Phi công ‘Nam tước đỏ’ bắn hạ nhiều máy bay nhất thế giới
Manfred von Richthofen được coi là phi công nổi tiếng nhất mọi thời đại khi bắn hạ tới 80 máy bay đối phương trong Thế chiến I.
Ảnh chân dung của Richthofen. Ảnh: Wikipedia.
Khởi đầu là một sĩ quan kỵ binh, “Nam tước đỏ” Manfred von Richthofen đã trở thành một phi công đẳng cấp “Ách” (Ace) nổi tiếng trong Thế chiến I khi bắn hạ ít nhất 80 máy bay đối phương, chủ yếu trong tình trạng bị áp đảo cả về số lượng và chất lượng máy bay, theo War History Online.
Richthofen sinh ngày 5/2/1892, là anh cả trong gia đình quý tộc người Phổ có ba người con. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Đức, Richthofen trở thành sĩ quan kỵ binh, được biên chế vào trung đoàn Uhlans Kaiser Alexander III vào tháng 4/1911 với quân hàm thiếu úy.
Khi Thế chiến I nổ ra, Richthofen tham gia cùng đội kỵ binh chiến đấu trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Nhưng lúc này kỵ binh đã trở nên lạc hậu, nhất là khi giao tranh dưới chiến hào ngày càng trở nên phổ biến, Richthofen xin chuyển sang không quân.
Richthofen hoàn thành khóa huấn luyện phi công trinh sát phát hiện mục tiêu chỉ trong vòng 4 tuần, trong khi những người khác thường phải mất tới ba tháng. Được điều về đơn vị oanh tạc cơ Kampfgeschwader 11, Richthofen nhờ những phi công lão luyện huấn luyện thêm để có thể lái được máy bay Albatros gắn một súng máy bên cánh.
Tháng 9/1915, Richthofen lần đầu tiên dùng súng máy trên chiếc Albatros của mình bắn rơi một máy bay Pháp, nhưng thành tích này không được công nhận do chiếc máy bay Pháp rơi ở phía sau phòng tuyến đối phương.
6 tháng sau, ông tiếp tục bắn hạ một chiếc Nieuport của Pháp, nhưng cũng không được ghi nhận thành tích vì lý do tương tự. Tuy nhiên, ông đã được Boelcke, phi công chiến đấu hàng đầu của Đức khi đó, mời cùng tham gia trận Somme, giúp ông trở thành phi công chính thức.
Đến ngày 17/9/1916, Richthofen lập thành tích đầu tiên được ghi nhận khi tham gia phi đội chiến đấu do Boelcke chỉ huy.
Xuất kích cùng phi đội Jasta 2 mới thành lập của Boelcke, Richthofen tấn công một chiếc máy bay FE-2B của không quân Anh. Dù bị đối phương áp đảo về số lượng, Richthofen vẫn kịp thời xoay sở để tiếp cận và bắn hạ một chiếc máy bay địch.
“Trong phút chốc, tôi ở sau đối phương, gần đến mức sắp đâm vào họ. Tôi dùng súng máy bắn xối xả vào máy bay Anh khiến động cơ vỡ tan, buộc nó phải hạ cánh trên lãnh thổ chúng tôi. Rõ ràng tôi đã bắn trúng người quan sát chỉ thị mục tiêu, làm anh ta rơi ra khỏi máy bay”, Richthofen kể lại sau trận chiến.
Richthofen (trong buồng lái) cùng các phi công trong phi đội Jasta 2. Ảnh: Wikipedia.
Video đang HOT
Trong tháng tiếp theo, phi đội Jasta 2 làm mưa làm gió trên chiến trường Somme. Boelcke không thể chứng kiến thành tích này, ông đã thiệt mạng hồi đầu tháng 10 trong một vụ va chạm với máy bay đồng đội. Ngày 9/10, Manfred von Richtofen nâng thành tích tiêu diệt máy bay đối phương lên con số 9.
Ngày 23/11/1916, Richthofen có trận không chiến căng thẳng với thiếu tá Lanoe George Hawker, người liên tiếp bắn hạ máy bay Đức và là chỉ huy Phi đội 24 của Anh.
Sáng hôm đó, thiếu tá Hawker dẫn đầu biên đội ba tiêm kích tấn công một máy bay Đức nhưng bị rơi vào trận phục kích của Richthofen và các đồng đội. Hai tiêm kích Anh bị trúng đạn nhưng vẫn kịp chạy thoát, còn Hawker ở lại đối mặt với Richthofen và các phi công tinh nhuệ nhất của phi đội Jasta 2.
Từ độ cao 1.800 m, máy bay Đức tách nhau, bay thành một vòng tròn và hạ độ cao xuống 600 m. Không thể chiếm lợi thế, Hawker điều khiển máy bay nhào lộn, khai hỏa và rút về phía quân mình. Nhưng máy bay Đức có lợi thế về tốc độ và hỏa lực, Hawker trở thành nạn nhân thứ 11 của Richthofen.
