Phát triển thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động
Thương mại điện tử trên các thiết bị cầm tay (smartphone, tablet) là chủ đề nóng được đề cập tại Tọa đàm “Phát triển thanh toán trong thương mại điện tử” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Ngày 26/9, Bộ Công thương, đại diện các ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán đã tham gia tọa đàm nhằm tìm ra hướng phát triển cho Thương mại điện tử trong năm 2014. Sự kiện này đã nêu ra những thực trạng trong thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT tại Việt Nam, cũng như quy tập các ý kiến về định hướng phát triển thanh toán trong TMĐT.
Tại buổi tọa đàm, đại diện của nhiều bên như Bộ Công thương, Tổng cục thuế, Bộ Công an… cũng như các doanh nghiệp như VDC, Zalora, 123pay, Banknetvn cho rằng việc phát triển thanh toán trực tuyến trên TMĐT tại Việt Nam hiện còn nhiều trở ngại và cần một giải pháp đồng bộ để bắt kịp với xu hướng thanh toán của thế giới. Giải pháp này phải thúc đẩy được cả thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công, cũng như TMĐT trong doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo được an toàn thông tin.
Đại diện cho các công ty trung gian thanh toán, bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc hệ thống 123pay cho rằng hiện người dùng có xu hướng thay đổi theo công nghệ từ thiết bị máy tính sang thiết bị cầm tay. Trong thanh toán trực tuyến TMĐT, Ngân hàng thương mại cổ phần, đơn vị trung gian thanh toán và các doanh nghiệp bán hàng là ba đơn vị đóng vai trò quan trọng. Do đó, những sự thay đổi trong việc thanh toán trực tuyến sẽ tác động trực tiếp đến ba đơn vị trên.
Giám đốc 123pay cho rằng nếu thanh toán trực tuyến trong TMĐT ở Việt Nam không sớm phát triển, sẽ không thể theo kịp các dịch vụ từ nước ngoài như Apple Pay, Google Wallet.
Theo bà Thanh, các đơn vị trung gian thanh toán như 123pay sẽ phải đối mặt với ba thách thức trong tương lai gần. Thứ nhất là nguy cơ không cạnh tranh được với các ví điện tử như Apple Pay, Google Wallet… Thứ hai là chất lượng dịch vụ trung gian thanh toán có thể bị ảnh hưởng, khả năng giao dịch thành công thấp. Thứ ba là mức phí dịch vụ không cung cấp cho doanh nghiệp bán hàng giá trị nhỏ.
Về giải pháp phát triển, Bà Thanh đã đề xuất Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước tạo điều kiện cho các công ty trung gian thanh toán thí điểm triển khai các dịch thanh toán trực tuyến mới trên thiết bị cầm tay.
Không chỉ xoay quanh các giải pháp để phát triển thanh toán trong TMĐT tại Việt Nam, sự kiện còn là nơi vinh danh các website TMĐT đang hoạt động tốt tại Việt Nam như Lingo.vn, Megabuy.vn, Zalora.vn, Pvionline.com.vn, Vietjetair.com… Đây là những trang TMĐT đáp ứng được các tiêu chí như uy tín, tính sáng tạo, minh bạch hóa thông tin, chính sách bảo vệ thông tin cá nhân,…
Video đang HOT
Theo Zing
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam qua góc nhìn của CEO Sieumua
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong thời gian gần đây đang phát triển khá sôi động, với sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với sự hỗ trợ của nền tảng mobile trong kỷ nguyên internet, việc các doanh nghiệp dịch chuyển công việc kinh doanh sang môi trường online là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, thực hư thị trường TMĐT Việt Nam như thế nào? Đó phải là mảnh đất màu mỡ để các startup bắt đầu xây dựng nền móng cho mình hay không? Những khó khăn gì sẽ chờ đợi khi các startup muốn tham gia vào thị trường này?
Tech in Asia đã có buổi phỏng vấn với anh Phan Văn Sơn, CEO của Sieumua để cùng làm rõ bức tranh toàn cảnh về thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian qua.
Anh có thể cho nhận xét tổng quan thị trường TMĐT ở Việt Nam trong thời gian qua?
Có thể nói, thị trường TMĐT ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2009, bởi vì trước đó hầu hết người Việt Nam đều chưa có khái niệm mua hàng trực tuyến. Sau đó vào năm 2010 thì thị trường TMĐT thực sự bùng phát, với sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp tham gia cùng một lúc, khiến thị trường phát triển khủng khiếp.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ của nhiều doanh nghiệp làm ăn "chộp giật", chỉ làm lấy số lượng mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm, có doanh nghiệp một ngày có thể thực hiện vài ngàn đơn hàng, nhưng sản phẩm mang lại không được như mong đợi của khách hàng. Đồng thời hầu hết các doanh nghiệp TMĐT chỉ nghĩ tới lợi nhuận và chỉ tìm cách bảo vệ lợi ích của mình chứ không nghĩ đến lợi ích cho khách hàng.
Điều nay gây ra một hệ quả nghiêm trọng là khách hàng mất niềm tin vào các doanh nghiệp TMĐT, do đó năm 2012 đánh dấu sự ra đi của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT.
Năm 2012 đánh dấu thời kỳ sụp đổ của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT ở Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35 triệu người thường xuyên sử dụng internet, trong đó có khoảng 10%, tức là khoảng 3,5 triệu người có thói quen mua hàng trực tuyến, có thể thấy thị trường TMĐT ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng để có thể đạt được thành công thì còn rất nhiều khó khăn.
Anh có thể cho biết những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong thị trường TMĐT?
