Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: ‘Đổi mới giáo dục không thể làm hài lòng tất cả’
Đổi mới giáo dục là quá trình cọ xát nhiều luồng ý kiến, không thể làm hài lòng tất cả, nhưng Bộ Giáo dục cần tiếp thu một cách cầu thị.
Ngày 9/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có cuộc gặp với các chuyên gia, nhà khoa học, lắng nghe đóng góp về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Vũ Đức Đam nói đổi mới là quá trình cọ xát rất nhiều luồng ý kiến và không thể làm hài lòng hết tất cả. Nhưng Bộ Giáo dục phải tiếp thu một cách cầu thị, theo sát yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Ông Đam chỉ đạo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải kế thừa những thành tựu trước đây, không sao chép nguyên xi mô hình bên ngoài, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP.
Dẫn chứng nhiều giáo trình, chương trình đào tạo được thử nghiệm hiệu quả, nhưng phải xin ý kiến các cấp máy móc, TS Lê Thống Nhất cho rằng cần quy định quyền hạn của địa phương, nhà trường khi đưa chương trình mới vào giảng dạy.
Nguyên Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển mong muốn chương trình đề cao hơn nữa tính tự chủ của giáo viên, nhà trường, địa phương.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chương trình đổi mới lần này mang tính mở, khơi dậy sáng tạo, tự chủ của địa phương, nhà trường, giáo viên và thường xuyên được cập nhật. Ông đề nghị sau khi công bố, cần hình thành mạng lưới nhà khoa học và Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để tiếp tục góp ý, điều chỉnh.
Cân nhắc mức độ dạy tích hợp
Lo ngại của GS Nguyễn Lân Dũng về mục tiêu dạy tích hợp một số môn trong chương trình, nhất là khó đào tạo kịp đội ngũ giáo viên, được đại biểu thảo luận sôi nổi.
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết dạy tích hợp được đặt vấn đề ngay từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2002. Tuy nhiên, sau đó phải gác lại vì một trong những lo ngại là không kịp đào tạo giáo viên. “Đến nay sau 16 năm việc đào tạo giáo viên dạy tích hợp vẫn chưa có gì”, ông Hiển nói.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nêu thực tế với sự xuất hiện của nhiều khoa học liên ngành mới nếu vẫn dạy đơn môn thì khó xây dựng tư duy tổng hợp, sáng tạo cho học sinh. Nhưng với thực tiễn Việt Nam cần cân nhắc mức độ. “Cái khó là cách dạy, học, đánh giá học sinh nhưng không có nghĩa không làm được. Vấn đề là thay đổi nhận thức của thầy cô giáo. Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đang nỗ lực xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp”, ông Minh nói.
Đồng tình với quan điểm này, PGS Trần Kiều, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng tích hợp là xu thế phải theo. Tất nhiên trong điều kiện của Việt Nam thì cần xem xét mức độ tích hợp đến đâu, trong đó cần hết sức lưu ý đến đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ… để phục vụ hiệu quả cho dạy tích hợp.
“Dạy tích hợp đến mức độ nào thì chúng ta cần tính toán cho phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương nhưng nếu không làm thì không thể tiến tới được mục tiêu cao hơn”, nguyên Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu đề nghị Ban phát triển Chương trình cân nhắc hai phương pháp dạy “tích hợp” và “tổ hợp” trong điều kiện của Việt Nam hiện nay. Phương pháp dạy tổ hợp thì từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết sau khi tiếp thu, hoàn thiện, tinh thần dạy tích hợp, tổ hợp sẽ được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiếp đến là chương trình các môn học cụ thể, sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Nhưng cho tới nay, chưa có ai khẳng định các trường sư phạm không đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo từng môn chuyên biệt.
Giảm tải không phải là cắt bỏ kiến thức máy móc
Theo nhà giáo nhân dân Trần Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Thăng Long, tình trạng quá tải chương trình học hiện nay có nguyên nhân sâu xa là không đủ thời gian dạy. “Trường nào không dạy 2 buổi thì rất vất vả với chương trình học. Vì vậy, việc thực hiện chương trình cần linh hoạt, nơi nào có điều kiện thì học theo chuẩn, nơi không thì phải học thêm thứ bảy chứ không vì yêu cầu giảm tải mà cắt xén tùy tiện, cực đoan”, ông Dũng bày tỏ.