“Hawker rút về bởi anh ta biết tôi đang đuổi theo. Anh ta bắt đầu bay lắt léo khiến tôi khó ngắm bắn. Khi còn cách máy bay của anh ta 45 m, tôi bắt đầu bắn xối xả. Chúng tôi bám đuổi ở độ cao chỉ 45 m so với mặt đất. Khi còn cách 27 m, khẩu súng máy của tôi liên tục bị kẹt đạn, nhưng cuối cùng anh ta cũng bị trúng đạn sau gáy. Chiếc máy bay sau đó lộn nhào và rơi xuống đất. Anh ta là một người đàn ông dũng cảm và là một phi công chiến đấu đáng gờm”, Richthofen kể lại.
Sau chiến thắng lần thứ 16, Richthofen thành lập phi đội Jagdstaffel 11 của riêng mình, lấy biệt danh là “Gánh xiếc bay”. Ông đã chứng tỏ được tài năng bằng phương thức chiến đấu của riêng mình, dựa trên tính toán chính xác về vị trí, góc độ và cách khai hỏa để tiêu diệt đối phương.
Richthofen chỉ huy phi đội của mình bằng kỷ luật nghiêm ngặt, yêu cầu các phi công thuộc quyền nghiên cứu và học theo chiến thuật của mình. Đến cuối năm 1916, ông sơn máy bay mình sang màu đỏ, biệt danh “Nam tước đỏ” (Red Baron) bắt đầu từ đây.
Đến tháng 3/1917, “Nam tước đỏ” đã bắn rơi 31 máy bay phe Hiệp ước, khiến các phi công Anh khiếp sợ và tìm cách tiêu diệt ông. Richthofen và các phi công trong phi đội may mắn sống sót khi máy bay Anh tập kích nhà chứa máy bay của họ ở Douai vào ngày 5/4.
Trong cuộc chạm trán với Phi đội 20 của Anh 4 tháng sau đó, Richthofen bị trúng đạn ở đầu và vỡ một phần hộp sọ. Dù được chữa trị theo cách tốt nhất, vết thương không bao giờ lành, khiến Richthofen luôn phải chịu những cơn đau đầu dữ dội, khiến kỹ năng bay của ông cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến tháng 9, “Nam tước đỏ” vẫn bắn hạ được chiếc máy bay thứ 60 của đối phương.
Sự nghiệp lừng lẫy của “Nam tước đỏ” chấm dứt vào ngày 21/4/1918, trong một trận đụng độ với phi đội 15 tiêm kích Sopwith Camel của không quân Canada do đại úy phi công Roy Brown dẫn đầu.
Bản sao chiếc máy bay sơn đỏ của Richthofen. Ảnh: Wikipedia.
Trong lúc hơn 30 máy bay của cả hai phe quần đảo dữ dội trên không, chiếc tiêm kích màu đỏ tươi của Richthofen đã thu hút sự chú ý của đại úy Brown. Trong khi “Nam tước đỏ” mải mê đuổi theo một máy bay khác, đại úy Brown lặng lẽ bám theo sau và bắn hạ chiếc máy bay.
Chiếc máy bay màu đỏ trúng đạn và rơi gần Saily-le-Sac, tại khu vực do bộ binh Australia kiểm soát. Lính Autralia nhanh chóng tìm thấy chiếc máy bay và sửng sốt khi phát hiện thi thể Richthofen bên trong.
Trong sự nghiệp không chiến của mình, Richthofen đã bắn hạ 80 máy bay địch các loại, gồm 16 chiếc B.E.2, 13 máy bay F.E.2, 8 chiếc Sopwith Camel, 7 chiếc R.E.8, 5 chiếc Brisfit, 5 chiếc Spad VII, 5 chiếc Nieuport và một số loại khác.
Hơn 80 năm sau khi Manfred von Richthofen tử trận, huyền thoại “Nam tước đỏ” vẫn lưu truyền với niềm tiếc nuối của cả hai bên chiến tuyến. Nhiều sử gia coi Richthofen là một trong những phi công thiện chiến nhất Thế chiến I.
Duy Sơn
Theo VNE
Phi công Mỹ nhảy khỏi máy bay, bắn hạ chiến đấu cơ Nhật
Trong Thế chiến 2, một phi công Mỹ đã làm được điều không tưởng khi nhảy dù khỏi máy bay, rút súng ngắn bắn trúng đầu phi công lái chiến đấu cơ Nhật khiến máy bay này đâm xuống đất.
Khoảnh khắc Baggett dùng súng ngắn bắn vào buồng lái máy bay Nhật. Một phi công Nhật trên máy bay khác chụp lại bức ảnh này.
Theo War History Online, Owen John Baggett sinh ngày 29.8.1920 tại Graham, Texas. Tốt nghiệp Đại học năm 1941, Baggett chuyển đến sống ở New York, làm việc cho một công ty đầu tư chứng khoán ở phố Wall.
