“Phổ điểm đẹp thì điểm sàn cũng sẽ thay đổi”
“Bộ đã quán triệt Ban ra đề thi ĐH năm nay ra đề phù hợp với trình độ của thí sinh. Với chỉ đạo như vậy, hy vọng thi đợt 1 sẽ có phổ điểm như mong muốn. Khi có phổ điểm đẹp thì điểm sàn cũng sẽ thay đổi, các trường cũng có nhiều lựa chọn”.
Đó là trao đổi của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo thi ĐH, CĐ 2012với báo chí sau khi kết thúc thi đại học đợt 1.
Nhận định chung về tình hình thi đợt 1, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 với các khối thi A, A1 và V đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các đại học, học viện và các trường đại học đã thực hiện nghiêm túc Quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, tổ chức tập huấn và phổ biến đầy đủ quy định của Quy chế cho cán bộ tham gia công tác tổ chức thi và thí sinh. Đợt thi được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, được tổ chức nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc. Kỷ cương trường thi được tăng cường, các hiện tượng vi phạm quy chế thi bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc”.
Kỷ luật phòng thi sẽ được siết chặt trong đợt thi tới vào ngày 9, 10/7/2012.
Thưa Thứ trưởng, tuyển sinh năm nào cũng có thông tin thất thiệt lộ đề thi, cụ thể như vừa qua thông tin lộ đề môn Toán. Bộ có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này trong đợt thi tới?
Trước thông tin thất thiệt lộ đề thi môn Toán ở một số Hội đồng thi phía Nam, Bộ đã yêu cầu PA83 của Bộ Công an điều tra làm rõ nguyên nhân. Thông tin lộ đề là hoàn toàn bịa đặt. Đáp án tung lên mạng sau khi thí sinh đã ra ngoài. Lời giải được bán trước cổng trường là lời giải của đề thi năm 2011. Nhân việc này, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ yêu cầu bên an ninh của các địa phương phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn những hành vi tung tin thất thiệt, làm hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh. Những tung tin thất thiệt trong kỳ thi sẽ bị xử lý nghiêm túc.
Chúng ta cũng đã có cơ chế để xử lý vấn đề này vì đề thi thuộc bí mật quốc gia nên nó ra ngoài hay không ra ngoài đều ảnh hưởng rất lớn. Do đó, trong khâu chỉ đạo, chúng tôi chỉ đạo đề thi bảo mật tuyệt đối và an toàn, không có chuyện đề thi được phép lộ ra ngoài trước khi thí sinh được ra ngoài. Hành vi tung tin thất thiệt như thế, các cơ quan an ninh địa phương cũng nên có biện pháp kịp thời xử lý.
Năm nay, Bộ sửa đổi, bổ sung quy chế mới là thí sinh được phép mang các vật dụng vào phòng thi như ghi âm, máy ảnh… khiến nhiều trường lúng túng không kịp triển khai và lo lắng sẽ có nhiều sự cố sảy ra bởi không phải giám thị nào cũng am hiểu kỹ thuật để giám sát?
Bộ không yêu cầu tất cả các giám thị phải có đủ năng lực để đánh giá điều này mà yêu cầu giám thị khi phát hiện thiết bị thì báo lại hội đồng tuyển sinh của trường, nếu hội đồng thi không xử lý được thì báo cáo ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ để xử lý.
Chuẩn bị cho đổi mới này bộ đã làm từ lâu, nó đi kèm với các quy định trong đổi mới quản lý nói chung. Công văn và thông tư hướng dẫn là để giám thị thực hiện, hoàn toàn không dính dáng đến thí sinh. Trước đây nếu thí sinh mang các vật dụng như trong hướng dẫn thông tư vào thì ngay lập tức sẽ bị đình chỉ thi nhưng với quy chế mới thì giám thị phải xem xét mục đích các em mang vào làm gì, chức năng của thiết bị đó ra sao, thí sinh sử dụng thông tin trong đó làm gì để chúng ta phân biệt là tiêu cực trong kỳ thi hay người chống tiêu cực. Thực tế cũng cho thấy, qua ba môn thi đầu tiên, không có thí sinh nào mang thiết bị đó vào phòng thi. Vì đây là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, nên hết sức nghiêm túc.
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi những vật dụng được khẳng định tại điểm c của điều 25 trong Quy chế tuyển sinh như bút mực, thước kẻ, bút chì, máy tính bỏ túi.
Video đang HOT
Hết 2/3 thời gian làm bài thi, thí sinh được phép ra ngoài nhưng đề không được mang đề thi ra. Nhưng nhiều thí sinh vẫn cố tình mang đề thi ra, Bộ có biện pháp hạn chế tình trạng này trong đợt thi tới?
