lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục thấy vô lý.
Liên quan đến câu chuyện chọn sách giáo khoa, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với một số hiệu trưởng và được biết các trường đang gặp khó khăn vì đến nay vẫn chưa được tiếp cận đủ 5 bộ sách để đọc.
Một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) cho biết, đến cuối tháng 3, nhà trường phải báo cáo bộ sách lựa chọn nhưng hiện nhà trường chưa được tiếp cận đầy đủ các bản mẫu sách giáo khoa để mua rồi phát cho giáo viên và các thành viên có trong hội đồng trong khi giáo viên khối 1 thì đông nên việc luân chuyển rất lâu.
Còn đọc qua bản điện tử thì không khả thi vì số lượng sách nhiều mà thời gian nhìn trên máy tính quá lâu thì giáo viên khó tập trung.
"Giáo viên đọc sách giáo khoa mà có chi tiết phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại, huống chi đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải ai cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn. Thẳng thắn mà nói, thành phần này trong Hội đồng chẳng khác gì "bù nhìn", vị này nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, hiệu trưởng một trường ở vùng sâu, vùng xa tâm sự: "Hiện tại, các trường chưa tuyển sinh nên không thể cử đại diện phụ huynh là cha mẹ học sinh lớp 1 sắp tới.
Còn đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại thì lại không có con trực tiếp học sách thì làm sao có tinh thần trách nhiệm cao khi nghiên cứu và bỏ phiếu.
Nhưng để thực hiện đúng theo Thông tư thì trường tôi sẽ đưa đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại vào Hội đồng chọn sách giáo khoa vì không còn sự lựa chọn nào khác".
Rõ ràng, qua trao đổi cho thấy, cơ sở giáo dục đang gặp rắc rối trong quá trình chọn lựa sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021. Trong khi đó, trước khi Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT được ban hành ngày 30/01/2020 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến trong thời gian 2 tháng.
Ngay sau khi có dự thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia, cơ sở giáo dục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết góp ý cho nội dung này trong dự thảo và đã chỉ rõ những bất cập trong thành viên của Hội đồng chọn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, khi Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa được ban hành thì những bất cập mà các nhà trường chỉ ra vẫn chưa khắc phục được.
Thanh Sơn
Theo giaoduc.net
Lựa chọn sách giáo khoa phù hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực từ ngày 15-3 tới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương, các trường lựa chọn SGK chuẩn bị áp dụng chương trình mới vào dạy...