Cảm thấy buồn chán với công việc của mình, Baggett lựa chọn gia nhập không quân Mỹ vào tháng 2.1942. Baggett sớm tốt nghiệp khóa huấn luyện phi công sau chưa đầy nửa năm.
Năm 1943, Baggett được điều đến Ấn Độ, tham gia Thế chiến 2 trong phi đội máy bay ném bom B-24, chống lại phát xít Nhật đóng quân ở Myanmar.
Phi đội của Baggett có quy mô nhỏ nhất nhưng lại đóng nhiều vai trò quan trọng, như bảo vệ tuyến đường tiếp tế của quân Đồng minh ở khu vực Ấn Độ-Trung Quốc hay phá hủy mạng lưới liên lạc của Nhật ở Myanmar.
Người hùng Owen John Baggett trong bức ảnh chụp năm 1943.
Nhiệm vụ ngày 31.3.1943 đã đưa Baggett vào lịch sử. Khi đó, đơn vị của Baggett nhận lệnh ném bom phá hủy một cây cầu tại thành phố Pyinmana, Myanmar. Đây là tuyến đường sống còn giúp vận chuyển hàng tiếp tế của Nhật.
Phát xít Nhật điều lực lượng hùng hậu bảo vệ khu vực này với hai sân bay quân sự. Trước khi tiếp cận được mục tiêu, máy bay ném bom B-24 Mỹ bất ngờ bị các tiêm kích Mitsubishi A6M "Zero" của phát xít Nhật bao vây và bắn hạ.
Máy bay do Baggett điều khiển cùng cơ trưởng Lloyd Jensen cũng chịu chung số phận. Phần đuôi máy bay trúng đạn và bốc cháy. Các phi công Mỹ khi đó chỉ có hai lựa chọn, ở lại chết cháy hoặc nhảy dù xuống vùng đất do đối phương kiểm soát.
Baggett nhảy dù ra ngoài không do dự. Khi chiếc chiến đấu cơ Zero Nhật tiến gần đến vị trí của Baggett, vốn đang giả chết, viên phi công mở khoang lái để quan sát rõ hơn. Tận dụng khoảnh khắc này, Baggett bất ngờ rút khẩu súng ngắn M1911 và bắn 4 phát đạn vào buồng lái máy bay địch.
Tiêm kích Mitsubishi A6M "Zero" của Nhật trong Thế chiến 2.
Baggett hiểu rằng nếu không bắn trúng mục tiêu thì sớm muộn anh cũng sẽ bị kẻ địch tiêu diệt. Nhưng may mắn thay, chiếc Zero mà Baggett ngắm bắn bỗng nhiên chao đảo rồi rơi xuống đất. Phi công Nhật sau đó được xác định chết do trúng đạn vào đầu, từ khẩu súng ngắn của Baggett.
Ba người sống sót sau khi nhảy dù, trong đó có Baggett đều bị phát xít Nhật bắt giữ và dẫn giải tới nhà tù ở Singapore.
Không giống như các tù binh khác, các chỉ huy Nhật biết được câu chuyện của Baggett và tỏ ra tôn trọng người lính gan dạ. Thiếu tướng Nhật Arimina còn vui vẻ hướng dẫn cho Baggett cách mổ bụng tự sát theo phong cách của các samurai Nhật Bản thời xưa. Nhưng Baggett không nghĩ rằng đây là một vinh dự và từ chối làm điều này.
Máy bay ném bom B-24 của Mỹ.
Đại tá Harry R Melton Jr bị quân Nhật bắn rơi và bắt sống ngày 25.11.1943 cũng nghe được câu chuyện tương tự. Binh lính Nhật kể rằng một người lính Mỹ điên rồ nào đó đã nhảy dù ra khỏi máy bay, dùng súng ngắn bắn trúng đầu phi công đối phương. Máy bay Nhật lao xuống mặt đất với khoang lái vẫn còn mở.
Melton muốn gửi bản báo cáo chính thức về vu việc này nhưng đã qua đời trong nhà giam. Trong khi đó, Baggett và 37 tù binh khác được đặc nhiệm Mỹ giải cứu sau khi chiến tranh kết thúc.
Baggett nghỉ hưu với hàm Đại tá. Người phi công anh hùng Mỹ qua đời ở tuổi 86 vào năm 2006.
Các tài liệu thời chiến của cả Mỹ và Nhật sau này đều xác nhận rằng, Baggett thực sự đã bắn hạ phi cơ Nhật trong khoảnh khắc hiếm hoi như vậy.
Theo Danviet
Phi công Canada say xỉn, bất tỉnh trong buồng lái trước giờ bay Cảnh sát Canada hôm qua bắt giữ một phi công thuộc hãng hàng không Sunwing Airlines sau khi người này bị phát hiện bất tỉnh ngay trên ghế lái trước giờ máy bay cất cánh. Một máy bay của hãng hàng không Sunwing Airlines. Ảnh: Travel Observers Cảnh sát cho biết viên phi công nói trên chịu trách nhiệm điều khiển chiếc máy...