Phối hợp thuốc trong điều trị tăng huyết áp
Bệnh nhân tăng huyết áp càng lâu ngày thì việc điều trị càng phức tạp do tình trạng kháng thuốc. Giải pháp phối hợp thuốc đang được bác sĩ đặt ra cho nhóm đối tượng bệnh nhân này.
Trên nguyên tắc, phối hợp thuốc được chỉ định trong các tình huống: huyết áp bệnh nhân không kiểm soát được bằng đơn trị dùng với liều tối ưu (trong trường hợp này bác sĩ cần thận trọng phân biệt với liều tối đa, vì liều tối đa của một thuốc có thể kiểm soát tốt huyết áp nhưng tác dụng phụ tăng đáng kể); huyết áp ban đầu của bệnh nhân trên 160/100mmHg (tăng huyết áp giai đoạn 2 theo JNC 7); bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao cần được kiểm soát huyết áp một cách nhanh chóng, chặt chẽ, thường gặp nhất là bệnh nhân đái tháo đường hay bệnh lý thận.
Tăng huyết áp
Phối hợp thuốc trước hết là giúp làm tăng tác dụng hạ áp do mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau nên khi phối hợp sẽ có “tác dụng cộng hợp”, thí dụ khi dùng phối hợp thuốc ức chế canxi (amlodipin) làm giảm kháng lực ngoại biên và thuốc chẹn bêta (thí dụ atenolol) làm giảm nhịp tim. Phối hợp thuốc còn làm giảm “tác dụng xấu” của việc dùng một loại thuốc, thí dụ nifedipine làm nhịp tim nhanh nhưng chẹn bêta làm nhịp tim chậm nên có tác dụng trung hòa. Tác dụng phụ cũng giảm do không cần dùng quá cao hàm lượng một thuốc, đơn cử trường hợp dùng thuốc lợi tiểu hydrochlorothiazide khi phối hợp với thuốc khác thường dùng liều 12,5mg (chỉ bằng 1/4 hay bằng 1/8 khi dùng liều đơn trị liệu) nên làm giảm tác dụng hạ kalium máu hoặc rối loạn chuyển hóa. Một ưu thế khác của phối hợp thuốc là tác động tốt trên cơ quan đích thí dụ đối với thận, nhóm thuốc đối kháng canxi (amlodipin chẳng hạn) làm giảm trương lực động mạch đến, trong lúc nhóm thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II (như losartan) làm giảm trương lực động mạch đi, nhờ vậy áp lực trong cầu thận sẽ giảm rất tốt khi phối hợp 2 thuốc này lại với nhau, làm giảm rõ rệt albumin niệu ở bệnh nhân đái tháo đường.
Trước đây, khi điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, nhiều thầy thuốc thường bắt đầu bằng một thuốc và tăng liều từ thấp lên đến tối đa nếu vẫn chưa kiểm soát được huyết áp. Bất lợi của cách tiếp cận này là làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Năm 2003, Law và cộng sự thực hiện một phân tích gộp số liệu của 354 thử nghiệm lâm sàng điều trị tăng huyết áp bằng lợi tiểu thiazide, chẹn bêta, ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin và chẹn canxi. Mục tiêu của phân tích gộp là đánh giá hiệu quả hạ huyết áp tâm thu và nguy cơ tác dụng phụ của các liều dùng khác nhau (nửa liều chuẩn, liều chuẩn, liều gấp đôi, gấp 4 và gấp 8 liều chuẩn). Kết quả phân tích gộp cho thấy khi mỗi khi tăng liều thuốc lên gấp đôi, tác dụng hạ huyết áp tâm thu tăng lên không nhiều (khoảng 20%), nhưng tần suất tác dụng phụ tăng lên rất đáng kể, đặc biệt với các nhóm thuốc lợi tiểu thiazide, chẹn bêta và chẹn canxi.
Gần đây có chủ trương phối hợp thuốc sớm ngay từ khi được chẩn đoán tăng huyết áp. Thật ra việc phối hợp thuốc sớm trong điều trị tăng huyết áp không phải mới được áp dụng gần đây. Từ giữa thập niên 1990 việc khởi trị bằng phối hợp 2 thuốc cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (do có huyết áp khởi điểm cao hoặc có bệnh tim mạch hay nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch kèm theo) đã được 2 tác giả Epstein và Bakris đề nghị và đến nay cách tiếp cận này đã được công nhận rộng rãi.
Gần đây việc dùng các phối hợp thuốc liều cố định, tức là phối hợp 2 hoạt chất trong một viên thuốc, ngày càng trở nên phổ biến trong điều trị tăng huyết áp. Phối hợp thuốc liều cố định giúp đơn giản hóa điều trị. Bệnh nhân không phải quá “ngán” khi dùng một nắm thuốc, vốn dĩ bệnh nhân tim mạch dùng rất nhiều thuốc. Một lý do khác khi nghiên cứu tâm lý học lâm sàng ở một bộ phận người bệnh lớn tuổi vùng sâu vùng xa: càng ít viên thuốc thì khả năng uống đủ liều thuốc càng cao.
Bệnh tăng huyết áp, tuy chưa điều trị tiệt căn trong đa phần trường hợp, nhưng việc dùng đúng và đủ các thuốc điều trị tăng huyết áp, cộng với việc thay đổi có lợi các thói quen sống giúp bệnh nhân có thể sống khỏe và tận hưởng cuộc sống.
Theo SKĐS