Phẫu thuật khối ung thư tế bào sụn 1,3 kg ở vị trí hiếm gặp
Khối ung thư sụn nặng 1,3 kg, kích thước 20×30 cm, sát ụ ngồi xương chậu của bệnh nhân được cắt trọn mà không phải tháo bỏ chi tại bệnh viện Tâm Anh.
Ca mổ của chị Lê Thị Thúy Hằng (56 tuổi, TP HCM) diễn ra vào giữa tháng 9, kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, được Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng, Trung tâm phẫu thuật Khớp – Y học Thể thao Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhận định hiếm gặp.
Đây là khối u tế bào sụn ác tính kích thước lớn bất thường, bờ nham nhở, cứng chắc, không rõ ranh giới, phát triển trên nền một khối u xương sụn lành tính xuất phát từ ụ ngồi. Lần đầu tiên trong 20 năm làm nghề, ông thực hiện ca mổ trong hoàn cảnh đặc biệt, bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thao tác ở tư thế thăm khám sản phụ khoa và đường mổ đi từ dưới ụ ngồi (phía mông) ngược lên.
Phó giáo sư Trần Trung Dũng và êkip bác sĩ bệnh viện Tâm Anh phẫu thuật cắt khối u sụn cho bệnh nhân Lê Thị Thúy Hằng. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Năm 2016, chị Hằng phát hiện có khối u nhỏ ở vị trí mặt trong của đùi trái. Ngoài vị trí này, nhiều khối u có tính chất tương tự cũng xuất hiện rải rác ở tay, chân. Sau khi thăm khám, chụp X-quang và cộng hưởng từ tại một bệnh viện ở TP HCM, bác sĩ kết luận chị bị đa u xương sụn lành tính, chưa cần xử trí hay can thiệp điều trị.
Hơn một năm sau, khối u ở vị trí mặt trong đùi trái phát triển nhanh, kích thước to bất thường, che lấp vùng kín khiến việc tiểu tiện và vệ sinh khó khăn, thậm chí không thể ngồi và đi lại. Lúc này, chị được chẩn đoán sarcoma sụn (ung thư sụn) nhưng bác sĩ nhiều nơi từ chối phẫu thuật vì khối u đã quá lớn. Nếu phẫu thuật có nguy cơ lấy không hết u, khả năng tái phát cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
“Tôi đi rất nhiều bệnh viện, nhưng qua hơn 20 lần khám và hội chẩn, bác sĩ vẫn từ chối phẫu thuật và khuyên tôi chấp nhận sống chung với khối u, hoặc nếu có can thiệp thì chỉ còn cách cắt bỏ toàn bộ chân trái. Lúc ấy tôi hoang mang, lo sợ, không biết mình nên làm gì và sống được bao lâu”, chị Hằng kể lại.
Khối u kích thước 20×30 cm nằm sát ụ ngồi xương chậu của nữ bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Tình cờ theo dõi chương trình tư vấn sức khỏe và biết Bệnh viện đa khoa Tâm Anh ở Hà Nội có Trung tâm phẫu thuật Khớp – Y học thể thao đã thực hiện thành công nhiều ca phức tạp cho người bệnh ung thư xương, tháng 9, chị quyết định ra Hà Nội với hy vọng sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u mà vẫn bảo toàn chi thể.
Bác sĩ Trần Trung Dũng chia sẻ, khối u của bệnh nhân là u lành tính biến đổi thành ác tính (ung thư hóa) chứ không phải là khối u ung thư nguyên phát. Êkip hơn 10 bác sĩ đầu ngành hội chẩn, đánh giá lại vị trí, kích thước khối u, lên phương án tiếp cận, tiên lượng tất cả các nguy cơ.
Điều quan trọng trước hết là phải xác định chính xác vị trí khối u để bóc tách trọn vẹn mà vẫn giữ chi thể. Tuy nhiên, việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn do khối u có vị trí xuất phát khác thường: từ vùng sát với ụ ngồi của xương chậu, phát triển ra vùng bẹn chứ không từ vùng xương đùi hay từ phần mềm. Khối u đã xâm lấn sang tổ chức xung quanh, chèn ép vào mạch máu và thần kinh vùng mông và đùi. Bằng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại bậc nhất, các bác sĩ đã xác định chính xác vị trí khối u. Êkip đưa ra phương án phẫu thuật lấy toàn bộ khối u mà vẫn bảo toàn mạch máu thần kinh xung quanh và chi thể cho bệnh nhân. Đây là thách thức lớn được đặt ra với các bác sĩ của bệnh viện Tâm Anh.