Một số chuyên gia bổ sung nguyên nhân quá tải của chương trình phổ thông hiện nay là đang “thừa cái không cần, thiếu cái cần, phương pháp dạy học mang tính nhồi nhét, cơ sở vật chất không đủ…”. Do đó, việc cắt giảm kiến thức để giảm tải cần xem xét thận trọng để lựa chọn khối kiến thức cần thiết, bổ ích chứ không thể “học ít đi mà lại giỏi hơn”. Chưa kể, để được các nước công nhận bằng cấp tương đương thì khối lượng kiến thức, hiểu biết chung của học sinh Việt Nam cần ngang bằng với học sinh các nước khác.
Cám ơn ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là công việc trọng tâm của ngành, có công sức của tập thể nhà khoa học, chuyên gia từ 5-6 năm nay. Chương trình đã tiếp thu hàng nghìn ý kiến từ các địa phương, nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên, nhân dân…
“Những vấn đề chưa thực sự yên tâm thì chúng tôi tiếp tục tiếp thu, không né tránh để hoàn thiện chương trình nhưng cũng cần tính đến lộ trình theo nghị quyết của Quốc hội. Các công việc tiếp theo như biên soạn sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất… đang được Bộ chỉ đạo thực hiện song song chứ không chờ xong chương trình mới triển khai tiếp. Quá trình này chúng tôi tiếp tục lắng nghe ý kiến tâm huyết”, ông Nhạ nói.
Theo Chinhphu.vn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề thi THPT quốc gia chưa đạt yêu cầu
Đề thi THPT quốc gia năm 2018 chưa đạt yêu cầu, phần mềm chấm thi chưa chuẩn.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp ngày 30/7 khi trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia 2018 và những giải pháp cho những năm tới.
Chương trình Thời sự 19h ngày 31/7 của Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Sau 9 giờ thảo luận, có các ý kiến cho rằng phương thức thi THPT quốc gia như hiện nay vẫn phù hợp với tình hình hiện tại và nên được giữ ổn định cho đến hết năm 2020. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT lắng nghe ý kiến các chuyên gia một cách cầu thị, nghiêm túc, phải nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình và sớm đưa ra những giải pháp tối ưu để khắc phục các hạn chế về quy trình tổ chức thi.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm trong 2 khâu ra đề thi và quy trình chấm thi vẫn còn những lỗ hổng về bảo mật.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói:
"Mặc dù qua từng kỳ thi có rút kinh nghiệm và cải tiến, nhưng công tác ra đề thi, chất lượng đề thi thời gian vừa rồi, chúng tôi xác định đề thi chưa đạt yêu cầu. Cần phải bám sát được chuẩn năng lực học sinh, những yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và mức độ tin cậy của các đề thi phải tốt hơn nữa. Về vấn đề phần mềm, trong quá trình bảo mật, chúng tôi cũng cố gắng nhưng rõ ràng khi rà soát lại thì thấy chưa được chuẩn, chưa được chặt chẽ. Chúng tôi tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, sẽ phải làm sao để phần mềm chắc chắn tốt hơn. Điểm thứ 3 là liên quan đến tổ chức chấm thi. Tới đây, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để chỉ đạo tổ chức chấm theo cụm tập trung và giám sát trực tiếp, đặc biệt là khâu công nghệ, để hạn chế nhỏ nhất những sự tác động của con người".
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì một cuộc gặp gỡ giữa Bộ GD-ĐT và một số nhà giáo, người quan tâm tới giáo dục, lãnh đạo trường đại học để các bên trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của GS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD-ĐT, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH FPT... Bên cạnh đó, còn có GS. Nguyễn Minh Thuyết, GS. Phạm Tất Dong, GS. Nguyễn Lân Dũng, TS. Lê Thống Nhất, TS. Nguyễn Tùng Lâm...
Một báo cáo về cách thi tốt nghiệp ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh,... cũng như tổng kết lại các phương thức thi và xét tuyển sinh từ những năm 1970 trở lại đây đã được giới thiệu. Qua tổng kết này, có thể thấy mỗi phương án đều có những ưu và nhược điểm khác nhau.
Nhiều đại biểu chia sẻ, đây không phải là một cuộc họp mang tính chất hội nghị, không có những kết luận chỉ đạo được đưa ra.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet.vn
Thi THPT quốc gia sẽ thay đổi ra sao? Hôm qua 30.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng đại diện các cục, vụ chức năng của bộ này đã có một ngày lắng nghe góp ý của các chuyên gia và đại diện các tầng lớp khác nhau trong xã hội về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh tại TP.HCM tham gia kỳ...