Philippines ủng hộ Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố “nhất trí cao” với Mỹ sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
“Chúng tôi nhất trí cao với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết trong thông cáo của bộ này hôm nay.
Ông Lorenzana kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016, trong đó khẳng định yêu sách “Đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông là không có cơ sở. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ không thi hành phán quyết này.
Manila cũng kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS) đã tham gia ký kết.
“Sẽ là lợi ích tốt nhất cho sự ổn định khu vực khi Trung Quốc thực hiện lời kêu gọi của cộng đồng các quốc gia trong việc tuân theo luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế hiện hành”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu tại Manila, tháng 2/2017. Ảnh: AFP.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông Lorenzana cũng khẳng định Philippines sẽ tiếp tục thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), có tính ràng buộc về pháp lý, để giải quyết tranh chấp và ngăn leo thang căng thẳng trong khu vực.
Tuyên bố được người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines đưa ra sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về “lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông”. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo chỉ trích hành vi “bắt nạt” các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc và khẳng định hầu hết yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trên Biển Đông là “trái pháp luật”.
Pompeo khẳng định “ thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế”.
Tuyên bố cho rằng “hầu hết các yêu sách của Bắc Kinh với các tài nguyên ngoài khơi tại Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của họ để kiểm soát các tài nguyên đó”.
Theo Pompeo, chính sách của Trung Quốc với Biển Đông đã trở nên rõ ràng trong nhiều năm qua. “Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’”. Song Mỹ khẳng định sẽ sát cánh cùng cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và phản đối mọi động thái sử dụng sức mạnh ở Biển Đông và khu vực.
Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Washington – Bắc Kinh đang ở mức xấu nhất trong nhiều năm, với căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, gồm đại dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong, Tây Tạng và chiến tranh thương mại.
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám theo tàu khoan của Malaysia. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Trung Quốc hồi đầu tháng 7 tiến hành cuộc tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã trao công hàm phản đối cuộc tập trận phi pháp của Trung Quốc, yêu cầu nước này không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai.
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: Google.
Việt Nam bác yêu sách chủ quyền phi pháp trong công hàm của Trung Quốc gửi LHQ
Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc.
"Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không phù hợp với luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), hôm 30/3, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách này như đã được nêu trong nhiều văn bản được lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế liên quan", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho hay khi trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết bình luận của Việt Nam liên quan tới việc Trung Quốc gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng.
Ông Thắng cho biết Việt Nam đã giao thiệp với phía Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.
Cũng theo Phó phát ngôn, hôm 10/4, Việt Nam lưu hành công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
"Việc Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hợp quốc là việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của Việt Nam", ông Thắng nhấn mạnh.
Phó phát ngôn nhấn mạnh là một quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS.
Mọi yêu sách biển trái với quy định của UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam đều không có giá trị.
Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.
Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán và các biện pháp hoà bình khác, kể cả các biện pháp như quy định trong UNCLOS.
SONG HY
Bộ Ngoại giao bình luận về căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc ở Natuna Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển, không làm phức tạp tình hình. Đảo Natuna Lớn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Flickr) Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho...