Phát ngôn gây tranh cãi của CEO Microsoft
Phát ngôn bất cẩn của Satya Nadella trong một hội nghị dành cho phụ nữ vào năm 2014 là sự cố gây tranh cãi hiếm hoi liên quan đến CEO Microsoft.
Tháng 10/2014, Satya Nadella tham gia Lễ kỷ niệm Grace Hopper, hội nghị đặc biệt cho phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ. Tại sự kiện, CEO Microsoft lên sân khấu để trả lời phỏng vấn Maria Klawe, Chủ tịch Đại học Harvey Mudd, thành viên Hội đồng Quản trị Microsoft.
Cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ đến khi Nadella mắc lỗi hớ hênh. Trước 8.000 người tham gia hội nghị, ông tuyên bố phụ nữ nên dựa vào “niềm tin” (faith) trong hệ thống và “làm việc tốt” (good karma) để được tăng lương thay vì yêu cầu cấp trên cân nhắc theo sự xứng đáng.
Ngồi đối diện Nadella, Klawe lập tức phản đối ý kiến. Bà cho rằng phụ nữ nên nghiên cứu và thương lượng để được tăng lương. Quan điểm của Klawe được khán giả vỗ tay đồng tình.
CEO Microsoft buộc phải xin lỗi do bị phản ứng, nói rằng Klawe đã đúng. Sau sự cố phát ngôn bất cẩn tại hội nghị, Nadella đã tăng cường các hoạt động thúc đẩy sự đa dạng tại công ty.
Satya Nadella (trái) và Maria Klawe tại Lễ kỷ niệm Grace Hopper năm 2014.
Bị chèn ép sau khi phản bác Nadella
Phía sau câu chuyện, Klawe khẳng định bị chèn ép do phản bác ý kiến của Nadella. Chủ tịch Microsoft John Thompson đổ lỗi cho Klawe vì đặt Nadella vào tình huống phải thay đổi quan điểm, yêu cầu cô từ bỏ ghế trong hội đồng quản trị.
Đến tháng 10/2015, Microsoft thông báo Klawe rút khỏi danh sách tái tranh cử hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới sau 6 năm.
Video đang HOT
“Tôi có cảm giác bị bịt miệng. Tôi thất vọng khi Nadella để điều đó xảy ra”, Klawe cho biết CEO Microsoft đã được cung cấp câu hỏi phỏng vấn một tháng trước khi sự kiện được tổ chức, lẽ ra không nên bất ngờ với cuộc trò chuyện.
Trả lời Business Insider , phát ngôn viên Microsoft cho rằng công ty luôn có quan điểm tích cực về sự đa dạng trong doanh nghiệp.
“Chúng tôi tôn trọng đóng góp của Maria Klawe dưới tư cách thành viên Hội đồng Quản trị Microsoft… Chúng tôi cam kết duy trì hội đồng có nền tảng, kinh nghiệm đa dạng phù hợp với sự phát triển của công ty”, phát ngôn viên Microsoft khẳng định 63% thành viên hội đồng quản trị đại diện cho đa dạng giới tính, dân tộc, địa lý, văn hóa, và 45% thành viên là phụ nữ.
“Ban giám đốc Microsoft là một trong những hội đồng đa dạng nhất giới công nghệ hiện nay”, người này nói thêm.
Phát ngôn bất cẩn của Nadella được cho đã dẫn đến nhiều thay đổi tích cực tại Microsoft.
“Sự cố của Nadella mang đến thay đổi tích cực”
Phát ngôn bất cẩn của Nadella được ông nhắc đến trong cuốn sách Hit Refresh . CEO Microsoft bày tỏ thái độ tích cực khi “gặp rắc rối trong một sự kiện công khai, giúp tôi đối mặt với thành kiến vô thức mà mình không hề biết, nó cũng cho tôi cảm giác đồng cảm với những phụ nữ tuyệt vời trong cuộc sống và công ty”.
Tuy phải rời Hội đồng Quản trị Microsoft, Klawe tin rằng sự cố của Nadella đã dẫn đến các thay đổi tích cực cho nhân viên nữ tại Microsoft, cũng như ngành công nghệ nói chung.
Cựu thành viên Hội đồng Quản trị Microsoft cho rằng phản ứng của Nadella chứng tỏ sự nhạy bén trong cách lãnh đạo, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm và đưa ra thay đổi tích cực. Cùng thời điểm thông báo sự ra đi của Klawe, Microsoft đã bổ nhiệm 2 nữ lãnh đạo Sandi Peterson và Padmasree Warrior vào hội đồng quản trị.
“Nadella thừa nhận ông ấy mắc sai lầm, nói rằng: Nếu có thể thốt ra câu nói ấy, hẳn tôi không phải người duy nhất. Sau đó, Nadella khởi động chương trình đào tạo tại Microsoft, đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý”, Klawe cho biết.
Bill Gates lại bị chỉ trích
Nói về đồng sáng lập Bill Gates, Klawe cho rằng những thay đổi nhằm cải thiện sự đa dạng của Microsoft sẽ không bao giờ xảy ra nếu vị tỷ phú còn giữ chức. Bà nói rằng Gates, đã rời Hội đồng Quản trị Microsoft vào năm 2020, không ghi nhận đề xuất của các thành viên hội đồng là phụ nữ về cải thiện sự đa dạng.
“Đó không phải chủ đề Gates muốn nghe. Ông ấy thể hiện rõ quan điểm bằng những câu như Bạn định phá nát công ty sao?, ngụ ý rằng sự đa dạng không liên quan đến thành công của Microsoft”, Klawe chia sẻ.