Khối u sụn của bệnh nhân Lê Thị Thúy Hằng được cắt bỏ. Ảnh: Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Để có thể loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư, theo Phó giáo sư Trần Trung Dũng, phải đánh giá chính xác ranh giới mô lành và mô ung thư để có thể cắt hết khối ung thư mà không hy sinh quá nhiều mô lành. Với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, sự kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, đặc biệt Trung tâm hồi sức tích cực, điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ sau phẫu thuật, ca mổ diễn ra thành công và bệnh nhân phục hồi nhanh. Ngày thứ hai sau phẫu thuật, chị Hằng đã có thể tập đi lại bình thường, không có tổn thương mạch máu thần kinh xung quanh.
Chị Lê Thị Thúy Hằng có thể đi lại bình thường 2 ngày sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Ung thư sụn có thể xuất hiện nguyên phát hoặc chuyển dạng thành ác tính từ u xương sụn lành tính. U xương sụn lành tính như trường hợp của chị Lê Thị Thúy Hằng là loại u hay gặp nhất của hệ xương, lên đến 20-50% các khối u xương. Với trường hợp đa u xương sụn như vậy, bác sĩ Trần Trung Dũng đánh giá có khoảng 30% sẽ xảy ra tình trạng biến đổi ác tính thành ung thư nên người bệnh cần cảnh giác về nguy cơ chuyển từ u xương lành sang dạng ác tính.
Video đang HOT
Đa số các trường hợp người bệnh u xương sụn lành tính thường không theo dõi bệnh định kỳ do chủ quan, chỉ đến khi khối u có các biểu hiện bất thường như phát triển nhanh và gây đau quá mức mới thăm khám thì đã muộn. Các khối u ung thư hóa thường phá hủy xương khiến bệnh nhân bị biến dạng chi, đau đớn, hạn chế vận động, có thể dẫn tới tử vong khi các tế bào ung thư di căn, nếu phẫu thuật không khéo sẽ dẫn tới phải đoạn chi.
Để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trước khi u sụn lành tính chuyển thành u ác tính, Phó giáo sư Dũng khuyến cáo bệnh nhân cần thăm khám định kỳ 2-3 tháng một lần, đặc biệt khi có các dấu hiệu xương hoặc khối sụn vẫn phát triển khi hết thời kỳ tăng trưởng, đau xương sau tuổi dậy thì, mô mềm vị trí u xương sụn to lên bất thường, nắp khối u xương sụn dày trên 1,5 cm, đau khi vận động… Có những dấu hiệu này cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, sàng lọc và theo dõi chặt chẽ.
Căn bệnh hiếm gặp ẩn dưới làn da của nữ họa sĩ xinh đẹp: 'Tôi thấy mình như chết dần...'
Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Lori phát hiện mình mắc một hội chứng rối loạn di truyền đáng sợ khiến cô cảm thấy mình đang chết dần...
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc nhất lớp tại Trường Nghệ thuật Thị giác, thành phố New York, Hoa Kỳ, Lori Early bắt đầu hành trình hiện thực hóa ước mơ thời thơ ấu của mình: trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bằng tài năng và sự cần mẫn, Lori tạo ra rất nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận, giới phê bình thì khen ngợi là "những bức chân dung chân thực hiếm có".
Tác phẩm Lori thu hút sự chú ý của các phòng tranh, các nhà sưu tập trong nước và quốc tế. Lori tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm tranh và trình diễn nghệ thuật cá nhân ở New York, Los Angeles, Seattle và London...
Nhưng thì ra tất cả đó chỉ là bề nổi trong cuộc đời của Lori. Từ nhỏ cô mang một căn bệnh thường xuyên khiến mình đau đớn, và đến khi ở đỉnh cao sự nghiệp, cô bắt đầu cảm thấy cơ thể mình như đang chết dần...
Lori Early là một nữ họa sĩ xinh đẹp nổi tiếng người Mỹ
Lori tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm tranh và trình diễn nghệ thuật cá nhân ở New York, Los Angeles, Seattle và London.
Hội chứng hiếm gặp EDS
Từ nhỏ, Lori đã mắc một chứng bệnh mà gia đình cô không tìm ra nguyên nhân. "Tôi đã chịu đựng đau đớn kể từ khi là một đứa trẻ", Lori chia sẻ. "Mọi người luôn nói rằng nhìn tôi trẻ và khỏe như vậy thì không thể bệnh. Nhưng thật ra, vẻ ngoài đó chính là do căn bệnh, tôi luôn phải chịu đau đớn, và chẳng ai tin tôi cả".
Cụ thể là vào năm 2010, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Lori cuối cùng cũng biết nguyên nhân của mọi đau đớn cô đã phải chịu đựng. Sau nhiều năm đi khám, Lori gặp được một nhà di truyền học ở thành phố New York, người đã đưa ra chẩn đoán chính xác về căn bệnh của cô, đó là một hội chứng hiếm gặp có tên Ehlers-Danlos syndrome (EDS).