Quy định của quy chế là hết 2/3 thời gian thí sinh được phép ra khỏi phòng thi nhưng không được mang đề thi ra ngoài. Nhưng nếu thí sinh chép vào tờ giấy nháp và mang đề ra ngoài chúng ta cũng không kiểm soát được. Nên để ngăn chặn tuyệt đối việc này là rất khó. Do đó, làm thế nào để thí sinh ra ngoài mà không bị ảnh hưởng đến kỳ thi. Nhân việc này, Bộ đã nhắc nhở tất cả các hội đồng phải thu hết đề thi của thí sinh ra trước. Còn với đề trắc nghiệm thì không vấn đề gì vi quy định hết giờ thí sinh mới được ra khỏi phòng thi.
Trong đợt thi vừa qua, nhiều thí sinh than đề thi Toán và Vật Lý khó. Liệu phổ điểm thi có đẹp như Thứ trưởng đã từng trao đổi với báo chí?
Bộ đã quán triệt Ban ra đề thi ĐH năm nay làm sao ra đề phù hợp với trình độ của thí sinh. Thí sinh trung bình cũng có thể làm được bài. Đề thi năm nay có tính phân loại, có câu dễ, câu trung bình và câu rất khó. Những câu rất khó dành cho những học sinh giỏi mới có thể được 10 điểm. Với chỉ đạo như vậy, hy vọng thi đợt 1 sẽ có phổ điểm như mong muốn. Khi có phổ điểm đẹp thì điểm sàn cũng sẽ thay đổi, các trường cũng có nhiều lựa chọn.
Tỷ lệ hồ sơ “ảo” luôn khiến các trường lo lắng, Bộ có hướng giải quyết như thế nào cho năm sau?
Việc này giải quyết thế nào là việc của các trường cũng phải chấp nhận để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Tất nhiên, trong tuyển sinh có rất nhiều điều nếu chúng ta muốn làm hợp lý là có thể làm được nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cả thí sinh.
Tất cả sự thay đổi của Bộ, của quy chế tuyển sinh là để làm sao những thí sinh đạt trên điểm sàn có thể lựa chọn được nơi học yêu thích. Còn nếu làm cứng nhắc thì rất dễ dàng cho các trường nhưng quyền lợi của thí sinh lại không được đảm bảo. Nên quan điểm của Bộ là dù các trường khó khăn, Bộ cũng khó khăn nhưng quyền lợi của thí sinh được cải thiện thì vẫn làm.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GD-ĐT đã mở hộp thư điện tử, những ai có thông tin thì phản ánh và cứ 10 phút chúng tôi kiểm tra một lần nhưng chưa nhận được thông tin phản ánh nào về hiện tượng tiêu cực xẩy ra. Với sự minh bạch của kỳ thi này là thí sinh cũng giám sát, người coi thi giám sát và cả xã hội giám sát, chúng ta thấy chất lượng kỳ thi được nâng lên và tính nghiêm túc của kỳ thi được đảm bảo”.
Hồng Hạnh (ghi)
Theo dân trí
Sẽ "quét" hết những vật dụng công nghệ cao trong phòng thi ĐH
Chỉ còn 3 ngày nữa, hàng trăm nghìn thí sinh trên cả nước sẽ bước vào thi đại học đợt 1. Dân trí vừa có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về đề thi, chống tiêu cực trong thi đại học, gian lận công nghệ cao
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Ngày 29/6, Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi ĐH, CĐ. Theo đó, lần đầu tiên Bộ đưa vào một quy chế liên quan đến thi cử vấn đề Xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi - Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh. Có phải sau vụ tiêu cực ở Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ đã sửa đổi quy chế?
Không nhất thiết là như vậy nhưng Quy chế sửa đổi thể hiện quan điểm của lãnh đạo Bộ là thi cử nghiêm túc, đảm bảo chất lượng thật của công tác đào tạo và tạo công bằng trong thi cử. Đồng thời minh bạch hóa trong thi cử để xã hội cùng tham gia giám sát và tạo niềm tin với giáo dục đào tạo.
Bởi vì lâu nay việc thi cử chỉ co cụm trong hội đồng thi, khép kín, việc sảy ra như thế nào không ai biết. Bây giờ công khai, cả quần chúng và thí sinh họ có quyền phản ánh rõ ràng. Nếu có hiện tượng tiêu cực thì các cơ quan chức năng xử lý ngay lập tức.
Tuy nhiên, trong Thông tư bổ sung có yêu cầu trách nhiệm thí sinh là không được mang vào phòng thi tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi... nhưng khuyến khích thí sinh tố cáo tiêu cực trong phòng thi. Hai quy định có vẻ ngược nhau vì người tố cáo tiêu cực phải có bằng chứng?