Đồng sáng lập Bill Gates bị nhắc tên do không mặn mà về sự đa dạng tại Microsoft.
Chia sẻ của Klawe được đưa ra khi Bill Gates vừa ly hôn vợ, bà Melinda French Gates. Trong bài viết trên WSJ ngày 16/5, việc Gates rời hội đồng quản trị Microsoft có thể đến từ quan hệ ngoài luồng với một nhân viên trong công ty. Ngoài ra, những lần gặp gỡ của Gates với tội phạm tình dục Jeffrey Epstein cũng là chủ đề được chú ý.
“Hoàn toàn sai khi cho rằng Gates không quan tâm đến việc phát biểu, hoặc thúc đẩy sự đa dạng tại Microsoft… Công ty không chỉ có hành động chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ, giáo dục công nghệ tại các cộng đồng chưa được tiếp nhận. Đây là công việc mà Gates công khai ủng hộ trong nhiều năm”, đại diện của Gates chia sẻ với Business Insider .
Microsoft cho biết 2 trong số 4 ủy ban hội đồng quản trị có phụ nữ làm chủ tịch, chủ đề về đa dạng trong công ty luôn xuất hiện trong hầu hết cuộc họp. “Nếu được chọn lại, tôi vẫn tham gia hội đồng quản trị, vẫn phản bác ông ấy (Nadella) nếu trả lời sai”, Klawe chia sẻ.
CEO Microsoft: 'Nâng nhóm mình lên, hạ người khác xuống' không phải là lãnh đạo
CEO Microsoft Satya Nadella đã chia sẻ quan điểm về các phẩm chất của một lãnh đạo doanh nghiệp.
CEO Microsoft Satya Nadella.
Ông Nadella không phải tuýp lãnh đạo thích khoe khoang và hạ bệ đối thủ. Sau khi tiếp quản Microsoft từ Steve Ballmer 7 năm trước, ông đã thành lập liên minh với các đối thủ như Red Hat, Salesforce, thậm chí còn cho phép mọi người dùng trợ lý Alexa của Amazon trên hệ điều hành Windows.
Ông tiếp tục cho thấy sự ôn hòa của mình khi được cựu Giám đốc Microsoft Jeff Raikes hỏi về lời khuyên dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp. Theo ông, nghệ thuật lãnh đạo không phải là nói rằng "nhóm của tôi tuyệt vời, còn người khác đều dở". Trong thế giới đa phương, lãnh đạo cần mang mọi người đến với nhau.
Ông Nadella gia nhập Microsoft năm 1992, khi đồng sáng lập Microsoft vẫn đang lãnh đạo công ty. Song ông cũng khác với Gates. Trong màn hỏi đáp trên diễn đàn Reddit năm 2013, Gates từng viết: "Bing thật sự là sản phẩm tốt hơn" dù Google đang kiểm soát thị trường tìm kiếm Internet.
Ngược lại, Microsoft dưới thời Nadella trở nên khoan dung hơn với các đối thủ cùng ngành. Nếu như trong quá khứ, công ty xem phần mềm nguồn mở là thế lực cạnh tranh, nay hãng lại mua dịch vụ lưu trữ mã nguồn mở GitHub với giá 7,5 tỷ USD và tích hợp hệ điều hành nguồn mở Linux vào Windows.
Ông ít khi nhắc trực tiếp tên đối thủ. Chẳng hạn, tại một sự kiện của Microsoft mới đây, ông chỉ nói "không khách hàng nào muốn phụ thuộc vào một nhà cung cấp vừa bán công nghệ cho họ, vừa cạnh tranh với họ". Đây được xem là lời ám chỉ Amazon, vốn cạnh tranh với một số khách hàng mua đám mây của mình.
Ngoài ra, ông cũng nhắc tới một số phẩm chất lãnh đạo khác. Chẳng hạn, ông cho rằng lãnh đạo có năng lực bẩm sinh, giải quyết các tình huống không ổn định, mang tới sự rõ ràng. Lãnh đạo không phải người làm cho một tình huống rắc rối trở nên rắc rối hơn. Lãnh đạo cũng phải là người tạo ra năng lượng. Điều đó thể hiện rõ nhất khi một ai đó sau khi gặp gỡ họ và nói "Chà, tôi muốn tham gia nhóm này, tôi muốn trở thành một phần của nhóm".
Ông Nadella cho rằng: "Lãnh đạo không nói: "Hãy cho tôi một sàn đấu hoàn hảo để trình diễn". Tôi không thể nói: "Để tôi chờ dịch bệnh kết thúc để thể hiện tài lãnh đạo của mình". Trong các tình huống bắt buộc, người lãnh đạo cần giải phóng bản thân, giải phóng nhóm của mình để họ có thể đạt được mọi thứ.
Theo CEO Microsoft, không ai là hoàn hảo. Song, ông luôn tự hỏi bản thân mỗi ngày liệu ông có tốt hơn ngày hôm qua hay không.
Microsoft đột nhiên lại muốn "yêu" Windows thêm một lần nữa Trong bối cảnh Windows đang đóng vai trò thời kỳ dịch Covid-19 hiện nay, Microsoft lại đang tập trung cho Windows như một cứu cánh quan trọng. Xu hướng mới đã buộc Microsoft phải tập trung nhiều hơn cho các mảng kinh doanh đem tới nhiều lợi nhuận nhất, ví dụ như đầu tư cho các sản phẩm mang lại lợi nhuận như...