TMĐT là một ngành kinh doanh khá độc lập, không phải ai giỏi kinh doanh truyền thống đều có thể nhảy sang TMĐT. Nhiều người đứng ngoài cứ nghĩ TMĐT đơn giản, chỉ cần làm 1 website là có thể kinh doanh được, tuy nhiên không phải như vậy. Làm TMĐT là phải biết về công nghệ, phải biết cách quản lý các quy trình onilne, phải biết về AdWords, SEO...
Đối với bất kỳ thị trường nào, điều quan trọng nhất là phải tạo được được niềm tin của khách hàng. Sau thời kỳ ra đi của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT, khách hàng bị mất niền tin vào TMĐT. Do đó hiện nay, cần rất nhiều thời gian tích luỹ để tạo dựng lại uy tín của các doanh nghiệp cũng như niềm tin của khách hàng vào TMĐT. Hơn nữa, để có thể tạo dựng một nền tảng vững chắc và trở thành người đi đầu là một vấn đề rất lớn, doanh nghiệp cần phải duy trì niềm tin này trong một thời gian dài.
Thứ hai, hiện nay TMĐT bị cạnh tranh rất gay gắt. Có thể thấy là hiện giờ ai cũng có thể bán hàng trên Facebook được, do vậy khách hàng rất dễ dàng trong việc tìm kiếm và có rất nhiều lựa chọn mua hàng. Nhiều khách hàng còn đặt đơn hàng của 2-3 doanh nghiệp, ai giao nhanh hơn thì mua của người đó khiến giao dịch bị huỷ rất nhiều.
Hơn nữa thị trường Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoặc được đầu tư từ nước ngoài. Những doanh nghiệp này đầu tư vào thương hiệu rất lớn, chăm sóc khách hàng tốt, thậm chí họ còn chấp nhận lỗ để mở rộng thị trường và tăng lượng người dùng.
Thứ ba là người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen thanh toán trực tuyến. Mặc dù công nghệ dành cho thanh toán trực tuyến ở Việt Nam đã sẵn sàng khoảng 5 năm nay, nhưng người dùng Việt Nam vẫn muốn thanh toán dưới hình thức COD (thanh toán khi nhận hàng). Điều này khiến các doanh nghiệp TMĐT tốn rất nhiều chi phí vận hành như: chi phí vận chuyển, chi phí marketing, nhân sự. Nhiều đơn hàng giao thành công rồi vẫn bị khách hàng huỷ khiến chi phí phát sinh tăng cao.
Người dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen thanh toán trực tuyến.
Hơn nữa người dùng Việt Nam hiện nay vẫn quen "xem, sờ, thử" nên nhiều doanh nghiệp TMĐT phải chấp nhận mở cả cửa hàng outlet để phục vụ nhu cầu offline của khách hàng. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài để tăng giá trị thương hiệu có thể mở bán hàng chục ngàn sản phẩm, nhưng lại không thể bao quát hết được, thực tế chỉ có khoảng 5.000 - 7.000 sản phẩm, chưa kể những đơn hàng bị huỷ khiến lượng giao dịch "ảo" tăng lên nhiều lần. Điều này dễ gây ra ảo tưởng cho những startup đang muốn tham gia vào thị trường TMĐT.
Thực tế là không phải ai cũng có thể làm TMĐT trong thời điểm này.
Vậy theo anh, đâu là giải pháp cho các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam?
Làm TMĐT là phải làm từng bước một, những năm đầu tiên chỉ cần một vài người thực sự giỏi để tạo dựng mô hình và thiết lập chiến lược doanh nghiệp, sau đó, khi doanh nghiệp đã đứng vững rồi thì mới cần những đội ngũ giỏi khác để tối ưu hoá dần việc kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Không ai có thể hiểu về thị trường ngay được.
Tiếp theo là các doanh nghiệp TMĐT phải tối ưu hoá chi phí và khuyến khích thanh toán trực tuyến như: miễn phí vận chuyển, hoặc giảm 5% cho những đơn hàng thanh toán trực tuyến...
Bởi vì chỉ có thanh toán trực tuyến mới đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, giúp dòng tiền của doanh nghiệp luân chuyển nhanh hơn, tiết kiệm chi phí và đảm bảo thành công các giao dịch, tỷ lệ khách hàng huỷ đơn hàng ít hơn.
Đồng thời phải tạo được niềm tin và tính chuyên biệt cho khách hàng. Ví dụ như Sieumua lựa chọn chuyên về kinh doanh thời trang, bởi vì thị trường rất lớn, nhiều đối tượng khách hàng, nếu cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt, mọi người sẽ quay lại. Thời trang là mặt hàng hôm nay mua rồi, ngày mai vẫn có thể mua tiếp, không giống như các sản phẩm điện tử, điện máy, nhiều năm sau người dùng vẫn chưa có nhu cầu mua lại.
Nói chung TMĐT ở Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn, thực ra không một doanh nghiệp TMĐT nào dám nói chắc gì về tương lai 5-10 năm tới. Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi cho rằng:
Phải đi theo mô hình khó và khi vượt được qua nó rồi thì bạn mới phát triển bền vững. Bởi vì đi theo các mô hình dễ dàng thì sức cạnh tranh càng cao, thành công càng trở nên bấp bênh.
Xin cảm ơn anh vì buổi phỏng vấn hôm nay!
Biên tập bởi Quyen Quyen - theo techinasia
Mua sắm trực tuyến an toàn tại Lazada với thẻ thanh toán quốc tế Thay vì đáp trả những tin đồn Lazada lừa đảo thất thiệt, website thương mại điện tử này chọn cách âm thầm cải tiến dịch vụ tốt hơn, liên tục đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn và hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng hữu ích cho khách hàng. Tính tới cuối năm 2013, tổng giá trị giao dịch của các...