EDS là một nhóm các rối loạn di truyền khiến bệnh nhân có khớp mềm dẻo quá mức và da căng giãn, mỏng manh. Vì khớp mềm dẻo quá mức nên cô có nguy cơ chấn thương cao hơn, và thường xuyên phải chịu đau đớn, đặc biệt là mỗi khi vận động. Da mỏng cũng khiến cô dễ gặp nguy hiểm nếu bị thương, vì rất khó để giữ lành các vết khâu.
"Càng ngày tôi càng phải bỏ nhiều buổi trưng bày vì không thể thực hiện", Lori nói. "Càng ngày tôi càng ốm yếu. Tôi thấy mình như đang chết dần... Không ai tin tôi bị bệnh, vì những người bị EDS nhìn bề ngoài như là đang khỏe mạnh hồng hào. Chúng tôi trông trẻ hơn hầu hết bạn bè cùng tuổi, vì làn da của chúng tôi co giãn tốt hơn, nhưng đó mới là vấn đề".
Lori bị chẩn đoán mắc hội chứng Ehlers-Danlos (EDS).
Lori chụp ảnh cùng mẹ của mình
Không có nhiều nơi chuyên về điều trị EDS. Do đó, Lori không thể tìm được một chuyên gia để điều trị EDS ở New York. Cô buộc phải đưa ra một trong những quyết định khó khăn nhất trong đời. "Tôi biết mình phải dừng sự nghiệp nghệ thuật của mình", cô nói. "Bác sĩ nói tôi cần được trợ giúp y tế ngay lập tức và liên tục".
Lori quyết định về quê hương ở Florida để ở gần bố mẹ hơn và tiến hành phẫu thuật theo tư vấn của bác sĩ. Tuy nhiên, các cuộc phẫu thuật chỉ giúp Lori đỡ hơn phần nào, không thể chữa dứt điểm căn bệnh hiếm gặp của cô.
Vượt qua nỗi sợ
Thế rồi Lori có cơ may khi tìm đến Phòng khám Mayo ở Florida, một trong số ít các cơ sở y tế quen với việc điều trị bệnh nhân EDS. Cô gặp Thomas Rizzo, bác sĩ về Y học thể chất và Phục hồi chức năng. Sau khi khám, bác sĩ Rizzo xác định Lori cần một chương trình tập luyện sức mạnh và vật lý trị liệu cá nhân hóa, nhằm chống lại những ảnh hưởng của EDS.
Trước khi đến với Mayo, Lori đã kiểm soát cơn đau EDS của mình bằng các dụng cụ hỗ trợ như băng đeo chân, băng bó cổ. Cô cũng thử vật lý trị liệu cơ bản và các bài tập cổ, nhưng điều đó khiến cô đau hơn.
Bác sĩ Rizzo nói: "Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Đối với bệnh nhân EDS, các cơ và khớp của họ di chuyển không phải lúc nào cũng nhất quán, vì vậy các bài tập rèn luyện sức mạnh cho họ phải khác một chút".
Trước khi đến với Mayo, Lori đã kiểm soát cơn đau EDS của mình bằng các dụng cụ hỗ trợ như băng đeo chân, băng bó cổ.
Sau khi đánh giá nhu cầu cá nhân của Lori, bác sĩ Rizzo giới thiệu cho cô hai nhà vật lý trị liệu Sunni Alessandria và Edsel Bittencourt.
Ban đầu, cô được Edsel hướng dẫn một số liệu pháp thủ công để tác động lên mô mềm và giúp cơ bắp được thư giãn. "Rất nhiều bệnh nhân EDS bị đau do khả năng vận động của họ", bác sĩ Alessandria nói. "Các khớp của họ phải chịu nhiều sức ép. Mọi thứ đều đau đớn và người bệnh căng thẳng".
Alessandria nói thêm: "Đầu chương trình vật lý trị liệu, Edsel giúp Lori thư giãn, và sau đó anh ấy đưa Lori đến gặp tôi để tập thể dục".
Alessandria giới thiệu cho Lori một hình thức tập thể dục cô thường xuyên sử dụng với bệnh nhân EDS, đó là bài tập Pilates.
Alessandria nói: "Pilates là một công cụ tuyệt vời với bệnh nhân EDS vì đó là một bài tập toàn thân. Bệnh nhân EDS không cần phải kéo căng cơ nhiều. Điều họ cần là tăng cường sức mạnh. Pilates là cách an toàn để họ tăng cường sức mạnh toàn bộ cơ thể mà không tạo sức ép cho khớp".