Bộ chỉ cấm mang vào phòng thi những vật dụng và phương tiện gian lận trong thi. Bằng chứng chống gian lận có nhiều cách khác nhau. Nhiệm vụ thí sinh là làm bài nghiêm túc. Ví dụ, giám thị nghiêm túc, thí sinh làm bài nghiêm túc thì không có bằng chứng gì. Mục đích của Bộ là cán bộ và thí sinh giám sát lẫn nhau cả 2 phía, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi, tạo điều kiện phản ánh tiêu cực trong thi.
Mục đích khuyến khích tiêu cực là phòng ngừa và phản ánh tiêu cực trong thi để giải quyết kịp thời chứ không để xong rồi mới giải quyết thì không được.
Vậy quyền lợi người tố cáo có được đảm bảo không thưa Thứ trưởng?
Thông tin và danh tính người cung cấp thông tin phải được bảo mật. Bên cạnh đó, Bộ đã bổ sung quy định Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những người đã giúp chống tiêu cực trong thi cử.
Thí sinh được quyền giám sát cán bộ coi thi.
Năm nay, dự báo nhiều thiết bị gian lận công nghệ cao. Bộ có biện pháp gì để chống gian lận này thưa Thứ trưởng?
Vì thiết bị công nghệ cao hiện nay quá đa dạng nên Bộ không thể thống kê hết được. Trong điều sửa đổi Quy chế quy định chung là nếu thí sinh sử dụng thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi... là bị đình chỉ thi. Do không lường trước được những dụng cụ công nghệ cao nên Bộ nói chung như vậy để "quét" hết những vật dụng công nghệ cao trong phòng thi. Thí sinh có thể hiểu điện thoại di động, thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tài liệu kể cả "thô sơ" như "phao" thi tự chế, thiết bị thu, phát... là nằm trong quy định bị cấm mang vào phòng thi.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các trường tăng cường tập huấn giám thị, trong quá trình coi thi nếu phát hiện thấy điều gì bất thường phải báo ngay Hội đồng coi thi để xử lý, không được tự xử lý như trước.
Thông tư mới mà Bộ ban hành là cả thí sinh giám sát giám thị chứ không chỉ có giám thị giám sát thí sinh. Vậy nên bắt buộc giám thị phải làm việc nghiêm túc nếu để sảy ra vấn đề gì sẽ bị xử lý rất nặng để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng.
Như Thứ trưởng đã nói, đề thi đại học năm nay không quá dài, không khó, học sinh có lực học trung bình cũng làm được nhằm tạo ra phổ điểm đẹp, có phải như vậy để tránh dư luận nói về chất lượng đào tạo khi điểm thi của thí sinh thấp?
Chủ trương của Bộ là ra đề thi làm sao có tính phân loại cao, không quá dài, không quá khó, không đánh đố thí sinh. Có câu hỏi dễ, câu hỏi khó. Những câu hỏi khó chỉ có học sinh giỏi mới có thể làm được
Đề thi ra để những học sinh trung bình có thể làm được và tập trung ở phổ điểm 4 - 6, tạo cho các trường lựa chọn thí sinh phù hợp với mức độ đào tạo của mình. Như vậy, phổ điểm trung bình sẽ trải rộng ra chứ không để phổ điểm quá thấp như ngày trước.
Thứ trưởng có lời khuyên gì cho thí sinh trước kỳ thi đại học sắp tới?
Còn vài hôm nữa các em thi rồi nên các em cần nghỉ ngơi thật khỏe, tinh thần thoải mái đừng tạo áp lực tâm lý nặng nề trong kỳ thi này. Hãy xem như kỳ thi bình thường.
Năm nay, Bộ cho các em rất nhiều nguyện vọng, kéo dài thời gian xét tuyển. Do vậy, các em vào phòng thi làm hết khả năng của mình vì nếu các em trên điểm sàn của bộ thì rất có nhiều khả năng trúng tuyển vào học trường đại học phù hợp.
Vì đề thi có tính phân loại nên các em phải đọc kỹ đề và chọn những câu hỏi dễ làm trước chứ đừng đương đầu với câu hỏi khó sẽ mất nhiều thời gian.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh (thực hiện)
Theo dân trí
Đề thi ĐH, thí sinh có lực học trung bình cũng làm được Trao đổi với báo chí ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Bộ đã chỉ đạo các tổ ra đề thi ra đề không quá khó, không quá dài, không đánh đố thí sinh để thí sinh có lực học trung bình cũng có thể làm được". Theo Thứ trưởng Ga, đề thi sẽ có tính phân loại cao,...