Vẻ rạng rỡ của nữ họa sĩ tài năng.
Tuy nhiên, trước khi Lori có thể trải nghiệm những lợi ích của Pilates, cô phải giải quyết được nỗi sợ đau.
Alessandria nói: "Ban đầu, chúng tôi phải nỗ lực để giúp cô ấy vượt qua nỗi sợ hãi khi tập thể dục và di chuyển, vì cô ấy từng rất đau đớn khi vận động".
Alessandria giúp Lori vượt qua nỗi sợ một cách chậm rãi và bài bản.
"Chúng tôi bắt đầu một cách nhẹ nhàng bằng cách để cô ấy nằm xuống", Alessandria kể. "Sau đó, chúng tôi chuyển sang một số động tác chống chân nhẹ, thực sự không khác gì đứng lên và ngồi xuống... Sau đó, chúng tôi chuyển sang các động tác giúp tăng cường sức mạnh của nhóm cơ cốt lõi của cơ thể".
Alessandria cũng tập trung vào việc tập cơ bụng và cơ tay cho Lori. Bác sĩ kể: "Chúng tôi thực hiện một số kỹ thuật thở và thư giãn. Lori thích điều này vì chúng rất êm ái và nhẹ nhàng".
Trong suốt quãng thời gian tập luyện, Earley vẫn hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Cô nói cô muốn nâng cao nhận thức về hội chứng Ehlers-Danlos, đồng thời mang lại sức mạnh và cảm hứng cho những người có hoàn cảnh tương tự.
Lori đã vượt qua nỗi sợ hãi để tích cực tập luyện.
Thành quả ngọt ngào
Sau hai tháng kiên trì và dũng cảm tập luyện, Lori cuối cùng cảm thấy cơ thể có sự khác biệt lớn. Trước đó, Lori đôi lúc không thể đi lại. Nhưng nhờ có nghị lực cao, nữ họa sĩ đã có thể tự đi một mình.
"Các bài tập giúp tôi rất nhiều," Lori nói. "Thỉnh thoảng tôi từng phải dùng xe lăn, xe tập đi hoặc gậy để đi lại - tùy thuộc vào mức độ đau của tôi. Nhưng kể từ khi bắt đầu chương trình vật lý trị liệu, tôi thậm chí không phải chống gậy".
Hiện, Lori vẫn phải tuân thủ chương trình vật lý trị liệu do bác sĩ thiết kế. Nữ họa sĩ lạc quan và quyết tâm hơn bao giờ hết với hy vọng sớm có thể toàn tâm toàn ý với nghệ thuật.
Lori chụp ảnh cùng mèo của mình.
Bác sĩ Alessandria phân tích: "Thích ứng với bệnh EDS là việc cả đời. Nó không phải bệnh điều trị một lần là xong. Sau 2 hai tháng tập luyện, Lori sẽ tiếp tục thực hiện những bài tập này cho đến cuối đời. Điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt cho cô ấy".
Lori đã mua đồ tập pilates cho riêng mình. Và kể từ đó, cô bám sát chương trình tập thể dục hằng tuần do bác sĩ thiết kế.
"Tôi đã tập luyện tại nhà được hai năm nay và tôi cảm thấy rất tốt", Lori nói. "Trên thực tế, nếu không tập luyện, tôi cảm thấy đau hơn hẳn".
Nữ họa sĩ quyết tâm hơn bao giờ hết với hy vọng sớm có thể toàn tâm toàn ý với nghệ thuật.
Hơn nữa, nhờ tập luyện thường xuyên, Lori cũng có thêm sức mạnh để cầm cọ vẽ trở lại.
"Việc vẽ trở lại rất có ý nghĩa với tôi. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ trong suốt cuộc đời để đạt được vị trí của một nghệ sĩ. Tôi không muốn tất cả những điều đó bị mất đi vì căn bệnh EDS", Lori nói. "Cảm ơn các bác sĩ, tôi đã lấy lại được cuộc sống của mình. Tôi rất biết ơn họ".
Lori hiện đang có kế hoạch viết một cuốn sách về câu chuyện cuộc đời độc đáo của mình. Với tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ, cô hy vọng sức mạnh và sự quyết tâm của mình có thể là nguồn cảm hứng cho những người khác.
Trượt té, người đàn ông bị thanh sắt đâm xuyên đầu Thanh sắt phi 12 bị rỉ sét dài khoảng 10 cm cắm vào nhu mô não bệnh nhân khoảng 3 cm. Ngày 21-9, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các sĩ vừa phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên đầu. Bệnh nhân là ông CKH (50 tuổi). Trước đó, ông H. dẫn xe...